Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 02-12-2016] “Ông Lữ sẽ phải chịu bản án bốn năm tù nếu thuê luật sư Bắc Kinh. Ông ấy chỉ phải chịu ba năm tù nếu thuê luật sư địa phương làm đại diện”, Quốc Ngọc Thành, một nhân viên Phòng 610 Thành phố Bình Độ, nói với gia đình của ông Lữ Kiến Quốc, một học viên Pháp Luân Công.

Ông Lữ, 60 tuổi, đã nói với một người về cuộc bức hại của chính quyền Cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Công và đưa cho ông ấy một cuốn sách nhỏ vào ngày 2 tháng 11 năm 2016. Hóa ra người đó lại là nhân viên Phòng 610 Bình Độ, một cơ quan nằm ngoài luật pháp có nhiệm vụ tiêu diệt môn tu luyện này. Viên chức này đã báo cảnh sát Đồn Cảnh sát Thành Quan khiến ông Lữ bị bắt.

Cảnh sát đã lục soát nhà ông Lữ vào chiều ngày hôm sau và tịch thu một số vật dụng cá nhân.

Ông Lữ bị giam tại trại tạm giam Môn Khôn, thành phố Bình Độ kể từ đó. Đến nay, Viện kiểm sát đã phê duyệt lệnh bắt ông.

Gia đình ông Lữ đã thuê một luật sư Bắc Kinh để biện hộ cho ông Lữ. Khi luật sư tới gặp ông Lữ vào ngày 23 tháng 11, cán bộ trại giam lại yêu cầu phải có giấy phép của Phòng 610 Bình Độ.

Quốc Ngọc Thành, một nhân viên Phòng 610, đã tới trại giam. Luật sư hỏi ông Quốc: “Tại sao tôi không được gặp thân chủ của tôi ở đây? Ở trại tạm giam Phú Đông ở thành phố Tức Mặc, tôi cũng được gặp thân chủ của mình mà không gặp khó dễ gì.”

Ông Quốc đáp lại: “Tôi không quan tâm bên trại tạm giam Phú Đông làm gì. Tôi là người ra quyết định cuối cùng ở Bình Độ đây.”

Sau một hồi lâu đàm phán, luật sư cũng được gặp ông Lữ. Ông được biết ông Quốc đã gọi con trai ông Lữ và chất vấn tại sao anh ấy thuê luật sư.

Vụ bắt giữ này xảy ra hai năm sau khi ông Lữ vừa được ra tù sau bảy năm thụ án. Một nhóm an ninh mặc thường phục đã đột nhập vào nhà ông Lữ vào ngày 18 tháng 8 năm 2008. Họ đã đánh ông Lữ bất tỉnh bằng một thanh kim loại sau khi trùm đầu ông bằng một cái túi bao bì to. Ông sau đó bị giữ ở trong một chiếc xe cảnh sát trong khi các nhân viên lục soát nhà của ông. Họ tịch thu hầu như tất cả mọi thứ ở trong nhà, kể cả giường của ông, rồi thay cả khoá nhà.

Bị bắt vì thỉnh nguyện Chính phủ đòi quyền tự do tín ngưỡng

Ông Lữ liên tục bị bắt giữ và giam kể từ khi chính quyền cộng sản bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999. Năm đó, ông Lữ đã tới Bắc Kinh hai lần để thỉnh nguyện đòi quyền tự do tu luyện Pháp Luân Công. Lần nào ông cũng bị bắt.

Lần bị bắt thứ hai là tháng 11 năm 1999, cảnh sát đã còng tay ông với một học viên khác, rồi để họ ngồi đất mấy ngày liền.

Cảnh sát của đồn cảnh sát địa phương ông Lữ đã đưa ông trở lại thành phố Bình Độ và chiếm đoạt của ông 5.000 tệ.

Ông đã bị giam gần hai tháng; trong đó một nửa thời gian là bị nhốt trong một ngôi nhà hoang cùng các học viên khác. Cảnh sát đã đập vỡ cửa sổ căn nhà và không cho họ mặc áo khoác ấm.

Ông Lữ bị ép phải viết bảo chứng thư từ bỏ Pháp Luân Công và được thả sau khi nộp khoảng 2.000 tệ. Sau khi trở về nhà, ông thường bị cảnh sát quấy nhiễu và bị giám sát chặt. Ông phải rời nhà vào tháng 12 năm 2000 để tránh bức hại hơn nữa.

Bị tra tấn trong khi bị tạm giam

Ngày 17 tháng 11 năm 2003, ông Lữ lại bị bắt. Cảnh sát đã trói ông vào ghế sắt trong ba ngày và bị cấm ngủ. Ông bị đánh và bị sốc điện bằng một máy phát điện nhỏ.

Các nhà chức trách đã tống ông Lữ vào tù sau đó ba ngày. Ông bị ép lao động nặng và bị ốm nặng. Ông phải nhập viện và sau đó được bảo lãnh tại ngoại.

Tháng 12 năm 2003, ông Lữ lại phải rời nhà để tránh bị bức hại. Sở cảnh sát Bình Độ đã đưa ông vào danh sách truy nã.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/12/5/338540.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/12/17/160361.html

Đăng ngày 30-1-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share