Bài viết của Hoàng Vũ Minh và Tống Tâm Sinh, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 13-03-2013] Trong thời gian diễn ra Lễ hội Đèn lồng Đài Loan (đã kết thúc vào ngày 10 tháng 03), Ban tổ chức ước tính có khoảng 12 triệu người đã tham dự sự kiện đáng chú ý này. Một trong số những chiếc đèn lồng khổng lồ được yêu thích nhất được trưng bày tại lễ hội chính là chiếc Thuyền Pháp của các học viên Pháp Luân Đại Pháp.

Lễ hội Đèn lồng là kỳ nghỉ lễ thường niên được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Tiêu (tức ngày thứ 15 của tháng đầu tiên theo lịch Trung Quốc). Nó đánh dấu ngày kết thúc của kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Dịp lễ này cũng là thời gian diễn ra nhiều nghi lễ và lễ hội cộng đồng. Lễ hội Đèn lồng Đài Loan là một hội chợ có quy mô quốc gia lớn kéo dài trong vòng hai tuần, từ ngày 24 tháng 02 đến ngày 10 tháng 03 năm 2013.

Đông đảo khán giả tham dự lễ hội đã tụ tập quanh đèn lồng Thuyền Pháp của Pháp Luân Đại Pháp trong hai ngày cuối cùng của lễ hội để xem đèn lồng và hàng loạt các màn biểu diễn được trình bày trên sân khấu. Các học viên đã biểu diễn các bài công pháp Pháp Luân Đại Pháp; Đoàn nhạc Tian Guo và Đội Trống lưng cũng biểu diễn một số tiết mục. Bên cạnh đó, các học viên còn trình diễn vũ múa truyền thống của Trung Quốc và trang phục triều Hán.

Đội trống lưng biểu diễn trước đám đông

Cả Đoàn nhạc Tian Guo và Đội trống lưng đều được mời tham gia Lễ hội Đèn lồng Đài Loan. Ngay khi đoàn nhạc bắt đầu biểu diễn, mọi người liền tụ tập xung quanh để chụp ảnh và quay phim. Những tràng vỗ tay đã vang lên không ngớt, và một số khán giả đã thốt lên: “Thật tuyệt vời!”

Đoàn nhạc Tian Guo biểu diễn

Thành viên đoàn nhạc công nhận Pháp Luân Đại Pháp là động lực để bền bỉ biểu diễn

Cô Hứa Nguyệt Mỹ là một thành viên của Đoàn nhạc Tian Guo. Cô đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 10 năm. “Nếu không phải là vì Pháp Luân Đại Pháp thì giờ đây tôi không thể chơi nhạc được,” cô Hứa cho biết.

Mười năm trước, cô Hứa mắc bệnh loét đường ruột mãn tính, căn bệnh này khiến cô không thể hấp thụ đủ chất dinh dưỡng. Cô bị suy dinh dưỡng và thiếu máu, và còn bị rối loạn hệ thống miễn dịch. Cô không thể đi tiểu trong mười ngày và một bác sĩ đã cảnh báo rằng cô có thể phải chạy thận và phẫu thuật tim.

Một đồng nghiệp của cô Hứa đã giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp với cô ấy và ngay khi cô ấy bắt đầu tu luyện, sức khỏe tinh thần và thể chất của cô đã cải thiện đáng kể. Cô nói cô “rất, rất biết ơn Sư phụ Lý Hồng Chí, người sáng lập Pháp Luân Đại Pháp”.

Cô Hứa đã không vắng mặt trong bất kỳ buổi biểu diễn nào kể từ khi gia nhập Đoàn nhạc Tian Guo. “Lý do duy nhất khiến tôi có được sự bền bỉ để chơi loại nhạc cụ này là nhờ tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, và tôi đang sử dụng nhạc cụ này như một bằng chứng cho thấy sự cải thiện sức khỏe của bản thân mình, để cho những người khác thấy được lợi ích của môn tu luyện,” cô Hứa chia sẻ.

Trưởng đoàn nhạc: “Các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn đã chỉ dẫn tôi đi đúng hướng”

Nhạc trưởng của Đoàn nhạc Tian Guo, anh Lưu Vũ Thần (phía trước)

Anh Lưu Vũ Thần là nhạc trưởng của Đoàn nhạc Tian Guo.  Anh cũng là một nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Khoa Kỹ thuật Điện tử và Máy tính của Trường Đại học Kỹ thuật Đài Loan. “Mọi người ở đây đều đã được hưởng lợi từ môn tu luyện và mong muốn những người khác tìm hiểu về Pháp Luân Đại Pháp bởi vì họ thực sự tin rằng nó quả thật là tốt,” anh Lưu nói.

Anh Lưu bắt đầu tu luyện tám năm trước vì sức khỏe yếu kém của mình. Đến nay, anh đã hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, vượt trên cả những cải thiện về sức khỏe, anh nói: “Các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn đã chỉ dẫn cho tôi đi đúng hướng. Tôi có thể bình tĩnh đối mặt với bất kỳ áp lực hay vấn đề nào mà tôi gặp phải.”

