Bài viết của Tịnh Tư, đệ tử Đại Pháp ở Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-06-2021] Tôi là đệ tử Đại Pháp đã tu luyện hơn hai năm. Từ tầng thứ của tôi mà nhìn, mỗi quan trong tu luyện yêu cầu tôi tống khứ từng tâm chấp trước. Dưới sự dẫn dắt từ bi của Sư phụ, tôi đã tu bỏ từng tầng chấp trước và lần lượt vượt qua từng quan.

Trừ bỏ tâm oán hận đối với người thân bên chồng

Trước đây, hai vợ chồng tôi sống cùng bố mẹ chồng. Gia đình chị chồng và em chồng khá giả hơn so với chúng tôi. Lúc mẹ chồng còn sống, bà rất yêu thương hai người họ. Tôi là người không thích giao tiếp với người khác. Mẹ chồng hay nói tôi chỗ này chỗ nọ không tốt trước mặt chồng tôi. Nếu tôi nghỉ ở nhà mà không nấu cơm, thì bà sẽ nổi giận và quăng đồ tứ tung. Do vậy, tôi vẫn thích sống ở nhà mẹ đẻ của mình hơn.

Sau khi tôi sinh con gái, mẹ chồng tỏ ra không vui. Một hôm, tôi bế con gái ra ngoài, lúc về nhà, tôi nghe mẹ chồng đang xúi con trai bà ly hôn với tôi. Tôi không nhịn nổi nữa, liền gây lộn với bà. Chồng tôi và chị gái cũng có mặt ở hiện trường lúc đó, mẹ chồng đuổi chúng tôi ra khỏi nhà và quăng hết đồ đạc của chúng tôi ra ngoài. Không còn cách nào khác, chúng tôi đành chuyển ra ngoài thuê nhà trọ. Sau này, chúng tôi đã tự mua nhà riêng. Chúng tôi cũng không liên lạc với mẹ chồng trong nhiều năm qua.

Tôi đã sống cùng bố mẹ chồng trong suốt mười năm. Nóng giận tích tụ qua mười năm khiến tôi bệnh tật đầy thân; nào là mất thị lực, loét dạ dày, tăng sản tuyến vú, bệnh trĩ, bệnh tim. Tháng 10 năm 2017, mẹ chồng tôi qua đời. Tháng 2 năm 2018, đột nhiên tôi thấy cả người không còn sức lực, tim đập loạn nhịp, không thể cử động được. Sau khi đến bệnh viện kiểm tra, bác sỹ nói lượng bạch cầu của tôi quá ít, chưa tới phân nửa mức bình thường. Bác sỹ bảo đây là bệnh về hệ miễn dịch nên không có thuốc đặc trị. Tôi nhập viện nửa tháng nhưng vẫn không khỏi. Sau khi về nhà, tôi không thể di chuyển, ngay cả cầm bát ăn cơm cũng không nổi, hơn nữa tôi còn phải uống bảy tám loại thuốc mỗi ngày, đúng là sống không bằng chết. Lúc đó tôi nghĩ sao số phận mình éo le thế này!

Em rể tôi tu luyện Đại Pháp. Sau khi biết chuyện, em rể đã đến nhà hồng Pháp cho tôi. Tôi cũng bước vào tu luyện kể từ đó. Đại Pháp đã cải biến vận mệnh của tôi và ban cho tôi một cuộc đời mới. Sư phụ từ bi vĩ đại đã cứu vớt tôi ra khỏi địa ngục.

Người thân bên chồng cũng chứng kiến quá trình tôi mắc bệnh và hồi phục. Đặc biệt là chị cả hết sức tán đồng với Đại Pháp, chị ấy đã làm “tam thoái”. Tôi cũng vứt bỏ được tâm oán hận mẹ chồng. Sư phụ giảng:

”Đa thiểu nhân gian loạn sự
Lịch kinh trùng trùng ân oán
Tâm ác nghiệp đại vô vọng
Đại Pháp tận giải uyên nguyên” (Giải Đại Kiếp, Hồng Ngâm 2)

Tạm dịch:

“Bao nhiêu việc loạn nhân gian
Trải qua trùng trùng ân oán
Tâm ác nghiệp lớn vô vọng
Đại Pháp tận giải uyên nguyên”

Tháng 4 năm 2020, chị cả gọi điện cho tôi, chị bảo cần chúng tôi chăm sóc cho bố một thời gian. Tôi đã đồng ý. Tôi nghĩ anh chị bận việc, mình là người tu Đại Pháp, mình có thể chăm sóc cho bố. Lẽ nào chút việc này mình cũng không làm được?!

