Bài viết của một đệ tử Đại Pháp ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 05-06-2021] Đắc Pháp tu luyện đã hơn 20 năm, tôi từ một người trẻ tuổi cao ngạo, coi trọng tự ngã, đầy văn hoá đảng, cố chấp hẹp hòi, đã biến thành một người hiền hoà, khiêm tốn, bình tĩnh, vui tươi, cởi mở, trong khi tu luyện Đại Pháp nhiều lần thoát thai hoán cốt. Con xin cảm ân Sư phụ, cảm ân Đại Pháp.
Hạ thấp lòng kiêu ngạo
Gần đây tôi có mâu thuẫn với một đồng tu, thẳng thắn mà nói khi tôi đối chiếu với Đại Pháp và hướng nội tìm, đã nhận thức ra rằng bản thân còn tồn tại văn hoá đảng, chấp trước vào tự ngã, tâm tật đố và các vấn đề khác v.v., tôi đã chân thành nhận lỗi với đối phương. Nếu như không phải là tu Đại Pháp, tôi tuyệt đối sẽ không làm được như vậy.
Chuyện là như thế này: Nhóm học Pháp của chúng tôi vốn có bốn người, tôi gia nhập sau, phụ trách làm tài liệu, được hơn 4 năm rồi. Mỗi đồng tu đều đóng góp cho điểm tài liệu và tôi cũng đóng góp tiền của mình, thường là nhiều hơn của họ. Tôi luôn luôn đảm bảo rằng việc thu chi được ghi chép lại một cách chính xác.
Mùa đông năm ngoái, có hai chiếc máy in cần sửa chữa. Bản thân tôi không thể mang chiếc máy in cỡ lớn đi sửa, vì vậy tôi đã nhờ đến sự giúp đỡ của đồng tu A, một học viên trẻ tuổi nhất, nhưng cô ấy đã do dự không muốn giúp đỡ. Lời bào chữa của cô ấy là tầng thứ của cô ấy không cao bằng tôi, cô ấy không muốn mạo hiểm đi làm việc này. Bên cạnh đó, trước đây từng có một đồng tu trong nhóm sau khi bị bắt đã khai ra tên của cô ấy. Vì vậy, cô ấy không muốn giúp.
Tôi đã rất buồn. Tôi đã hơn 50 tuổi và đã làm rất nhiều điều cho nhóm — tải lên danh sách tam thoái, làm tài liệu, đặt mua các vật dụng cần thiết và giao tài liệu cho từng học viên, v.v. Tôi chưa bao giờ yêu cầu ai giúp. Giờ đây, tôi chỉ nhờ cô ấy chuyển một chiếc máy in mà không được. Cô ấy không phải trả một xu nào! Việc đồng tu trong nhóm gây ra cho cô ấy đã xảy ra hơn 10 năm trước, và giờ đây cô vẫn đang an toàn.
Trên đường đi về nhà, trong tâm tôi đầy oán trách, tôi cầu xin Sư phụ giúp đỡ. Cuối cùng tôi đã tìm được một học viên khác giúp tôi bê chiếc máy in. Tôi rất cảm động. Tôi đã cảm tạ Sư phụ và cảm ơn người học viên đó.
Tôi đã dùng tiền riêng của mình, khoảng 2.300 nhân dân tệ (khoảng 300 đô la Mỹ), để sửa máy in và không đề cập đến việc này với bất kỳ ai trong nhóm, vì tôi biết tôi sản xuất tài liệu cho chính mình chứ không phải cho người khác. Có lẽ tôi đã có thệ nguyện với Sư phụ khi ở Thiên thượng rằng sứ mệnh của tôi hôm nay là sản xuất tài liệu. “Nan nhẫn năng nhẫn, nan hành năng hành” (Chuyển Pháp Luân) Tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết, bất kể khó khăn đến mức nào. Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Mặc dù học viên đó không giúp tôi, nhưng tôi đã đề cao và tôi nên cảm ơn cô ấy. Vì vậy, tôi đã không nêu vấn đề này lên trong nhóm.
Đối mặt với sự oán hận giữa các học viên
Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa dừng ở đó. Để tránh sự quấy rối của cảnh sát, một học viên khác đã đi trốn ở một thị trấn khác. Đồng tu A đã đổ lỗi cho tôi vì đã không quan tâm đến học viên đó. Tôi trả lời rằng tôi cũng đã giúp phát chính niệm, hơn nữa tôi đang bận đặt mua vật liệu cho lô tài liệu mới. Tuy nhiên, đồng tu A nghe xong không vui, rồi hỏi tôi đã tiêu hết số tiền mà họ đã đưa cho tôi chưa. Tôi vốn không muốn đề cập đến chuyện tiền bạc, nhưng cô ấy đã hỏi, nên tôi trả lời rằng đã tiêu hết rồi.
