Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 16-06-2024] Tôi đã tu luyện Đại Pháp hơn 20 năm và vẫn luôn cố gắng hết mình để làm tốt ba việc. Tôi cũng coi trọng việc học Pháp và luyện công. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy rằng tâm tính của mình không đề cao lên nhiều như tôi mong muốn.

Gần đây, tôi đã dành nhiều thời gian hơn để học Pháp và nhận ra rằng vấn đề của tôi là hướng nội tìm. Tôi có thể ngộ rằng một đệ tử Đại Pháp phải luôn luôn hướng nội tìm và buông bỏ tất cả tâm chấp trước người thường thông qua tu luyện, và chìa khoá để đạt được điều này chính là học Pháp tốt và bản thân phải hành xử dựa trên các Pháp lý vào mọi thời khắc. Nếu không, chúng ta sẽ không thể nhìn thấy tâm chấp trước và quan niệm người thường của mình, huống chi là loại bỏ chúng thông qua tu luyện. Tôi xin chia sẻ một số thể ngộ gần đây của tôi về vấn đề này.

Nhận diện các chấp trước và quan niệm người thường của chúng ta

Đối đãi với việc hướng nội tìm một cách hình thức

Đôi lúc, khi chúng ta nhận ra mình có một tâm chấp trước nào đó, chúng ta nghĩ rằng mình đã hướng nội rồi mà không đào sâu đủ mức để tìm ra nguyên nhân gốc rễ. Đây là một cách hướng nội hết sức nông cạn và hình thức, có thể dẫn đến việc hướng ngoại tìm lý do và biện giải, ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng mình không nên tranh cãi với người khác. Tôi nên nhẫn chịu và tu bản thân cho tốt, đại loại như vậy.

Với tâm thái đó, chúng ta đã vô thức coi thường người khác thay vì thực sự hướng nội tìm.

Trở ngại khi tách bạch việc học Pháp và thực tu

Chúng ta thường không áp dụng được những điều mình học trong Pháp vào quá trình tu luyện của bản thân. Chúng ta cảm thấy rằng mình đã ngộ được một số Pháp lý và thể ngộ của chúng ta được sự công nhận từ các học viên khác, vì vậy chúng ta nghĩ rằng mình đang tu luyện và cảm thấy khá tốt về bản thân.

Coi làm việc như là tu luyện

Một số người trong chúng ta xem làm các việc như là tu luyện, cho rằng nếu tôi tham gia vào nhiều hạng mục chứng thực Pháp hơn nữa và đạt được sự công nhận từ các học viên khác, thì tôi hẳn phải tu luyện rất tốt rồi. Tư tưởng này cũng ngăn trở chúng ta thực sự hướng nội tìm.

Có rất nhiều tâm chấp trước người thường ngăn cản chúng ta hướng nội tìm, như là tâm chấp trước vào tự ngã, tật đố, an dật, không muốn chịu khổ, bất bình và phàn nàn, v.v Mỗi tâm chấp trước đều có thể ngăn cản chúng ta đề cao trong tu luyện.

Hướng nội vô điều kiện và thay đổi chính mình từ căn bản

Tôi đã ngộ ra từ Pháp, rằng nếu như một đệ tử Đại Pháp không thể thực sự hướng nội tìm, thì người đó không phải là một người tu luyện chân chính. Trong quá trình tu luyện, chúng ta phải loại bỏ tất cả chấp trước người thường mới có thể bước ra khỏi những quan niệm con người và hướng tới Thần. Hướng nội tìm chính là quá trình chủ động loại bỏ tâm chấp trước người thường chiểu theo yêu cầu của Pháp và tự bản thân chủ động đồng hoá với Đại Pháp một cách tích cực. Đây là vấn đề nghiêm túc và lớn lao nhất trong vũ trụ.

Tôi ngộ ra rằng những vấn đề của tôi đến từ việc không thể nhìn thấy tính nghiêm túc của tu luyện và không thật sự học Pháp tốt hay trân trọng cơ duyên quý giá này để tu luyện. Tôi đã quyết tâm phải thực sự nghiêm khắc với bản thân trong tu luyện.

Học Pháp nhiều hơn, học Pháp tốt hơn và chiểu theo Pháp lý vào mọi lúc

Tôi bắt đầu chú ý đến từng niệm đầu của mình và tự hỏi bản thân tại sao mình lại bị động tâm? Tại sao tôi cảm thấy tức giận? Có phải là vì tôi cảm thấy tổn thương hoặc cảm thấy người khác coi thường mình hay không? Tại sao người khác không nên coi thường tôi? Nhờ hướng nội tìm một cách sâu sắc, tôi có thể nhận diện và loại bỏ tâm ích kỷ từ trong bản chất, cũng như tất cả các loại cảm xúc, quan niệm và chấp trước.

Hướng nội tìm vô điều kiện và hành xử theo các tiêu chuẩn cao hơn dựa trên Pháp

Tôi đã có một khảo nghiệm rất khó vượt qua. Sư phụ đã điểm hoá cho tôi trước đó, rằng tôi có mang theo tâm oán hận từ tiền kiếp và tôi cần phải hoàn trả nợ nghiệp. Ban đầu, tôi nghĩ rằng tiêu nghiệp và trả nợ nghiệp là một hảo sự và tôi sẽ sớm vượt qua được. Tuy nhiên, thực tế không dễ dàng như vậy. Tình hình đã trở nên càng ngày càng khó chịu đựng.