Chiều hôm đó, lúc tôi vừa mới bước chân vào nhà, bố chồng liền hỏi: “Con đến đây làm gì? Bố không cần con, bố sẽ tự nấu cơm, con mau đi về đi.” Tôi nghe xong cảm thấy khó chịu trong lòng, thật sự nghĩ mình nên đi về. Tôi đến nhà nấu cơm cho bố chồng, đáng nhẽ bố phải vui mừng mới đúng, nhưng sao ông lại đuổi tôi về? Tôi nghĩ mình là người tu luyện nên không thể nhìn nhận giống bố được, mình phải Nhẫn. Tôi không nói gì, cứ thế đi làm cơm, sau khi nấu xong, tôi gọi bố: “Bố ơi, ăn cơm nhé.” Bố chồng thấy tôi nấu nhiều món ngon, ông vừa ăn vừa nói: “Mấy món này ngon như nhà hàng nấu.” Ông cũng không đuổi tôi về nữa, vậy là tôi đã vượt qua quan này.

Bố chồng tôi đã hơn 80 tuổi. Lúc nấu ăn, món nào tôi cũng hầm nhừ một chút và bố cũng chẳng nói gì. Một hôm, tôi đang làm mướp hương, lúc vừa mới gọt vỏ, bố tôi đi ra nói: “Con đừng gọt vỏ, bố thích ăn đồ cứng, con cắt miếng to chút, để bố nhai nữa.” Tôi bèn nhớ ra, lần trước nấu mướp hương, tôi đã gọt hết vỏ và cắt miếng nhỏ.

Một lần khác, tôi nấu món bí ngòi, tôi nghĩ trong lòng bố thích ăn đồ cứng, hay là mình chiên sơ qua một chút. Nhưng lần này, bố chồng lại bảo: “Con hầm nhừ một chút, đừng làm cứng quá.” Nghe xong, tôi không giận bố, tôi nghĩ mình chỉ cần làm theo yêu cầu của ông là được. Những việc này là để ‘ma luyện’ cái tâm này của tôi, xem tôi có thể nhẫn chịu hay không, có thể nhẫn được vững chắc thì có thể vượt quan. Sư phụ giảng:

”Nhẫn là chìa khoá của đề cao tâm tính. Nhẫn mà uất hận, uỷ khuất, hay đẫm lệ là cái nhẫn của người thường với chấp trước vào tâm lo nghĩ, hoàn toàn không hề nảy sinh uất hận, không cảm thấy uỷ khuất thì mới là cái Nhẫn của người tu luyện.” (Thế nào là Nhẫn, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Bố chồng thích ăn gì, tôi đều nấu cho ông. Ông cũng không còn nói đồ ăn cứng hay mềm nữa, tôi nấu món gì ông cũng khen ngon.

Tống khứ tâm sợ bẩn

Bố chồng ăn trái cây không thích lấy đồ hứng, nên nước trái cây thường hay rơi vãi đầy sàn. Sau đó, ông lại dẫm lên nó và chây ra khắp nhà. Thùng rác không có túi đựng rác thì ông cũng mặc kệ. Sau khi ăn xong, ông cứ vứt vỏ dưa hấu, hạt anh đào, bao đựng que kem … vào trong thùng rác. Ông cũng hay xì mũi vào giấy vệ sinh, rồi vứt đầy trên nắp bồn cầu. Ông thích xì mũi trong lúc đang ăn cơm, vừa ăn vừa xì mũi. Đôi lúc tôi chịu không nổi nên bèn ngừng ăn, đợi một lát sau tôi mới ăn tiếp. Lúc bố chồng ăn cơm, ông còn nói: “Bố phải sang bên kia ăn, nếu không thì người trẻ sợ bẩn.” Ông khuấy đũa khắp đĩa thức ăn, sau lại ép dẹt thức ăn, tôi nhìn thấy là muốn nôn. Cho nên, tôi phải gắp thức ăn vào chén của mình trước khi bố chồng xới tung lên.

