Bài viết của Tiểu Viên, một học viên Pháp Luân Đại Pháp

[MINH HUỆ 29-12-2017] Hôm qua một học viên đã chia sẻ với tôi rằng nhà cô ấy không có thùng để rác. Tôi đáp lại cô ấy: “Tôi chưa hề gặp một ai mà trong nhà lại không có thùng rác.” Ngay tối hôm đó, cô ấy đã đi ra ngoài và mua về một cái thùng để rác với giá gấp ba lần giá thông thường. Hẳn là cô ấy đã rất e ngại tôi.

Tôi rất ngạc nhiên và tự hỏi vì sao cô ấy lại sợ tôi như vậy. Cha tôi cũng thường nói rằng ông ấy sợ tôi. Bởi vì tôi là một giáo viên, nên ông cho rằng tôi đã quen với việc khiển trách học sinh của mình và vì thế tôi cũng đối xử với người khác theo cách đó.

Họ đều lớn tuổi hơn tôi, vậy vì lý do gì mà họ lại sợ tôi? Tôi không nhớ là mình đã nổi giận hay tỏ thái độ gì trước mặt cô ấy.

Nghĩ lại, tôi thấy mình thường hay cau mày hoặc có ánh nhìn giận dỗi một cách vô cớ. Khi học Pháp hoặc ngồi đả tọa, tôi đã không thể hiện được “nét mặt mang ý an hoà”. (“Chương II Đồ hình và giải thích động tác” trong Đại Viên Mãn Pháp)

Tôi đã không đủ tốt bụng và từ bi. Tôi nên làm gì để cải thiện được vấn đề này? Sư phụ đã giảng:

“Bình thường chư vị luôn luôn bảo trì trái tim từ bi, [bảo trì] tâm thái hoà ái; [khi] gặp vấn đề thì sẽ xử lý được tốt, bởi vì nó có một khoảng hoà hoãn. Chư vị luôn từ bi, lấy Thiện đãi người, làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác, mỗi khi gặp vấn đề thì trước hết nghĩ rằng: ‘Việc này đối với người khác có thể chịu được không, đối với người khác có phương hại gì không’; như vậy sẽ không xuất hiện vấn đề gì.” (Chuyển Pháp Luân)

Sư phụ cũng giảng:

“Đó đâu phải xuất phát từ tâm từ bi; cái tâm danh lợi người ấy chưa hề dứt bỏ.” (Chuyển Pháp Luân)

Vậy căn nguyên của việc thiếu từ bi của tôi là gì?

Tôi đã hướng nội và tìm ra chấp trước của mình. Tôi thường đứng trên cơ điểm của bản thân mà mình cho là đúng để chỉ trích người khác. Mặc dù tôi không đổ lỗi cho người khác, nhưng tôi không cho họ thời gian để sửa chữa.

Thái độ của tôi là: “Tôi hoàn toàn đúng, còn bạn hoàn toàn sai”, và đó là cách mà tôi trấn áp và khiến những người xung quanh phải im lặng.

Tôi nghĩ sự tự cao tự đại và tính kiêu ngạo của mình bắt nguồn từ văn hóa Đảng: luôn tranh giành quyền lực và đấu đá với hết thảy mọi người và mọi vật. Nhiều biểu hiện xấu xa và tiêu cực tràn lan khắp thế giới cũng đều có nguồn gốc từ văn hóa Đảng.

Tôi đã từng đọc một câu: Một trong bảy tội lỗi lớn nhất của con người là “tính tự cao tự đại”, và nó là tội lớn nhất dưới địa ngục. Bây giờ thì tôi hiểu rằng, tính kiêu ngạo và tự cao tự đại, cùng với quan điểm “tôi hoàn toàn đúng” đều thể hiện sự ích kỷ và thiếu từ bi.

Có nhiều lúc tôi nghĩ rằng mình hoàn toàn đúng còn những người khác hoàn toàn sai, nhưng tôi chưa bao giờ hướng nội bản thân một cách sâu sắc. Tôi đã không nhìn thấy được đằng sau thái độ “tôi đúng” của mình là một suy nghĩ hoàn toàn mang tính chất chủ quan và phiến diện. Xét trong một tầng thứ tu luyện nhất định, quan điểm ​​của tôi có thể đúng, nhưng tại một tầng thứ khác thì có thể hoàn toàn sai. Tôi đã bám cứng vào quan niệm và tự ngã của mình, vì vậy mà tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội mà Sư phụ đã an bài giúp tôi đề cao.

Thái độ “tôi đúng” là để chứng thực bản thân mình – tôi là người thông minh, có khả năng và nổi trội hơn những người khác. Tôi chìm đắm trong những suy nghĩ hão huyền này ngay cả khi người khác không khen ngợi tôi, và đó chính là tâm chấp trước mạnh mẽ vào danh.

Chỉ cần có chút ít bằng chứng chứng minh rằng mình đúng, tôi càng trở nên ngoan cố hơn, điều đó khiến tôi ngày càng trở nên kiêu ngạo và thiếu từ bi. Tôi đã vướng vào tự tâm sinh ma mà không hay biết.

Mặc dù tôi không tức giận, nhưng trong con mắt của người học viên đó, có lẽ tôi đã thể hiện ra sự thất vọng của mình. Tôi đã nói chuyện với cô ấy bằng một thái độ mỉa mai và xem thường cô. Không có gì ngạc nhiên khi ngay trong tối hôm đó, cô ấy đã đi ra ngoài và mua ngay một cái thùng rác đắt tiền. Nếu cô ấy không làm thế, có lẽ tôi sẽ lại nói vài lời mỉa mai với cô ấy.

Mặc dù đã tu luyện được 20 năm, nhưng tôi đã không tu dưỡng lòng từ bi, mà trái lại còn gây khó khăn cho người khác. Tôi cảm thấy rất xấu hổ và không xứng đáng là người tu luyện.

Tôi nhận ra rằng người học viên này không hề sợ hãi tôi. Cô ấy có tấm lòng khoan dung hơn tôi và không tranh cãi với tôi. Cô ấy có một trái tim rộng mở và sẵn sàng tha thứ cho những thiếu sót của tôi.

Tôi đã tìm ra được những chấp trước của mình thông qua sự việc này, đó là: tâm danh, tính tự cao tự đại, tâm tật đố, hay tìm lỗi của người khác và thiếu khoan dung. Tôi cũng thấy được khoảng cách trong tu luyện của mình khi so sánh với các học viên khác.

Con xin cảm tạ Sư phụ và Đại Pháp! Con sẽ nỗ lực tu bỏ những chấp trước này, quy chính lại bản thân và đồng hóa với các đặc tính Chân – Thiện – Nhẫn của Đại Pháp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/12/29/358613.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/1/5/167482.html

Đăng ngày 22-1-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share