Tôi vô cùng khó chịu với thái độ của đồng tu A, cô ấy hỏi như thể tôi đã tiêu tiền của họ để mua thức ăn cho chính mình. Tất cả mọi người góp 1.500 nhân dân tệ, còn riêng một mình tôi đã chi hơn 4.000 nhân dân tệ. Tôi đã góp hàng chục hàng nghìn nhân dân tệ, vậy mà các cô vẫn thắc mắc.
Sau đó tôi tự nhủ rằng mình nên nói rõ số tiền đã được chi tiêu như thế nào, bởi vì tôi cần phải có trách nhiệm với các đồng tu. Trước đây tôi đã từng nói với họ rồi, nhưng có lẽ cô ấy đã quên. Vì vậy, tôi đã lập một danh sách chi tiết và đưa nó cho học viên đó ở nhóm học Pháp, nói với cô ấy rằng từng xu đều đã được chi cho việc cứu người.
Thật đáng kinh ngạc, học viên này đã giận giữ và hét vào mặt tôi: “Tôi không muốn xem. Nếu tâm tính của chị tốt, sẽ không phát sinh vấn đề gì liên quan đến tiền bạc.” Tôi bị sốc và không biết phải nói gì. “Tôi đang cho chị xem cái này vì lần trước chị đã hỏi tôi. Tại sao đây lại là lỗi của tôi?”
Tôi không thể bình tĩnh để đọc Pháp vào ngày hôm đó, nghĩ rằng: “Trong nhiều năm qua, tôi đã rất bận rộn. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã có mối tiền duyên để đời này phối hợp với nhau trong giai đoạn Chính Pháp sắp kết thúc. Chẳng phải thật tốt biết bao khi chúng ta nên giúp đỡ lẫn nhau và cùng đề cao trong tu luyện? Tại sao chị cứ luôn chỉ trích tôi?” “Trong rất nhiều năm, tôi đã làm rất nhiều việc cho nhóm, đặt mua sách, làm video CD, tải tài liệu, mang đồ dùng, v.v. Người liên lạc với khu vực của chúng tôi đã yêu cầu tôi phụ trách việc sản xuất tài liệu cho nhóm này – đó là lý do tôi đến với nhóm này. Trước đó tôi ở trong một nhóm khác và môi trường ở đó tốt hơn nhiều.”
Tôi đã không thể bình tĩnh học Pháp, luyện công hoặc phát chính niệm trong vài ngày. Tôi đã bị can nhiễu một cách tồi tệ. Tâm tôi tràn ngập những phàn nàn, phẫn uất và oán hận. Tôi đã bối rối và khởi rất nhiều nhân tâm. Tôi đã đến tìm một đồng tu khác để chia sẻ, đồng tu này đã nhắc tôi hướng nội.
Tôi buộc bản thân phải bình tĩnh học Pháp, nhưng tôi không thể tập trung, vì vậy tôi quyết định ngồi chép Pháp. Tôi buộc mình phải ngồi xuống, kháng cự những suy nghĩ bất hảo. Nếu tôi chép sai, tôi sẽ bắt đầu lại, lặp đi lặp lại như vậy. Tôi đã dành ba tiếng đồng hồ để chép mục lục. Tôi đã cố gắng để từng chữ từng chữ khắc ghi trong đầu mình một cách rõ ràng. Trong những lúc nghỉ giải lao, tôi nhẩm niệm Pháp:
“Tu luyện nhân
Tự trảo quá
Các chủng nhân tâm khứ đích đa
Đại quan tiểu quan biệt tưởng lạc
Đối đích thị tha
Thác đích thị ngã
Tranh thậm ma” (Thuỳ thị thuỳ phi, Hồng Ngâm III)
Tôi nhẩm đi nhẩm lại nhiều lần và hướng nội tìm. Tôi không mình đã sai ở chỗ nào, nhưng tôi biết mình cần phải khắc sâu bài thơ này trong tâm trí mình. Tôi đã chiếu theo Pháp vô điều kiện, chỉ như vậy mới có thể giúp tôi tìm ra thiếu sót của mình. Tôi đã cầu xin Sư phụ gia trì trong khi phát chính niệm. Tôi phủ nhận tất cả những thứ bất hảo ở không gian khác, đó đều không phải là chân ngã của tôi, đều cần bị tiêu diệt
Một vài ngày sau đó, những tâm kết của tôi đã được Đại Pháp vĩ đại hóa giải. Trong tâm tôi tràn đầy sự hổ thẹn: Thưa Sư phụ, con đã sai; con thực sự sai rồi. Tu luyện là tu bản thân, nhưng tại sao tôi lại luôn nhìn vào người khác? Tại sao tôi luôn tìm kiếm những thiếu sót của người khác? Tôi coi thường người khác và đã làm tổn thương các đồng tu mà không hay biết. Nếu người khác đối xử tệ với tôi, tôi luôn ghi nhớ điều đó. Tại sao tôi làm vậy? Chẳng phải vì để khi có cơ hội sẽ trả đũa?