Lúc chúng tôi còn sống chung với bố mẹ chồng, bố cũng không đến nỗi như thế. Thời đó, ông thích quét nhà. Ông còn nhặt sạch vỏ trái cây người khác ăn. Người tu luyện không có việc gì vô duyên vô cớ, đây là để tôi vứt bỏ tâm sợ bẩn. Vì tôi có cái tâm này rất nặng, nên tôi hầu như không dùng bữa ở các hàng ăn bên ngoài. Khách đến chơi nhà, chờ cho họ đi khỏi, tôi liền đi thay đệm lót. Từ nào đến giờ, tôi không xài ly uống nước của chồng. Lúc đồng tu đến nhà, tôi đặc biệt chuẩn bị riêng ly giấy sử dụng một lần, nhưng đồng tu lại cứ rót nước vào chiếc ly của chồng tôi rồi uống. Tôi thật sự cảm thấy mình quá cách biệt so với đồng tu. Tôi nghĩ đã đến lúc mình cần tống khứ cái tâm này.

Tôi đọc bài chia sẻ trên Minh Huệ Net, bố chồng của đồng tu nọ chây phân khắp nhà, nhưng đồng tu đã lau dọn sạch sẽ mà không oán hận lời nào. Tôi nghĩ tại sao mình không làm được nhỉ? Kể từ đó, tôi thay bao rác trong thùng và dọn dẹp sạch sẽ nhà vệ sinh. Tôi lau sàn dính nước trái cây bằng vải ẩm, sau đó lau lại lần nữa, lau đến sáng bóng như gương. Bố chồng thấy vậy bèn nói sàn nhà sạch và sáng quá, nếu con không lau thì sàn nhà đen thui. Lúc ăn cơm, tôi ăn cùng đĩa đồ ăn với ông. Tuy bố chồng vẫn còn xì mũi, nhưng không thường xuyên như trước nữa. Ông cũng không khuấy đũa xới tung đĩa thức ăn. Khi tôi quy chính bản thân thì hoàn cảnh cũng thay đổi. Con cám ơn bố đã giúp con tống khứ cái tâm sợ bẩn này.

Đồng tu vô tư

Lại nói về đồng tu của tôi. Tôi mới bắt đầu tu Đại Pháp, nghiệp tư tưởng can nhiễu rất lớn, đến nỗi không tu bỏ được. Hôm đó tôi đến nhà em rể, tôi thấy có cuốn Hồng Ngâm 4 ở trên lầu, tôi vừa lật ra thì thấy bài thơ Chí Kiên:

“Sinh tại khổ nan trung
Tránh trát dĩ cầu sinh
Nhất triêu đắc đại pháp
Hồi quy bộ biệt đình” (Chí Kiên, Hồng Ngâm 4)

Dịch nghĩa:

“Sinh ở trong khổ nạn
Tranh giành để cầu sinh
Một khi đắc Đại Pháp
Bước chân trở về chớ dừng lại”

Vừa đọc xong, tôi nghĩ chẳng phải là đang nói mình hay sao? Kể từ đó, tôi hạ quyết tâm bất kể gian khổ thế nào, mình nhất định phải tu đến cùng và theo Sư phụ trở về nhà.

Những đồng tu khác biết chuyện, họ liền đến giúp đỡ tôi, có đồng tu còn giữ tôi ở lại nhà một tuần, bảy tám đồng tu giúp tôi phát chính niệm. Trong khi đó, tôi đọc đi đọc lại đoạn Pháp Sư phụ giảng về nghiệp tư tưởng:

”Tình huống này tương đối hay gặp. Một khi xuất hiện, chính là để xem bản thân có thể chiến thắng tư tưởng xấu đó không. Ai có thể kiên định, thì nghiệp có thể tiêu.” (Chuyển Pháp Luân)

Về sau, tôi đã tham gia nhóm học Pháp nhỏ này. Hàng tuần, tôi đến nhà đồng tu học Pháp vào buổi tối, hôm sau chúng tôi lại học tiếp vào buổi sáng. Trong đoạn thời gian này, đồng tu giữ tôi ở nhà cô ấy liên tục cung cấp cho tôi chỗ ăn chỗ ở, có đồng tu giúp tôi cài đặt hệ thống máy tính, có đồng tu giúp tôi mua máy in, còn có người giúp tôi làm sách Đại Pháp… Từng lời nói và hành vi của đồng tu giúp tôi thấy được vẻ đẹp của Đại Pháp. Thế nhưng lúc tôi cảm ơn họ, các đồng tu đều bảo tôi đừng cảm ơn họ, mà hãy cảm ơn Sư phụ, là Sư phụ bảo họ làm thế. Đúng vậy, chính là Sư phụ từ bi vĩ đại đã cứu tôi, Ngài còn đưa nhiều đồng tu đến giúp đỡ tôi. Đệ tử cảm ơn Sư phụ từ tận đáy lòng.

