Bài viết của một học viên ở Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 19-01-2020] Trong suốt hành trình 20 năm tu luyện của mình, tôi đã nhiều lần vấp ngã, đi sai đường và khiến Sư phụ phải lo lắng cho tôi. Nguyên nhân chủ yếu là vì tôi đã không đồng hóa tốt với Pháp và không chuyển biến những quan niệm người thường của mình thành chính niệm của người tu luyện. Tôi thường nói và làm các việc bằng quan niệm người thường. Điều này liên tục khiến tôi gặp rắc rối trong tu luyện và đề cao chậm chạp.

Sau khi tôi vứt bỏ những quan niệm đó, tôi nhận thấy những thể ngộ cũ và cách thức cũ tôi dùng làm các việc đều sai. Ví dụ, tôi phàn nàn về anh rể vì anh không tới thăm cha mẹ đẻ của anh và cũng không chu cấp tài chính cho họ. Một người con trai sao lại đối xử với cha mẹ mình như vậy được? Bây giờ tôi nhận ra mình đã sai, vì tôi đã phán xét anh bằng quan niệm người thường. Sư phụ đã giảng:

“Trong Phật giáo giảng rằng: Con người sống chính là [vì] nghiệp lực luân báo. Chư vị nợ họ [gì], họ sẽ tìm chư vị đòi nợ; nếu lấy quá đi thì sau này họ sẽ hoàn lại cho chư vị. Con không hiếu thuận với cha mẹ, [thì] sau sẽ đổi lại; nó luân chuyển qua lại như thế. Tuy nhiên chúng tôi thực sự thấy có ma đang can nhiễu, không cho chư vị luyện công; nó đều có quan hệ nhân duyên, chứ không phải vô duyên vô cớ; nếu vô duyên vô cớ thì không cho phép nó như thế.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Mọi việc xảy đến đều có lý do. Tôi không biết mối quan hệ nghiệp lực nào tồn tại giữa anh rể của tôi và cha mẹ anh, vì thế tôi không nên phán xét hành vi của anh bằng quan niệm người thường.

Tôi cũng nghĩ về lời nói và hành vi của mình ở nơi làm việc và những môi trường xã hội khác. Bất cứ khi nào tôi nhìn thấy điều gì đó bất công, tôi biết rằng tôi đang hành xử giống như người thường và làm những việc của người thường.

Sau khi loại bỏ quan niệm người thường, tôi nhận ra thế giới quan của tôi về mọi thứ đã thay đổi và tôi có thể xem xét sự việc bằng chính niệm của người tu luyện. Ví dụ, bố chồng tôi rất thiên vị con trai út. Mặc dù cậu ấy đối xử không tốt với ông nhưng ông lại hỗ trợ cậu ấy trong tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, vợ chồng tôi là người chăm sóc và hỗ trợ tài chính cho ông nhưng ông lại thường trách móc chúng tôi. Trước khi vứt bỏ quan niệm người thường của mình, tôi không thể lý giải được cách hành xử của bố chồng và tôi không vui với ông. Nhưng bây giờ tôi đã nhìn ra tâm tật đố và chấp trước vào tiền bạc, vào việc được khen ngợi của mình. Tôi tự nói với bản thân: “Là người tu luyện, mình nên chăm sóc bố chồng. Mình không nên so sánh bản thân với một người thường. Tại sao mình lại bận tâm với lời nói và hành vi của bố chồng? Tất cả những gì mình nên làm là quan tâm tới những việc mình cần làm tốt. Mình phải vứt bỏ tâm tật đố và chấp trước vào tiền bạc, vào việc được báo đáp.”

Tôi cũng từng kêu ca về mẹ tôi vì tôi nghĩ bà đã không giúp đỡ bố tôi, và không giáo dục con cái được tốt. Tôi cho rằng các anh em của tôi trở nên nghèo là vì bà. Tôi cũng nghĩ nỗi đau của tôi là do gia đình tôi gây ra. Tôi cảm thấy kém may mắn và không có tự trọng vì được sinh ra trong một gia đình như vậy.

Sư phụ giảng:

“Chư vị không thể chi phối cuộc đời người khác được, không thể thao túng vận mệnh người khác được, kể cả vận mệnh vợ con, cha mẹ, anh em; chư vị có quyết định được [những việc ấy] không?” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Sư phụ cũng giảng:

“Bởi vì con người trước đây đã làm điều xấu [nên] nghiệp lực sinh ra mới tạo thành có bệnh hoặc ma nạn.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Những nguyên lý ngay chính mà Sư phụ dạy đã giúp tôi vứt bỏ quan niệm người thường và giúp tôi hiểu ra rằng nguyên nhân thực sự khiến tôi đau khổ là nghiệp lực của chính tôi. Sư phụ đã giảng rất rõ ràng mỗi người đều có vận mệnh của mình và không ai có thể thay đổi nó. Nỗi đau khổ của tôi không phải do mẹ hay các anh em của tôi gây ra. Các anh, em của tôi sống nghèo khổ cũng là vì số phận của họ như thế. Mỗi người đều không nên phàn nàn về người khác.

