Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Hắc Long Giang

[MINH HUỆ 29-05-2022] Con trai tôi từng là một học sinh cá biệt cấp ba, thành tích học tập luôn xếp cuối toàn trường, nhưng sau kỳ thi đại học cháu lại có thể đỗ Học viện Mỹ thuật trọng điểm của Trung Quốc. Bây giờ con trai tôi đã là một nghiên cứu sinh, sự thay đổi của con khiến những người xung quanh chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và vô cùng kinh ngạc.

1. Kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh

Khi còn học ở trường trung học, con trai tôi sau khi tiếp xúc với Pháp lý của Pháp Luân Đại Pháp, cháu thường cố gắng chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn từ trong suy nghĩ và hành động của mình, khi một sinh mệnh có thể chủ động đồng hóa với Đại Pháp, vậy thì vận mệnh của sinh mệnh đó cũng theo đó mà được cải biến.

(Quá trình của con trai tôi từ một học sinh cấp hai đầy vấn đề đến thi đỗ Học viện Mỹ thuật, quý vị vui lòng tham khảo bài viết đăng tải trên Minh Huệ Net ngày 7 tháng 9 năm 2017 có tiêu đề “Giáo viên, người thân và bạn bè kinh ngạc trước sự thay đổi của con trai tôi”)

Con trai tôi trước khi lên cấp ba là một học sinh không chú tâm vào việc học, vì vậy kiến thức của cháu còn tương đối hạn hẹp so với các bạn đại học. Cháu cũng nhận ra điều này, nên trong suốt thời gian học đại học, thông qua nỗ lực học tập, thành tích chuyên môn của cháu cũng rất tốt. Đại Pháp cũng khai sáng trí huệ cho cháu, quả thực học ít mà lĩnh hội được nhiều. Sau đó, cháu cũng có dự định tham gia kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh.

Trong buổi triển lãm tác phẩm tốt nghiệp năm cuối đại học, tác phẩm tốt nghiệp của con trai tôi được các bạn học và thầy cô trong khoa khen ngợi và đánh giá cao. Các bạn học lần lượt đến xem buổi triển lãm, trong đó có một bạn nói với cháu: “Một trưởng khoa trường mình nhìn thấy tác phẩm của cậu xong đã vô cùng tán thưởng, sau đó thầy ấy còn đến buổi triển lãm ba lần với hy vọng gặp được tác giả, nhưng thật không may, cả ba lần đó cậu đều không có mặt.” Còn có một giáo sư nổi tiếng trong trường sau khi xem xong tác phẩm của con trai tôi, liên tục nói: “Đứa trẻ này rất giỏi! Trình độ chuyên môn rất tốt!” Tình cờ là lúc đó con trai tôi cũng có mặt ở buổi triển lãm, nhưng nghe được lời khen dành cho mình vẫn rất bình tĩnh và không nói với vị giáo sư rằng mình là tác giả của tác phẩm này. Những sinh viên khác thường cảm thấy rất vinh hạnh khi có cơ hội trò chuyện với vị giáo sư nổi tiếng khắp cả nước này, còn con trai tôi thì lại không làm vậy. Theo như lời kể của cháu, nếu cháu làm vậy đồng nghĩa với việc cố ý đánh bóng tên tuổi của mình, cháu mong tất cả tác phẩm đều được đánh giá một cách công bằng. Tuy nhiên, sau đó cháu tình cờ biết được, bài tốt nghiệp và tên của cháu đã được vị giáo sư này khắc ghi trong tâm.

Tôi có một người bạn, con trai của cậu ấy là sinh viên của một trường đại học nổi tiếng trong nước, cháu học cùng khóa với con trai tôi. Năm thứ tư đại học, hai cháu đều tham gia kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh, nhưng đều không thi đỗ. Con trai tôi không bỏ cuộc, tiếp tục chuẩn bị cho kỳ thi lần thứ hai. Bạn tôi có nhã ý khuyên tôi: “Cậu bảo con trai từ bỏ đi, với thành tích đó của cháu, nên suy nghĩ thực tế một chút, chi bằng tìm một công việc mà làm. Thành tích học đó không có hy vọng đỗ nghiên cứu sinh đâu.” Cậu ấy còn nói thành tích của con cậu ấy hơn con trai tôi gần 20 điểm mà còn không đỗ, con trai tôi hà tất phải phí công vô ích và lãng phí thời gian làm gì. Tôi mỉm cười và nói: “Con cái có nguyện vọng như vậy, bậc làm cha như mình cũng không thể can thiệp được, còn về đỗ hay không, phụ thuộc vào số mệnh của cháu rồi.” Nghe xong, cậu ấy nói với vẻ khinh thường: “Con trai cậu mà đỗ được nghiên cứu sinh mới là không bình thường đó, đây là ý trời rồi.” Ý tứ là con trai tôi không có khả năng đỗ nghiên cứu sinh.

