Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Los Angeles, Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 11-12-2023] Ngày 26 tháng 11 năm 2023, chi nhánh Los Angeles của Tập đoàn Truyền thông Epoch (EMG) – gồm The Epoch Times New Tang Dynasty (NTD) – đã tổ chức Hội nghị Chia sẻ Trải ​nghiệm Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (Pháp hội) trong hạng mục truyền thông lần thứ nhất tại Nam California. 16 học viên Pháp Luân Đại Pháp đã chia sẻ trải nghiệm tu bỏ chấp trước của mình trong quá trình làm việc tại hạng mục truyền thông. Khi gặp khó nạn, họ quy chính bản thân theo tiêu chuẩn của Đại Pháp, giữ vững lương tâm chính trực cần có ở một người làm truyền thông và truyền tải thông tin chân thực đến thế giới.

0117306ea1c321caa1e450fc2ed4bc31.jpg

Hội nghị Chia sẻ Trải ​nghiệm Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp 2023 của EMG ngày 26 tháng 11 năm 2023.

3173d06b96a65c8505034cb223399627.jpg

Một học viên chia sẻ về những trải nghiệm của mình.

Sau khi các học viên chia sẻ những trải nghiệm đầy cảm xúc của mình, những học viên tham dự cho biết họ đã thu hoạch được rất nhiều. Mọi người đều nói rằng họ đã được tận mắt chứng kiến uy lực của Đại Pháp và càng thêm biết ơn sự chăm sóc của Sư tôn mà họ cảm nhận được trên mỗi bước đường. Điều đó cũng khiến họ trân quý cơ duyên tu luyện trong hạng mục truyền thông.

Tu bỏ tâm tật đố

Một cựu chủ doanh nghiệp đã tham gia thời báo The Epoch Times tiếng Anh vào năm 2017 và giữ vai trò điều phối hạng mục cùng các trách nhiệm khác. Anh cho biết công việc bận rộn dường như vô tận đã mang đến cho anh hết thử thách này đến khổ nạn khác, khiến anh buông lơi hướng nội, đặc biệt là khi nó động chạm việc tu bỏ tâm tật đố.

Anh cho biết, là người điều phối, rất dễ chỉ ra thiếu sót của một số thành viên trong nhóm và đổ lỗi cho họ. Anh chia sẻ: “Tôi hiểu rằng một số lời chê trách có thể xuất phát từ tâm tật đố. Khi tôi đưa ra nhận xét tiêu cực về ai đó, tôi tỏ ra mình cao hơn họ, nhưng điều này xuất phát từ tâm tật đố và ích kỷ tột độ.”

“Trong quá trình trưởng thành, tôi khó chấp nhận việc người khác giỏi hơn mình.” Anh hiểu rằng tật đố là một chấp trước mạnh mẽ mà anh cần phải tu bỏ, vì tật đố khiến anh tập trung vào những khuyết điểm của người khác – mà không nhìn thấy được ưu điểm của họ. Sau khi nhận ra thiếu sót này, anh đã để tâm hơn đến việc ứng xử theo các nguyên lý mà Sư phụ đã giảng trong “Chuyển Pháp Luân”.

Anh cũng đã được chứng kiến uy lực của Đại Pháp. Anh phải lái xe hai tiếng rưỡi đến một thành phố khác để dự tiệc tối và giới thiệu về The Epoch Times. Không ngờ anh bị kẹt xe trên đường, phải đi đường tắt và đi vào một con đường núi hẹp. Kết quả, anh gặp phải tình thế tiến thoái lưỡng nan, đường đi ngày càng hẹp hơn, điều kiện giao thông ngày càng xấu, điện thoại di động không có tín hiệu. Anh hướng nội tìm những thiếu sót của mình và cầu xin Sư phụ gia trì.

Anh chia sẻ: “Khi tiếp tục lái xe, con đường ngày càng rộng hơn và tôi ngày càng tiến gần hơn đến đích.” Cuối cùng, anh cũng đã đến nơi an toàn, nhưng chặng đường thông thường chỉ mất hai tiếng rưỡi thì anh đã phải lái xe mất tới bốn tiếng đồng hồ. Anh nghĩ mình đã mất cơ hội giảng chân tướng này, nhưng người tổ chức sự kiện đã nói với anh: “Mau ăn chút gì đi, mọi người đang chuẩn bị nghe bài phát biểu của anh đấy.”

