Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 30-08-2022] Sau hai thập niên sống trong sợ hãi vì cuộc bức hại Pháp Luân Công, một cụ bà 85 tuổi đã qua đời vào ngày 24 tháng 8 năm 2022, trong khi người chồng 82 tuổi của bà vẫn đang phải chấp hành án tù 5 năm oan sai vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.

Bà Vương Nguyệt là một giáo viên nghỉ hưu ở thành phố Tam Hà, tỉnh Hà Bắc. Chồng bà, ông Mã Duy Sơn, bị bắt vào ngày 22 tháng 4 năm 2014 vì gửi tin nhắn có nội dung về Pháp Luân Công. Ngày 5 tháng 11 năm 2015, Tòa án thành phố Tam Hà đã kết án ông Mã 5 năm tù giam. Ông đã kháng cáo và Tòa án Trung cấp thành phố Lang Phường đã ra quyết định giữ nguyên bản án ban đầu của ông và ngày 13 tháng 5 năm 2016.

Sau đó, ông Mã được tạm tha, nhưng vào ngày 28 tháng 9 năm 2018, họ lại bắt giam ông khi ông đang nói với mọi người về Pháp Luân Công ở một khu chợ nông sản. Mặc dù huyết áp của ông tăng cao, trại tạm giam địa phương vẫn nhận ông, và vài ngày sau, họ chuyển ông tới Nhà tù Ký Đông để chấp hành bản án 5 năm tù.

Việc ông Mã bị giam giữ đã giáng một đòn nặng nề lên bà Vương. Bà thường xuyên khóc lóc và sức khỏe nhanh chóng giảm sút, đặc biệt là bệnh tiểu đường ngày càng nghiêm trọng. Bà bị sốt cao dai dẳng và phải nhập viện vào tháng 7 năm 2022, nhưng trong suốt 1 tháng, bác sỹ không thể hạ thân nhiệt của bà. Trong những ngày cuối đời, bà thường lẩm bẩm: “Tại sao Duy Sơn vẫn chưa về nhà?”

c462d6f2a5729e868d62b8c4f1e8cf3f.jpg

Ông Mã Duy Sơn và bà Vương Nguyệt đệ đơn vào ngày 25 tháng 5 năm 2015, kiện Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản Trung Quốc) tội phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999.

Bức hại trong quá khứ của ông Mã

Ông Mã từng là một cán bộ thôn và chủ một doanh nghiệp tư nhân. Ông liên tục bị chính quyền nhắm mục tiêu vì đức tin của mình kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999.

Ông Mã bị bắt lần đầu tiên vào tháng 11 năm 1999 vì đến Bắc Kinh để kháng nghị cho Pháp Luân Công và bị cưỡng bức lao động 2 năm. Ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Cao Dương, ông chỉ được ăn bánh bao hấp và nước canh loãng với vài cọng rau không được rửa sạch. Tuy nhiên, ông vẫn bị cưỡng bức lao động khổ sai hơn 10 tiếng mỗi ngày. Lính canh đã từng còng tay ông vào một ống nước ở ngoài trời và để ông phơi mình trong nhiệt độ đóng băng.

Ông Mã lại bị bắt vào tháng 3 năm 2003. Ông đã tuyệt thực trong 7 ngày và sau đó được thả. Bảy ngày sau, ông lại bị bắt và giam trong tại một trung tâm tẩy não. Sự căng thẳng tinh thần đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của ông, ông đã nhanh chóng đổ bệnh và sức khỏe vẫn rất yếu trong vài năm kế tiếp.

Ông Mã bị bắt một lần nữa vào ngày 25 tháng 2 năm 2006. Ông đã bị kết án 3 năm trong Nhà tù Ký Đông và được trả tự do vào năm 2009.

Bài liên quan:

Ông lão 78 tuổi trở lại nhà tù sau khi bị kết án chỉ vì nhắn tin có nội dung về Pháp Luân Công

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/8/30/448306.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/9/3/203095.html

Đăng ngày 27-10-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share