Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 05-07-2024] Ước tính, trong 25 năm bức hại Pháp Luân Công, Ủy ban Chính trị và Pháp luật cùng Sở Công an thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã tịch thu hàng triệu nhân dân tệ tiền mặt từ các học viên và gia đình họ.

Số tiền này bị tịch thu trong khi lục soát nhà cửa, hoặc tống tiền người nhà học viên bằng cách đe dọa kết án tù thân nhân (học viên) của họ.

Các học viên đã tiết kiệm những số tiền vất vả kiếm được để nghỉ hưu hoặc đóng học phí cho con của họ. Sau khi tiền của họ bị tịch thu, một số học viên lâm vào cảnh nợ nần chồng chất hoặc phá sản.

Dưới đây là một số trường hợp tiêu biểu.

Tịch thu tiền thông qua thủ đoạn cưỡng ép

Tịch thu hơn 500.000 Nhân dân tệ tiền mặt từ một cặp vợ chồng và người thân của họ

Khoảng 9 giờ sáng ngày 11 tháng 5 năm 2024, ông Hạ Hồng Quân và vợ là bà Phó Văn Huy đến cửa hàng in của ông Lan Thanh Trung tại thành phố Xích Phong, Nội Mông (cách đó khoảng 100 dặm). Ngay khi họ đến nơi, cảnh sát mặc thường phục từ Phòng Công an Tiền Tiến của thành phố Triều Dương xông vào. Họ tịch thu máy in, máy tính và 320.000 Nhân dân tệ tiền mặt của ông Lan, cũng như 120.000 Nhân dân tệ tiền mặt của đôi vợ chồng này.

Cảnh sát từ Phòng Công an Tiền Tiến và Đội An ninh Nội địa thành phố Triều Dương áp giải ông Hạ về nhà ông tại thành phố Triều Dương. Tại dây, họ tịch thu hơn 91.000 Nhân dân tệ, chìa khóa nhà, chìa khóa xe và các tài sản khác của ông. Con gái và cháu ông Hạ sống chung với họ không thể về nhà và phải ở nhờ nhà của một người họ hàng. Sau đó, ba học viên bị bắt giữ chính thức, và cảnh sát ở Triều Dương bác bỏ yêu cầu được gặp luật sư của họ.

Tịch thu hơn 10.000 Nhân dân tệ tiền mặt và tài sản cá nhân

Ngày 11 tháng 6 năm 2021, cảnh sát của Phòng Công an Tiền Tiến đến nhà bà Tôn Quế Linh, lấy đi 10.000 Nhân dân tệ tiền mặt và nhiều vật phẩm cá nhân của bà. Tiền và vật dụng của bà vẫn chưa được hoàn trả.

Cảnh sát tống tiền bằng cách đe dọa bắt giữ các học viên

Sau khi hai học viên Pháp Luân Công ở quận Long Thành bị bắt, người nhà của một học viên phải trả khoản tiền bảo lãnh gần 10.000 Nhân dân tệ, trong khi người thân của học viên còn lại phải nộp gần 50.000 Nhân dân tệ để họ được thả tự do.

Trong những năm gần đây, một học viên ở Bát Lý Bảo bị bắt. Gia đình phải trả 15.000 Nhân dân tệ cho cảnh sát để học viên này được tự do. Sau khi học viên này được thả, gia đình vẫn bị sách nhiễu, và bị dọa rằng thân nhân của họ sẽ bị kết án tù. Cảnh sát tống tiền họ thêm 10.000 Nhân dân tệ nữa, và học viên này bị kết án treo.

“Tại sao chúng tao không bắt hắn? Bởi vì hắn không có tiền”

Ngày 9 tháng 11 năm 2015, ông Khương Vỹ bị bắt, và nhà của ông bị lục soát. Cảnh sát Triệu Lập Cực tịch thu 3.600 Nhân dân tệ tiền mặt từ ông Khương, số tiền để dành cho hôn lễ của con gái ông.

Trước đây, khi Triệu tham gia bắt giữ hàng loạt học viên, ông ta nói với người thân của các học viên Pháp Luân Công rằng: “Nhìn hắn đi. Chúng tao không bắt hắn. Tại sao lại không? Bởi vì hắn không có tiền.”

Hai học viên được thả sau khi gia đình họ lần lượt nộp số tiền 200.000 Nhân dân tệ và hơn 100.000 Nhân dân tệ cho Triệu để ông ta bảo đảm việc thả họ thông qua mối quan hệ với công tố viên. Hầu hết các học viên bị kết án treo đã phải nộp tiền cho cảnh sát. Tuy nhiên, sau khi được thả, họ phải đối mặt với áp lực rất lớn vì khó khăn tài chính của gia đình.

Bị vắt kiệt tài chính từ khi cuộc bức hại bắt đầu

Cảnh sát dùng tiền tịch thu được để mua nhà cửa sang trọng

Trong những năm gần đây, Phòng 610 ở quận Song Tháp đã tịch thu hơn 50.000 Nhân dân tệ. Tháng 10 năm 2001, cảnh sát tịch thu một lượng lớn tài sản cá nhân của ông Hồ, bao gồm 50.000 Nhân dân tệ trong sổ tiết kiệm, hơn 10.000 Nhân dân tệ tiền mặt và thẻ SIM. Cảnh sát không lập danh sách các vật phẩm bị tịch thu.

