Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 06-02-2020] Khi dịch bệnh xảy ra, con người thường rơi vào trạng thái hoảng loạn. Tuy nhiên, trong lịch sử Trung Quốc có rất nhiều trường hợp những người sống cùng bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng vẫn bình an vô sự. Dưới đây là một số câu chuyện như vậy.

Câu chuyện của Tân Công Nghĩa (辛公义)

Tân Công Nghĩa sinh ra trong thời Bắc Ngụy và giữ nhiều chức vụ trong triều đại nhà Tùy. Ông là người chính trực và có tinh thần trách nhiệm cao.

Trong khi nhậm chức cai quản Dân Châu, ông thấy người dân địa phương nơi này rất sợ dịch bệnh, sợ bị lây nhiễm. Nhà nào có người nhiễm bệnh thì người nhà ai nấy đều ra ngoài, tìm nơi ở khác, để mặc người bệnh ở nhà một mình tự lực cánh sinh. Hậu quả là nhiều người bệnh đã chết do không được chăm sóc đầy đủ.

Để thay đổi tình thế, Tân Công Nghĩa quyết định dùng lòng nhân ái mà cải biến phong tục suy đồi này. Ông phái quan cấp dưới đi kiểm tra các địa phương ở Dân Châu và bảo họ đưa tất cả những người bệnh này về Phủ Công đường Dân Châu, vốn là nơi để ông thi hành công vụ. Ông lắp đặt giường bệnh ở sảnh chính, cung cấp thức ăn và nhu yếu phẩm hàng ngày cho họ.

Vào một mùa hè, dịch bệnh bùng phát ở Dân Châu, mấy trăm người đã nhiễm bệnh. Sảnh chính nơi làm việc của Tân Công Nghĩa và ngoài hành lang đều chật kín bệnh nhân.

Ông đặt một chiếc trường kỷ ở hành lang để giải quyết công vụ luôn ở đó, cả ngày lẫn đêm, xung quanh đều là bệnh nhân. Khi mệt, ông cũng ngủ trên chiếc ghế dài này. Ông còn thường dùng tiền riêng của mình để mua thuốc, mời lương y đến khám cho bệnh nhân, và tự tay chăm sóc họ. Dần dần, tất cả các bệnh nhân, từng người từng người một, đều khỏi bệnh.

Sau đó, Tân Công Nghĩa bảo gia đình họ đưa họ về nhà và nói: “Sinh tử đều có số, và các vị sẽ chẳng có nguy hiểm gì khi săn sóc người thân của mình. Trước đây, nhiều người bệnh đã chết vì người nhà đã bỏ rơi họ. Chính mắt các vị thấy rồi đó. Tôi đưa người bệnh về đây và ở cùng họ suốt ngày suốt đêm, mà tôi vẫn khỏe, còn họ đều đã khỏi bệnh. Sau này, các vị không được bỏ mặc người bị bệnh như trước kia nữa.”

Sau khi nghe ông nói, người thân và họ hàng của bệnh nhân đều cảm thấy vô cùng xấu hổ. Họ cảm ơn ông rồi rời đi. Sau đó, người dân ở Dân Châu trở nên nhân ái, biết quan tâm lẫn nhau hơn, và bỏ đi tập tục cổ hủ.

Dữu Cổn ( 庾衮) không bỏ mặc anh trai bị nhiễm bệnh

Trong thời nhà Tấn, có một ẩn sỹ tên là Dữu Cổn, bá phụ của Hoàng hậu Dữu Văn Quân của Minh Đế triều Tấn (299-328).

Từ khi còn trẻ, Dữu Cổn đã luôn sống đạm bạc. Ông hiếu học và nổi tiếng có hiếu với cha mẹ cũng như yêu thương anh em.

Trong thời Vũ Đế triều Tấn (275 – tháng 4 năm 280), đã xảy ra một trận ôn dịch. Hai anh trai của Dữu Cổn bị nhiễm bệnh qua đời. Một anh trai nữa của ông cũng bị nhiễm bệnh.

Tình cảnh ngày càng nghiêm trọng. Cha mẹ của Dữu Cổn muốn đưa ông và em trai ông rời đi để tránh dịch bệnh, nhưng Dữu Cổn không chịu bỏ mặc anh trai bị bệnh ở lại. Ông kiên quyết ở lại cùng anh và nói: “Con không sợ dịch bệnh.”

Không còn lựa chọn nào khác, gia đình đành phải để ông và người anh bị bệnh ở lại. Dữu Cổn chăm sóc tốt cho anh bất quản ngày đêm. Ông cũng thường buồn khóc, tiếc thương hai người anh đã quá cố.

Hơn 100 ngày trôi qua, trận ôn dịch dần qua đi. Khi người thân và dân làng trở về, họ hết sức kinh ngạc thấy Dữu Cổn dù ngày đêm ở cùng anh trai bị bệnh mà vẫn khỏe mạnh, lại không bị nhiễm bệnh, và anh trai bị nhiễm bệnh gần như cũng đã hoàn toàn bình phục nhờ sự chăm sóc của ông.

Các trưởng bối trong làng kinh ngạc thở dài nói: “Cậu bé này thật phi thường! Cậu ta có thể chăm sóc người khác và làm các việc mà người khác không dám làm.”

Mọi người cũng nhận ra khi dịch bệnh xảy ra, không phải ai cũng bị nhiễm bệnh, và dịch bệnh không dám tiếp cận những người bất quản sinh tử mà kiên định bảo vệ người khác.

Như cuốn sách cổ điển Hoàng Đế Nội Kinh (Y học Cổ điển của Vua Hoàng) nổi tiếng của Trung Quốc nói: “Chính khí tại nội, tà bất khả xâm.”

Miễn là con người vẫn còn giữ chính tâm, trọng đức hành thiện, thì mọi vấn đề đều có lối thoát.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/2/6/400763.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/2/8/183152.html

Đăng ngày 11-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share