Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Bắc Kinh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 20-7-2018] Năm 2017, tôi đọc qua Tuần san Minh Huệ để cắt và biên soạn các bài viết liên quan tới văn hóa Thần truyền và văn hoá truyền thống Trung Hoa. Một bài viết có tựa đề “Chớ cầu danh mà tự gạt mình” khiến tôi chú ý.
Một người tên Diệp Đồng Sơn từng giữ vai trò phân phát quân nhu trong quân đội, bao gồm cả lương bổng của binh lính. Khi rời khỏi quân đội, ông đã tích lũy được một khoản tiền khá lớn. Tiền được chuyển đến cho ông, nhưng ông từ chối không nhận.
Sau khi trở về quê nhà, ông đã gặp phải một số khó khăn về tài chính. Khi người hầu cận của ông để vuột mất một con cá, ông đã không vui. Vợ ông nhắc với ông rằng ông đã không nhận cả số tiền lớn khi rời khỏi quân đội, thế mà giờ ông lại làm ầm lên chỉ vì một việc cỏn con. Ông đã cười to khi nghe vậy.
Câu chuyện khiến tôi suy nghĩ: Phải chăng tu luyện cũng như vậy? Chẳng phải chúng ta nên chiểu theo Pháp, dù chỉ là trong những việc nhỏ thôi ư? Ví dụ thế này, vào thời kỳ đầu của cuộc bức hại, bí thư Đảng của đơn vị nơi tôi làm việc chuyển một thông điệp cho tôi, nói rằng nếu tôi ngừng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp thì tôi có thể trở lại làm việc và đồng thời nhận toàn bộ khoản tiền lương và tiền thưởng đã bị giữ lại trước đó, đó là một khoản tiền lớn.
Tôi đã mỉm cười, và không động tâm khi nghe được điều này.
Tuy nhiên, một lần gần đây khi tôi đi mua sắm hàng tạp hoá, tôi lại hơi lo lắng về chuyện được mất nhỏ nhoi. Tôi thậm chí còn lấy thêm một cái túi nylon ở quầy thanh toán, dù tôi đã có rất nhiều túi nylon ở nhà.
Suy nghĩ ban đầu của tôi là việc này không sai, nhưng sau đó tôi dần nhận ra đó chính là một chấp trước của mình vào tư lợi, truy cầu những lợi ích nhỏ, và không muốn bị thua thiệt.
Xả bỏ chấp trước vào những thứ nhỏ nhặt
Tôi quyết định đã đến lúc phải xả bỏ những chấp trước này. Trong suốt quá trình, tôi nhận ra rằng mình cần phải liên tục nhắc nhở bản thân rằng tôi là một người tu luyện Đại Pháp, vì mỗi khi buông lơi dù chỉ một chút thì tôi lại lặp lại sai lầm. Lý do là sâu thẳm trong tâm, tôi xem những vấn đề này quá nhỏ không đáng bận tâm. Chúng đã trở thành thói quen, và nếu tôi không chú ý thì sẽ rất khó để loại bỏ chúng. Đối với người tu luyện, mất đi chút lợi ích cá nhân có thể là việc tốt.
Người tu luyện có thể nhìn thấy những vấn đề to lớn hơn đang cản trở tu luyện mình, nhưng lại dễ dàng bỏ qua những việc nhỏ. Trong tu luyện không có việc nhỏ, và chúng ta không thể để bản thân rơi rớt vì những việc nhỏ nhặt.
Vấn đề lớn hay nhỏ không quan trọng. Quan trọng nhất là chấp trước cơ bản vào danh, vị tư, và tự lừa dối bản thân ẩn đằng sau những vấn đề đó. Sao chúng ta có thể tu luyện mà không vứt bỏ các chấp trước này?
Nó cũng có thể biểu lộ ra trong các vấn đề gia đình. Khi một người hành xử như một người tu luyện và hướng nội vô điều kiện, gia đình của người này sẽ hoà thuận. Nếu không thì sẽ xảy ra tranh đấu và cãi lộn. Khi một người tu luyện chính lại bản thân mình, môi trường quanh họ sẽ được cải thiện. Quá trình chính lại bản thân mình là quá trình tu luyện. Đó là thực tu chân chính.
Sư phụ giảng:
“… chư vị không được coi những việc nhỏ thành những việc chẳng đáng kể. Tà ác sẽ chui vào sơ hở, rất nhiều học viên là vì việc nhỏ mà thậm chí đã ra đi rồi, cũng quả thực đều vì những việc hết sức nhỏ bé. Là vì tu luyện là nghiêm túc, là vô lậu, chư vị tại những việc đó qua thời gian lâu mà không tu [vượt] qua, tuy là nhỏ, chư vị thời gian lâu không coi trọng, thì chính là sự việc rồi, cho nên rất nhiều người là vì thế mà ra đi.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ quốc 2015)
Chúng ta nên để tâm tới những việc nhỏ và tu luyện bản thân cho tốt.
