Bài viết của Đạn Phong Trần

[MINH HUỆ 09-03-2014 ] Nhâm Trường Hà được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công nhận là “Gương điển hình của quốc gia” trong việc bức hại Pháp Luân Công trong suốt nhiệm kỳ là cảnh sát trưởng ở thành phố Đăng Phong, tỉnh Hà Nam. Vào ngày 13 tháng 03 năm 2004, bà ta đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi khi mới 40 tuổi. Mặc dù ngồi ở nghế sau an toàn hơn, nhưng bà đã chết trong khi không ai trong chiếc xe bị thương tích gì cả.

Điều này đã khiến các đồng nghiệp và người quen của bà Nhâm lấy làm lạ về cái chết bất thường của bà. Với những ai đã biết về vai trò tích cực của bà ta trong việc bức hại các học viên Pháp Luân Công, nhiều người đã liên hệ việc này với một câu nói nổi tiếng của người Trung Quốc: “Thiện giả thiện báo, ác giả ác báo.”

Em gái của bà Nhâm, mặc dù rất đau buồn nhưng đã nói rõ ràng rằng: “Tôi không tin vào quả báo, nhưng bây giờ tôi tin điều đó là thật.”

Rất lâu sau vụ tai nạn, vài trường hợp bức hại đã xảy ra ở thành phố đó.

Hậu quả của việc làm xấu

Nhiều trường hợp giống như của bà Nhâm đã xảy ra trong những năm qua.

Cuộc bức hại Pháp Luân Công được cho rằng đã được phát động bằng vụ việc cảnh sát thành phố Thiên Tân bắt giữ một nhóm học viên vào tháng 04 năm 1999. Tống Bình Thuận, sau này là cảnh sát trưởng thành phố Thiên Tân, cũng là người đứng đầu Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC), đã đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình này. Tháng 06 năm 2007, Tống đã tự tử sau khi trở thành mục tiêu điều tra của ĐCSTQ. Cái chết của ông ta đã làm nhiều người bị sốc, bởi vì đây là lần đầu tiên một vụ tự tử cấp bộ trưởng được thông báo kể từ thời Cách mạng Văn hóa.

Được cho là một trong những vụ phỉ báng được công bố rộng rãi và nguy hiểm nhất nhằm chống lại Pháp Luân Công, vụ tự thiêu được dàn dựng trên quảng trường Thiên An Môn vào đầu năm 2001 đã diễn ra vào đúng thời điểm quan trọng. Vào thời điểm đó, cuộc bức hại kéo dài 18 tháng đã không xóa sổ được Pháp Luân Công, trái với những gì mà Giang Trạch Dân, kẻ đứng đầu ĐCSTQ đã đề ra. Hơn nữa, sự tàn bạo và tính phi pháp của cuộc bức hại đã dẫn đến gia tăng sự bất mãn trong quần chúng.

Trò lừa tự thiêu đã làm thay đổi tình hình một cách nhanh chóng, thúc đẩy làn sóng mới của tuyên truyền thù hận và đẩy “việc thẳng tay đàn áp” trên phạm vi toàn quốc lên một cấp độ mới, Trần Manh, kẻ sản xuất mảng tuyên truyền phát sóng liên tục trên kênh truyền hình nhà nước, đã chết vì bệnh ung thư dạ dày ở tuổi 47.

Một ví dụ khác là La Kinh, làm việc ở kênh tin tức nổi tiếng của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), cơ quan ngôn luận chính của ĐCSTQ. Kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu vào tháng 07 năm 1999, ông ta đã phát hàng tá những bản tin phỉ báng Pháp Luân Công cho khán giả cả nước.

La đã chết ở tuổi 48, cũng vì bệnh ung thư. Theo lời một y tá làm việc trong bệnh viện, miệng của La đã hoàn toàn bị hủy hoại ở bên trong và ông ta rất khó khăn trong việc ăn uống và uống thuốc. Thậm chí, ông ta còn yêu cầu ngừng điều trị vì quá đau đớn.

Minh Huệ đã công bố có ít nhất 433 trường hợp bị quả báo nghiêm trọng sau khi bức hại Pháp Luân Công. Trong số đó, 194 người đã chết vì bệnh tật hoặc tai nạn. 72 người phải nhập viện vì những bệnh tật gây tử vong và 57 người bị điều tra vì tham nhũng hoặc bị cầm tù. 72 thành viên gia đình bị ảnh hưởng và đã chết. Do tin tức bị kiểm duyệt và thông tin bị ngăn chặn, con số thực tế có thể cao hơn nhiều so với những gì đã được công bố trên Minh Huệ.

Trong số những cơ quan khác nhau có liên quan, thì Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC), một ủy ban giám sát trực tiếp cuộc đàn áp Pháp Luân Công cùng với Phòng 610, phải chịu những hậu quả nặng nề nhất.

Trong vòng ba tháng sau kỳ Đại hội lần thứ 18 của ĐCSTQ, ít nhất đã có 400 người ở các cấp độ chức vụ khác nhau đã bị điều tra hoặc bị bắt giữ. 12 quan chức cấp cao đã tự tử.

Danh sách các quan chức ĐCSTQ bị ngã ngựa bao gồm cả những quan chức cấp cao như Vương Lập Quân (cựu giám đốc công an thành phố Trùng Khánh đã bị bắt giữ và kết án), Bạc Hy Lai (cựu thành viên Bộ Chính trị và bí thư Đảng ủy thành phố Trùng Khánh, đã bị bắt và bị kết án), Lý Đông Sinh (người đứng đầu Phòng 610, đã bị bắt), Chu Vĩnh Khang (cựu giám đốc PLAC và thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị được báo cáo bị quản thúc tại gia).

