Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Châu Âu
[MINH HUỆ 24-07-2021] Khi tôi bước vào tu luyện gần hai năm trước, cuộc đời tôi đã thay đổi từ căn bản. Tôi nhận được một công việc về giáo dục xã hội, chuyển đến một đất nước mới, tu luyện trong một môi trường mới, và gặp gỡ các học viên Pháp Luân Đại Pháp mới. Tuy nhiên, chồng tôi không có được việc làm trong một thời gian dài. Mặc dù tôi chưa bao giờ phàn nàn một cách công khai, nhưng những niệm đầu trách móc luôn trực chờ trên đầu lưỡi tôi, chẳng hạn như: “Anh ấy tu luyện không tốt, và đã không hướng nội. Đó là lý do tại sao anh ấy không thể tìm được việc làm.”
Sau đó tôi nhận ra rằng mình đã xem tu luyện như là một sự bảo hộ cho một cuộc sống tốt hơn và tiện nghi hơn. Khi tôi hướng nội để tìm chấp trước, tôi tìm thấy một ý đồ rất mạnh mẽ, ẩn sâu là dùng hướng nội để giải quyết những khó khăn hay khổ nạn trên bề mặt. Việc nhìn lại những gì đã qua, hướng nội, nhận dạng, và trừ bỏ các chấp trước đã trở thành một loại hình thức mà trong đó luôn đi cùng với sự lo lắng và nghi hoặc, sợ rằng các vấn đề sẽ không giải quyết được. Tôi muốn chia sẻ các kinh nghiệm sau đã giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về tính nghiêm túc của tu luyện.
Tu luyện trong môi trường công tác
Do cơ cấu lại nội bộ, áp lực công việc đối với tôi tăng lên. Quá nửa các nhân viên lần lượt gửi thông báo thôi việc hoặc được cho nghỉ việc, và chúng tôi phải liên tục đào tạo các nhân viên mới. Các khách hàng của chúng tôi, những người trẻ tuổi bị thiểu năng trí tuệ, đã phản ứng với hoàn cảnh ngày càng bạo lực hơn. Nhóm chúng tôi hầu hết đã trải qua các cuộc hành hung thân thể. Trên hết là, chúng tôi bị áp lực tâm lý vì Ban Quản trị buộc chúng tôi chịu trách nhiệm đối với tình trạng đó.
Tôi hay bật khóc khi đang học Pháp, hoặc khi tôi nhìn vào Pháp tượng của Sư phụ, bởi tôi hiểu rõ tiêu chuẩn đối với bản thân mình là một người tu luyện, nhưng tôi lại thường không kiểm soát được bản thân trong các hoàn cảnh đặc thù. Khi các đồng nghiệp của tôi nói xấu quản lý cấp trên trong giờ giải lao, tôi lại cũng tham gia vào. Khi một khách hàng trở nên hung hãn, tôi lại giận dữ và nảy sinh tâm chán ghét. Khi chúng tôi phân công ai kèm khách hàng nào trong cuộc họp hàng ngày, tôi thấy vui nếu được phân công các khách hàng ít hung bạo hơn.
Bị các cảm xúc con người dẫn động, tôi cũng can thiệp vào việc riêng của các đồng nghiệp. Ví dụ, hai ngày trước kỳ nghỉ, một đồng nghiệp của tôi đã buộc phải hoãn kỳ nghỉ của cô ấy vì thiếu nhân sự, cô ấy rất không vui, nhưng không thể khước từ. Tôi cảm thấy cô ấy bị đối xử bất công và bị gây trở ngại. Tôi thảo luận về bảng phân công nhiệm vụ với quản lý nhóm và nhận làm thêm giờ để đồng nghiệp đó có thế vẫn có thời gian nghỉ. Tôi đã tin rằng mình làm đúng. Kết quả là tôi làm việc quá vất vả nên chỉ còn ít thời gian để làm ba việc của một học viên Đại Pháp cần phải làm. Mặc dù vậy, đồng nghiệp đó của tôi vẫn phải hủy kỳ nghỉ của cô ấy vì tuần kế tiếp lại có người khác vắng mặt.
Sư phụ đã giảng:
“[Nếu] để chư vị tích đức, chư vị coi thấy việc kia là việc tốt, nhưng [hễ] chư vị thực hiện, có khi lại hoá ra là việc xấu; khi mà chư vị coi việc này là xấu mà chư vị lại quản [nó], có khi lại hoá ra là việc tốt. Tại sao? Bởi vì chư vị không nhìn thấy được quan hệ nhân duyên ở trong đó.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)
Tôi đã không nhận ra ngay rằng là một người tu luyện thì tôi đã làm gì sai-cho đến khi tôi nhận được một điểm hóa khác. Trong một cuộc họp với các nhân viên, người quản lý khu vực đã phê bình tôi vì không hợp tác với nhóm trưởng của tôi-một người mới-và không tôn trọng vị trí của cô ấy. Tôi cảm thấy bị hiểu lầm và bị nhận xét một cách bất công. Tôi cảm thấy một nỗi buồn dâng lên khi nhận ra rằng mình đã tu luyện không tốt. Tôi thấy khó mà bỏ được sự oán hận của mình đối với quản lý. Ở nhà, tôi cũng không thể tìm thấy sự an hòa. Nghiệp lực can nhiễu tôi khi tôi học Pháp, luyện công, và phát chính niệm-tôi trở nên buồn ngủ. Sự tu luyện của tôi đang bên bờ vực nguy hiểm.
