Bài viết của đệ tử Đại Pháp đại lục

[MINH HUỆ 18-06-2024]

Sau khi học kinh văn “Kinh Tỉnh” mà Sư phụ mới công bố, tôi ngộ ra vài điều và muốn chia sẻ cùng các đồng tu.

Một người bạn của tôi đã di dân đến Canada từ vài tháng trước, sau đó có liên lạc với tôi và kể cho tôi nghe một chuyện. Hồi đó còn chưa lấy được bằng lái xe, nhưng anh ấy mang theo tâm cầu may mà lái xe đi làm, nhưng đã bị cảnh sát giữ lại. Anh ấy kiên trì giải thích với cảnh sát một hồi, cuối cùng, cảnh sát nói vì thái độ của anh ấy tốt nên không xử phạt, nhưng anh ấy vẫn phải nộp phạt 300 đô la Canada. Anh ấy thầm nghĩ: “Phạt 300 đô mà còn nói là không xử phạt”. Một đồng nghiệp của anh ấy sau khi biết chuyện đã nói với anh ấy: “Tội này của anh khá nặng, nó có thể khiến anh bị trục xuất ngay lập tức ấy chứ. Cũng may là lúc ấy thái độ của anh tốt, khoản tiền phạt này cũng xem như là không xử phạt anh rồi”.

Tôi nói với người bạn của mình: “Chúng ta đến đất nước của họ, họ chấp nhận chúng ta thì đã là vô cùng tốt rồi, chúng ta nên biết ơn người ta và tuân thủ pháp luật của họ, chứ đừng vi phạm. Nếu là tôi tới đó thì có thể tôi chỉ xin họ cho tôi một thân phận hợp pháp, chứ không cần cứu trợ, vì tôi muốn báo đáp họ, chứ không muốn kéo họ liên lụy vào.”

Hai đảng phái chính trị của Mỹ, mỗi bên đều có những việc làm được tốt và cũng có những thiếu sót. Rất nhiều lúc vì lợi ích của đảng phái mà họ đua tranh với nhau. Về nguyên nhân thì chúng ta chưa hẳn ai cũng biết rõ. Có điều dù là thế nào thì đó đều là những chuyện của người thường. Thế nhưng, trong những năm gần đây, hai đảng ngày càng hiểu rõ hơn về Trung Cộng và họ ngày càng có sự đồng thuận trong việc ngăn chặn tham vọng bành trướng toàn cầu của Trung Cộng. Rất nhiều người trong hai đảng đó cũng ủng hộ Đại Pháp, đây mới là điều quan trọng nhất. Bởi lẽ, chỉ cần họ hiểu chân tướng, ủng hộ Đại Pháp thì họ đều sẽ có một tương lai tốt đẹp. Cứu người là nhắm vào nhân tâm, chứ không nhìn vào đảng phái của họ.

Việc nước, việc nhà xét cho cùng chỉ khác nhau về quy mô chứ nguyên lý thì gần như nhau. Trong gia đình chúng tôi cũng có một loại sự việc gây sốc như thế này: Chị cả và anh rể cãi nhau rồi ly hôn. Chị ấy chửi cả nhà anh rể thậm tệ; còn anh rể cũng mắng chửi cả nhà tôi từ lớn đến bé. “Thật khó hiểu, sao nó không mắng hai đứa con”- Đây là lời mà mẹ tôi trong lúc đang tức giận nghẹn ngào nói ra. Trong thâm tâm tôi rất rõ ràng, mặc dù đây là ân oán tình thù giữa hai gia đình, nhưng tôi và vợ (cũng là học viên) không nằm trong đó.

Tôi lại nghĩ tới Đài Loan. Việc Viện Lập pháp mở rộng quyền lực khiến dư luận xôn xao, tư tưởng của tôi cũng bị cuốn vào trong đó. Trong mấy ngày này khi học Pháp, học đến kinh văn “Gửi Pháp hội Đài Loan [2020]”, có đoạn Sư phụ giảng:

“Khi giảng chân tướng không được đặt mình vào trong người thường, [hãy] sắp xếp vị trí của mình cho tốt, đừng bị cuốn nhập vào đó, thì mới thực hiện được tốt hơn.”

Tôi nghĩ, đối với những sự việc đang xảy ra ở nước Mỹ, liệu có phải chúng ta cần phải tách mình vượt ra khỏi những thị phi của thế gian con người thì mới có thể thực sự cứu được chúng sinh hay không?

