Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-09-2022] Ông Lưu Cát Trị, 51 tuổi, là cư dân của thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Ông bước vào tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997, hai năm trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại đối với môn tu luyện này. Bởi kiên định với đức tin của mình nên khi đối mặt với bức hại, ông Lưu đã phải nhận hai bản án lao động cưỡng bức và nhiều lần bị giam giữ.

Ông Lưu bị bắt ở trước trụ sở Chính quyền Thành phố Đại Liên đúng vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, ngày ĐCSTQ chính thức phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ông được thả sau đó một ngày.

Ngày 26 tháng 1 năm 2001, khi ông đang phát tặng tài liệu về Pháp Luân Công, ông bị cảnh sát phát hiện và họ đã lừa ông tới Đồn cảnh sát Doanh Thành Tử, ở đó ông bị thẩm vấn và tra tấn trong vòng một ngày nhằm lấy danh tính của các học viên khác.

Trong quá trình thẩm vấn, cảnh sát đã còng tay ông ra sau lưng. Chiếc còng chặt đến mức cắt da cắt thịt khiến hai tay ông bị sưng phù. Cảnh sát đã đập hai chai bia vào đùi, đấm và ngực và thổi khói thuốc lá vào ông. Sau đó, ông bị đưa tới Trại tạm giam Nam Quan Lĩnh và bị giam ở đó hơn 30 ngày.

Ngày 1 tháng 3 năm 2001, ông Lưu bị đưa tới Trại lao động Đại Liên và thụ án 1 năm ở đó. Giám đốc Trương Bảo Lâm, quản giáo Cảnh Điện Khoa và Chu Phụng Sơn đã thay phiên nhau đánh đập ông đến mức ông mất đi thính giác tai trái. Ông được thả vào ngày 28 tháng 2 năm 2002.

Ba tháng sau, vào ngày 26 tháng 5 năm 2002, ông Lưu bị tố cáo khi đang phát tặng tài liệu về Pháp Luân Công. Ngay sau đó, ông bị bắt và đưa tới trại tạm giam Lư Thuận, nơi ông bị tạm giam 30 ngày. Ngày 25 tháng 6 năm 2002, ông lại bị đưa tới Trại Lao động Đại Liên và thụ án 2 năm ở đó. Ông được thả vào ngày 12 tháng 10 năm 2003.

Trong lần thụ án thứ hai này, trưởng thôn Lưu Vạn Hoành cùng với Ích Tuyền Lang, đại biểu Đại hội Nhân dân Toàn quốc, đã chiếm đoạt mảnh đất của ông để xây dựng một nhà máy sản xuất thực phẩm. Một mảnh đất khác của ông cũng bị thu giữ để xây dựng một bể bơi lớn. Ông Lưu không nhận được bất kỳ khoản đền bù nào.

Năm 2004, Bộ trưởng Bộ Công an khi đó là Chu Vĩnh Khang, đã tới Đại Liên và tổ chức bắt bớ hàng loạt đối với các học viên Pháp Luân Công. Mặc dù trốn thoát được nhưng ông Lưu buộc phải sống một cuộc sống khó khăn và lang bạt.

Thông qua giám sát điện thoại di động, cảnh sát đã theo dõi và bắt ông vào ngày 13 tháng 7 năm 2008. Ông bị đưa tới Đồn Cảnh sát Trường Lĩnh Tử. Tại đây, các nhân viên Phòng 610 địa phương gồm Tào Thiện Tùng, Tiêu Kiện, Mưu Lượng và những người khác đã tra tấn ông. Họ cuộn tròn cuốn tạp chí rồi đánh vào mặt ông, bôi dầu mù tạt lên mặt ông, tra tấn ông bằng dùi cui điện tới khi hết điện, và xịt hơi cay vào mặt ông. Trong lúc tra tấn, Tiêu Kiện và Tào Thiện Tùng nói với ông rằng: “Giết ông dễ như giết một con kiến”.

Sau đó, hai cảnh sát là Sử Tiểu Cát và Chu Tân đã đưa ông Lưu tới trại tạm giam Nam Quan Lĩnh. Ông bị giữ ở đó trong 30 ngày rồi bị chuyển tới Lớp tẩy não Phủ Thuận. Sau 28 ngày ông mới được thả.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/9/8/448959.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/9/22/203973.html

Đăng ngày 13-10-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share