Sư phụ đã giảng:
“Tại hoàn cảnh phức tạp nơi người thường, trong ma sát giữa người với người, chư vị có thể thực sự vượt lên, ấy là điều khó khăn nhất. Khó là khó ở chỗ chư vị chịu thiệt thòi một cách minh bạch rõ ràng nơi lợi ích người thường, với lợi ích thiết thân [bày] trước mắt, chư vị có bất động tâm hay không; khi đấu tranh lục đục giữa người với người, chư vị có bất động tâm hay không; khi bạn bè thân quyến gặp chuyện thống khổ, chư vị có bất động tâm hay không, chư vị nhìn nhận sự việc như thế nào đây; làm người luyện công khó khăn như vậy đấy!” (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)
Các chấp trước
Các chấp trước của tôi biểu hiện ra là vô số khiến tôi cảm thấy bị áp lực cực đại. Chúng bao gồm nào là ngạo mạn, tật đố, an dật, và oán hận-làm sao tôi có thể tống khứ tất cả chúng đây? Trước khi tu luyện tôi vẫn cho rằng con người không thể thay đổi. Người ta chỉ có thể kiềm chế những thói xấu của mình trong thời gian ngắn, nhưng họ không thể nào thực sự thanh trừ được chúng. Có thể đối với người thường thì là vậy. Tuy nhiên, đối với một người tu luyện Đại Pháp, tôi có thể khẳng định rằng Pháp có thể trừ bỏ hết thảy mọi thứ bất hảo.
Những khó khăn trong công việc đã gia cường sự kiên định của tôi trong tu luyện. Tôi đã suy nghĩ một cách nghiêm túc về sự tu luyện của mình, và đi theo an bài của Sư phụ nghĩa là gì. Tôi đã nhận ra rằng với sự an bài của Sư phụ tôi đã hy vọng một con đường dễ chịu không chút khó khăn. Tôi có còn theo Sư phụ nữa không khi lợi ích của bản thân bị ảnh hưởng? Tôi có còn tuân theo các Pháp lý nữa không khi mà tâm chấp trước đối kháng tôi mạnh mẽ. Thời khắc đó, tôi đã cảm thấy trái tim mình trả lời to và quả quyết “Có.” Cơ thể tôi cảm thấy nhẹ nhàng, như thể một gánh rất nặng đã được quẳng đi.
Tôi đã quyết tâm tu luyện tốt hơn. Tôi đã không nản lòng khi nghiệp tư tưởng can nhiễu mình. Thỉnh thoảng tôi chỉ có thể đọc hai hay ba câu Pháp với tâm tĩnh lặng. Nhưng, chúng đã làm tôi xúc động sâu sắc. Khi đối mặt với các mâu thuẫn, tôi cố giữ nội tâm an hòa. Tôi tự kiềm chế khi các đồng nghiệp nói xấu người khác. Nếu tôi không làm tốt trong một hoàn cảnh nhất định, tôi tự khuyến khích bản thân để lần sau làm cho tốt. Khi cứ liên tiếp vấp ngã, tôi không nằm lại đó và cảm thấy nuối tiếc như tôi vẫn thường làm như vậy trước đây, mà quay lại thực hiện cho đúng.
Tôi cố gắng giúp các đồng nghiệp của mình hiểu quan điểm của mình, bằng cách giải thích rằng nhóm trưởng mới gặp một khởi đầu khó khăn, nhưng đang rất cố gắng, và làm việc rất chăm chỉ. Từ đó trưởng nhóm của tôi có vẻ thoáng hơn và chúng tôi hợp tác với nhau tốt hơn.
Một khách hàng gặp phải cơn khủng hoảng cảm xúc đã đấm vào mặt tôi. Trong thâm tâm, tôi không cảm thấy chút oán hận nào đối với cô ấy. Tôi muốn giúp cô ấy. Tôi vẫn bình tĩnh, ngay cả khi cô ấy lại giơ tay lên. Tôi hát “Pháp Luân Đại Pháp hảo” cho cô ấy nghe. Cô ấy đã lập tức bình tĩnh lại, ngồi xuống, và lắng nghe. Khi tôi hỏi cô ấy thế nào rồi, cô ấy đã đề nghị tôi hát tiếp.
