Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Canada
[MINH HUỆ 29-03-2024] Tôi rất kiêu căng, ngạo mạn nhưng không nhận ra điều này. Tôi không tôn trọng bất cứ ai và thường phán xét mọi người, mặc dù tôi hầu như chỉ giữ kín trong lòng chứ không nói ra. Tôi đọc Pháp và thậm chí học thuộc sách Chuyển Pháp Luân vài lần, nhưng bản thân vẫn chưa thể chân chính đắc Pháp và vận dụng các Pháp lý vào trong cuộc sống. Dường như có một rào cản ngăn cách tôi với Pháp.
Cuối cùng, khi tôi thừa nhận mình có tâm ngạo mạn, tôi không thể tin nổi hành xử vô lý trước đây của mình. Tôi nghĩ mình sẽ dần dần tu bỏ tâm ngạo mạn và học cách tôn trọng người khác, nhưng phá vỡ thói quen đã hình thành quả thật rất khó. Mặc dù những biểu hiện nhất định của tâm kiêu ngạo đã tiêu mất, nó vẫn phản ánh vào trong tư tưởng, lời nói, và hành vi của tôi.
“Cú va chạm“ bắt nguồn từ tâm ngạo mạn
Đồng tu tên Liên, thiện lương và chất phát, đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong vấn đề này. Cô ấy không bị ảnh hưởng bởi các trào lưu hiện đại mà kiên định đi theo các giá trị văn hóa truyền thống. Điều này khiến tôi nhớ đến thế hệ của bà tôi và giúp tôi thoát khỏi những quan niệm hiện đại. Nhưng do tâm ngạo mạn, tôi đã coi thường Liên. Tôi cho rằng cô ấy quá ngây thơ, khờ khạo.
Khi sự coi thường của tôi đối với Liên lên đến đỉnh điểm, tôi nhận thấy có một cục u cứng nổi trên bàn tay. Tôi bắt đầu lo lắng khi nó mọc ngày càng lớn hơn. Nhưng bất kể thái độ của tôi đối với Liên ra sao, cô ấy vẫn ân cần giúp đỡ tôi trong lúc gặp ma nạn, tôi không khỏi hối hận vì những hành xử bất thiện trước đây của mình. Không lâu sau khi tôi ngộ ra điều này, cục u bắt đầu co lại và biến mất.
Trải nghiệm thần kỳ này đã giúp tôi nhìn thấy những nhân tâm bất hảo của mình chẳng hạn như tâm ngoan cố, bất thiện, hẹp hòi, tự cao tự đại, tất cả đều bắt nguồn từ tâm ngạo mạn. Tôi cảm thấy cục u tượng trưng cho biểu hiện hữu hình của tâm ngạo mạn ngày càng tăng trưởng của tôi.
Cuối cùng cũng nhìn thấy tâm ngạo mạn
Tôi dần minh bạch rằng chính văn hóa đảng mà tôi đã trải qua từ nhỏ đã ăn sâu vào tư tưởng của tôi, khiến tôi thiếu đi sự tôn trọng người khác. Tôi cũng quan sát một số học viên tu luyện tinh tấn và kiên định làm ba việc, thỉnh thoảng họ cũng biểu hiện ra tâm ngạo mạn đối với các học viên khác và trải qua nghiệp bệnh. Họ không thể nhận ra tâm coi thường, miệt thị, không thích và không kiên nhẫn hoặc đo lường bản thân bằng tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Mặt khác, những học viên luôn thể hiện sự tôn trọng đối với người khác thường tu luyện vững vàng.
Khi phán xét một cá nhân nào đó, Thần chỉ nhìn vào nhân tâm, còn con người thường chú trọng vào khả năng và thành tựu. Xã hội ngày nay, đặc biệt là ở Trung Quốc, có khuynh hướng nảy sinh tâm thái ngạo mạn đối với những người thật thà, không biết cách ăn nói, hay chậm chạp. Có lẽ điều này đã giải thích vì sao truyện cổ tích thường mô tả Thần giả dạng kẻ yếu để kiểm nghiệm sự thiện lương, chân thành, khiêm tốn, và tôn trọng của con người.
Tâm ngạo mạn của tôi đối với Liên có phải là vấn đề nghiêm trọng không? Ngạn ngữ cổ Trung Quốc có nói những người khiêm tốn và thật thà là “bị con người bắt nạt chứ không phải Thần”. Những người như đồng tu Liên, giữ vững phẩm hạnh không làm tổn hại người khác, trong con mắt của chư Thần thậm chí còn xứng đáng được tôn trọng nhiều hơn. Mặc cho sự giúp đỡ quý báu của Liên, tôi đã không tôn trọng cô ấy, nhưng lại không nghĩ rằng đó là vấn đề lớn. Thế nhưng, trong con mắt của chư Thần việc như vậy là nghiêm trọng rồi.
