Bài viết của Huệ Thanh, đệ tử Đại Pháp tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-02-2024] Sau nhiều năm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi hiểu được việc học Pháp là quan trọng nhất, và chỉ có Đại Pháp mới có thể chỉ dẫn cho tôi đề cao. Sư phụ luôn dõi theo và giúp tôi đề cao trong tu luyện.

Buông bỏ tình

Khi một số đồng tu nói tôi quá chấp trước vào tình, tôi trả lời: “Tôi không thấy vậy!” Tôi không thực sự nhận ra tác hại của chấp trước vào tình.

Tháng 4 năm ngoái, chồng tôi hỏi tôi: “Sao em không hỏi con gái chúng ta có chuyện gì không?” Tôi hỏi lại: “Tại sao anh lại nói vậy? Có chuyện gì với con à?” Anh ấy nói:“Em không để ý à? Con gầy quá. Liệu có phải nó bị ốm không? Em nên bảo con đi khám bác sỹ nếu bị bệnh. Không nên trì hoãn nữa.” Tôi đồng ý.

Đầu tháng 5, tôi và con gái về quê viếng mộ cha tôi nhân ngày giỗ của ông. Trên đường về, tôi hỏi con gái: “Sao bố lại nói con gầy quá? Có chuyện gì với con không?“ Con gái bắt đầu khóc và hỏi: “Làm sao mẹ biết khi nào một người thay đổi?” Tôi nói: “Khi họ giàu lên hoặc có quyền lực – đó là lúc họ dễ thay đổi hơn.” Con càng nức nở hơn, và nói: “Con rể của mẹ có nhân tình rồi.” Tôi thốt lên: “Sao lại thế được?” Con gái tôi nói cháu đã phát hiện ra đúng là như vậy.

Tôi cảm thấy như sét đánh ngang tai. Cơn giận dâng lên đến đỉnh đầu. Tôi nghĩ mình không nên bị động tâm trước bất cứ điều gì, nhưng làm sao có thể kiềm chế được bản thân? Tim tôi đập thình thịch, nhưng không thể hiện ra ngoài.

Về đến nhà, tôi càng tức giận hơn, gần như không thể kiểm soát được. Tôi không kể với chồng vì không muốn anh biết chuyện. Đầu tiên, tôi muốn xem mọi việc sẽ diễn ra thế nào đã.

Tôi đau buồn quá đỗi, và bắt đầu khóc. Tôi tự nghĩ: “Sao chuyện này lại xảy ra được? Hồi đó, con gái mình không màng đến của cải hay hoàn cảnh gia đình, còn tảng lờ chúng tôi khi chúng tôi cố gắng khuyên ngăn. Con gái kết hôn với người đàn ông con chọn, vốn gia cảnh nghèo. Giờ thì xem anh ta đã làm gì. Thật là bất công!” Chồng tôi nhận thấy tâm trạng của tôi, bèn hỏi han. Tôi lờ đi, nên anh tưởng tôi buồn sau khi thăm mộ bố nên nói: “Không cần buồn đâu.”

Tôi hoàn toàn quên mất mình là người tu luyện, và bị kích động. Cảm giác oán hận, trách móc, khinh thường và tức giận dâng trào trong tôi. Những điều ấy nói thì dễ, nhưng khi nó xảy ra với tôi thì lại khác. Tôi nghĩ cách trả đũa cô “người tình” và hoàn toàn quên mất mình là người tu luyện. Tâm tranh đấu nổi lên. Vì tôi không muốn buông bỏ chấp trước mà đã tạo cơ hội cho Cựu thế lực can nhiễu và bức hại tôi.

Lần tiếp theo khi đến nhóm học Pháp, vừa bước vào tòa nhà, tôi đã bị bốn, năm cảnh sát mặc thường phục vây quanh. Một người gọi tên tôi và giật lấy túi xách của tôi. Tôi tự nghĩ: “Do sơ hở của mình trong chuyện của con gái mình đây mà.”

