Bài viết của phóng viên Minh Huệ.
[MINH HUỆ 21-09-2021] Ngày 18 tháng 9 năm 2021, bốn chuyên gia pháp lý đã phát biểu tại hội thảo trực tuyến lần thứ hai trên nền tảng webinar của Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phòng và Chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng. Họ đều đồng tình rằng nạn thu hoạch nội tạng sống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một hình thức diệt chủng và luật pháp hiện hành không đủ để phòng và chống tội ác này trên quy mô lớn. Để chấm dứt hành vi cấy ghép tàn bạo của ĐCSTQ, họ khuyến nghị các quốc gia thực hiện các biện pháp pháp lý cụ thể, nâng cao nhận thức về vấn đề này trong cộng đồng và tăng cường các chính sách của chính phủ đối với ngành công nghiệp cấy ghép.
Bốn chuyên gia pháp lý bao gồm ông Carlos Iglesias Jiménez từ Tây Ban Nha, ông David Matas từ Canada, thẩm phán Kim Song của Tòa án Hành chính Seoul từ Hàn Quốc, và bà Theresa Chu từ Đài Loan.
Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phòng và Chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng do 5 tổ chức phi chính phủ tại Châu Âu, Hoa Kỳ và Châu Á tổ chức. Sáu buổi hội thảo được tổ chức trong hai dịp cuối tuần liên tiếp từ ngày 17 đến ngày 26 tháng 9 năm 2021. 38 diễn giả được mời từ 19 quốc gia gồm các nghị sỹ của Nghị viện Châu Âu, cựu bộ trưởng Pháp, các nghị sỹ quốc hội, bác sỹ, học giả, giáo sư, thẩm phán, luật sư, và những người ủng hộ nhân quyền.
Luật sư Tây Ban Nha: Thu hoạch nội tạng là một hình thức diệt chủng
Ông Carlos Iglesias Jiménez, luật sư người Tây Ban Nha đại diện cho các học viên Pháp Luân Công trong vụ kiện chống lại cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, đã nói trong bài phát biểu rằng nạn thu hoạch nội tạng sống tàn bạo này là chưa từng có. Ông giải thích: “Chúng ta đang đứng trước một tội ác chưa từng có tiền lệ, thực sự tàn bạo, nhằm mục đích giết người, đồng thời tạo ra lợi nhuận khổng lồ. Chính quyền độc tài cộng sản không chỉ hạn chế và tước đoạt các quyền tự do cá nhân và tập thể của người Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, mà còn gia tăng bức hại các nhóm tín ngưỡng.“
Ông nhấn mạnh có ba đặc điểm nổi bật về tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ. Trước hết, ĐCSTQ muốn hủy hoại thân thể của những người có tín ngưỡng, đặc biệt là hàng triệu học viên Pháp Luân Công, và nạn thu hoạch nội tạng sống mang tính hủy diệt hàng loạt. Thứ hai, chính quyền này muốn trục lợi cho đám quan chức tham nhũng hủ bại. Thứ ba, ĐCSTQ trực tiếp quảng bá thông qua tuyên truyền rằng hệ thống cấy ghép của Trung Quốc là hiệu quả, tiên tiến, và thành công, từ đó lừa dối cộng đồng quốc tế và che đậy tội ác.
Ông Jiménez nhấn mạnh rằng những hành động tàn bạo này không thể được dung thứ hoặc bỏ qua, mà phải bị trừng phạt. Đáng tiếc là, cho đến nay, các chính phủ phương Tây vẫn chưa có động thái lên án mạnh mẽ nào đối với nạn thu hoạch nội tạng sống và đối đầu với chế độ độc tài của ĐCSTQ.
Ông Jiménez giải thích rằng ĐCSTQ đã thâm nhập vào các tổ chức quốc tế như Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới và Liên Hợp Quốc. Điều này cho phép chính quyền này che đậy tội ác của nó và bịt miệng các chính phủ phương Tây, các cơ quan và tổ chức quốc tế.
Công chúng đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. “Điều khiến chúng ta trở nên khác biệt, đồng thời liên kết chúng ta thành nhân loại là đoàn kết và những giá trị nhất định như: tôn trọng sự sống; tôn trọng tín ngưỡng; tôn trọng tự do”, ông tiếp tục. “Những tội ác khủng khiếp này không thể được dung thứ, và cần phải kêu gọi mọi người cùng lên tiếng để chấm dứt tình trạng này. Tội ác cưỡng bức mổ cướp nội tạng thế là đủ lắm rồi! Công lý phải được thực thi cho các nạn nhân!”