“Tôi không ngờ là họ đã cho bài phát biểu của tôi được hoãn”, anh nói.

Người quản lý trẻ: Sư phụ và Pháp ban cho chúng ta mọi thứ

Cô Vương Tư Ý làm việc trong lĩnh vực truyền thông đã được 8 năm. Là một người quản lý trẻ, cô Vương luôn nghĩ mình không có tham vọng làm sếp, nhưng khi nghe những lời khen ngợi, cô lại cảm thấy một niềm vui mơ hồ, lâu ngày cũng khiến cô khởi tâm tật đố. Khi thấy người khác làm gì đó không đúng với ý tưởng của mình, cô có tâm lý mâu thuẫn. Cô cho rằng ý tưởng của mình hay hơn và hoài nghi khả năng của người khác.

Ban đầu, cô không quan tâm tới phản ứng này. May thay, nhờ liên tục học Pháp và lắng nghe chia sẻ của các học viên khác, cô bắt đầu hướng nội và nhận ra: “Trước những lời khen ngợi của người khác, tôi nên đón nhận với tinh thần cởi mở, bởi vì mọi thứ tôi có đều là Sư phụ và Pháp ban cho. Tôi chỉ muốn tận dụng khả năng và trí huệ được phú cho này để hoàn thành sứ mệnh của mình.”

Cô dần dần phát hiện ra tâm oán hận của mình. Cô cho biết, trước đây, ngay cả khi xảy ra những chuyện nhỏ nhặt như bị ai đó vượt khi đang lái xe, cô cũng phàn nàn. Cô chia sẻ: “Tôi nhận ra mình không chỉ dễ đổ lỗi cho người khác mà còn thiếu kiên nhẫn, thậm chí còn dùng tiêu chuẩn kép để đánh giá người khác.” Khi mọi chuyện không như ý, cô lại bực bội, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của cô khi giải quyết vấn đề.

Trong một buổi chia sẻ trong ban của cô, phần chia sẻ của một đồng tu đã khiến cô ngạc nhiên: “Khi tôi nghe những lời phàn nàn và không hài lòng về ai đó, phản ứng đầu tiên của tôi là ‘Sao người này, người kia lại có thể như thế được?’ Lối tư duy này đã dấy động chấp trước của tôi, thậm chí tôi còn bắt đầu đàm luận về nó thay vì hướng nội xem mình đã làm chưa tốt điều gì.”

Sau khi nghe đồng tu chia sẻ, cô Vương bắt đầu tự hỏi mình có phạm phải điều đó không: “Dần dần tôi có thể sử dụng khoảng hòa hoãn và cân nhắc xem có cần thiết phải nói hay không, liệu điều mình nói có làm tổn thương ai không. Đôi khi sau khi nhận ra, tôi có thể kịp dừng lại không nói nữa.“

Trong xã hội phức tạp ngày nay, cô biết ơn vì được Đại Pháp chỉ dẫn để nhắc nhở và loại bỏ những ý niệm tiêu cực để có thể bình tĩnh và xem xét các vấn đề của chính mình.

Mâu thuẫn biến mất sau khi hướng nội

Anh Trương Dũng, cựu nghiên cứu sinh sau tiến sỹ tại Học viện Khoa học Trung Quốc, tham gia lĩnh vực truyền thông, chịu trách nhiệm sản xuất quảng cáo và ghi hình. Sau khi được chuyển sang một bộ phận mới cách đây một năm, anh mới có cơ hội thoát khỏi chấp trước vào “danh” của một trí thức.

Anh Trương chia sẻ: “Trước khi tôi chịu trách nhiệm sản xuất quảng cáo, hầu hết công việc này đều do một người thực hiện từ đầu đến cuối. Lần này, nhiều người cùng làm trong hạng mục. Đây là lần đâu tiên tôi làm việc với nhiều người, đó cũng là cơ hội tốt để tôi nâng cao kỹ năng.” Anh Trương giải thích rằng việc phối hợp với nhiều người mang lại nhiều cơ hội khảo nghiệm tâm tính.

