Bài viết của một học viên Đại Pháp phương Tây

[MINH HUỆ 16-12-2019] Sau gần hai thập kỷ tu luyện, tôi nhận ra căn nguyên chấp trước đã cản bước tôi tu luyện trong nhiều năm qua. Tôi muốn chia sẻ góc nhìn của mình cho đồng tu nào cũng rơi vào trạng thái bế tắc trong khổ nạn này giống như tôi.

Là một đệ tử Đại Pháp, tôi đã tạo được thói quen làm một người tử tế, có ích và độ lượng. Khi những người khác phê bình tôi, làm hại hay lợi dụng tôi, tôi sẽ không trả đũa và tôi sẽ cố gắng hết sức để hướng nội tìm ra chấp trước. Tất nhiên, là một học viên Đại Pháp thì chúng ta đều nên làm như thế. Tuy nhiên, tôi bị bế tắc trong việc phân biệt giữa việc hành xử một cách tốt bụng, vô ngã với việc sợ người khác buồn, giận hay thất vọng. Tôi cũng sợ rằng họ sẽ xem thường tôi và tôi sẽ bị bẽ mặt. Tôi bị chấp trước vào cách người khác nghĩ về mình. Vì thế, tôi đã bị chấp trước vào tự ngã và danh.

Tôi đã giấu đi tâm sợ hãi này với chính mình và với cả những người khác bằng cách thể hiện ra lòng tốt và thái độ bình tĩnh bề ngoài, cứ như là chẳng điều gì có thể làm tôi động tâm. Tuy nhiên, khi ngày càng nhiều người lợi dụng tôi, cơn giận dữ của tôi cũng lớn dần lên và trở nên rất khó để kiểm soát.

Trong vài năm khi tôi làm chủ doanh nghiệp, tôi đã cho phép cả nhân viên và khách hàng lợi dụng tôi đến mức cuộc sống của bản thân tôi trở nên rất khốn đốn và công việc kinh doanh thất bại tồi tệ. Tôi đã không yêu cầu nhân viên chịu trách nhiệm với công việc của họ và tôi cũng không hoàn thành trách nhiệm của một người chủ và một người giám sát. Không có gì khó khăn bằng việc sa thải một nhân viên, và tôi thường để nó trì trệ hàng tuần liền và khó chịu mất mấy ngày về việc này.

Sư phụ giảng:

“Có người vì muốn bảo vệ danh [tiếng] bản thân, khi trị bệnh cho người ta thậm chí còn nghĩ những gì? ‘Bệnh này tôi xin nhận, để người kia khỏi bệnh’. Đó đâu phải xuất phát từ tâm từ bi; cái tâm danh lợi người ấy chưa hề dứt bỏ; hoàn toàn không xuất hiện tâm từ bi. Người ấy sợ mất danh [tiếng]”. (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Mặc dù tôi đã hướng nội và nhìn thấy rành rành một vài chấp trước của mình, nhưng một số niệm đầu tự dối mình xuất hiện đã ngăn cản tôi nhìn thấy chân tướng của sự việc. Tôi tự nói với bản thân những điều đã ngăn tôi nhìn thấy chấp trước ẩn sâu bên trong mình. Ví dụ, tôi nói với bản thân rằng tôi không muốn kiểm soát người khác và rằng tôi không hứng thú với việc nắm quyền lực trong tay. Tôi nói với mình rằng dù gì thì đương đầu với người khác hay khiến họ chịu trách nhiệm cũng không thể cải thiện hiệu suất làm việc của họ. Sự thật là tôi sợ rằng họ sẽ buồn và thất vọng với tôi, vì thế tôi cố gắng đối xử với mọi người như một người bạn. Nhưng việc làm đó không chứng thực được các nguyên lý của Đại Pháp hay chính lại được các tư tưởng đã lệch lạc biến dị nơi người thường.

Tôi đã tự dối mình bằng cách tự nhủ rằng tất cả họ đều biết tôi tu luyện Đại Pháp, vì thế tôi cần thể hiện cho họ thấy được phong thái của một đệ tử Đại Pháp. Nhưng thực tế là, nếu như tôi thực sự buông bỏ được các chấp trước, thì tôi đã có thể hoàn thành được những trách nhiệm của mình và đồng thời cũng có thể biểu hiện ra hình ảnh tốt đẹp của một đệ tử Đại Pháp.