“Chế độ độc tài của ĐCSTQ thật biết luồn lách, bằng cách mua chuộc, hoặc hối lộ, hoặc uy hiếp nhằm khống chế ý chí người ta. Nó có thể làm điều đó với một nhóm nhỏ, nhưng không thể làm điều đó với hàng triệu người dũng cảm dám lên tiếng”, ông Jiménez nói thêm. “Công lý, trong tương lai, sẽ không chỉ xét xử những tội phạm của tội ác này, mà tất cả những ai im lặng đồng lõa để tất cả những hành động tàn bạo này có thể xảy ra, đều phải trả lời trước công lý.”
Luật sư Canada: Cần có chế tài mạnh hơn để chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng sống trên quy mô lớn
Luật sư nhân quyền quốc tế người Canada David Matas đã đến hơn 40 quốc gia trong thập kỷ qua để vạch trần việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công. Vào tháng 7 năm 2006, ông David Matas và ông David Kilgour đã công bố một báo cáo dựa trên cuộc điều tra độc lập của họ. Báo cáo này đã mang về cho họ giải thưởng của Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế (IGFM) và một đề cử cho Giải Nobel Hòa bình năm 2010.
Trong bài phát biểu của mình, ông Matas cho biết, kể từ khi phát hành báo cáo năm 2006, đã có những thay đổi trong cộng đồng luật nói chung. Nhưng nạn thu hoạch nội tạng sống trên quy mô lớn vẫn tiếp diễn ở Trung Quốc, và các nước khác vẫn chưa có hành động cụ thể để chấm dứt nạn giết người này.
Ông Matas cũng nói rằng luật pháp ở Trung Quốc Cộng sản được sử dụng để trừng phạt những người bất đồng chính kiến với Đảng. Không có pháp quyền, chỉ có Đảng trị. Chính quyền ĐCSTQ vận hành và thể chế hóa nạn giết hại hàng loạt tù nhân lương tâm để lấy nội tạng thông qua hệ thống nhà tù và các bệnh viện nhà nước. Với kiểu giết người hàng loạt như vậy, ĐCSTQ có mục đích kép – giết những nhóm người mà Đảng coi là kẻ thù và thu lợi nhuận thông qua việc bán nội tạng. Trên thực tế, việc buôn bán nội tạng ở Trung Quốc là hoạt động kinh doanh trị giá hàng tỷ đô la.
Ông nói thêm: “Thật hoang đường khi đề xuất cái Đảng này đóng cửa hoạt động buôn bán nội tạng này, cho dù luật pháp có quy định như thế nào.”
Ông Matas cho biết, trong khoảng một thập kỷ qua, thế giới đã có 11 nước EU phê chuẩn và 15 nước đã ký nhưng chưa phê chuẩn “Công ước chống buôn bán nội tạng người” (2015). Một số quốc gia cũng đã ban hành luật để ngăn chặn hoạt động thu hoạch nội tạng sống như Israel (2008), Đài Loan (2015), Bỉ (2009) và Ý (2016). Một số quốc gia khác cũng đang trong quá trình ban hành luật. “Nhưng so với quy mô của cộng đồng quốc tế (LHQ có 193 quốc gia thành viên), số quốc gia tích cực trong lập pháp là rất nhỏ và còn rất nhiều điều cần làm nữa”, ông nói thêm.
Thẩm phán Hàn Quốc: Các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky
Thẩm phán Kim Song, đại diện của Hiệp hội Đạo đức Cấy ghép Nội tạng Hàn Quốc, tin rằng Lệnh trừng phạt Magnitsky Toàn cầu là một công cụ sẵn có và thuận tiện để nhắm vào những thủ phạm tham gia vào thu hoạch nội tạng sống.
Bà nói rằng thu hoạch nội tạng sống là một cuộc thảm sát mang tính hệ thống. Không dễ để đạt được một quyết định đồng thuận giữa 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc vì mỗi nước lại có lợi ích và nguyên tắc khác nhau.
Vào tháng 3, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Canada và Vương quốc Anh đã thành lập một liên minh Magnitsky để xử phạt những quan chức ĐCSTQ vi phạm nhân quyền ở tỉnh Tân Cương. Quốc hội Hoa Kỳ đang tiến hành áp đặt các biện pháp trừng phạt Magnitsky toàn cầu đối với những người tham gia thu hoạch nội tạng.