Đến năm sau, người bạn này bỏ ra 200.000 tệ với hy vọng cố gắng lôi kéo mối quan hệ trong trường cho con trai, cố gắng đi đường tắt nhưng cuối cùng vẫn không đỗ. Khi con trai tôi tham gia kỳ thi lần hai, cháu thấy có một đề thi điểm cao về kiến thức chuyên ngành nhưng lại do một giáo viên không đúng chuyên ngành trong trường ra đề, rất thiếu chuyên nghiệp. Đứng từ góc độ kiến thức chuyên môn mà nói, đáp án cũng không giải đáp được câu hỏi. Ban đầu, cháu nảy ra ý định bỏ thi, nhưng sau đó lại nghĩ: Mình sẽ đứng từ góc độ chuyên môn để trình bày và phân tích về câu hỏi này, để giáo viên chấm điểm biết được kiến thức chuyên môn là như thế nào, sau này tránh để giáo viên mắc lỗi ra đề sai, cũng không làm trì hoãn thời gian làm bài thi của các bạn khác. Lúc này, con trai tôi đã không còn quá đặt nặng kết quả kỳ thi này nữa, ý nghĩ nghĩ cho người khác trước xuất ra từ tận đáy lòng và cháu đã một mạch hoàn thành câu trả lời kiến thức chuyên môn với khoảng 3.000 từ. Điều không ngờ đến là, đề thi kiểm tra kiến thức chuyên ngành đó cuối cùng lại đạt được được điểm cao và cháu đã thuận lợi trúng tuyển kỳ thi nghiên cứu sinh lần này.

Khi bạn học của tôi nhìn thấy kết quả, cậu ấy nói với tôi và người khác rằng: “Việc này của nhà cậu đúng là không thể dùng lý lẽ thông thường mà nhận định, không cách nào lý giải được kết quả này.” Kỳ thực cũng không khó để lý giải, chỉ là con người hiện đại chỉ chú trọng vào hiện thực mà không tin vào kết quả cuối cùng.

Khi giáo viên dạy mỹ thuật thời cấp ba của con trai tôi biết tin cháu đỗ kỳ thi, rất vui mừng nói: “Gần đây thầy không nghe được tin vui nào cả. Đây thực sự là một tin tốt.” Thầy không chỉ vui mừng khi cháu đỗ nghiên cứu sinh, mà còn vô cùng kinh ngạc! Một giáo viên khác của con trai tôi đã mang những thay đổi của cháu để đưa vào trong giảng dạy như một trường hợp đặc biệt để khích lệ học sinh chăm chỉ học tập. Sau tất cả, khi các giáo viên biết được những chuyện trong quá khứ của cháu thì đều vô cùng kinh ngạc trước sự thay đổi thoát thai hoán cốt này.

Người thân và bạn bè trong nhà thậm chí còn dành những ánh mắt hâm mộ và những lời chúc phúc. Cách đây vài ngày, một cô bạn học cấp một nhiều năm không gặp của con trai đến gặp tôi, hỏi tôi tình hình hiện tại của cháu. Khi nghe tin con trai đang học cao học, cô bé và mẹ cô bé bàng hoàng đồng thời thốt lên một tiếng cảm thán, một lát sau mới định thần lại được. Biểu hiện này của họ cũng đủ cho thấy kết quả học tập trước đây của con trai tôi kém như thế nào và kết quả này khiến cho họ phải sửng sốt và ngạc nhiên.

2. Không kiếm đồng tiền trái lương tâm từ người khác

Ở Học viện Mỹ thuật, hiện tượng học sinh năm cuối bán lại tranh của mình cho các học sinh năm đầu để kiếm lời là chuyện phổ biến. Vì con trai tôi là người phúc hậu, kiến thức chuyên ngành cũng tốt nên đôi khi cả bên bán và bên mua đều tìm đến cháu để kiểm chứng độ thật giả của các tác phẩm tranh vẽ nhưng cháu đều xử lý thích đáng chuyện này và hóa giải hiềm khích hai bên.

Giáo viên thuyết phục cháu bán một vài tác phẩm để kiếm tiền, mà con trai tôi lại thấy rất khó chịu trước cảnh những sinh viên năm cuối kiếm tiền trái lương tâm từ các em sinh viên khóa dưới. Trong trường hợp tài chính của cháu eo hẹp, cháu nói với tôi: “Thưa ba, con thật sự không nỡ bán những tác phẩm với giá cao cho những em khóa dưới, kiến thức chuyên môn của các em còn tương đối ít, không dễ nhận biết được giá trị thật sự của các tác phẩm tranh, rất dễ bị lừa, mà trong đó còn có học sinh gia cảnh kinh tế khó khăn, kiếm những đồng tiền như vậy con không đành lòng.”

Đứa trẻ lương thiện như vậy thật hiếm có, tôi nghe mà thấy cảm động, các bạn học cũng rất tín nhiệm cháu, tiến độ kinh doanh buôn bán cho các bạn học của cháu cũng thuận lợi và nhanh hơn những người khác. Từ Pháp lý “Chân-Thiện-Nhẫn” của Đại Pháp, cháu hiểu rằng làm người cần phải chân thành và thiện lương.

