Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 05-09-2022] Gần đây, một cư dân thành phố Hành Thủy, tỉnh Hà Bắc đã bị kết án 3 năm 3 tháng tù vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ năm 1999.
Bà Thôi Vĩnh Phàm (61 tuổi, đã nghỉ hưu) và chồng bà, ông Mạnh Phàm Thắng (60 tuổi, một cựu chiến binh) đã chuyển đến sống cùng con trai của họ ở Bắc Kinh vào năm 2021 để giúp chăm sóc cháu trai 4 tuổi của họ. Vào ngày 1 tháng 7 năm 2021, hai người bị trình báo phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công và bị bắt vào ngày hôm sau. Cảnh sát tịch thu các sách Pháp Luân Công, 1 máy tính xách tay, 8 điện thoại di động, 200 thẻ thông tin về Pháp Luân Công và 300 nhân dân tệ có in thông tin về Pháp Luân Công (một cách sáng tạo để vượt qua sự kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Trung Quốc).
Ông Mạnh đã được thả một tháng sau đó, còn bà Thôi vẫn đang bị giam trong Trại giam Quận Hải Điến. Các nhà chức trách viện do đại dịch để từ chối việc yêu cầu thăm thân của gia đình ông.
Ngày 14 tháng 2 năm 2022, gia đình bà Thôi nhận được cuộc gọi từ luật sư do tòa án chỉ định và được cho biết rằng bà đã bị Tòa án quận Hải Điến kết án 3 năm 3 tháng tù với khoản tiền phạt 3.000 nhân dân tệ; ông Mạnh bị giám sát cư trú 1 năm.
Những lần bị bức hại trước đây của hai vợ chồng
Ông Mạnh theo học Pháp Luân Công vào tháng 8 năm 1997. Ông tin rằng môn tu luyện này đã chữa khỏi bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và giúp ông trở thành một người ôn hòa. Sau khi chứng kiến những thay đổi của chồng, bà Thôi cũng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và sức khỏe cũng như tính tình của bà được cải thiện.
Bản án tù 4 năm của người chồng
Ngày 26 tháng 10 năm 1999, ông Mạnh đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện quyền thực hành Pháp Luân Công. Ông và một số học viên khác đã trưng biểu ngữ ở gần Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 28 tháng 10 và bị bắt giữ. Ông và hai học viên bị còng tay vào chân ghế sô-pha qua đêm và bị đưa đến Trại giam huyện Cảnh ở Hành Thủy vào ngày hôm sau. Cùng lúc đó, chính quyền đã lục soát nhà của ông và tịch thu tất cả các sách Pháp Luân Công mà vợ chồng ông sở hữu. Cảnh sát cũng tịch thu một số tiền mặt và bắt đầu theo dõi cuộc sống hàng ngày của hai vợ chồng.
Sau đó ông Mạnh bị kết án 4 năm tù. Ban đầu ông bị giam trong Nhà tù Hành Thủy. Ở đó ông bị đánh đập, mắng chửi và cấm ngủ. Một tháng sau, ông bị chuyển tới Nhà tù Ký Đông. Lính canh đã sắp xếp hai tù nhân theo dõi ông suốt ngày đêm và cấm ông đọc những bức thư do gia đình gửi đến. Ông bị buộc phải đọc các bài báo hoặc xem các video phỉ báng Pháp Luân Công mỗi ngày, cũng như viết báo cáo tư tưởng. Sự tra tấn về thể xác và tinh thần đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của ông. Răng của ông lung lay và tóc ông ngả bạc.
Những vụ bắt giữ và bản án 2 năm tù của người vợ
Ngày 13 tháng 12 năm 2000, trong khi ông Mạnh vẫn đang thụ án, cảnh sát đã bắt bà Thôi với lý do là bà đang có kế hoạch đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Bà bị giam 45 ngày ở trong Trại giam huyện Cảnh.
Ngày 28 tháng 9 năm 2001, cảnh sát bất ngờ bao vây nhà bà Thôi và tịch thu các sách Pháp Luân Công của bà, một tấm biểu ngữ và 3.000 nhân dân tệ tiền mặt. Bà thoát khỏi vụ bắt giữ và buộc phải sống xa nhà kể từ đó. Cảnh sát cũng khám xét ký túc xá của con trai bà ở trường trung học. Họ tìm thấy một cuốn sách Pháp Luân Công và ép nhà trường phải đuổi học cậu ấy vì cậu từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.
Ngày 12 tháng 1 năm 2002 (một tháng trước Tết Nguyên đán), bà Thôi trở về nhà. Ngay sau khi bà về nhà, cảnh sát đã bắt và giam bà 15 ngày.
Ngày 28 tháng 5 năm 2002, bà lại bị bắt sau khi một lính canh tù báo cáo bà mang tài liệu Pháp Luân Công trong túi khi đi thăm người chồng đang bị giam giữ vào đầu tháng. Khi bà kháng cự vụ bắt giữ, cảnh sát đã lôi bà lên xe cảnh sát, khiến đôi giày của bà bị rơi ra và bàn chân và cẳng chân của bà bị thương. Bà bị đưa đến trại giam vào cùng ngày hôm đó. Bà tuyệt thực để phản đối bức hại và 23 ngày sau, bà được thả sau khi bị xuất huyết dạ dày và phù nề toàn thân.
Ngày 23 tháng 7 năm 2003, trưởng Đồn Công an Đỗ Kiều Trương Thiếu Dân dẫn theo 7 cảnh sát tới nhà bà Thôi và bắt giữ bà. Giày của bà bị rơi ra và quần áo của bà bị rách trong quá trình bắt giữ. Con gái bà vô cùng sợ hãi và không ngừng gào khóc. Con trai bà đã tố cáo cảnh sát vi phạm pháp luật trong việc bắt giữ mẹ mình. Trương trả lời: “Luật gì? Lời tôi nói chính là luật”. Ông ta nói thêm rằng ông ta không quan tâm việc này có tác động thế nào tới cuộc sống của gia đình họ, và sẽ bắt giữ bà Thôi khi có lệnh từ cấp trên.
Ở trong trại tạm giam, bà Thôi đã tuyệt thực và được trả tự do 7 ngày sau đó, khi bà đang cận kề cái chết.
Sau đó bà và con gái phải rời khỏi nhà sống trôi dạt để thoát khỏi bàn tay cảnh sát. Cuộc bức hại khiến con gái bà bị tổn thương sâu sắc.
Trong suốt Thế vận hội 2008 ở Bắc Kinh, người của chính quyền đã tìm thấy nơi ở trọ của bà Thôi và theo dõi gia đình bà trong gần 2 tuần.
Ngày 25 tháng 8 năm 2014, bà Thôi bị bắt thêm một lần nữa và bị giam trong trại tạm giam Hành Thủy. Chân bà sưng tấy nghiêm trọng và một chân không thể co lại, đây là hậu quả của việc tra tấn khi bà bị giam giữ.
Ngày 4 tháng 2 năm 2016, gia đình bà nhận được cuộc gọi của Lưu Tuấn Kiệt, thẩm phán chủ tọa của Tòa án huyện Cảnh, nói rằng bà Thôi đã bị kết án 2 năm tù trong Nhà tù Nữ tỉnh Hà Bắc. Bà đã được trả tự do vào ngày 24 tháng 8 năm 2016.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/9/6/448758.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/9/12/203829.html
Đăng ngày 26-10-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.