“Anh làm gì thế?” Tôi hỏi. Người cảnh sát giật túi của tôi nói: “Chúng tôi đến từ Đội An ninh Quốc gia, chúng tôi đã theo dõi bà từ lâu. Bà định đến căn hộ nào?” Thay vì trả lời, tôi hỏi tên anh ta. Anh ta lấy ra cuốn sổ nhỏ và giơ lên ​​để tôi nhìn thấy tên anh ta. Anh ta lại hỏi tôi: “Bà định lên căn nào?” Tôi không trả lời, nên họ còng tay tôi, lôi tôi lên xe cảnh sát và đưa về đồn.

Vì tôi từ chối hợp tác, họ nhốt tôi vào một khu vực có hàng rào hàn bằng ống thép. Ngay khi bước vào, tôi hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Sau đó, tôi ngồi xuống và bắt đầu phát chính niệm. Tôi thỉnh cầu Sư phụ: “Sư phụ, con sai rồi. Con đã quá chấp trước vào con gái con. Con nhất định phải buông bỏ chấp trước này.” Tôi lại cầu xin Sư phụ: “Sư phụ, đừng để chính quyền đến nhà con. Con không muốn họ tìm thấy máy móc của con. Xin Sư phụ hãy che giấu chúng cho con.” Tôi liên tục phát chính niệm.

Tôi nhẩm Pháp của Sư phụ:

“Thân ngọa lao lung biệt thương ai
Chính niệm chính hành hữu Pháp tại
Tĩnh tư kỷ đa chấp trước sự
Liễu khước nhân tâm ác tự bại”
(Biệt ai, Hồng Ngâm II)

Tạm dịch:

“Thân trong ngục tù đừng đau buồn
Chính niệm chính hành Pháp ở đây
Tĩnh tâm suy nghĩ bao chấp trước
Dứt được nhân tâm ác tự bại”
(Đừng buồn, Hồng Ngâm II)

Tôi hiểu rằng người khác nói gì cũng không quan trọng; chỉ có Sư phụ mới có quyền quyết định, tôi tiếp tục phát chính niệm. Dưới sự bảo hộ của Sư phụ, không cần ký bất kỳ văn bản nào, tôi đã trở về nhà ngay tối hôm đó.

Bài học sâu sắc này đã thức tỉnh tôi: Ôm giữ chấp trước là rất nguy hiểm. cựu thế lực dõi theo từng hành động của tôi. Hễ tìm thấy sơ hở là chúng sẽ bức hại. Tôi phải nhất mực tuân theo Pháp lý mọi lúc mọi nơi.

Tôi chia sẻ hoàn cảnh của con gái tôi với các đồng tu khác. Một đồng tu nói: “Con người ngày nay chìm trong thùng thuốc nhuộm khổng lồ. Hãy nhìn các quan chức của ĐCSTQ – bao nhiêu người trong đó không có nhân tình? Đây là biểu hiện của suy thoái đạo đức. Tình trạng hiện giờ không phải là do chấp trước của chị sao? Trước đây chị không nhận ra chấp trước của mình sao?”

Phải chăng con gái tôi gặp phải khổ nạn này là do nó đã đối xử với người ta như vậy trong kiếp trước? Tôi cầu xin Sư phụ: “Sư phụ, con cần buông bỏ chấp trước vào tình.” Trong quá trình học Pháp, hễ suy nghĩ tiêu cực nổi lên, tôi liền loại bỏ chúng và tu chỉnh bản thân. Cái tình thâm căn cố đế ấy cũng dần dần biến mất, chuyện của con gái tôi cũng lắng xuống.

Qua sự việc này, tôi ngộ ra Sư phụ luôn dõi theo các đệ tử của Ngài, quan sát từng ý từng niệm của chúng ta. Mọi khó nạn trên con đường tu luyện của chúng ta đều có thể được chuyển hóa thành việc tốt. Khảo nghiệm và ma nạn chỉ đơn giản là cơ hội để tôi hướng nội và đề cao. Đây là con đường tôi phải đi trong quá trình tu luyện của mình. Sư phụ đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta tăng cường học Pháp. Chúng ta gặp phải bất cứ vấn đề hay can nhiễu nào, Sư phụ đều điểm hóa cho chúng ta cách giải quyết từ trong Pháp. Nếu tôi không làm tốt, thì thực ra là vì tôi học Pháp chưa tốt, chưa đủ, chưa thực sự đồng hóa với Pháp.