3. Không động tâm trước học bổng

Hiệu trưởng đã sắp xếp cho một số nghiên cứu sinh trong lớp cháu lần lượt nộp đơn xin học bổng năm, như vậy trong bốn năm cao học mỗi người đều có cơ hội nhận được học bổng. Năm đầu, giáo viên chỉ định một sinh viên đăng ký và đã nhận được học bổng, nhưng không ngờ những sinh viên sau không nghe theo sắp xếp, đều đồng loạt nộp đơn xin xét duyệt học bổng, trong đó có cả em sinh viên đã nhận được học bổng.

Khi con trai kể cho tôi nghe chuyện này, tôi hỏi cháu nhìn nhận thế nào về việc này, cháu nhẹ nhàng nói: “Tùy kỳ tự nhiên ạ, ai có thể được thì người đó được, con không để tâm quá nhiều.” Sau đó, tôi nghe con trai kể lại, trong quá trình nhà trường xét duyệt học bổng, vị giáo sư có ấn tượng sâu sắc với tác phẩm tốt nghiệp năm cuối đại học của con trai tôi và cũng là người ra quyết định cuối cùng cho các suất học bổng, khi vừa nhìn thấy tên của cháu, ông lập tức đứng dậy, trực tiếp trao học bổng cho cháu và còn nói với các giáo viên khác rằng: Cậu sinh viên này để lại cho tôi ấn tượng vô cùng sâu sắc.

4. Không màng lợi ích nhất thời, có cơ hội kết giao với nhà thư pháp nổi tiếng

Con trai tôi bán một số tác phẩm thư pháp và hội họa trên mạng để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt ở trường. Có lần, một khách hàng đã mua tác phẩm thư họa của cháu với giá hơn 1.000 tệ, nhưng sau đó lại không muốn mua nữa, nên họ thương lượng trả lại. Theo lẽ thường tình, tác phẩm thư pháp hay hội họa sẽ không đổi trả sau khi đã giao dịch xong, nhưng con trai tôi nghĩ người mua không cần nữa đã đồng ý nhận lại.

Vì khoản thanh toán của người mua là thông qua bên thứ ba trên nền tảng Internet, nên khoản thanh toán chỉ có thể được trả lại khi cháu nhận được số tiền kia, con trai nói với người mua rằng: Cháu là học sinh, hiện giờ cháu không có nhiều tiền đến như vậy, chú cứ ấn vào lệnh hoàn hàng, đợi khi tiền về ví cháu nhất định sẽ trả lại ạ. Đối phương cũng không nói sẽ lập tức hoàn hàng, cháu nhanh chóng trả lại tiền cho người mua ngay khi tiền về tài khoản. Sau khi giải quyết xong sự việc này, người mua chủ động nói chuyện với cháu trong mấy giờ đồng hồ, hỏi han tình hình của cháu rồi thở dài: “Bây giờ người trẻ biết giữ chữ tín như cháu quả thật quá ít, sau này nhất định cháu sẽ thành công.”

Vài ngày sau, con trai tôi nhận được hàng hoàn, nhưng trong đó có một bức thư pháp của người mua tặng. Con trai tôi nhìn thấy bút danh của nhà thư pháp này mới biết hóa ra ông là nhà thư pháp nổi tiếng của Trung Quốc. Kể từ đó hai người rất thân thiết, thầy dạy thư pháp này còn giúp đỡ và chỉ dẫn rất nhiều kiến thức chuyên môn cho cháu. Ông ấy cũng đánh giá cao phẩm cách của cháu. Khi biết được chuyện này, các bạn học không khỏi hâm mộ khi cháu có cơ hội quen biết một nhà thư pháp nổi tiếng như vậy.

Một bạn học cùng lớp vừa hâm mộ vừa có vài phần tật đố với cháu, thường trêu chọc cháu: “Trông cậu cứ ngốc nghếch kiểu gì ấy, không tranh không đấu, mà tớ lại phát hiện, không có chuyện tốt nào không đến với cậu đâu.” Kỳ thực, cô bé này không hiểu lý do tại sao nên thậm chí còn lén đi tìm người khác để xem bói cho cháu, khi về liền bảo: “Thầy bói nói, trong mệnh của cậu có quý nhân phù trợ.”

Tất nhiên, người tu luyện Đại Pháp đều hiểu rằng, Sư phụ Lý Hồng Chí chính là quý nhân của tất cả học viên tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Là Sư phụ đã mở ra cho những người có tín ngưỡng một cuộc sống mới tươi đẹp.

Nhân dịp 30 năm Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền ra thế giới, tôi và gia đình xin bày tỏ lòng tôn kính nhất gửi tới với Sư phụ! Chúng con cảm tạ Sư phụ!

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/29/442273.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/31/201614.html

Đăng ngày 30-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share