Có một lần tôi gặp phải rắc rối. Tôi hỏi đồng tu A rằng tôi nên loại bỏ những chấp trước nào. Cô ấy nói với giọng chế giễu: “Ai biết được chị có vấn đề gì?” Một lúc sau, cô ấy hỏi tôi câu hỏi tương tự. Tôi trả lời ngay: “Ai biết được chị có vấn đề gì?” Tôi cũng bất ngờ với bản thân mình sau khi nói ra câu đó. Tôi có cảm thấy vui vì cô ấy gặp rắc rối không? Tôi có vui khi có thể trả đũa không?
Tôi đã nhìn lại những niệm đầu của mình. Đó là truy cầu được hồi báo bởi vì tôi không ngừng suy nghĩ về việc mình đã làm bao nhiêu việc cho nhóm. Đó là chấp trước vào tiền bạc và hiển thị khi tôi nghĩ về số tiền mình đã chi cho điểm tài liệu. Đó là tâm tranh đấu và oán hận khi tôi tính toán xem mình đã bị từ chối giúp đỡ bao nhiêu lần. Khi tôi so sánh nhóm này với nhóm trước của mình, tôi thực sự đang chấp trước vào tình. Trong nhóm trước đây của tôi, các học viên đã đối xử tốt với tôi và biết ơn tôi. Tôi thích sự hòa khí và không thích những ý kiến tiêu cực. Đến với nhóm này đã cho tôi một cơ hội để thoát khỏi những chấp trước này.
Những đồng tu ở đây, mặc dù tình hình tài chính không tốt, nhưng họ vẫn không ngại góp tiền, đó là điều thật đáng quý và đáng ngưỡng mộ. Đó là uy đức của họ.
Sư phụ giảng:
“Quần hùng tập kết hồng lưu trung
Giai tầng hành nghiệp bất đồng công
Đại Pháp đệ tử thị chỉnh thể
Trợ Sư Chính Pháp trở tà phong” (Trợ Sư, Hồng Ngâm III)
Điều mà Sư phụ muốn là các học viên Đại Pháp hợp thành một chỉnh thể, từ địa phương cho đến quy mô toàn cầu, và làm những gì mỗi người có thể làm để thanh trừ tà ác. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể hoàn thành sứ mệnh của mình, trợ Sư và cứu độ chúng sinh. Tôi tự nói với bản thân: “Ngươi nghĩ rằng ngươi đã quyên góp nhiều tiền hơn những người khác, nhưng có thể đó là vì ngươi đã mắc nhiều nợ hơn trong kiếp trước, hoặc vì ngươi đã có thệ ước như vậy trước đây. Có thể ngươi thậm chí còn chưa quyên góp đủ. Tại sao ngươi không so sánh mình với những người ở nước ngoài đã quyên góp hàng triệu đô la Mỹ?“
Tại sao đồng tu A lại nói rằng tầng thứ của cô ấy không cao bằng tôi? Tâm lý hiển thị mạnh mẽ của tôi đã đem đến áp lực cho cô ấy, thay vì khích lệ cô ấy. Cô ấy cũng đã làm rất nhiều cho nhóm. Sao tôi có thể nghĩ xấu về cô ấy chỉ vì cô ấy không giúp đỡ tôi? Cô ấy không giúp tôi mang máy in, bởi vì tôi có một số chấp trước hoặc chúng tôi không có duyên cùng nhau mang máy in, vì vậy cô ấy không có trách nhiệm phải làm việc đó cho tôi. Khi nghĩ đến đây, tôi liền mỉm cười.