Giờ đây tôi coi sự luân chuyển nhân sự thường xuyên là cơ hội để giảng chân tướng cứu chúng sinh. Một đồng sự đã nói với tôi rằng cô ấy chỉ “tình cờ” đến nhóm của chúng tôi. Quản lý đã định một ai đó nhưng tình cờ lại gửi email cho cô ấy. Cô ấy đã được thuê. Tôi hiểu rằng không có gì là ngẫu nhiên. Tôi đã có thể nói với cô ấy về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại. Cô ấy đã ký vào bản kháng nghị và hỏi thêm thông tin để cô ấy có thể kể với chồng và con gái cô ấy.
Một nhân viên khác trước đây đã từ chức, là người mà tôi đã chưa thể giảng chân tướng, sau vài tháng đã quay lại chỗ chúng tôi làm bán thời gian. Tôi đã rất ngạc nhiên, nhưng cũng rất vui vì có cơ hội để lần này làm tốt hơn. Tôi đã có thể nói với cô ấy về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại. Cô ấy rất quan tâm đến các chủ đề về tinh thần.
Tôi ngày càng nhận thức rõ hơn rằng đem đến cho chúng sinh một cơ hội được đắc cứu là nghĩa vụ của tôi. Tôi cũng ngộ ra rằng khi tôi đặt việc cứu chúng sinh lên hàng đầu trong những việc mình làm, tôi thấy rất dễ để vứt bỏ các chấp trước, và có thể lùi bước khi đối mặt với mâu thuẫn. Bằng cách này tôi đã có thể nhìn lại cơ điểm của mình.
Sư phụ đã giảng:
“Làm việc gì thì hãy làm nó cho tốt. Trong quá trình thực thi cái được nhìn là nhân tâm chư vị, chứ không nhìn bản thân sự thành công của chư vị. Trong quá trình chư vị thực hiện thì hãy cứu người ta! Trong quá trình chư vị thực hiện thì là quá trình chư vị tu luyện đề cao, đồng thời khởi tác dụng cứu độ chúng sinh! Không hề nói rằng chư vị thực thi việc đó thành công thì chư vị mới có thể khởi tác dụng cứu độ chúng sinh.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)
Tầm quan trọng của việc học Pháp nhóm
Chúng tôi vẫn tiếp tục học Pháp cùng nhau trong thời gian đại dịch virus corona xảy ra. Tuy nhiên, nhóm co lại còn bốn đến năm học viên. Tôi vẫn thấy cơ hội này rất quý giá.
Trong khi chia sẻ nhóm tôi đã kể về tình huống công việc của mình, và rằng tôi chỉ có ít thời gian cho các hạng mục Đại Pháp và học Pháp vì làm thêm giờ. Một đồng tu chỉ ra rằng tôi nên loại bỏ những can nhiễu của cựu thế lực và không thừa nhận mọi can nhiễu đó. Niệm đầu đầu tiên của tôi là mình đã không chia sẻ suy nghĩ này. Những khó khăn đã giúp tôi tu luyện. Tuy nhiên, dòng tư tưởng này làm tôi chộn rộn cả tối hôm đó, tôi phát chính niệm để loại bỏ các yếu tố can nhiễu từ cựu thế lực. Tôi chỉ đi theo con đường mà Sư phụ đã an bài cho tôi, cho dù có khó khăn nào đi nữa, và cầu xin Sư phụ giúp đỡ để tôi có thể nhìn thấy con đường ấy trong sương mù.
Ngày hôm sau người giám sát đến chỗ tôi và nói rằng tôi có thể nghỉ trong ba tuần tới bù cho thời gian làm thêm giờ. Trong ba tuần đó tôi đã có nhiều thời gian để học Pháp và làm các hạng mục.
Thời gian đó chồng tôi đã được gọi đi phỏng vấn. Sau vài ngày anh ấy đã được nhận một công việc và ký hợp đồng lao động. Tôi nhận được một cơ hội làm việc tại Đại Kỷ Nguyên. Một năm trước đó tôi quả thực đã hy vọng một cơ hội như thế. Tuy nhiên, lúc đó đối với tôi mà nói là không thể, xét trên phương diện thời gian và tiền bạc.
Sau ba tuần khi quay lại chỗ làm, tôi nhận ra một thay đổi lớn trong bản thân mình, như thể là một lớp bùn dày đã rơi khỏi thân. Hoàn cảnh công việc trên bề mặt không thay đổi, nhưng đối với tôi bất động tâm đã dễ hơn nhiều. Đó không phải là sự mạnh mẽ bề ngoài, mà là nội tâm đã tịnh hóa từ căn bản.
Pháp Luân Đại Pháp thực sự diệu kỳ. Tôi ngộ ra rằng đây không phải là cái gì đó mà tôi đã đạt được, mà là tôi được ban cho nhờ sự từ bi và khai ân của Sư phụ.
[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác phát hành trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org]
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/24/-428613.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/1/194390.html
Đăng ngày 04-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.