“Có lần, sau khi tôi viết xong kịch bản, đồng nghiệp của tôi bắt đầu ngồi trước máy quay và nhìn vào máy nhắc chữ. Khi đang nói, anh ấy đột nhiên tỏ ra không hài lòng với một câu vì cảm thấy chưa gần với ngôn ngữ nói. Anh ấy tức giận và ngừng việc ghi hình.”

“Lúc đó, tôi rất ngạc nhiên và cảm thấy khó chịu. Tôi nghĩ, ‘Tôi đã viết kịch bản và gửi cho anh bao lâu rồi. Anh không đọc trước kịch bản mà đến lúc bắt đầu ghi hình mới đọc, thế mà anh lại đổ lỗi cho người khác.’ Đồng thời tôi cũng nhận ra đến lúc mình phải đề cao tâm tính.”

Anh Trương nghĩ đến những đoạn Pháp mà Sư phụ giảng về tu luyện tâm tính trong Chuyển Pháp Luân. Anh nhận ra rằng khi đột nhiên gặp chuyện thì không thể chỉ nhìn vào đúng sai trên bề mặt. Then chốt là tìm ra chấp trước của mình và tu sửa bản thân. Anh nói rằng tình huống đó đã động đến chấp trước vào danh của anh, khiến anh động tâm.

“Khi tôi nhìn sự việc bằng chính niệm thì dường như không thấy có vấn đề gì cả. Tôi nhanh chóng điều chỉnh tâm thái và bình tĩnh nói với đồng nghiệp: ‘Xin lỗi, tôi đã không cân nhắc kỹ khi viết kịch bản và không chú ý đến lời thoại. Thay đổi thành thế này thì sao?’” Đồng nghiệp lập tức điều chỉnh bản thân và cười nói rằng không sao cả.

Sau đó, sự phối hợp giữa hai chúng tôi không còn vấn đề gì nữa, quá trình ghi hình đã hoàn thành thuận lợi và mâu thuẫn được giải quyết ngay lập tức.

Tu luyện tinh tấn

Anh Rudy là một học viên mới và gần đây đã tham gia hạng mục truyền thông. Anh cho biết, sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2020, cuộc đời anh đã trải qua một sự thay đổi lớn lao. Sự thần kỳ của Đại Pháp đặc biệt có ý nghĩa và hết sức minh hiển ngay từ khi anh mới bắt đầu tu luyện. Trước bao nhiêu suy nghĩ và chấp trước người thường trong cuộc sống hàng ngày, với sự gia trì của Sư phụ, anh Rudy có thể duy trì chính niệm mọi lúc.

Tuy nhiên, dần dần, anh nhận ra mình bắt đầu lơ là trong tu luyện. Anh chia sẻ: “Tôi nhận thấy, sau một thời gian, tôi đã vô tình buông lơi. Tôi không học Pháp nhiều, không luyện công đủ, và không giảng chân tướng nhiều. Tôi cũng bắt đầu buông lơi chính niệm và hành động, và hiệu quả cứu người cũng bắt đầu suy giảm.”

Loại tâm an dật này đã gây ra rất nhiều khó nạn cho anh. Đôi khi, công việc ở nơi làm việc, ở nhà, v.v. khiến anh lo lắng, khiến anh không có đủ chính niệm hay đề cao tâm tính – thậm chí còn gây trở ngại cho anh phát huy tối đa tiềm lực khi viết bài.

Anh nhớ rằng giải pháp tốt nhất để vượt qua thách thức là cố gắng làm ba việc mỗi ngày: “Tôi phải lấy lại tinh thần về trạng thái tinh tấn như thủơ ban đầu và học Pháp nhiều nhất có thể.” Chỉ khi làm làm tốt ba việc, anh nhận thấy nhiều vấn đề có thể được giải quyết một cách dễ dàng.

Mặc dù tu luyện trong xã hội người thường có những thách thức lớn, nhưng anh Rudy cho hay, dù làm việc tại Tập đoàn Truyền thông Epoch Times hay học Pháp, luyện công cùng các đồng tu, anh đều cảm thấy vô cùng may mắn: “Tôi đang ở trong một trường chính niệm do các đồng tu cùng nhau xây dựng. Chúng tôi được tách khỏi sự đua tranh, hối hả của thế giới với đủ loại tranh chấp.”

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/12/11/469163.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/12/13/213319.html

Đăng ngày 17-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share