Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp

[MINH HUỆ 27-04-2014] Nhiều người có niềm đam mê, sở thích, và các mối quan tâm. Một vài sở thích có thể hình thành lối sống, bởi vì chúng cũng có thể trở thành một hệ thống niềm tin. Nhưng chỉ khi thật sự trải qua thử thách thì người ta mới có thể đánh giá được niềm tin của một người vững chắc đến đâu.

Hãy cùng phân tích một số ví dụ về sở thích so với niềm tin chân chính.

Diệp Công hảo long

Vào thế kỷ thứ 03 trước Công nguyên tại Trung Hoa là thời kỳ Xuân Thu, có một thực ấp tên là Diệp tại nước Sở. Thực ấp này được Thẩm Chư Lương cai quản, và mọi người thường gọi ông là Diệp Công.

Diệp Công có một niềm yêu thích đặc biệt với rồng. Đai lưng của ông trang trí hình rồng, cốc rượu được chạm khắc rồng, và cả nhà ông đều được trang trí họa tiết liên quan đến rồng.

Rồng nghe nói về niềm đam mê của Diệp Công, vì thế đã quyết định sẽ tới thăm ông. Rồng bay xuống từ trên trời. Đầu rồng đặt ngang với cửa sổ phòng Diệp Công ở trên tầng hai, và đuôi rồng hạ xuống tại sảnh. Khi Diệp Công trông thấy rồng thật sự, ông ta đã sợ hãi đến tái mặt, và ngay lập tức chạy trốn.

Diệp Công không ngớt nói về rồng, vẽ rồng, chạm khắc rồng. Nhưng trong tâm mình, ông ta chỉ thích những hình tượng rồng đó mà thôi, chứ không phải là một con rồng thật sự! Bởi vậy, khi rồng tới thăm ông, ông đã quá sợ hãi.

Một vài người coi việc tu luyện chỉ như một sở thích, cũng giống như Diệp Công và sở thích rồng của ông ta. Họ muốn đọc kinh sách và hào hứng tập các bài tập. Nhưng họ chỉ muốn một môn tập có thể cải thiện sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, và mang tới hạnh phúc, mà không muốn phải chịu bất cứ nỗi khổ nào.

Khi thực tế không khớp với những gì họ mong muốn, hoặc khi mâu thuẫn xảy ra, đặc biệt là khi gặp khó nạn, họ trở nên sợ hãi và bắt đầu nghi ngờ việc tu luyện. Họ thường xuyên nói với người khác rằng họ là học viên, nhưng họ không phải người chân tu, bởi vì họ chỉ coi tu luyện như một thứ sở thích.

Tâm truy cầu của Giuđa

Giuđa là một trong số 12 đệ tử của Giêsu. Ông ta đi theo Giêsu bởi vì từng được chứng kiến cảnh Giêsu sử dụng những thần thông của mình để chữa bệnh, xua đuổi tà ma phụ thể và cứu sống người chết.

Giuđa được giao nhiệm vụ giữ tiền để quản lý chi tiêu hàng ngày cho Giêsu và các đệ tử, lo việc đi lại và giúp đỡ người nghèo. Ông ta đã được nghe Giêsu thuyết giảng hàng ngày và đã nhìn thấy cuộc sống không vị kỷ của Giêsu, nhưng ông ta không bao giờ rời bỏ tính tham lam của bản thân.

Ông ta thường giữ lại một số tiền nhỏ mà ông ta quản lý để tự trả cho “công phục vụ” của mình. Ông ta cảm thấy điều đó là khá hợp lý. Nhưng trong con mắt của Chúa, thì ông ta lại là một tên trộm. Một số đệ tử khác tin rằng Giuđa là một người phụ tá quan trọng của Giêsu, và vì thế ông ta lại càng tự hào về bản thân và thường xuyên phô trương khả năng của mình.

Mặc dù Giuđa đã đi theo Giêsu trong một thời gian dài, ông ta không hề từ bỏ lòng tham và vẫn giữ tâm tranh đấu. Mục đích của ông ta khi đi theo Giêsu là để có được những lợi ích từ việc đi theo một người quyền năng, và để phô trương bản thân. Mỗi lần tiền được trao tay cho ông ta lại là một thử thách đối với ông ta, và ông ta liên tục thất bại.

Là học viên Pháp Luân Đại Pháp, chúng ta nên tự hỏi bản thân: Tại sao lại tức giận lẫn nhau và phàn nàn về việc người khác không công bằng với mình? Chúng ta đang truy cầu và tranh đấu vì điều gì đây? Tu luyện yêu cầu một học viên xả bỏ chấp trước vào danh, lợi và dục vọng. Nếu một người không muốn từ bỏ chấp trước, liệu đó có còn là một người tu luyện không?

Đức tin vào Chúa của Gióp

Trong Kinh Cựu ước, có một quyển sách viết về Gióp. Gióp là một người được ban phúc và sống có đạo đức. Sa-tăng đã nghi ngờ đức tin của Gióp vào Chúa với lý do rằng Gióp chỉ phụng sự Chúa trời vì Chúa trời đã ban cho ông ta sự giàu có và con cháu.

Chúa đã cho phép Sa-tăng lấy đi của Gióp sự giàu có, con cháu, và cả sức khỏe (nhưng không được lấy đi mạng sống) để thử thách Gióp. Mặc cho những khổ nạn của mình, Gióp đã không hề oán trách Chúa.

