Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-03-2025] Ngày 21 tháng 2 năm 2025, hai người dân ở thành phố Yết Dương, tỉnh Quảng Đông bị xét xử vì tu luyện Pháp Luân Công, môn tu luyện tinh thần bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp kể từ tháng 7 năm 1999. Bà Viên Ngâm Anh, 74 tuổi và bà Trịnh Tuyết Quân, 61 tuổi, cả hai đều từng bị nhắm đến chỉ vì họ tu luyện Pháp Luân Công.

Tòa án quận Yết Đông thuộc thành phố Yết Dương đã không thông báo cho gia đình họ về phiên tòa trực tuyến theo yêu cầu của pháp luật. Gia đình bà Viên thuê luật sư đại diện cho bà và luật sư đã thông báo cho gia đình về phiên tòa. Vì gia đình bà Trịnh không thuê luật sư, nên họ không biết về phiên tòa này. Bà Viên và bà Trịnh hiện đang chờ phán quyết và đang bị giam tại trại tạm giam thành phố Yết Dương.

Khổ nạn của bà Viên và bà Trịnh bắt đầu vào tháng 3 năm 2024 khi có người ở thành phố Triều Châu lân cận (cũng thuộc tỉnh Quảng Đông) báo cáo nhìn thấy các tài liệu Pháp Luân Công. Cảnh sát thành phố Triều Châu nghi ngờ việc này là do các học viên Pháp Luân Công ở thành phố Yết Dương thực hiện. Họ đã yêu cầu sự giúp đỡ từ Phòng 610 tỉnh Quảng Đông, sau đó cơ quan này đã chỉ thị cho Phòng 610 cấp dưới ở thành phố Yết Dương theo dõi các học viên địa phương. Sau một thời gian theo dõi, Phòng 610 Yết Dương nghi ngờ rằng bà Trịnh, bà Viên và bà Lâm Giới San đã phân phát tài liệu ở thành phố Triều Châu.

Ngày 9 tháng 5 năm 2024, nhà của bà Trịnh bị đột kích bởi cảnh sát từ Đội An ninh Nội địa thành phố Triều Châu, đội an ninh nội địa huyện Nhiêu Bình, đội an ninh nội địa thành phố Yết Dương và cấp dưới trực thuộc là đội an ninh nội địa quận Dung Thành, đồn công an Đông Thăng và đồn công an Dung Hoa.

Tiếp theo, cảnh sát đưa bà Trịnh đến nhà cũ của bà, nhưng bà nói với họ rằng căn nhà đã được bán. Họ không tin bà cho đến khi thấy có người khác đang sống ở đó. Đêm đó, họ khám xét nhà bà Lâm và đưa bà đến đồn công an Đông Thăng. Bà Lâm được thả vài giờ sau đó, nhưng bị bắt giam trở lại vài ngày sau. Cảnh sát đã giam giữ bà thêm 10 ngày rồi thả bà ra. Bà Trịnh và bà Viên vẫn bị giam giữ tại trại tạm giam thành phố Yết Dương.

Cuộc bức hại trước đây của bà Viên: Hai năm lao động cưỡng bức và năm năm tù giam

Bà Viên đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào ngày 1 tháng 1 năm 2000, và bị bắt bởi một số cảnh sát thuộc công an quận Dung Thành, những người được cử đến Bắc Kinh để bắt các học viên từ Yết Dương. Họ đưa bà đến văn phòng liên lạc của thành phố Yết Dương tại Bắc Kinh. Họ lục soát bà và tịch thu 800 Nhân dân tệ cùng thẻ căn cước của bà. Cảnh sát vẫn chưa trả lại tiền và thẻ căn cước cho bà.

Bà Trịnh bị nhốt trong một căn phòng nhỏ cùng với hơn mười học viên khác. Họ không được phép ngồi vào ban ngày. Mỗi ngày họ được phát hai chiếc bánh bao và chỉ được phép đi vệ sinh hai lần. Cảnh sát yêu cầu chồng bà Trịnh đưa cho họ 50.000 Nhân dân tệ để đổi lấy việc bà được thả. Chồng bà chỉ xoay sở và đưa cho họ hơn 10.000 Nhân dân tệ. Sau đó, bà bị đưa trở lại Yết Dương và bị giam giữ trong hai tuần. Sau khi bà được thả, cảnh sát liên tục sách nhiễu bà và gia đình của bà.

Tổng cộng 280 học viên, bao gồm bà Viên và bà Trịnh, đã luyện các bài công pháp Pháp Luân Công tại một quảng trường địa phương để phản đối cuộc bức hại đối với đức tin của họ. Tất cả họ đều bị bắt giữ. Bà Viên bị kết án hai năm lao động cưỡng bức.

Trong thời gian bà Viên chấp hành án, gia đình bà phải đối mặt với những lời đe dọa liên tục từ cảnh sát. Sau khi bà được thả, cảnh sát vẫn sách nhiễu bà tại nhà, theo dõi điện thoại cũng như các hoạt động khác của bà. Chồng bà không thể chịu đựng được áp lực. Sức khỏe của ông bị suy giảm và ông đã qua đời vào đầu tháng 3 năm 2003.

