Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 06-03-2025] Một cư dân 60 tuổi ở thành phố Ninh An, tỉnh Hắc Long Giang đang kháng cáo bản án ba năm rưỡi tù giam chỉ vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân bị chính quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp kể từ năm 1999.
Bà Thương Tú Phương, một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tại Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Ninh An, đã bị bắt vào ngày 9 tháng 5 năm 2024 trong lần càn quét bởi các sĩ quan Đội An ninh Nội địa Thành phố Ninh An. Bà bị giam tại Trại tạm giam Thành phố Ninh An và sau đó Tòa án Thành phố Hải Lâm kết án tù giam. Thẩm phán Phan Viễn Thành của Tòa án Trung cấp Thành phố Ninh An được phân công thụ lý đơn kháng cáo của bà.
Trong 26 năm bức hại, bà Thương đã nhiều lần bị bắt giam vì kiên định đức tin của mình. Trước đó, bà đã phải chịu hai lần lao động cưỡng bức và một lần ngồi tù với tổng thời gian là năm năm tám tháng. Bà đã phải chịu đựng những cuộc tra tấn không ngừng và suýt mất mạng.
Thờihạn một năm lao động cưỡng bức vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công
Bà Thương bị bắt lần đầu tiên vào ngày 21 tháng 7 năm 1999, một ngày sau khi cuộc đàn áp bắt đầu. Bà bị giam tại trại tạm giam Thành phố Ninh An trong 13 ngày.
Bà Thương đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công vào ngày 14 tháng 2 năm 2000 và bị bắt ở đó. Bà bị đưa trở lại và giam tại trại tạm giam Thành phố Ninh An. Vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, bà bị ép đeo xiềng xích nặng 24 kg trong một tháng và bị sốc điện bằng dùi cui điện.
Tháng 6 năm 2000, bà Thương bị kết án một năm lao động cưỡng bức và bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Mẫu Đơn Giang. Một cai ngục họ Lăng và hai bác sĩ đã dùng tuốc nơ vít cạy miệng bà và sau đó đặt một dụng cụ mở miệng bị rỉ sét vào miệng bà. Tiếp theo, họ bức thực bà với bột ngô trộn với quá nhiều muối qua một ống cao su. Bà suýt bị ngạt thở.
Vì bà Thương luyện các bài công pháp Pháp Luân Công tại trại lao động, cai ngục Trương Hiểu Quang buộc bà phải đứng ở hành lang, dán băng dính vào miệng và xịt nước lạnh vào mũi bà. Kết quả là, bà cảm thấy như hệ hô hấp của mình bị đóng băng, khiến bà chỉ biết khóc.
Trong hai tháng tại trại lao động, bà Thương bị đánh đập, lăng mạ bằng lời nói, bị dội nước lạnh và sốc điện bằng dùi cui điện mỗi ngày. Cai ngục Lưu Tú Phân từng sốc điện bà bằng dùi cui điện quá lâu đến mức chân bà bị bỏng nặng.
Bà Thương bắt đầu tuyệt thực để phản đối vào cuối tháng 7 năm 2000. Bốn ngày sau, bà bị đưa trở lại trại tạm giam Thành phố Ninh An. Cai ngục Lý Văn Anh đánh vào lưng bà bằng một ống PVC dài khi bà bước vào phòng giam. Sau đó, bà không thể đi lại được và cảm thấy cơ thể mình như bị rời ra. Bà kết thúc thời gian thi hành án tại trại tạm giam và được thả vào tháng 5 năm 2001.
Kết án ba năm tù
Bà Thương bị bắt lại vào ngày 21 tháng 4 năm 2002 bởi người từ Đồn Công an Số 1 Thành phố Ninh An. Công an đã bóp cổ, đánh bà bằng gậy gỗ, dùng thuốc lá châm vào người bà,và dội nước lạnh lên người bà.
Sau khi họ đưa bà đến trại tạm giam Thành phố Ninh An vài ngày sau đó, bà từ chối mặc áo tù nhân và bị buộc phải đeo xích chân và còng tay được nối với một sợi xích dài 40 cm. Bà không thể đứng dậy hoặc duỗi thẳng lưng, mà phải giữ cơ thể cúi gập mọi lúc. Các cai ngục không tháo dụng cụ tra tấn cho đến 20 ngày sau đó. Trong thời gian đó, bà phải nhờ người khác giúp đỡ để đi vệ sinh và ăn uống.
Miêu tả lại tra tấn: xích chân và còng tay được xích lại với nhau
Tòa án Thành phố Ninh An đã kết án bà Thương ba năm vào ngày 19 tháng 8 năm 2002. Thẩm phán chủ tọa Cát Ngọc Phổ đã ký bản án của bà. Bà được đưa vào Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 3 tháng 12 năm 2002.