Sau khi Bạch Văn Hữu, Đội trưởng Đội An ninh Nội địa, bắt giữ ông Tào Chí Dũng và ông Hồ Kiến Quốc, ông ta chiếm xe của họ và thay đổi biển số. Bạch thường lái chiếc xe này đến lục soát nhà của các học viên.

Bạch không chỉ tịch thu tiền của các học viên, mà còn đe dọa bằng án tù nhằm tống tiền người thân của họ. Sau đó, ông ta mua một căn nhà cao cấp bằng số tiền tịch thu từ các học viên.

Tôn Húc và Hoàng Điện Tướng ở Phòng Công an quận Long Thành cũng tích cực tịch thu tiền của các học viên. Trước năm 2005, họ đã thu được 184.604 Nhân dân tệ từ hơn 100 học viên.

Thu giữ xe của các học viên để tống tiền

Cảnh sát Ngô Bảo Lương nhiều lần thu giữ xe của các học viên để tống tiền họ. Năm 2003, bà Trần Bảo Phượng (người bị bức hại đến chết tại Trại tạm giam Ngô Gia Oa vào ngày 3 tháng 3 năm 2008) bị Ngô thu giữ xe taxi, sau đó bị tống tiền bà 6.000 Nhân dân tệ trước khi được trả lại.

Một lần khác, Ngô tịch thu xe taxi của một học viên, với lý do học viên này cho một học viên khác thuê xe taxi. Gia đình phải trả 15.000 Nhân dân tệ để lấy lại xe taxi.

Tháng 6 năm 2012, bà Hàn Minh Lan cùng một số người thân bị cảnh sát của Phòng Công an huyện Triều Dương bắt giữ. Cảnh sát tống tiền họ 10.000 Nhân dân tệ trước khi thả chồng bà. Cảnh sát cũng tịch thu ba xe ô tô của gia đình.

Sau khi cảnh sát thấy việc kinh doanh của gia đình bà phát đạt, họ bắt giữ tổng cộng 14 người, bao gồm con trai, con dâu, người thân khác của bà Hàn và các học viên. Gia đình bà Hàn phải trả hàng ngàn đến hàng chục ngàn nhân dân tệ để họ được thả tự do.

Tịch thu hơn hai triệu nhân dân tệ từ các học viên Lăng Nguyên

Tổng cộng có 860 học viên ở thành phố Lăng Nguyên bị bắt, giam giữ và bị lục soát nhà cửa. Họ đã bị tống tiền hơn 2.100.000 Nhân dân tệ.

Ngày 20 tháng 10 năm 2001, ông Hầu Diên Song bị bắt, và nhà ông bị lục soát. Máy tính, máy in, sổ đỏ và hơn 90.000 Nhân dân tệ của ông bị tịch thu. Sau đó, ông Hầu bị kết án bí mật 14 năm tù, và cuối cùng bị bức hại đến chết.

Từ năm 2006 đến năm 2008, cảnh sát của Đồn Công an Lăng Nguyên bắt giữ và lục soát nhà của hơn 70 học viên. Hơn 40 học viên bị tịch thu tiền, tổng cộng ít nhất 346.000 Nhân dân tệ. Một số học viên bị mất gần 30.000 Nhân dân tệ.

Từ năm 1999 đến đầu năm 2012, Lưu Cảnh Khuê, đồn trưởng Đồn Công an Lăng Nguyên, tham gia bắt giữ hơn 100 học viên, và tống tiền họ hơn một triệu nhân dân tệ.

Đôi khi, Lưu tra tấn các học viên trong nhiều ngày để họ nhận tội hoặc đe dọa người nhà họ phải trả tiền cho ông ta để thả các học viên. Trong cuộc sống, ông ta có quan hệ với nhiều phụ nữ và đánh bạc. Ông ta nợ nước ngoài hơn 100.000 Nhân dân tệ, bao gồm thua cờ bạc, vay tiền đánh bạc và vay cá nhân.

Lưu ly hôn rồi lại tái hôn. Ông ta vay tiền mua nhà, và vì tiền lương không đủ trang trải chi phí nên moi tiền của các học viên.

“Tôi sẽ có tiền khi bắt giữ vài học viên Pháp Luân Công trong vài ngày tới”

Từ ngày 20 tháng 7 năm 1999, hai cảnh sát Phan Chiêm Tiên và Khương Kiệt của Phòng Công an huyện Kiến Bình đã bức hại các học viên Pháp Luân Công. Bằng cách bắt giữ và lục soát nhà của các học viên, họ đã tịch thu hơn 200.000 Nhân dân tệ tiền mặt và tống tiền 400.000 Nhân dân tệ từ gia đình các học viên.

Khi Khương dùng bữa ở một nhà hàng, người quản lý đưa cho ông ta hóa đơn với một số tiền lớn, Khương nói: “Chờ chút đi. Tôi sẽ có tiền khi bắt giữ vài [học viên] Pháp Luân Công trong vài ngày tới.”

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/5/479321.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/20/219124.html

Đăng ngày 31-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share