Động cơ không thuần tịnh
Bài viết tôi đọc cũng nói về một câu chuyện khác: Một người đã làm rất nhiều việc tốt khi ông còn sống, nhưng sau khi chết ông lại bị trừng phạt ở dưới địa ngục. Diêm Vương lấy ra một cuốn sổ ghi chép toàn bộ những việc ông đã làm trong đời. Những việc tốt ông đã làm đều được liệt kê dưới mục “danh” hoặc “tư lợi”. Có thể thấy rõ là ông ta không hề có suy nghĩ tử tế hay lòng tốt nào cả. Tất cả những hành động tốt ông đã làm đều do tâm truy cầu danh và tư lợi dẫn động. Xem lại những việc đó, ông không còn gì để nói.
Liệu tôi đã vứt bỏ được bao nhiêu chấp trước từ khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ năm 1995 tới nay? Một số đã được vứt bỏ, số khác thậm chí còn tăng trưởng trở nên nghiêm trọng hơn. Có một số việc, bề ngoài là đường hoàng, như tô vàng nạm ngọc, nhưng bên trong lại thối rữa. Mặt ngoài cải biến là để cho người khác nhìn, nhưng trong tâm tôi lại không hề cải biến. Sau khi xem lại việc tu luyện của mình và xem kỹ tâm mình lúc này, tôi nhận ra những động cơ của mình là chưa đủ thuần tịnh, tâm vị tư dơ bẩn được che đậy và các chủng chấp trước khác bị trộn lẫn vào.
Vũ trụ mới là vị tha, và người tu luyện cần đạt tới tiêu chuẩn đó. Sư phụ giảng:
“… tu thành bậc Chính Giác vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã.” (Phật tính vô lậu, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Tôi còn cách quá xa với điều mà Sư phụ mong đợi. Đã nhiều lần khi những nhân tâm của tôi trỗi dậy, thay vì vứt bỏ, tôi lại đồng hành và để mặc cho chúng tiếp tục lớn mạnh. Khi các đồng tu chỉ ra những chấp trước của tôi, thay vì nhanh chóng hướng nội và xả bỏ, tôi lại vờ như chúng không hề tồn tại và cố biện minh, che đậy chúng, hoặc đơn giản là không thừa nhận chúng.
Thỉnh thoảng tôi chỉ thừa nhận vấn đề của mình trên bề mặt nhưng sâu thẳm bên trong tôi lại không hề thừa nhận. Tôi đã không thực tu bản thân hay hướng nội. Vậy mà tôi lại coi như bản thân đã thực thi tốt ba việc, thậm chí còn tốt hơn những người khác. Tôi đã đang lừa dối chính mình và người khác.
Tôi có chấp trước sợ hãi và sợ giảng chân tướng trực diện. Tôi nên tăng cường chính niệm, đặt tâm hơn vào việc học Pháp, vượt qua nỗi sợ, và bước lên tiếp tục cải biến bản thân. Nhưng tôi đã không làm vậy, thay vào đó tôi quyết định sản xuất nhiều tài liệu Đại Pháp hơn để tránh phải vượt qua tâm sợ hãi.
Tôi sản xuất các tài liệu giảng chân tướng như đĩa DVD, các cuốn tài liệu nhỏ, đánh dấu sách, hình dán, thiệp, và tạp chí. Tuy nhiên, mục đích và động cơ của tôi lại không thuần tịnh. Ý định và suy nghĩ của tôi không phải là về giúp chúng sinh minh bạch chân tướng và được cứu. Thay vào đó, tôi chỉ nghĩ về việc mình cần tu luyện như thế nào.
Tôi nhận được rất nhiều lời khen từ các bạn đồng tu, nhưng tôi cảm thấy xấu hổ vì điều đó. Tôi đã làm quá nhiều những việc như vậy để gặt hái những lời khen ngợi.
Tu luyện là tu chính mình. Người tu cần phải chịu khổ và tiêu nghiệp. Cần phải ngộ và vứt bỏ chấp trước vào danh lợi tình. Còn cần phải nắm chắc từng ý niệm và hành động của mình.
Sư phụ giảng,
“Tu đắc chấp trước vô nhất lậu”
(Mê trung tu, Hồng Ngâm)
Diễn nghĩa:
Tu đến chấp trước không còn lậu
Trên đây là những thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có bất kỳ điều gì không phù hợp xin hãy từ bi chỉ rõ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/7/20/371230.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/8/17/171546.html
Đăng ngày 31-08-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.