Anh Lưu tin rằng rất nhiều các tin tức và thông tin trong xã hội ngày nay khiến người ta bối rối và khó có thể phân biệt đúng sai. “Môn tu luyện cho phép tôi đi đúng đường. Nó trợ giúp tôi rất nhiều trong việc giảng dạy cho bọn trẻ về đạo đức.”

Cả gia đình tu luyện Pháp Luân Đại Pháp

Cô Lâm Giai Dật, chồng và cha mẹ cô – tất cả đều là các học viên Pháp Luân Đại Pháp

Cô Lâm Giai Dật biểu diễn trong đội múa trống lưng và đã tu luyện được 15 năm. “Tôi mang lại hạnh phúc cho khán giả khi tôi đánh trống và tôi nhận được phản hồi nồng nhiệt từ họ. Sự tương tác này cho phép họ biết rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt,” cô Lâm nói.

Cô Lâm đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp khi cô còn học trung học. Cha mẹ và chồng của cô cũng là các học viên. Xung đột trong gia đình của họ rất ít vì mọi người đều có thể làm theo những lời dạy của Pháp Luân Đại Pháp để nhìn vào bên trong và tìm các thiếu sót của bản thân mình.

Cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn

Bà Lưu Nguyệt Kiềm đã 55 tuổi. Hai năm trước, bà đã tiến hành phẫu thuật và bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp khi một người bạn tặng cho bà một cuốn Chuyển Pháp Luân. Bà đã rất ấn tượng với môn tu luyện bởi vì: “Tôi có thể đi bộ một cách dễ dàng và tôi tràn đầy năng lượng. Tôi cũng trở nên rất lạc quan và có được cách tiếp cận nhiệt tình hơn với cuộc sống.”

Bà Diệp toàn tâm toàn ý để làm chiếc đèn lồng đẹp nhất

Bà Diệp đang chế tác một bộ phận của chiếc đèn lồng

Bà Diệp năm nay 66 tuổi. Bà đã kết hợp với các học viên khác để chế tác chiếc đèn lồng khổng lồ hàng ngày kể từ tháng 11 năm 2012. “Tôi bị bệnh gai xương trước khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi đã dùng rất nhiều loại thuốc khác nhau nhưng đều vô ích. Tôi trở nên khỏe mạnh sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và mong muốn của tôi là làm sao để nhiều người hơn nữa biết đến môn tu luyện tuyệt vời này,” bà Diệp nói.

Bà Diệp đến khu vực triển lãm mỗi ngày để trợ giúp trong suốt lễ hội. Bà rất hài lòng với những phản hồi nhận được: “Nhiều người thân và bạn bè của tôi đã đến. Tất cả họ đều nghĩ rằng Thuyền Pháp thật rực rỡ và rất ngạc nhiên khi thấy nó.”

Ghi lại những phút giây vĩnh cửu

Cô Lý làm việc trong ngành kinh doanh dịch vụ dược phẩm. Cô đã theo học môn tu luyện mười năm trước đây và chọn nhiếp ảnh để ghi lại những khoảnh khắc hoạt động của các học viên.

Thuyền Pháp dài khoảng 18 mét, rộng 4,5 mét và cao bốn tầng. Hơn 60 học viên đã mất bảy tháng để chế tác nó, từ phát triển thiết kế, vận chuyển cho đến lắp ráp. Cô Lý ghi lại nhiều khoảnh khắc trong quá trình xây dựng thuyền Pháp. “Đó là một môi trường thanh tĩnh và ấm áp. Tất cả mọi người đều yêu thích nó và làm việc chăm chỉ. Họ chỉ lặng lẽ cống hiến thời gian của mình. Đó là sự vị tha thực sự,” cô Lý nói.

“Một trong những học viên lớn tuổi đặc biệt rất tập trung khi làm việc. Những thứ ông làm quả thực khiến người ta rất cảm động. Ông ấy cũng như vậy khi lắp ráp các bóng đèn. Những gì ông làm trông rất chuyên nghiệp. Thật lạ thường!” cô Lý nói.

Một học viên chế tác đèn lồng

Cô Lý nói rằng không một ai phàn nàn khi mọi việc diễn ra không suôn sẻ và tác phẩm của họ bị hỏng và phải làm lại. “Thậm chí không có ai cau mày.”

Khi nói về ảnh hưởng của Pháp Luân Đại Pháp đối với mình, cô Lý nói: “Tôi đã học được những gì gọi là thẩm mỹ chính thống. Mỗi lần tôi chụp ảnh, trách nhiệm của tôi là chuyển tải ý nghĩa của Chân – Thiện – Nhẫn. Tôi muốn truyền bá thông điệp tốt lành của Pháp Luân Đại Pháp thông qua công việc của mình.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/3/13/灯会期间传真相-不辞辛苦为你来-270920.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/3/17/138529.html

Đăng ngày 23-03-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share