Tại khu vực mới tiếp nhận, hơn 80 tù nhân bị giam trong một căn phòng lớn và chỉ có một nhà vệ sinh để sử dụng. Mái nhà bị dột được che bằng tấm bạt và bà Thương có thể nghe thấy tiếng nước nhỏ giọt vào ban đêm. Vào buổi sáng, bà và những người khác phải hớt nước ra khỏi tấm bạt.
Có hai tù nhân theo dõi bà Thương suốt ngày đêm và bà không được phép nói chuyện với ai. Bà bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ hơn 15 tiếng mỗi ngày. Vào buổi sáng, bà phải xin giấy phép trước khi có thể sử dụng nhà vệ sinh chỉ để đi tiểu. Nếu bà cần đi đại tiện, bà phải đợi đến sau 9 giờ sáng và xin một giấy phép khác cho việc đó.
Một tháng sau, bà Thương được phân công đến Khu Tám và bị bốn tù nhân giám sát. Bà vẫn không được phép nói chuyện với ai. Vì bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, các cai ngục không giao cho bà một chiếc giường, mà buộc bà phải ngủ ở mép của hai chiếc giường được đặt cạnh nhau. Bà phải xin phép các tù nhân trước khi có thể sử dụng nhà vệ sinh. Các cai ngục cũng cấm bà mua các nhu yếu phẩm hàng ngày hoặc được gia đình đến thăm. Chồng bà đã đến nhà tù nhiều lần nhưng không được phép gặp bà.
Từ tháng 8 đến đầu tháng 9 năm 2003, bà Thương buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ một lần nữa, từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối và thậm chí từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối mỗi ngày. Bà không được phép di chuyển hoặc nói chuyện và chỉ được nghỉ giải lao hai lần mỗi ngày để đi vệ sinh. Người bà bị nổi mụn nước lớn ở mông do ngồi quá lâu.
Đến ngày 5 tháng 9 năm 2003, cai ngục ra lệnh cho bà Thương bắt đầu làm việc. Khi bà và các học viên khác từ chối tuân theo, các cai ngục buộc họ phải chạy vòng quanh trong khi đánh đập họ. Bà Thương cũng bị sốc điện bằng dùi cui điện vào tai và bị đánh bằng cành cây vào lưng. Sau một thời gian nghỉ ngắn sau bữa trưa, việc chạy tiếp tục vào buổi chiều. Không có nước được cung cấp trong suốt cả ngày.
Đến buổi tối, các học viên bị đưa trở lại phòng giam, nơi họ được phép uống một ít nước và đi vệ sinh. Sau đó, các cai ngục trói họ lại, với hai tay sau lưng, và buộc họ phải ngồi trên sàn bê tông ẩm ướt. Các tù nhân cho họ ăn một ít vào bữa tối. Vào ban đêm, họ không được phép ngủ. Ngay khi họ nhắm mắt lại, các tù nhân sẽ đánh họ bằng gậy tre. Kết quả là khuôn mặt của nhiều học viên bị bầm tím và biến dạng.
Vào buổi sáng, các tù nhân cởi trói chân học viên, nhưng không cởi trói tay của họ, và sau đó đưa họ đến nhà vệ sinh. Sau khi họ trở lại, họ lại trói các học viên và để họ ngồi trên sàn bê tông, chờ các cai ngục đến đưa họ đến sân tập một lần nữa.
Sau vài ngày, ngay cả các tù nhân cũng kiệt sức. Nếu họ thấy ai đó nhắm mắt lại, họ sẽ bắt đầu đánh bà Thương, vì bà ngồi gần các tù nhân nhất.
Do thiếu ngủ nghiêm trọng, một số học viên rơi vào trạng thái mê sảng. Bà Vương Thục Linh nghe tiếng nói “Có cơm trên mặt đất và tôi muốn ngủ.” Tù nhân Triệu Diễm bước đến; cô ta chỉ vào tường và hỏi bà Vương đó là gì. Bà nói đó là bầu trời. Triệu sau đó chỉ vào chính mình và hỏi bà Vương có nhận ra cô ta không. Bà nói không. Triệu tiếp theo hỏi bà có muốn ngủ không và câu trả lời là có. Triệu lấy ra một tờ tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công và bắt bà Vương ký tên vào đó. Sau đó bà được phép đi ngủ.
Bà An Linh kiệt sức đến mức không thể tiếp tục chạy. Bác sĩ nhà tù châm kim dài vào lòng bàn chân bà. Các tù nhân Vương Phượng Xuân và Dương Bình cũng châm kim vào mu bàn chân của các học viên khác.