Những nghề đáng được tôn trọng đã trở thành nỗi ô nhục và nguy hiểm

Mặc dù có những xuất phát điểm khác nhau, nhưng tất cả những người được đề cập ở trên đều có một điểm chung: tích cực tham gia vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, một nhóm các cơ quan chủ chốt của chính phủ đã bắt đầu cộng tác, tạo thành một mạng lưới chủ chốt cho chiến dịch bức hại lớn chống lại Pháp Luân Công. Bao gồm: cảnh sát (theo dõi và bắt giữ các học viên), Viện kiểm sát (đưa các học viên ra tòa), tòa án (kết án phi pháp), văn phòng công lý (ban đầu là một cơ quan kiểm toán, hiện đã bị biến thành một công cụ để bảo đảm cho cuộc bức hại).

Giám đốc Văn phòng Tư pháp thành phố Thẩm Dương, Hàn Quảng Sinh từng nói với các phóng viên nước ngoài rằng, bốn cơ quan này là thành phần chính của mạng lưới đàn áp do Phòng 610 chỉ đạo. Mạng lưới này có những quyền đặc biệt thay thế những cơ quan khác của chính phủ – thường ở trên luật pháp, để lèo lái cuộc bức hại trên phạm vi toàn quốc sâu hơn và rộng hơn.

Trong một xã hội bình thường, các ngành nghề này, cùng với những người làm việc trong ngành nghề đó, thường được đánh giá cao về vai trò của họ trong việc duy trì trật tự xã hội và duy trì công lý. Thật không may, cùng một hệ thống, bằng một lần thao túng, có thể bị biến đổi thành bộ máy quyền lực để làm hại những người dân vô tội, gây nên những thiệt hại sâu – rộng cho người dân cũng như cho toàn quốc gia.

Nhiều báo cáo gần đây từ Minh Huệ đã nêu rõ những bộ phận này làm việc cùng nhau để tối đa hóa hiệu quả của nó trong việc đàn áp Pháp Luân Công như thế nào. Giam giữ thể xác chỉ là một khía cạnh của cuộc bức hại. Bằng việc lục soát nhà của các học viên và tịch thu tài sản cá nhân, những cơ quan này đã khoét sâu thêm vào nỗi đau thể xác thông qua việc bức hại tài chính và tinh thần. Trong khi bị giam giữ và tra tấn, các học viên bị cưỡng bức xem những video tẩy não và lao động chân tay. Điều này tạo ra một môi trường mà việc từ bỏ niềm tin là cách duy nhất; và tất cả các lựa chọn khác đều là ngõ cụt hoặc thậm chí bị trả thù tồi tệ.

Rất thường xuyên, các bệnh viện nhà tù và bệnh viện tâm thần cũng tham gia vào cuộc bức hại, tiếp theo là tuyên truyền của các phương tiện truyền thông. Sau khi đã làm cho học viên suy sụp tinh thần bằng cách sử dụng thuốc phá hủy thần kinh, họ đã tạo ra những câu chuyện để phỉ báng Pháp Luân Công, tuyên bố rằng các học viên đã bị điên bởi vì niềm tin của họ.

Thủ phạm cũng chính là nạn nhân của cuộc bức hại

Mặc dù các học viên phải chịu đựng rất nhiều trong cuộc bức hại, nhưng những kẻ tiến hành cuộc bức hại cũng sẽ phải lãnh chịu hậu quả. Lừa dối và lôi kéo đã đánh mất cuộc sống của chính họ. Họ chính là những nạn nhân đáng thương nhất của ĐCSTQ.

Adolf Eichmann, một trong những tội phạm chiến tranh chính trong vụ thảm sát người Do Thái, giám sát việc trục xuất và giết hàng loạt người Do Thái Hungary. Mặc dù phải chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng triệu người Do Thái, ông ta vẫn xuất hiện khá bình thường. Với 15 tội danh hình sự, ông ta đã bị kết án tử hình và bị hành quyết vào tháng 05 năm 1962.

Simon Wiesenthal, người chuyên đi truy lùng của Đức Quốc xã, nói rằng: “Thế giới bây giờ đã hiểu khái niệm ‘kẻ giết người bàn giấy.’ Chúng ta biết rằng một người không cần phải cuồng tín, tàn bạo, hoặc bị bệnh tâm thần để giết hàng triệu người, chỉ cần là một kẻ trung thành sẵn sàng làm nhiệm vụ là đủ.”

Những điều tương tự như vậy hiện đang diễn ra ở Trung Quốc khi hàng triệu người bị buộc phải từ bỏ môn tu luyện mà đã mang lại cho họ lợi ích về sức khỏe và tinh thần. Mất mát về thể chất, tinh thần, tài chính – cho họ và cho cả gia đình họ là không thể diễn tả được.

Khi Trần Manh đến thăm nước Mỹ vào năm 2001, cùng năm mà ông ta sản xuất chương trình vu khống vụ tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn, ông đã nói trong một hội nghị chuyên đề rằng:“Tôi sẽ làm việc cho bất cứ ai trả tiền cho tôi, thậm chí sẵn sàng chết vì họ.”

Thật không may, nhiều người ở Trung Quốc đang đi theo bước chân của Adolf Eichmann và Trần Manh. Theo thiên pháp, họ cũng sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành động của họ và sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/4/5/51.html

Đăng ngày 13-05-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share