Tôi cảm thấy không còn bực bội nữa và những cơn đau ở xương sườn cũng dịu đi. Tôi tiếp tục hướng nội. Tôi là người tu luyện duy nhất trong gia đình. Tôi rất ít chia sẻ với gia đình nên cảm thấy cô đơn. Tôi cảm thấy ấm áp khi ở nhóm học Pháp, và coi các đồng tu như gia đình. Một cách vô thức, tôi đã phát triển chấp trước với các đồng tu và dựa vào họ trong nhiều vấn đề. Tôi thích đi ra ngoài với họ và giúp đỡ họ khi họ cần chứng thực Pháp hoặc trong tu luyện cá nhân.
Trong sự giúp đỡ, lo liệu, nhiệt tâm và sự trách nhiệm của tôi có lẫn rất nhiều nhân tâm và chấp trước. Nhiều đồng tu ở xung quanh ỷ lại vào tôi, mọi việc lớn nhỏ đều chờ đợi sự giúp đỡ của tôi. Mặc dù bản thân tôi đang bận học Pháp hoặc làm các hạng mục Đại Pháp, tôi cảm thấy mình không thể từ chối họ. Tôi bị áp lực rất lớn, vì vậy tôi không thể bình tĩnh để học Pháp hoặc luyện công. Đôi khi tôi không học Pháp hay luyện công trong vài ngày— trong tâm chỉ nghĩ đến việc làm thế nào để giúp các đồng tu.
Tôi coi việc làm hạng mục Đại Pháp là tu luyện. Tôi đã không lý trí, không thanh tỉnh. Tôi đã thực hiện các hạng mục Đại Pháp với quan niệm người thường mạnh mẽ. Tôi luôn bận rộn và kiệt sức. Dần dần, trạng thái tu luyện của tôi bị ảnh hưởng, và tầng thứ tâm tính của tôi đã rớt xuống. Tôi sốt sắng muốn cải biến bản thân mình. Sự truy cầu mạnh mẽ này khiến tôi hướng ngoại và phàn nàn về các đồng tu.
Có lần một học viên từ một nhóm khác nói với tôi: “Chị có thể phụ trách việc sản xuất tài liệu của nhóm chúng tôi không? Tôi muốn có thêm thời gian để học Pháp.” Tôi rất buồn – còn bản thân tôi không muốn có thêm thời gian để học Pháp sao? Tại sao chị yêu cầu tôi làm việc đó? Tôi phàn nàn, chỉ trích và nảy sinh tâm đố kỵ và tranh đấu, điều này gây ra gián cách giữa tôi và các đồng tu. Nếu không được Pháp quy chính, nó sẽ còn trở nên tồi tệ hơn. Các vấn đề thực sự bắt nguồn từ tôi, không phải ở người khác.
Càng hướng nội, tôi càng cảm thấy xấu hổ về bản thân mình. Sau bao nhiêu năm tu luyện, tôi vẫn còn quá nhiều nhân tâm và chấp trước. Tôi thật hổ thẹn trước sự cứu độ của Sư phụ, vậy mà tôi đã từng cảm thấy hài lòng về bản thân. Tôi phải xin lỗi các đồng tu của mình. Đúng lúc đó, tất cả nhân tâm của cái tôi giả lại xuất ra: “Tôi, một người có học thức cao, xin lỗi một người không có học thức?” Nhưng tôi đã tỉnh táo lại và lập tức và loại bỏ cái tôi giả đó. Những chấp trước về thể diện và danh dự, về cái tôi giả, về tâm hư vinh – tất cả các bạn đều phải bị tiêu diệt!
Hôm đó tôi đến chỗ của đồng tu, mang theo một gói tài liệu. Tôi đã xin lỗi cô ấy và thừa nhận những sai lầm của mình. Tôi chân thành chia sẻ những suy nghĩ của mình với cô ấy và nói với cô ấy rằng tôi sẽ chỉnh sửa bản thân theo Pháp. Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy mình giống như một người tu luyện chân chính.
Lấy khổ làm vui
Có hai mẹ con đồng tu phụ trách sản xuất tài liệu. Khối lượng công việc rất nặng và họ phải làm việc từ trưa đến 2 giờ sáng. Tôi biết họ rất bận rộn và đã quyết định giúp họ.
Tôi tới giúp họ mỗi tuần một lần và năm tiếng mỗi lần. Một thùng vật liệu nặng 5-6kg, tôi phải xách những thùng như vậy từ tầng 5 xuống tầng trệt trong một tòa nhà không có thang máy. Một đồng tu đã khen ngợi tôi. Tôi tự nhủ: Tôi không có lựa chọn nào khác. Người mẹ đã ngoài 70 và người con gái rất gầy guộc. Tôi có trách nhiệm làm những việc nặng nhọc. Mỗi lần làm việc ở đó tôi đều bị đau tay. Tôi đã làm việc ở đó trong vài năm và không bỏ cuộc.