Tôi cũng nghĩ đến nước Nga. Mấy ngày nay khi xem những bài viết liên quan tới vị tổng thống của nước này trên trang Dongtaiwang mà hình như phần tiêu đề có mấy từ “không biết xấu hổ”. Tôi lại nghĩ, nếu đặt địa vị là mình, thấy các đệ tử Đại Pháp đang dùng những lời lẽ đó nói về mình, thì tôi sẽ cảm thấy thế nào, sẽ có hành động gì?

Chúng ta thường hay thấy những tin tức kiểu như thế. Một tiểu phấn hồng (chỉ những thanh niên yêu ĐCSTQ cực đoan) đã nói rất nhiều lời bất hảo về Đại Pháp, thậm chí chửi rủa Đại Pháp, nhưng sau khi hiểu chân tướng, họ vô cùng đau khổ, hối hận và thay đổi thái độ, họ đã được cứu rồi; hay như một đặc vụ Trung Cộng làm việc xấu hơn mười mấy năm, sau đó nhìn thấy được sự thiện lương của đệ tử Đại Pháp, thấy được Trung Cộng đang lợi dụng mình và rồi đã hiểu ra và đứng lên vạch trần Trung Cộng.

Khi đọc những bài viết phơi bày cuộc bức hại trên trang Minh Huệ Net, tôi thường nghiến răng nghiến lợi, vậy giả dụ là họ trực tiếp bức hại tôi thì tôi sẽ có phản ứng như thế nào? Mỗi khi nhớ lại việc trưởng phòng Phòng 610 nọ đã bắt giữ tôi, lửa hận trong tôi liền dâng trào.

Sư phụ giảng:

“[Với ai] là kẻ tham gia bức hại, bị lừa dối mà lên thuyền [hải] tặc, chư vị cũng vẫn cần Thiện với họ,[…]” (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco 2014)

Tôi đã nhiều lần cảm thấy tâm thái của mình dẫn đến sự thay đổi của những kẻ tham gia bức hại, cả chính diện và phụ diện.

Tôi từng đọc một bài viết của một học viên, trong đó ngoài vạch trần tà ác với bên ngoài thì bài viết không được thiện cho lắm, có nhiều tâm tranh đấu, v.v. Cảnh sát trong trại giam và lớp tẩy não sau khi đọc bài viết đó đã vô cùng tức giận. Họ không tìm ra người viết bài nên quay sang trả đũa lên các học viên khác. Đệ tử Đại Pháp là một chỉnh thể, vậy nên có lúc chúng ta mang theo cái tâm thống hận mà viết bài, bản thân cảm thấy như đang trút giận và thậm chí là được hả giận, nhưng có lẽ lại khiến cho các đồng tu khác bị bức hại nặng thêm chứ không phải giúp giảm nhẹ bức hại.

Còn có một tình huống nữa, đó là người thân, bạn bè, đồng nghiệp của tôi thường thể biểu hiện ra những quan niệm và hành vi biến dị, tôi cần dùng tâm thái nào để đối đãi với họ đây? Họ hàng thân thích xảy ra mâu thuẫn đều tìm đến tôi để phân xử đúng sai, tôi cần đối đãi thế nào? Thậm chí họ hay làm phiền tôi, thường động chạm đến lợi ích của tôi thì tôi nên đối đãi như thế nào? Liệu tôi có thể giữ được tâm thái của người tu luyện mọi lúc mọi nơi không? Đây là điều mà mỗi ngày tôi đều phải suy xét, đối mặt và thực tu.

Tôi hy vọng bản thân có thể làm được: không rơi vào trong bất kỳ mâu thuẫn nào giữa người với người; có thể chung sống hòa thuận với người tính tình nóng nảy. Tôi không làm tổn thương họ, cũng không nịnh nọt họ, chỉ thiện ý giao lưu mà thôi. Tôi chỉ tu luyện bản thân, giúp người ta hướng thiện.

Không can dự vào bất kỳ sự việc chính trị nào, không bị cuốn vào biểu hiện bề mặt của bất kỳ quốc gia, dân tộc, hình thái xã hội nào. Tôi thiện đãi tất cả mọi người và chỉ phản đối cuộc bức hại.

Tâm đắc thể hội là viết cho bản thân chứ không phải là mượn Đại Pháp của Sư phụ rồi giả vờ là viết cho mình nhưng thực chất là nhắm vào đồng tu. Tôi muốn theo kịp Chính Pháp của Sư phụ, muốn dùng Đại Pháp để đối chiếu bản thân.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/6/18/478801.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/30/218821.html

Đăng ngày 12-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share