Xã hội ngày nay, người ta thường đánh giá người khác dựa trên tiêu chuẩn hiện đại do bị thúc đẩy bởi khát vọng thành công và khả năng cạnh tranh khốc liệt. Thậm chí một số đồng tu còn nhận định sai lầm sự kiêu ngạo của tôi là tự tin. Một số người đánh đồng sự kiêu căng là mạnh mẽ. Đa phần, cái gọi là tự tin thực ra là sự kiêu căng và tự mãn.
Với nhận thức mới, quan niệm của tôi về con người đã cải biến. Tôi nhận thấy nhiều người trước đây tôi từng xem là tự tin kỳ thực là kiêu ngạo và không tôn trọng người khác. Ngược lại, những ai tôi cho là không nổi bật thì thường có những phẩm chất thành thật, thiện lương và bao dung.
Trí tuệ cổ nhân Trung Hoa đề cao các đức tính ôn hòa, lương thiện, cung kính và tiết kiệm. Sách Sử Ký có chép một câu chuyện về Yến Tử, tể tướng nước Tề (thành lập vào khoảng năm 1046 trước Công nguyên), và người xa phu đánh xe.
Một buổi sáng, vợ của người đánh xe lén nhìn qua khe cửa của xe ngựa. Cô thấy người chồng đang ngồi trong xe chỉ huy bốn con ngựa với đầy vẻ kiêu căng ngạo mạn.
Khi người đánh xe trở về nhà, người vợ nói muốn ly hôn. Người đánh xe hỏi tại sao. Người vợ nói: “Tể tướng Yến Tử thấp hơn chàng nhiều. Ngài là tể tướng của nước Tề, được chư hầu của các nước biết đến. Sáng hôm nay, thiếp mới nhìn thấy, Ngài ấy quả là người suy nghĩ thấu đáo và biết nhìn xa trông rộng, nhưng luôn khiêm tốn và không hề tỏ ra khoe khoang. Còn chàng dù cao hơn Ngài ấy nhiều nhưng chỉ là một người xa phu. Chàng lại tỏ vẻ ngạo mạn và cho rằng mình tốt hơn người khác. Vậy nên thiếp không muốn sống chung với chàng nữa“.
Người đánh xe nhớ lời của vợ và trở nên khiêm tốn hơn. Tể tướng Yến Tử nhận thấy sự khác biệt và hỏi tại sao anh ta thay đổi như vậy. Người đánh xe bèn thuật lại những lời người vợ đã nói. Vì sự thật thà và sẵn lòng sửa lỗi của anh ta, Yến Tử đã tiến cử người xa phu nhận một chức quan trong triều.
Nguồn gốc của tâm ngạo mạn
Tôi phát hiện rằng ngạo mạn không phải là vấn đề tầm thường và minh bạch vì sao nó có thể ngăn trở tôi chân chính đắc Pháp sau khi đọc sách Mục đích cuối cùng của Chủ Nghĩa Cộng sản. Chương thứ năm có hai đoạn như sau.
“Tu luyện phải chính tâm thành ý, mà ngạo mạn là bản tính của ma quỷ, hoàn toàn tương phản với yêu cầu của tu luyện. Trong mắt của tà linh cộng sản không có Thần, trong quá trình phá hủy văn hóa tu luyện, nó chuyên môn truyền bá cho con người ma tính và cuồng ngạo, không để cho con người khiêm tốn mà cổ vũ con người tự mãn, kiêu ngạo, như “đấu với Trời đấu với Đất”, “vô Thiên vô Pháp”, khiến con người đi sang phía phản nghịch, không thuận theo Thần.
“Thời cổ đại, con người phải chính tâm thành ý mới có thể tu luyện, khi mặt Thần tính ở trong tâm khởi tác dụng con người mới có thể lĩnh ngộ được đặc tính của vũ trụ và Pháp mà Thần giảng. Thông qua việc phá hủy văn hóa tu luyện, phóng đại sự ngạo mạn của con người, tà linh cộng sản làm cho con người tiến nhập vào một loại trạng thái tâm linh hoàn toàn đối lập với Thần”.
Hy vọng chia sẻ của tôi sẽ giúp các đồng tu hướng nội tìm và tu luyện tinh tấn.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/3/29/474666.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/20/216649.html
Đăng ngày 29-06-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.