Giấy thông hành vạn năng

Tháng 2 năm 2020, tình hình dịch bệnh ngày càng trở nặng, các tiểu khu ở khắp nơi liên tục phong tỏa, tôi cũng không đến được nhóm học Pháp nữa, phát tài liệu chân tướng cũng khó. Tôi nghĩ mình nên làm sao đây? Đương nhiên không thể dừng bước cứu người, tôi bèn đi phát tài liệu trong tiểu khu của mình trước. Tôi nhanh chóng lên Minh Huệ Net tải xuống các loại tài liệu chân tướng, mới đầu tôi rất sợ, bởi vì bên cạnh nhà tôi có vài chiếc camera. Trước đây tôi chưa từng phát tài liệu ở đây vì sợ người quen nhìn thấy. Lần này, tôi nghĩ mình không thể sợ nữa, mình đang đi cứu người, mình không việc gì phải sợ. Buổi tối, phát chính niệm xong, tôi đi phát tài liệu cho từng tầng lầu, chỉ trong vài ngày là phát xong. Lúc đó, người ta không đi ra ngoài nên họ sẽ ở nhà xem tài liệu chân tướng. Vài ngày sau, tôi lại ghé xem tình hình thế nào, tôi thấy có một số tài liệu chưa có người nhận và không có tài liệu nào bị vứt bỏ, hiệu quả cứu người xem ra rất tốt.

Tôi phát tài liệu ở tiểu khu này không tệ. Sau đó, tôi đi sang tiểu khu khác, nhưng lại không vào được bên trong, trên đường cũng ít người, một số người không muốn nhận tài liệu, cho nên cả ngày tôi phát không được mấy cuốn. Tôi bèn nghĩ nếu giấy thông hành của mình có thể đi vào những tiểu khu khác thì tốt biết mấy, như vậy có thể cứu được rất nhiều người. Vào thời điểm đó, mỗi từng tiểu khu có giấy thông hành riêng, hơn nữa còn có cảnh sát canh gác ngoài cổng.

Một hôm, tôi lấy giấy thông hành của mình ra, trong tâm nghĩ mình đi thử xem sao, xem mình có thể vào được hay không. Tôi liền đạp xe đến một tiểu khu nọ, rồi nương theo nhóm người đi vào trong. Đột nhiên, viên cảnh sát gác cổng quay đầu lại hỏi: “Này chị, giấy thông hành của chị đâu?” Trong tâm tôi hơi sợ, tôi nói: “Anh chờ chút, tôi lấy nó cho anh.” Tôi dừng xe lại, từ trong túi lấy ra giấy thông hành của tiểu khu chỗ tôi. Khi tôi trình giấy cho cảnh sát xem, anh ta lại quay người đi chỗ khác, không hề ngó qua, anh ta cũng không để ý đến tôi nữa, vậy là tôi đã thuận lợi vào trong tiểu khu. Trong tâm tôi cảm ơn Sư phụ, nhất định là Sư phụ đã giúp tôi hóa giải khó khăn này.

Một lần khác, tôi nhận thấy sáng sớm thường không có cảnh sát gác cổng nên dễ đi vào trong hơn. Một hôm, tôi đeo túi tài liệu chân tướng trên lưng, rồi đi vào tiểu khu. Ngay lúc đó, bỗng dưng có tiếng người hỏi: “Giấy thông hành của chị đâu?” Tôi giật mình, hóa ra cảnh sát đang ở trong phòng gác ngoài cổng nên tôi không nhìn thấy anh ta. Tôi trấn tĩnh lại và nói: “Anh chờ chút.” Tôi rút giấy thông hành từ trong túi ra, lúc đó tôi nghe anh ta nói: “Thôi được rồi, chị vào đi.” Lần này tôi liền ngộ ra, lần nào cảnh sát cũng không thèm ngó qua giấy thông hành của mình, nhất định là Sư phụ nhìn thấy mình có tâm cứu người nên đã ban cho mình giấy thông hành vạn năng. Sư phụ giảng:

”Đệ tử chính niệm túc
Sư hữu hồi thiên lực” (Sư đồ ân, Hồng Ngâm II)

Tạm dịch:

Đệ tử chính niệm đủ
Thầy có lực hồi thiên“

Những việc này đều là Sư phụ đang làm, đệ tử chỉ là bước đi mà thôi.