Bà Viên bị bắt tại nhà vào ngày 12 tháng 1 năm 2006 và bị đưa đến trại tạm giam thành phố Yết Dương. Bà bị cao huyết áp và tái phát bệnh lao bạch huyết, nhưng trại tạm giam từ chối cung cấp bất kỳ sự điều trị y tế nào cho bà với lý do bà sẽ không uống bất kỳ loại thuốc nào ngay cả khi bà bị chẩn đoán mắc bệnh.

Bà Viên bị bí mật kết án năm năm tù giam vào ngày 21 tháng 7 năm 2006. Bà từ chối ký vào bản án. Ngày 27 tháng 7 năm 2006, ba người đã giữ tay bà để cố ép bà điểm chỉ vào bản án. Bà đã kiên quyết phản kháng.

Tháng 8 năm 2006, bà Viên bị đưa vào nhà tù Nữ tỉnh Quảng Đông. Trong thời gian bị giam giữ ở đó, hàng ngày các cai ngục ép bà đọc và xem các video phỉ báng Pháp Luân Công. Họ cũng xúi giục các tù nhân dùng lời lẽ tục tĩu để lăng mạ bà. Bà bị theo dõi suốt ngày đêm, ngay cả khi đi vệ sinh. Bà từ chối tuân theo các yêu cầu của cai ngục và thường xuyên phải chịu nhiều hình thức ngược đãi khác nhau, bao gồm bị bắt đứng hoặc ngồi trong thời gian dài, không được đi vệ sinh, bị cấm ngủ, không được mua nhu yếu phẩm hàng ngày, không được tắm rửa, không được gia đình vào thăm và không được phép gọi điện hay thư từ với gia đình.

Cuộc bức hại trước đây của bà Trịnh

Bà Trịnh đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào ngày 1 tháng 1 năm 2000 và bị một mật vụ đưa đến Văn phòng Liên lạc của thành phố Yết Dương tại Bắc Kinh. Người này đã tịch thu chứng minh thư và tiền mặt của bà rồi nhốt bà trong một căn phòng nhỏ. Ngày hôm đó, anh ta chỉ cho bà ăn hai chiếc bánh bao. Ngày hôm sau, công an quận Dung Thành ở thành phố Yết Dương cử người đến Bắc Kinh để đưa bà về. Bà bị giam giữ ở Yết Dương trong 15 ngày và bị phạt 6.500 Nhân dân tệ. Trước khi được thả, bà bị buộc phải nộp cho trại tạm giam địa phương 800 Nhân dân tệ.

Đơn vị công tác của bà Trịnh yêu cầu bà viết bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công trước khi có thể quay lại làm việc. Gia đình bà lo sợ bị liên lụy nên đã đưa bà về quê ở huyện Nhiêu Bình. Vào đầu tháng 3 năm 2000, trong thời gian diễn ra hai kỳ họp chính trị thường niên của chính quyền Cộng sản, cảnh sát Yết Dương đã đưa bà trở lại và giam giữ bà tại một trung tâm tẩy não trong một khoảng thời gian không xác định.

Vào ngày 22 tháng 6 năm 2000, bà Trịnh bị lừa đến trình diện tại một đồn công an và bị bắt giữ. Bà bị giam giữ một ngày rồi được thả. Ngày 25 tháng 6 năm đó, bà Trịnh, bà Viên và 278 học viên khác đã luyện các bài công pháp Pháp Luân Công tại một quảng trường. Tất cả họ đều bị bắt và bị đưa đến các đồn công an địa phương tương ứng. Bà Trịnh bị giam giữ hai tuần và bị phạt 600 Nhân dân tệ trước khi bị chuyển đến một đồn công an khác, nơi bà bị giam giữ cho đến ngày 6 tháng 9 năm 2000. Bà cũng bị phạt hơn 1.400 Nhân dân tệ. Cùng ngày hôm đó, chồng bà đệ đơn ly hôn vì sợ bị liên lụy và bức hại. Bà hiểu nỗi lo lắng của ông và đã ký vào tờ đơn ly hôn.

Ngày hôm sau, ngày 7 tháng 9 năm 2000, bà Trịnh bị đưa đi lao động cưỡng bức – thời hạn không rõ. Lính canh ở trại lao động cưỡng bức ép bà xem các video phỉ báng Pháp Luân Công. Sau đó, họ bắt bà phải lao động khổ sai từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm mỗi ngày. Khi bà hết hạn tù, họ đã giam giữ bà thêm 40 ngày nữa trước khi thả bà.

Trong những năm sau đó, bà Trịnh nhiều lần bị sách nhiễu tại nhà và bị yêu cầu ký các bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/3/491285.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/3/6/225743.html

Đăng ngày 03-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share