Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-05-2021] Mấy hôm trước, một người bạn đã giới thiệu cho tôi một khách hàng. Khách hàng này đã nhờ tôi lắp giường có sưởi cho mẹ con cô ấy. Tôi tư vấn có loại đắt và loại giá rẻ với chất lượng khác nhau. Cô ấy nói cô ấy muốn mua loại tốt và muốn tôi sửa cho giường cho mẹ con cô dài rộng hơn. Gỗ làm giường có ở chỗ bạn của cô ấy.

Tôi mang gỗ tới khi trời đang mưa. Mẹ cô ấy sống ở trên tầng ba nên tôi phải lên xuống cầu thang nhiều lần để mang hết số gỗ này lên. Tôi làm từ 2 giờ chiều cho tới 6 giờ tối mới hoàn thành công việc. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ và tôi đã hướng dẫn cho mẹ con họ cách sử dụng loại giường này. Trong quá trình này, tôi cũng đã giúp mẹ cô ấy một việc nhỏ mà không tính phí.

Ngày hôm sau, cô ấy gọi điện cho tôi và nói rằng giường của mẹ cô không ấm bằng giường của bạn cô ấy. Tôi giải thích rằng giường sưởi ở nhà bạn cô rất có thể chất lượng kém hơn, vì nó sử dụng dây điện trở đốt làm nóng nhanh. Giường của mẹ cô làm bằng sợi carbon sưởi ấm với chức năng tạo ion âm có tác dụng chữa bệnh tốt hơn hẳn. Tôi bảo cô ấy có thể điều chỉnh nhiệt độ để giường ấm hơn nếu cô ấy muốn. Sau đó, cô ấy hỏi tôi khi nào tôi sẽ quay lại lắp giường cho cô ấy. Tôi hẹn sẽ tới vào buổi chiều sau khi hoàn thành những việc khác.

Một lần nữa, tôi lại phải dầm mưa để đi lấy vật tư. Tôi vác hết đồ lên tầng bốn và gõ cửa nhà cô ấy. Cô ấy mở cửa, không nói không rằng. Tôi đã cố gắng trao đổi xem cô ấy muốn điều chỉnh chiếc giường này như thế nào. Cô ấy không nói gì mà cứ dửng dưng ngồi chơi điện thoai. Tôi không biết làm sao nên đã nới rộng giường theo yêu cầu trước đây của cô ấy. Tôi không nói, mà chỉ im lặng làm việc.

Tôi cảm thấy thật bất công và nghĩ: “Tôi đã không tính nhiều tiền cho cô nhưng còn giúp cô vận chuyển vật liệu, rồi vác đồ lên tầng mấy lượt. Tôi còn nới rộng và nâng cao giường cho cô. Thợ mộc thường không phải làm cái việc nhỏ nhặt như thế này đâu. Việc này không khó, nhưng nó đòi hỏi nhiều công đoạn. Không ai làm mà không tính thêm tiền cả. Tôi làm việc này vì nể mặt bạn tôi, thế mà bây giờ cô lại đối xử với tôi như thế! Cô nghĩ cô muốn gì, chỉ cần trả tiền thì tôi phải làm đó sao? Việc lắp đặt bình thường chỉ mất có nửa giờ, mà tôi đã làm giúp cô cả buổi chiều. Cô yêu cầu tôi hết cái này cái khác mà tôi không phàn nàn gì, thế mà giờ cô lại đối xử với tôi như thế. Càng nghĩ, tôi càng thấy bực bội và bất mãn. Tôi muốn bỏ việc này.

Tôi chợt nhớ đến bài thơ của Sư phụ Lý Hồng Chí, Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp:

“Kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận, mà tự thấy bất công. Người Thiện thường trong tâm từ bi, không oán, không hận, lấy khổ làm vui. Bậc Giác Giả không có tâm chấp trước, tĩnh nhìn thế nhân đang lấy điều huyễn hoặc làm cõi mê.” (“Cảnh giới”, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Chẳng phải trạng thái của tôi lúc này giống kẻ ác sao? Là người tu luyện, những sự việc gặp phải có thể là ngẫu nhiên chăng? Tôi có thể hành xử giống như người thường được sao? Tại sao tôi lại động tâm? Tại sao tội lại bất mãn như vậy?