Dựa theo đức và nghiệp của mình mà tôi đã được sinh ra trong gia đình này và sống cuộc đời như thế này. Trong cuộc đời mình tôi đã gặp rất nhiều khó khăn và chịu rất nhiều tổn thương về tinh thần. Nhưng từ góc độ tu luyện, tôi cũng đã hoàn trả rất nhiều nghiệp lực. Không phải đó là việc tốt sao? Mỗi người đều phải hoàn trả nghiệp của mình, đó là nguyên lý của vũ trụ. Sao tôi lại phàn nàn về người khác như vậy?

Một vài học viên đối xử không tốt với tôi. Vì tôi dùng quan niệm người thường để giải quyết mâu thuẫn, tôi nghĩ đó là lỗi của họ. Tôi chấp trước vào đúng sai ở bề mặt vì thế tôi cảm thấy mình đã bị đối xử quá bất công. Sau khi loại bỏ quan niệm người thường, tôi dùng chính niệm của người tu luyện để xem xét mâu thuẫn. Tôi nhận thấy tôi mới thực sự sai. Tôi không thể chịu sự chỉ trích và có những chấp trước khác. Nếu không phải là những bạn đồng tu ấy thì tôi có thể sẽ không tìm ra những chấp trước đó. Tôi nên cảm ơn họ.

Danh, lợi, tình là những thứ của người thường, là những thứ mà người thường mong cầu. Do những quan niệm người thường mà con người trước đây của tôi cũng muốn có tiếng tăm ở nơi làm việc. Tôi thích là người giỏi nhất, muốn được lãnh đạo khen ngợi và khen thưởng. Khi có được thứ tôi mong muốn, tôi cảm thấy hạnh phúc và cảm thấy tôi là người có khả năng. Tôi muốn cuộc sống của mình tốt hơn những người khác và tôi cũng muốn các con của tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn những người khác. Sau khi tôi vứt bỏ những quan niệm người thường, tôi nhận ra tất cả những suy nghĩ đó đều được phát triển từ cái khung của văn hóa Đảng. Chúng đầy tính tranh đấu, tật đố, truy cầu danh, lợi, tình. Chúng hoàn toàn trái ngược với Pháp. Là một học viên, tôi nên là một người tốt và làm tốt công việc của mình. Tôi nên là một người thuần tịnh. Danh, lợi, tình là sợi dây buộc chặt người tu luyện và phải được cắt bỏ.

Trạng thái tu luyện của tôi đã thay đổi sau khi tôi vứt bỏ những quan niệm người thường. Tôi có thể dễ dàng buông bỏ rất nhiều chấp trước mà trước đó tôi thấy rất khó buông bỏ. Tôi đã từng cảm thấy tu luyện vừa khổ vừa mệt nhưng bây giờ tôi thấy tu luyện thực sự thoải mái. Đối mặt với những hỗn loạn trong xã hội người thường, tôi không còn bối rối như trước nữa. Tôi có thể phân biệt tốt, xấu. Đối diện với danh và tiền bạc, tôi không còn tranh đấu vì chúng nữa. Khi đánh mất lợi ích cá nhân, tôi có thể buông bỏ nó từ trong tâm.

Đối mặt với những tổn thương, tôi không còn cảm thấy đau đớn như trước. Tôi thấy thật tuyệt vời khi có thể vứt bỏ những thứ con người. Tu luyện trở nên dễ dàng hơn khi tôi buông bỏ những quan niệm người thường.

Sư phụ đã giảng:

“Người ta nói: ‘Ta đến xã hội người thường, giống như đến khách sạn, tá túc vài ngày, rồi vội rời đi’” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Sư phụ cũng giảng:

“Nhân sinh đoản Lai trụ điếm Biệt vong lai thời phát đích nguyện” (Si, Hồng Ngâm III)

Diễn nghĩa:

“Đời người ngắn ngủi Như nghỉ ở khách sạn Đừng quên nguyện phát ra khi tới đây”

Thực sự, thế giới này đơn giản chỉ là một quán trọ mà chúng ta dừng chân. Là một đệ tử Đại Pháp, tôi không nên chấp trước vào bất cứ điều gì ở quán trọ này mà quên mất hành trình trở về nhà cùng Sư phụ. Có thể vứt bỏ quan niệm người thường và tu bỏ các chấp trước hay không, đó là một khảo nghiệm mà mỗi người tu luyện đều phải vượt qua trên con đường từ người trở thành Thần. Chỉ khi chúng ta vứt bỏ các quan niệm người thường, chúng ta mới có thể thành Thần.

Trên đây là thể ngộ sở tại của tôi. Xin hãy từ bi chỉ ra những điều chưa phù hợp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/1/19/399181.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/1/29/183003.html

Đăng ngày 01-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share