Hai năm trước, tôi đã chuyển điểm tài liệu đến một nơi yên tĩnh và an toàn hơn. Đó là một căn phòng nhỏ không có máy sưởi hay máy lạnh, vì vậy vào mùa hè căn phòng rất nóng ẩm và vào mùa đông thì rất lạnh. Khi máy móc đang chạy, tôi tận dụng thời gian học Pháp. Để giảm số lần ra vào và tránh để lộ bản thân, tôi uống ít nước để không cần đi vệ sinh. Mỗi lần máy chạy trong bốn tiếng, vì vậy tôi cần ở bên trong suốt thời gian đó. Việc này thật khó, nhưng nhờ sự bảo hộ của Sư phụ nên điểm tài liệu đã hoạt động thuận lợi và an toàn. Một điều kỳ diệu là mùa hè bên ngoài có rất nhiều muỗi, nhưng bên trong lại không có. Tôi thường bị muỗi đốt ở nhà, nhưng ở căn phòng đó tôi không bao giờ bị muỗi đốt.
Trong thời gian đại dịch lan rộng, nhu cầu tài liệu giảm nên tôi có chút thời gian rảnh rỗi. Tôi nhân cơ hội này để sửa lại các chữ bị in sai trong hàng chục cuốn sách Đại Pháp từng thuộc về một học viên đã qua đời. Tôi đã nghe các bài giảng của Sư phụ trong khi làm việc. Có hàng ngàn chữ cần được chỉnh lý. Tôi cào chữ bằng một lưỡi dao và sau đó sao chép lại những chữ chính xác. Đó là dịp Tết, gia đình tôi ở một thị trấn khác. Tôi đã bận rộn làm việc đó trong hai tuần, vì vậy tôi không cảm thấy cô đơn.
Sau khi tôi chỉnh lý chữ xong, đợt phong toả kết thúc và chúng tôi đã có thể chuyển tài liệu trở lại. Gần đây, một đồng tu cần sách Đại Pháp, vì vậy tôi đã để cô ấy lấy những cuốn mà tôi đã chỉnh sửa. Nỗ lực của tôi đã không vô ích.
Thời gian gần đây tôi thấy cơ thể mình khỏe hơn, không còn như cô gái gầy gò ngày xưa. Tôi nhớ lại quá khứ. Tôi đã ở tầng lớp thượng lưu khi tôi là một người thường. Tôi ăn mặc sành điệu, có tài xế riêng và thư ký xách ví cho tôi. Tôi làm việc trong phòng máy lạnh, uống trà. Tôi không bao giờ lao động nặng nhọc. Còn trong quá trình tu luyện, tôi chịu trách nhiệm vận chuyển tài liệu, tự mình mang vác những thứ nặng nhọc. Tôi đã trải qua rất nhiều gian khổ. Khi tôi cảm thấy có chút tiếc nuối, tôi liền nghĩ đến câu chuyện của một đồng tu làm việc tại một công trường xây dựng và phải vác bao cát và xi măng. So với cô ấy, những vất vả của tôi là quá nhỏ. Thông qua việc đối mặt với khổ nạn, tôi có thể trả hết nghiệp của mình. Người bình thường không có cơ hội như vậy, ngay cả khi họ muốn gặp khó nạn. Nghĩ đến điều này, tôi mỉm cười. Từ tận đáy lòng, tôi cảm thấy hạnh phúc.
Kết luận
Trong 20 năm qua, nhiều đệ tử Đại Pháp vẫn luôn tu luyện như vậy, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Đọc Pháp và chép Pháp, làm tài liệu và phát tờ rơi, tôi đã làm hết sức mình để cứu người. Đi theo Sư phụ và chiếu theo Pháp, tôi đã bước đi trên con đường này cho đến hôm nay. Tôi thực sự biết ơn và cảm thấy vinh hạnh khi được trở thành đệ tử của Sư phụ.
Tôi hy vọng rằng những người bị mê mờ trong thế nhân có thể hiểu được sự từ bi và cứu độ của Sư phụ. Tôi hy vọng họ hiểu rằng các học viên đang phải chịu đựng khó khăn vì họ. Thời gian còn lại rất ít. Tôi hy vọng họ có thể biết được chân tướng, và có một tương lai tươi sáng.
[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.]
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/13/422235.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/5/193545.html
Đăng ngày 03-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.