Sư phụ giảng:

“Tuy nhiên, chúng ta còn đang trong tu luyện, còn có những tâm cuối cùng của người thường [mà chưa bỏ]. Khi xuất hiện vấn đề, thì trước hết nhất định phải kiểm tra bản thân xem có sai sót không. Nếu như phát hiện rằng đó là can nhiễu hoặc phá hoại, thì khi xử lý vấn đề cụ thể, đối với con người bề ngoài kia cần phải hết sức hoà bình và từ bi, bởi vì khi tà ác lợi dụng con người, thì thông thường bản thân người ấy không nhận thấy rõ (tuy nhiên người bị lợi dụng thông thường là người có tư tưởng xấu hoặc là người có tư tưởng xấu xuất hiện)”. (Chính Pháp và Tu luyện, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)

Thậm chí sau khi tôi đã tiến bộ hơn trong việc giải quyết các vấn đề này trong công việc, thì những khổ nạn này vẫn theo tôi về nhà và khiến tôi bị kẹt rất lâu trong mối quan hệ với vợ tôi và các đồng tu. Tình huống này còn khó xử lý hơn, và chúng tôi đã tốn nhiều ngày, nhiều giờ để tranh cãi không ngừng mà đáng ra nên được sử dụng để chứng thực Pháp. Tôi cố gắng lắng nghe cẩn thận để hiểu được cơ điểm của vợ tôi, cố gắng tỏ ra bình tĩnh, bao dung, và từ bi đồng thời hướng nội tìm bên trong mình.

Tuy nhiên, không có cố gắng nào trong đó đạt được kết quả đáng kể. Điều này làm tôi thật sự bối rối bởi trước đây khi tôi tìm được chấp trước của mình, hoàn cảnh của tôi lập tức cải biến, giống như Sư phụ từng miêu tả. Tôi có thể thấy được những gì tôi làm không hoàn hảo nhưng tôi cảm thấy tôi rất tốt bụng và rộng lượng và đã làm tất cả mọi thứ để có thể trở thành người chồng và người cha tốt.

Thực tế là tôi sợ rằng vợ tôi sẽ tức giận và xem tôi là một người ích kỷ và cay nghiệt. Thực vậy, chính những lời buộc tội này sẽ kéo tôi quay ngược lại với những lý luận để tự bào chữa cho mình. Chấp trước vào danh của tôi càng lúc càng mạnh và càng sâu. Những nỗ lực hướng nội của tôi không hiệu quả bởi vì tôi đang dối lừa chính bản thân mình khỏi những gì mình thực sự nhìn thấy.

Tôi đã bị bối rối khi cân nhắc giữa lòng tốt và từ bi của một người tu luyện với nỗi sợ của người thường về việc bị người khác nghĩ xấu. Tôi cũng xấu hổ vì tôi quá nhu nhược dẫn đến việc bị người khác lợi dụng, bởi tôi không nhìn nhận đúng về bản thân mình. Chỉ đến khi tôi thực sự bắt đầu nhận ra chấp trước của bản thân mình là gì và tôi kiên định từ chối tham dự thêm bất kể một “cuộc thảo luận” nào thì hoàn cảnh cuối cùng cũng thay đổi. Tôi cảm thấy như tôi là một người mới và tôi cảm nhận được một năng lượng lớn mạnh đang nhấc bờ vai của tôi lên. Vợ tôi cũng hoàn toàn thay đổi thái độ với tôi mà không cần đến bất cứ một cuộc thảo luận, cãi vã hay “tìm ra cách giải quyết” nào.

Tôi nhận ra rằng nhường nhịn, chấp nhận ý kiến của người khác không giống như vô ngã và hướng nội không có nghĩa là chúng ta không nên có những hành động thích hợp để ngăn chặn hành vi của người khác làm hại đến chúng ta. Hành xử tử tế không có nghĩa là cho phép người khác lợi dụng lòng tốt của chúng ta để làm những việc xấu. Chỉ bởi vì một số người không thích điều chúng ta làm hoặc họ cảm thấy bị tổn thương không có nghĩa điều chúng ta làm là sai. Tất nhiên, chúng ta không nên sử dụng nó như một cái cớ để dẫn đến những việc làm cực đoan khác. Chúng ta phải duy trì chính niệm và đánh giá tư tưởng và hành vi của bản thân dựa trên Pháp.

Sư phụ giảng:

“Có người nói chư vị tốt, chư vị không nhất định thật sự tốt; có người nói chư vị xấu, chư vị không nhất định thật sự xấu; [đó] là vì tiêu chuẩn nhận định tốt xấu đã méo mó rồi. Chỉ khi phù hợp với đặc tính này của vũ trụ thì họ mới là người tốt; đó là tiêu chuẩn duy nhất nhận định người tốt xấu, [và] đó là [điều] được thừa nhận trong vũ trụ”. (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Trong tương lai, tôi cần phải giữ những nguyên lý này trong tâm và đảm bảo bản thân không bị mắc kẹt trong khổ nạn này nữa. Tôi cần chuẩn bị để hành xử với chính niệm chính hành và không để cho bất kể một nỗi sợ hãi hay tiêu cực nào ngăn cản tôi.

Xin các đồng tu từ bi chỉ rõ những điều chưa phù hợp, hoặc chia sẻ thêm thể ngộ.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/12/16/181113.html

Đăng ngày 27-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share