Tu luyện bản thân dựa trên Pháp

Từ khi làm tài liệu giảng chân tướng, tôi bắt đầu cảm thấy mình vượt trội hơn. Thế nào mà lại như vậy chứ? Đầu tiên, tôi cảm thấy mình có học thức hơn các đồng tu xung quanh. Thứ hai, tôi khá giả hơn, nên chấp trước vào tham gia nhiều hạng mục Đại Pháp, gì cũng muốn làm, khiến việc học Pháp bị rớt lại. Mặc dù tôi không bỏ bê luyện công, nhưng tâm tính của tôi không theo kịp, vì thế mà bị mất tập trung khi phát chính niệm và buồn ngủ khi học Pháp. Đôi khi tôi buồn ngủ đến mức rơi cả sách. Tôi không học Pháp tốt và không tu luyện tâm tính, mà chỉ như một người thường làm việc Đại Pháp. Điều này cứ kéo dài, còn tôi không sao thoát ra được. Nhìn bề mặt thì tôi vẫn đang tu luyện trong Đại Pháp, nhưng thực ra là tôi không tu luyện. Tôi luôn bận rộn, thỏa mãn với những gì mình làm, và coi việc làm hạng mục là tu luyện.

Sư phụ thấy tôi chưa tỉnh ngộ, nên đã dùng các đồng tu khác để điểm hóa cho tôi. Trong một lần học Pháp nhóm, đồng tu B sửa một từ khi tôi đọc sai. Đồng tu H nói: “Bà ấy không đọc nhầm đâu.” Điều đó khiến B bực mình, nói: “Đọc lại lần nữa chẳng tốt hơn sao?” Sau đó, ông ấy quay sang tôi, nói: “Bà lúc nào cũng buồn ngủ khi đọc Pháp, hay mất tập trung khi phát chính niệm. Bà đang làm gì thế?” Tôi xấu hổ, không biết phải trả lời thế nào.

Sau bữa tối ở nhà, tôi suy ngẫm về cuộc nói chuyện đó. Tôi biết những gì đồng tu B chỉ ra cho tôi là đúng, và các đồng tu khác cũng đã chỉ ra những vấn đề tương tự, nhưng tôi chưa bao giờ coi trọng chúng. Lần này, Sư phụ dùng lời nói của họ làm đòn nặng để thức tỉnh tôi. Tôi suy nghĩ sâu hơn và hướng nội: Sau bao nhiêu năm tu luyện, tôi đã thực sự đồng hóa với Pháp chưa? Sư phụ liên tục bảo đệ tử học Pháp nhiều hơn, học Pháp cho tốt. Tôi đã làm được như vậy chưa? Tôi vẫn còn tư tâm, vị tư, oán hận, thiếu bao dung, thiếu kiên nhẫn, và ngạo mạn, cùng nhiều chấp trước khác. Tôi thú nhận: “Sư phụ ơi, con xin lỗi Ngài! Cảm ơn các đồng tu! Từ hôm nay trở đi, tôi sẽ tu chỉnh bản thân.”

Tôi bắt đầu chú trọng thực tu. Khi phát chính niệm, tôi luôn mở mắt. Nhưng nói thì dễ: Hễ nhắm mắt lại là tôi lại đổ tay. Tôi rất khổ não, nhưng cứ kiên trì phủ nhận: “Ma ngủ, ngươi không cho ta đắc Pháp, nhưng ta sẽ không nghe theo ngươi.” Tôi cầu xin Sư phụ: “Sư phụ, con không muốn cơn buồn ngủ này, nó không phải là con, con không muốn nó, con muốn học Pháp.” Trong chốc lát, tôi không còn buồn ngủ nữa.

Đọc bài chia sẻ trải nghiệm của các đồng tu rất hữu ích. Một đồng tu viết: “Thực tu là dùng Pháp để quy chính mọi ý niệm, hành vi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, liên tục giữ vững nguyên tắc cơ bản của Đại Pháp. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể thực sự đề cao.” Tôi nhận ra tính nghiêm túc của tu luyện, và chú trọng tiểu tiết. Tôi liên tục quy chính bản thân theo Pháp, và tu bỏ các chấp trước. Sau một thời gian thực tu, tôi đã thu hoạch được rất nhiều.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/2/18/472399.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/23/216696.html

Đăng ngày 08-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share