Về sau, tôi cầm theo giấy thông hành vạn năng này đường đường chính chính đi vào những tiểu khu khác để phát tài liệu chân tướng, cũng không có ai để ý đến tôi nữa.

Một hôm, mới sáng tinh mơ, trời còn rất lạnh, tôi khoác áo lông vũ, đội nón và đeo khẩu trang vào. Lúc tôi vừa định xuống lầu thì nghe thấy tiếng nói: “Cháu chào bà!” Khi này, tôi nhìn thấy một cậu bé đeo kính cận ở lầu dưới, tôi bèn hỏi: “Chào bạn nhỏ, cháu đi đâu đấy?” Cậu bé đáp: “Cháu xuống lầu dưới đi vệ sinh ở nhà bà cháu, sau đó cháu phải lên mạng đi học.” Tôi liền minh bạch là Sư phụ mượn miệng của cậu bé để khích lệ tôi, trong tâm tôi cảm thấy ấm áp, cũng không thấy lạnh, hơn nữa tôi còn đổ mồ hôi. Đệ tử xin cảm tạ Sư tôn!

Trong đoạn thời gian đó, tôi thật sự không nghĩ gì hết, ngày nào cũng học Pháp vào buổi sáng, buổi chiều in tài liệu chân tướng rồi ra ngoài phân phát, hoặc là sáng hôm sau phát chính niệm xong, tôi sẽ ra ngoài, đạp xe một lượt xung quanh những chỗ có thể phát tài liệu.

Có vài ngày, máy in của tôi hoạt động quá mức nên nó đã đình công. Tôi đành phải viết tay chín chữ chân ngôn “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo” lên nhãn dán. Trước đây, tôi viết chữ không đẹp và không đều, người khác nhìn vào sẽ không biết tôi đang viết chữ gì. Nhưng lần này, sau khi viết xong chín chữ chân ngôn, tôi không dám tin vào mắt mình nữa, nét chữ gọn gàng đều đặn, đường đường chính chính và trông khá đẹp mắt. Tôi đã viết vài lần, sau đó cắt giấy dán ra, rồi đem tặng mọi người. Đây chẳng phải là sự thần kỳ của Đại Pháp hay sao? Chỉ cần tôi có tâm cứu người, điều gì cũng làm được, Đại Pháp có thể triển hiện thần tích, Sư phụ không gì là không thể.

Tống khứ tư tâm

Một đồng tu mới tu luyện bị “nghiệp bệnh” nặng đến nhóm học Pháp nhỏ của chúng tôi. Bà ấy muốn chúng tôi giúp bà một chút. Mới đầu, bà ấy còn đến chỗ chúng tôi học Pháp. Về sau, bà không đến nữa. Vì nhà bà ở khá xa nhà của các đồng tu trong nhóm nên bà muốn chúng tôi đến nhà bà học Pháp. Một số đồng tu nói thẳng nhà bà quá xa nên không muốn đi, e là sẽ tốn thời gian. Tôi cũng thấy xa, nhưng không muốn nói thẳng, trên miệng vẫn nói là mình đi được. Khi tôi nhìn thấy ánh mắt bơ vơ của đồng tu này, tôi liền nhớ tới lúc mình vừa mới đắc Pháp, đã có nhiều đồng tu vô tư đến giúp đỡ mình. Tôi bèn liên lạc với mấy đồng tu từng giúp mình trước đây, mọi người đều sống ở vùng ngoại ô.

Tôi tìm đến họ, kể cho họ nghe về tình huống của đồng tu mới. Mọi người không từ chối, họ nói: “Không thành vấn đề, nhà xa đến mấy chúng tôi cũng đi được.” Đồng tu giống như tấm gương, phản chiếu tâm tự tư ẩn giấu trong tôi, nó thật giảo hoạt, nhưng từ biểu hiện bề mặt, đồng tu vẫn tưởng rằng tôi rất tốt. Hôm nay tôi đã lôi cái tâm này ra và giải thể nó. Như vậy, chúng tôi đã thành lập nhóm nhỏ học Pháp tạm thời ở nhà đồng tu mới, cùng học Pháp với bà, đề cao dựa trên Pháp, và giúp bà phát chính niệm. Đồng tu L trong nhóm nhìn thấy đồng tu mới vượt quan nghiệp bệnh khó khăn và vẫn còn ỷ lại vào các đồng tu, nên cô ấy cảm thấy nóng ruột, bèn nói thẳng với đồng tu mới: “Bà phải tự mình ngộ, không được dựa dẫm vào người khác, bản thân ngộ không tới, người khác giúp đỡ cũng không có tác dụng gì, nghiệp lực bản thân bà phải gánh chịu thì bà phải gánh thôi.” Tuy nhiên, đồng tu mới không thể tiếp thu ngay được.