Thật dễ dàng để có đức tin vào Chúa nếu người ta giàu có và sống đầy đủ, nhưng sẽ thật khó để giữ vững niềm tin đó khi người ta mất đi mọi thứ hay bị tổn thương. Đức tin chân chính là không hề có điều kiện, dù cho có được ban phúc hay không. Một tín đồ chân chính sẽ thể hiện đức tin mạnh mẽ khi gặp phải khổ nạn.

Mức độ của đức tin

Lão Tử nói về người tu Đạo: “Thượng sỹ văn Đạo, cần nhi hành chi; trung sỹ văn Đạo, nhược tồn nhược vong; hạ sỹ văn Đạo, đại tiếu chi; bất tiếu bất túc dĩ vi Đạo.” (Bài giảng thứ chín – Chuyển Pháp Luân)

Là một học viên, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng có ba mức độ của đức tin.

Mức thứ nhất là những người chỉ tu luyện bằng việc nói suông. Họ có thể là học viên mới, rất hứng thú với việc tu luyện, và luôn miệng tán dương Phật. Nhưng họ thường không đọc kinh văn và trở nên sợ hãi, nghi ngờ khi nghiệp bệnh lần đầu xảy đến.

Mức thứ hai là những người chỉ tín Pháp nửa vời. Một số người bước vào cửa tu luyện để tìm kiếm sự bảo hộ khỏi các khổ nạn, hay truy cầu lợi ích sau khi thấy những lợi ích mà người khác đạt được. Trong tâm họ, một nửa là Phật tính, còn một nửa vẫn là người thường. Họ muốn được viên mãn, nhưng lại không muốn mất những thứ của người thường. Họ cũng có thiện tâm, nhưng lại thường âm thầm cầu mong mình sẽ nhận lại nhiều hơn những gì mình cho đi.

Mức thứ ba là những người tin bằng cả linh hồn mình. Đức tin của họ thấm vào xương tủy, và họ liên tục đề cao tầng, đồng hóa với đức tin. Không có gì là họ không thể buông bỏ. Không có gì có thể ngăn cách họ với đức tin. Họ sống theo đức tin của mình và luôn sẵn sàng chứng thực đức tin qua những hy sinh to lớn.

Vượt trên tư lợi

Trong hàng thế kỷ, người ta đã thờ cúng Phật để được tới thiên quốc của Phật, hay tôn thờ Chúa Giêsu để được lên thiên đường.

Một số người nghĩ rằng họ có thể giàu có nếu tin Phật. Một số thì nghĩ họ có thể được ban phúc và bảo vệ khi tôn thờ Chúa. Thực ra, đây không phải là đức tin. Những suy nghĩ như vậy là chấp nhận được khi một người mới bước chân vào tu luyện, nhưng qua thời gian, họ phải nghiêm túc chính lại bản thân và loại bỏ những gì là vị kỷ. Mục đích của một đức tin thuần khiết và chân chính không phải là vì lợi ích cá nhân.

Đức tin chân chính là tuân theo những nguyên lý của vũ trụ, trở thành một sinh mệnh tốt trong vũ trụ và bảo vệ vũ trụ.

Sư phụ đã giảng:

“Tu luyện không có điều kiện nào hết; muốn tu luyện, thì tu luyện thôi.” (Bài giảng thứ nhất – Chuyển Pháp Luân)

“thế nào là một vị Phật? “Như Lai” là thuật ngữ người đời dùng để chỉ bậc đã hiểu chân lý và có quyền lực để thực thi nguyện ước, tuy thế các vị Phật thực sự chính là những vị bảo vệ vũ trụ và chịu trách nhiệm về mọi nhân tố chân chính trong vũ trụ.” (“Bài thuyết của Sư phụ Lý Hồng Chí tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp Miền Tây Hoa Kỳ” – Đạo hàng)

Đức tin chân chính là không có tư tâm. Đó là sống vì người khác, là trách nhiệm, và là nghĩa vụ.

Tôi nhận thấy một số học viên chỉ có thể tin tưởng hơn một chút sau khi họ nhận được một chút. Đức tin như vậy không thể chịu được thử thách. Sư phụ đã giảng về điều này trong bài Tu vì ai – Pháp Luân Phật Pháp – Tinh Tấn Yếu Chỉ:

“Bất kể áp lực nào đó chẳng phải đều là khảo nghiệm rằng về gốc rễ có thể kiên định vào Phật Pháp hay không? Về gốc rễ mà không kiên định vào Pháp, thì không còn gì để nói nữa.”

Một số học viên rất chăm chỉ tập các bài công pháp và học Pháp. Nhưng khi nghiệp bệnh tới, họ lại không thể đối đãi cho chính và bắt đầu lo sợ. Thực ra, câu trả lời rất đơn giản. Đó là để khảo nghiệm đức tin của chúng ta có còn nguyên vẹn không, xem xem liệu chúng ta có kiên định vào Pháp không, hay chỉ đang tìm kiếm sức khỏe và sự giàu có.

Thể ngộ của tôi là có nhiều mức độ của đức tin. Một người không nên dừng lại ở một tầng thứ quá lâu. Người đó phải cải thiện và đề cao tầng để tiến gần tới trạng thái của Thần, và để trở thành một sinh mệnh cao cấp.

Hãy tự hỏi bản thân rằng: “Liệu chúng ta có thể vững tin vào Pháp bất kể chúng ta khỏe mạnh hay yếu đuối, giàu sang hay nghèo khó?”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/4/17/信仰的境界-290044.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/4/27/363.html

Đăng ngày 18-05-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share