Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-08-2022] Nhà tù Vị Nam ở tỉnh Thiểm Tây từng chủ yếu giam giữ tử tù hoặc tù chung thân. Tuy nhiên, vào tháng 11 năm 2005, chính quyền đã chuyển tất cả nam học viên Pháp Luân Công bị kết án tù oan sai của tỉnh đến nhà tù này, tại đây, lính canh bức hại họ bằng những thu đoạn tra tấn vô nhân đạo nhất, nhằm ép họ từ bỏ tu luyện.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Tháng 1 năm 2019, khu 16 được thành lập để đáp ứng sự gia tăng của số lượng các học viên bị kết án và những tù nhân lương tâm khác. Ngoài việc tra tấn thể xác, nhà tù còn giới hạn việc mua đồ dùng thiết yếu hàng ngày của học viên ở mức 100 nhân dân tệ (khoảng 340.000 VND)/1 tháng.

Lính canh tù Trương Trung Thu thường xuyên ra lệnh cho các tù nhân phạm trọng tội tra tấn học viên Pháp Luân Công. Càng nhiều học viên đồng ý từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công thì Trương sẽ càng nhận được nhiều phần thưởng. Với “công trạng” của mình trong việc cưỡng bức các học viên ngừng tu luyện Pháp Luân Công, Trương được nhà tù vinh danh là “đấu sỹ”. Hầu hết các học viên đều bị tra tấn dưới sự giám sát của Trương, và nhiều học viên đã bị tra tấn đến chết.

Một học viên vừa qua đời gần đây là ông Ngưu Học Đông. Vì ông từ chối ký vào các tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, Trương đã lệnh cho một tù nhân liên tục dùng gậy đánh đập ông khiến ông rơi vào trạng thái mê sảng. Ông không thể nhận ra ai nữa và thường xuyên đại tiểu tiện ra quần. Sau đó tù nhân cắt khẩu phần ăn của ông và cấm người khác cho ông ăn. Ngày 26 tháng 2 năm 2022, khi ông được cấp hai cái bánh bao hấp, ông đã ăn nhanh đến nỗi bị nghẹn chết.

Sau đây là một số trường hợp bị bức hại kể từ năm 2019 đến nay.

1. Tháng 3 năm 2021, cảnh sát đã bắt giữ ông Trương Quân Thuyên, ngụ ở trấn Lưu Cổ, huyện Phú Bình, thành phố Vị Nam và tống ông vào Trại tạm giam huyện. Hiện ông bị giam trong Nhà tù Vị Nam. Đây là lần thứ 3 ông bị cầm tù vì kiên định đức tin. Ông từ bị kết án 8 năm tù vào năm 2004 vì nói về cuộc bức hại tại nơi công cộng. Cảnh sát đã bắt ông không lâu sau khi ông được thả vào năm 2012 và sau đó ông lại bị kết án 7 năm 8 tháng tù.

2. Ông Tào Hoá Sơn, một giáo viên hoá học dạy ở một trường trung học của thành phố Diên An, đã phải rời khỏi nhà và đi trốn để tránh bị bức hại. Ngày 15 tháng 9 năm 2019, cảnh sát xông vào nhà trọ và bắt giữ ông. Họ tịch thu tiền mặt và tài sản của ông. Sáu tháng sau gia đình phát hiện ông đã bị kết án bí mật và bị đưa đến Nhà tù Vị Nam.

3. Ông Tống Trí ở quận Diêm Lương, thành phố Tây An, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Tây Bắc và từng làm việc ở Viện Nghiên cứu Thử nghiệm Bay Trung Quốc. Cảnh sát thuộc Công an thành phố Tây An đã bắt giữ ông vào tháng 9 năm 2019. Toà án quận Nhạn Tháp đã kết án ông 4,5 năm tù và đưa ông vào Nhà tù Vị Nam vào ngày 28 tháng 2 năm 2022. Ông đã tuyệt thực để phản đối bức hại. Một lính canh đã xúi giục các tù nhân đánh đập, bức thực và biệt giam ông.

4. Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2019, cảnh sát đã bắt giữ bốn sinh viên đại học tại nhà họ ở thành phố Hàm Dương vì họ đã phân phát tài liệu Pháp Luân Công cho người dân. Anh Trương Bằng bị kết án 9 năm; anh Vương Ngọc Siêu, anh Tang Kim Đạt và anh Mã Hải Bằng bị kết án từ 5 đến 9 năm.

Vì họ từ chối từ bỏ Pháp Luân Công nên lính canh ở Nhà tù Vị Nam đã bắt họ đứng dưới nắng nóng cả ngày. Lính canh đã xúi giục một tù nhân tát vào mặt anh Tang hơn 100 cái và dùng bút đâm vào mắt anh hàng chục cái. Anh Trương đã bị ép đứng nhiều giờ liền trong khoảng 10 ngày vì nói chuyện với các học viên khác.

5. Cảnh sát ở huyện Kỳ Sơn, thành phố Bảo Kê đã bắt giữ ông Tiêu Bỉnh Nam và chín học viên khác vào ngày 10 tháng 7 năm 2019. Toà án huyện Kỳ Sơn đã kết án ông Tiêu 3 năm trong Nhà tù Vị Nam. Một lính canh bắt ông đứng trong nhiều giờ liền trong 8 ngày vì ông đã nói chuyện với các học viên khác.

6. Ông Thẩm Hồng Kỳ ở huyện Kỳ Sơn, thành phố Bảo Kê vận hành một doanh nghiệm sửa chữa thiết bị. Cảnh sát đã bắt giữ ông tại cửa hàng vào ngày 22 tháng 7 năm 2019. Toà án huyện Kỳ Sơn đã kết án ông 7 năm vào ngày 30 tháng 11 năm 2020 và chuyển ông đến Nhà tù Vị Nam. Một tù nhân đã đánh ông vì ông không trả lời điểm danh. Hai mắt ông bị thương do vụ đánh đập.

7. Ngày 27 tháng 9 năm 2020, người của Phòng 610 huyện Kỳ Sơn đã bắt giữ ông Lưu Hồng Thư tại nhà. Không xét xử công khai, Toà án huyện Kỳ Sơn đã kết án ông 3 năm trong Nhà tù Vị Nam. Ông Lưu từ chối từ bỏ đức tin và tuyệt thực phản bức hại. Một lính canh sốc điện ông bằng dùi cui điện. Vài tù nhân đè ông xuống, dùng kềm và tua vít cạy miệng và bức thực ông. Một trong số họ dùng tua vít đâm vào bụng ông khiến ông vô cùng đau đớn. Sau đó lính canh đã biệt giam ông.

8. Ông Lưu Vỹ từng làm việc tại Nhà máy Máy dầu và Ngũ cốc thành phố Hán Trung. Cảnh sát ở thành phố Tây An đã bắt giữ ông vào ngày 28 tháng 9 năm 2019. Gia đình đã đến thăm ông trong trại tạm giam huyện Phật Bình vào tháng 5 năm 2021 và biết rằng ông đã bị kết án bốn năm. Sau khi bị đưa đến Nhà tù Vị Nam, mỗi ngày ông bị bắt đứng nhiều giờ liên tục trong hơn 1 tháng.

9. Một học viên ở thành phố Tây An ngoài 70 tuổi hiện đang bị giam ở trong Nhà tù Vị Nam.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/8/21/447913.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/9/11/203491.html

Đăng ngày 04-11-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share