Một hôm, đồng tu mới đang học Pháp, bỗng dưng nước mắt giàn giụa, bà ấy nói: “Con xin lỗi Sư phụ, con không xứng làm đệ tử của Ngài.” Bà lại nói với chúng tôi: “Tôi quá tự tư, bảo mọi người đến nhà tôi, mà không màng đến việc mọi người có đồng ý hay không, hay có việc gì không. Tôi nghĩ mọi người đều có thể đi, mọi người phải đến tận nhà để giúp tôi thì bệnh của tôi mới khỏi. Toàn là vì bệnh của tôi, làm sao để bệnh mau khỏi. Tôi nghĩ nó là bệnh, quan niệm chưa có chuyển biến, thử hỏi nó có thể khỏi được không? Tôi phải giải thể tư tâm của mình, giải thể tâm nghĩ nó là bệnh, người tu luyện không có bệnh.” Nghe xong, tôi cũng khóc nức nở. Sư phụ giảng:

”Là người tu luyện, ‘tìm bên trong’ là một Pháp bảo.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC năm 2009)

Đây chính là lực lượng của Đại Pháp, hướng nội tìm bản thân, chiểu theo yêu cầu của Pháp mà làm thì mới có thể đề cao.

Không lâu sau, đồng tu mới đã có thể tự mình đứng lên, bà cũng có thể đi lại và leo lên cầu thang. Mặc dù vẫn còn cà nhắc, nhưng bà ấy bảo các đồng tu ở ngoại ô không cần đến nhà bà nữa. Bà bảo người con trai lái xe đưa mình đến vùng ngoại ô học Pháp.

Trên bề mặt là chúng tôi đang giúp đỡ đồng tu, nhưng đó chẳng phải là giúp chính bản thân mình hay sao?! Phơi bày tâm tự tư giảo hoạt của bản thân, tuy trên mặt không nói ra, nhưng trong tâm lại không muốn; tâm giữ thể diện, sợ đồng tu không vui; tâm sợ đi xa tốn thời gian; tâm sợ cái này sợ cái kia; suy cho cùng đó đều là tư tâm. Có rất nhiều việc bản thân mình nhận ra hay không nhận ra đều là một chữ “tư”, trước tiên là tôi thế nào thế nào, hết thảy đều là “cái tôi”, có một số thứ nhìn trên bề mặt thấy đúng, đây chính là vị tư. Từ chuyện này, tôi đã ngộ ra và tống khứ nó; từ chuyện khác, tư tâm lại phản ánh xuất ra và tôi lại tống khứ nó. Trong các tầng thứ khác nhau, chúng ta cần tống khứ và giải thể cái “tư” này, tu thành bậc Chính Giác vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã.

Tôi vẫn còn đang trong tu luyện, cần phải tranh thủ thực tu bản thân. Mặc dù tôi gặp phải trắc trở trên đường tu luyện, nhưng tôi luôn đứng lên sau khi vấp ngã, không quên bản thân mình là người tu luyện, là đệ tử Đại Pháp, và không thể lơi là làm ba việc.

Cuối cùng, tôi xin chia sẻ bài thơ Lý Trí Tỉnh Giác trong Hồng Ngâm 2 để khích lệ bản thân mình.

“Thiểu tức tự tỉnh thiêm chính niệm
Minh tích bất túc tái tinh tấn” (Lý Trí Tỉnh Giác, Hồng Ngâm 2)

Tạm dịch:

“Tự kiểm một hồi thêm chính niệm
Phân tích thiếu sót rồi tinh tấn”

Tầng thứ sở tại có hạn, nếu có chỗ nào thiếu sót, mong đồng tu chỉ giáo.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2021/6/13/新學員-修去人心-再精進-421991.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/12/194572.html

Đăng ngày 02-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share