Bất kể tôi cố gắng đến đâu thì đối với người kia cũng không đủ tốt. Từ góc độ của một người thường, ông ấy đang cư xử “hết sức vô lý”. Nhưng từ góc độ của một người tu luyện, ông ấy đang trải đường cho tôi thăng hoa đến thiên quốc.

Khi chính niệm của tôi mạnh mẽ, tôi cảm thấy mình có thể nhẫn chịu nỗi đau và vượt qua khảo nghiệm. Khi các quan niệm người thường của tôi chiếm thế thượng phong, dù chỉ một chút thôi, tôi sẽ cảm thấy hoàn cảnh vô cùng đau khổ và không thể chịu được. Mặc dù tôi đã hết lần này đến lần khác quyết tâm “nhẫn chịu”, nhưng lại không kéo dài lâu trước khi tôi bắt đầu nghĩ rằng: “Khi nào chuyện này mới kết thúc đây?” Tôi đã không thể thực sự nhẫn một cách vững chắc.

Sau này, tôi nghĩ rằng chỉ có loại bỏ tất cả chấp trước thì tôi mới vượt qua khảo nghiệm được. Nhưng nói thì dễ hơn làm. Khi chính niệm của tôi mạnh mẽ, tôi có thể buông bỏ được nhưng sau đó không lâu thì tâm người thường lại khởi lên trở lại. Tôi tự nhủ bản thân phải nhẫn và trầm tĩnh lại, nhưng không lâu sau đó tôi lại bắt đầu cảm thấy oán hận và điều đó thậm chí còn khiến tôi khó nhẫn chịu nỗi đau và sự bất lực hơn nữa.

Mặc dù vậy, sâu thẳm trong tâm, tôi muốn tu luyện bản thân mình thật tốt. Sư phụ đã giúp tôi vào thời khắc then chốt. Một hôm, tôi đột nhiên nhớ rằng Phật Milarepa cũng phải nhẫn chịu thống khổ. Ông ấy xây nhà trên bốn ngọn núi hết lần này đến lần khác theo yêu cầu của sư phụ của ông, nhưng sau đó phải phá dỡ từng căn nhà xuống và dời đá đến một ngọn núi khác để bắt đầu xây một căn nhà mới. Lưng của ông tím bầm và chảy máu, còn ông thì thường xuyên kiệt sức. Trong những năm tháng trải qua ma nạn của mình, nếu như Phật Milarepa có dù chỉ một niệm đầu nhỏ oán hận sư phụ của ông, thì ông đã không thể tiêu trừ nghiệp lực và tu luyện viên mãn. Đối chiếu với ông ấy, ma nạn mà tôi đang nhẫn chịu không là gì cả. Quan trọng hơn nữa, tôi nhận ra mình không kiên định tín Sư tín Pháp như ông ấy, hoặc không dành hết tâm huyết để tu luyện bản thân.

Sư phụ đã dạy chúng ta:

“Chân tu Đại Pháp
Duy thử vi đại
Đồng hoá Đại Pháp
Tha niên tất thành.” (“Đắc Pháp”, Hồng Ngâm)

Diễn nghĩa:

Đắc Pháp

Chân tu Đại Pháp
Chỉ có cái đó là lớn
Đồng hoá Đại Pháp
Đến năm ấy ắt thành công

Trước đây tôi đã không làm tốt vì tôi không đặt tu luyện lên hàng đầu, và không có quyết tâm tu luyện đến cuối cùng cho dù có chuyện gì xảy ra. Bây giờ, tôi ngộ ra rằng khảo nghiệm này được Sư phụ an bài cho con đường tu luyện của tôi. Nếu như tôi oán hận người kia, chẳng phải điều đó có nghĩa là tôi oán hận an bài của Sư phụ sao? Không phải là tôi không thể nhẫn chịu thêm được nữa, mà là tôi vẫn chưa có được tâm đại Nhẫn mà Pháp yêu cầu.

Khi tôi suy nghĩ về việc này, các nhân tố vật chất của tâm oán hận đột nhiên biến mất và trái tim tôi tràn ngập sự thiện lương. Con xin cảm ơn Sư phụ! Con vĩnh viễn biết ơn sự cứu độ từ bi của Ngài!

Thông qua sự việc này, tôi ngộ ra rằng việc hướng nội tìm phải là vô điều kiện. Bất kể chuyện gì xảy ra, chúng ta không được nuôi dưỡng bất kỳ oán hận nào. Bất kể hoàn cảnh là gì, thì tín tâm chân chính của chúng ta vào Sư phụ và Đại Pháp phải luôn luôn vững chắc và không thể lay động.

Trên đây là một số thể ngộ gần đây của tôi về việc đề cao chân chính chỉ có thể đạt được thông qua quá trình thực tu vững chắc.

Xin hãy từ bi chỉ ra bất kỳ điều gì không phù hợp trong bài chia sẻ của tôi.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/6/16/478711.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/27/218789.html

Đăng ngày 14-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share