Theo quan điểm của bà, các lệnh trừng phạt Magnitsky toàn cầu có ba ưu điểm: thứ nhất, chúng có thể được ban hành và thực thi bởi một quốc gia có chủ quyền, do đó áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tội phạm nước ngoài một cách nhanh chóng và kịp thời. Thứ hai, dự luật chỉ nhắm vào tội phạm và tương đối không xâm phạm chủ quyền. Các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân đã tránh được rào cản ngoan cố của ĐCSTQ dưới danh nghĩa “can thiệp vào việc nội bộ”. Thứ ba, các lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản cũng đơn giản hơn so với việc kết án hình sự vì không yêu cầu xác minh bằng chứng và mỗi quốc gia đều có quyền tự quyết trong hoạt động kiểm soát nhập cư.
“Đây là một cách xử phạt thông minh và tránh gây ảnh hưởng xấu đến những người vô can đến tội ác này. Các lệnh trừng phạt Magnitsky toàn cầu có thể là một bước khởi đầu tốt. Chúng tôi đã có thông tin chi tiết về các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc là thủ phạm của nạn thu hoạch nội tạng sống, và việc mở rộng Liên minh Magnitsky sẽ khiến nỗ lực này còn hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa”, bà nói.
Bà Kim Song nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt Magnitsky toàn cầu không phải là giải pháp thay thế cho tư pháp hình sự quốc tế, mà là các biện pháp trừng phạt tối thiểu có thể được áp dụng hiện nay.
“Nếu bắt đầu tiến hành bằng các Lệnh trừng phạt Magnitsky Toàn cầu, chúng ta có thể có cơ hội chấn chỉnh cách ứng xử với phẩm giá con người”, bà giải thích. “Thật đáng hổ thẹn cho nhân loại ở thời đại chúng ta nếu chúng ta bị mờ mắt trước lợi nhuận và lợi ích, mà phớt lờ hay thờ ơ trong việc ngăn chặn tội ác này.”
Luật sư Đài Loan: Hình sự hóa nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng
Bà Theresa Chu, người phát ngôn của Nhóm Luật sư Nhân quyền Pháp Luân Công Đài Loan, cho biết, “Các báo cáo điều tra của các nhóm nhân quyền, tổ chức điều tra và chính phủ 15 năm qua đã xác nhận rằng các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc là nạn nhân lớn nhất của nạn thu hoạch nội tạng sống và là nguồn cung cấp nội tạng sống lớn nhất dưới chính sách đàn áp của ĐCSTQ.”
“Các tội ác liên quan đến thu hoạch nội tạng sống, ít nhất bao gồm tội gây thương tích, giết người, tra tấn, tội ác chống lại loài người và giết người hàng loạt. Nói một cách chính xác, hành vi thu hoạch nội tạng tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một hệ thống tội ác đan xen phức tạp”, bà giải thích.
Bà nhấn mạnh rằng thu hoạch nội tạng sống không chỉ được sử dụng để truy quét và tiêu diệt các học viên Pháp Luân Công và các nhóm dân tộc thiểu số, mà còn phục vụ cho các thí nghiệm và xét nghiệm trên thân thể người. Các mục đích và thủ đoạn phạm tội rất đa dạng, là một hệ thống tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có công ước quốc tế hay quy định pháp lý hoàn chỉnh nào để xử phạt những hành vi tàn bạo như vậy.”
Bà kêu gọi các quốc gia phối hợp chặt chẽ với nhau để tích cực điều tra và truy tố những thủ phạm của nạn thu hoạch nội tạng sống. Ở cấp độ hành chính là cấm những người liên quan đến hoạt động thu hoạch nội tạng nhập cảnh, ngừng hỗ trợ đào tạo cho nhân viên y tế Trung Quốc, và ngừng xuất bản các bài báo về ngành cấy ghép của Trung Quốc. Ở cấp độ lập pháp cũng có thể ban hành các luật hình sự toàn diện, chi tiết và nghiêm khắc hơn đối với nạn thu hoạch nội tạng.
“Chúng ta phải triệt để chấm dứt và trừng phạt tội ác nhân quyền chưa từng có này trong thế kỷ 21, và viết nên một trang sử cho nhân quyền và công lý”, bà nói thêm.
Năm 2019, Tòa án độc lập luận tội Trung Quốc ở London cũng đưa ra kết luận tương tự. Thứ nhất, việc giết hại tù nhân để cấy ghép nội tạng vẫn tiếp diễn; Thứ hai, nạn nhân chính là các học viên Pháp Luân Công. Thứ ba, những tội ác này của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ là tội ác chống lại nhân loại.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/9/21/431537.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/25/195896.html
Đăng ngày 01-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.