Tôi hướng nội và nhận thấy tôi quá để ý tới thái độ của người khác đối với mình. Tôi vui thích nghe những điều êm tai và có chấp trước vào danh lợi. Khi tức giận, tôi lại hung hăng, tật đố. Tôi nghĩ: “Tôi giúp cô mà cô lại đối xử với tôi như vậy!” Vì thế mà tôi cảm thấy tổn thương và phẫn uất: Tôi giúp cô ấy thì cô phải tốt với tôi sao. Đó là tôi muốn được người khác công nhận.

Sư phụ giảng:

“Tu luyện cần phải tu luyện trong ma nạn, [để] xem [đối với] thất tình lục dục chư vị có thể dứt bỏ hay không, có thể coi nhẹ hay không. Chư vị chấp trước chính vào những thứ ấy, thì chư vị không tu xuất lai được.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

“Người ta nếu nhảy ra khỏi cái ‘tình’ này, thì không ai động đến chư vị được, tâm người thường không động đến chư vị được; thay vào đó là ‘từ bi’, vốn là điều cao thượng hơn.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Tôi tiếp tục hướng nội và thấy rằng quan niệm ích kỷ này tự động xuất hiện; nó quyết định cho tôi vui vẻ hay tức giận. Đó là bảo vệ bản thân, và là quan niệm người thường. Nếu tôi vô tư vô ngã thì đã không nghĩ tới việc phiền hà gì cho cô ấy.

Sư phụ giảng:

“Chư vị không muốn cải biến trạng thái của con người, từ lý tính mà thăng hoa nhận thức chân chính về Đại Pháp, thì chư vị sẽ mất cơ hội. Chư vị không cải biến cái Lý của con người vốn được hình thành vào tận xương cốt cả trăm nghìn năm ở người thường ấy, thì chư vị vẫn không bỏ đi được cái tầng xác bề mặt của con người, nên không cách nào viên mãn.” (Lời cảnh tỉnh, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Sau khi hướng nội, tôi đã minh bạch mọi chuyện và làm những gì tôi phải làm như thể chưa hề có chuyện gì xảy ra. Cô ấy cũng sớm trở lại bình thường, tươi cười trò chuyện với tôi. Cô ấy hỏi có nhiều người yêu cầu tôi thay đổi kích thước giường không. Tôi nói cô ấy là người đầu tiên; và rằng tôi thường yêu cầu khách hàng tìm thợ mộc để làm việc này. Nhưng vì bạn tôi giới thiệu cô ấy, nên tôi vì nể bạn mà nhận việc này. Sau khi hoàn thành công việc, cô ấy không ngớt lời cảm ơn tôi.

Tôi thường gặp những hoàn cảnh đề cao tâm tính trong công việc. Tôi đã không thể giữ vững tâm tính nếu tôi coi lợi ích cá nhân là trên hết và hướng ngoại cầu.

Sư phụ giảng:

“Tôi giảng cho mọi người rằng, công không lên được cao có nguyên nhân căn bản là: hai chữ “tu luyện”, người ta chỉ coi trọng chữ ‘luyện’ mà chẳng coi trọng chữ ‘tu’.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Tôi hiểu rằng tu luyện không chỉ có luyện công mà còn bao hàm nhiều phương diện khác nữa. Ví dụ, mặc dù tôi học Pháp hàng ngày nhưng tôi không chú trọng tu luyện tâm tính. Nếu những ý nghĩ xấu không được tống khứ thì tôi không thể đề cao cảnh giới của mình và tầng thứ của tôi sẽ không được nâng lên. Khi đó, tôi không thể ngộ ra được những nội hàm thâm sâu hơn của Đại Pháp và không thể tiến bước tiếp.

Tôi cần phải chú trọng đề cao cảnh giới tinh thần và xây dựng thói quen nghĩ cho người khác trước. Có như vậy, tôi mới có thể nhanh chóng tống khứ chấp trước và đề cao nhanh hơn.

Sư phụ đã giảng về trạng thái của một vị La Hán:

“Như mọi người đã biết, [khi đã] đạt đến tầng La Hán, [thì] gặp sự việc gì cũng không để trong tâm, hết thảy những sự việc nơi người thường đều hoàn toàn không để tâm, đều là vui vẻ thoải mái; chịu thiệt thòi lớn đến mấy, vẫn cứ vui vẻ thoải mái. [Nếu] thật sự có thể làm được vậy, thì chư vị đã đạt đến quả vị sơ cấp của La Hán.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Tôi còn cách quá xa yêu cầu của Sư phụ!

Xin các đồng tu từ bi chỉ rõ nếu tôi có bất kỳ điều gì chưa phù hợp với Pháp.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/25/426132.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/23/193794.html

Đăng ngày 05-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share