Tra tấn marathon kéo dài tổng cộng mười một ngày. Trong thời gian đó, bà Thương và một học viên khác, bà Giả Thục Anh, đã cố gắng ngăn các tù nhân Chu Ngọc Hồng và Lý Quế Hồng đánh đập học viên Nghê Thục Trân. Tù nhân Lý đá vào cổ bà Thương khiến bà bất tỉnh.
Ngay sau khi tra tấn kết thúc, móng chân bà Thương bị rụng khỏi ngón chân cái ở mỗi bàn chân. Bà cũng bị ghẻ lở khắp người, ngứa ngáy vô cùng thường khiến bà thức trắng đêm.
Tháng 2 năm 2004, vì bà Thương từ chối mặc đồng phục tù nhân, cai ngục Trương Xuân Hoa và các tù nhân Triệu Diễm Hoa, Tống Lệ Ba và Chu Ngọc Hồng đã lột quần áo của bà và ép bà mặc đồng phục tù nhân. Sau đó, họ vặn một tay bà ra sau lưng để còng với một tay khác kéo qua vai bà từ phía trước. Bản thân đòn tra tấn này đã đủ khiến không thể chịu đựng được, nhưng các cai ngục đã thêm một sợi xích vào còng tay và cho nó luồn qua thanh ngang của giường tầng trên cùng, điều này làm chân bà hầu như không chạm đất. Kết quả là bà sớm ngất xỉu vì đau đớn. Sau khi tỉnh lại, cuộc tra tấn tiếp tục. Các cai ngục sau đó giữ bà bị còng tay như vậy trong một đêm.
Miêu tả lại tra tấn: bị còng tay sau lưng
Tháng 12 năm 2004, các tù nhân buộc các học viên Pháp Luân Công phải ngồi trên sàn bê tông ở hành lang qua đêm và mở cửa sổ để làm họ đóng băng. Cuộc tra tấn kéo dài 20 ngày và các học viên vẫn phải làm việc không công vào ban ngày.
Ngoài những hình thức tra tấn đã đề cập ở trên, bà Thương còn bị lột quần và sau đó bị đánh bằng một khối gỗ hoặc dép vào mông.
Bà được thả vào tháng 4 năm 2005.
Thời hạn lao động lần hai
Vào tháng 11 năm 2011, bà Thương đã liên lạc với Diêm Hòa Thành, trưởng Phòng 610 Thành phố Ninh An và thúc giục ông ta không đàn áp các học viên Pháp Luân Công. Để trả thù, Diêm ra lệnh cho Đội An ninh Nội địa Thành phố Mẫu Đơn Giang và thành phố Ninh An bắt bà tại nơi làm việc vào ngày 28 tháng 11 năm 2011. Bà bị giam tại trại tạm giam Thành phố Mẫu Đơn Giang, nhưng công an từ chối tiết lộ nơi ở của bà cho gia đình. Gia đình bà thường xuyên đến đồn công an và Phòng 610 để tìm bà nhưng vô ích.
Bà Thương bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Tỉnh Hắc Long Giang vào tháng 1 năm 2013 để thi hành án 20 tháng. Bà bị giam biệt lập và bị theo dõi suốt ngày đêm. Không có đồng hồ nào trong phòng. Bà không được phép đến nhà ăn để ăn và bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhựa nhỏ không có đệm cả ngày. Các cai ngục đến vào buổi sáng, buổi chiều và buổi tối, ra lệnh cho bà từ bỏ Pháp Luân Công. Bà phải chịu áp lực tinh thần rất lớn.
Sau một tháng quản lý nghiêm ngặt như vậy, bà Thương lại bị cai ngục Lã Bác Á và tù nhân Ba Lệ Hoa ra lệnh từ bỏ đức tin của mình. Họ nắm lấy tay bà và cố gắng ép bà điểm chỉ vào một tờ tuyên bố đã chuẩn bị sẵn để từ bỏ Pháp Luân Công. Bà giằng co hết sức mình và tay bà bị thương và sưng tấy. Do bị bức hại, bà cảm thấy tức ngực, tóc bà chuyển sang màu xám và tất cả răng của bà đều lung lay. Răng cửa của bà sau đó bị rụng. Bà được thả vào ngày 2 tháng 8 năm 2013.
Báo cáo liên quan:
Thành phố Ninh An, tỉnh Hắc Long Giang: 18 học viên Pháp Luân Công bị bắt trong cùng ngày
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/6/491382.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/3/10/225793.html
Đăng ngày 20-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.