Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-04-2021] Mặc dù điện thoại di động đã trở thành công cụ dường như không thể thiếu trong liên lạc, kinh doanh, và cập nhật thông tin, nhưng nó cũng có những lỗ hổng bảo mật, cho phép người khác nghe được cuộc trò chuyện, theo dõi hoạt động và thu thập thông tin cá nhân nhạy cảm của chúng ta. Người ta vẫn biết những chế độ hà khắc như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giám sát công dân thông qua điện thoại di động của họ. Mặc dù biết tầm quan trọng của bảo mật điện thoại di động, một số học viên Pháp Luân Đại Pháp vẫn không chú ý đến vấn đề này. Sau đây, tôi muốn chia sẻ một số ví dụ cho thấy điện thoại di động đang bị chế độ cộng sản Trung Quốc theo dõi, và khuyến nghị các học viên nhận thức rõ hơn và thận trọng hơn.

1. Bị ghi lại khi đi ngang qua bệnh viện

Một học viên kể cho tôi một câu chuyện mà một người bạn của cô ấy đã trải qua vào đầu năm nay. Người bạn này sống ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, nơi tình hình virus corona tương đối nghiêm trọng.

Một ngày nọ, người bạn này đi ngang qua một bệnh viện được chỉ định cho bệnh nhân nhiễm virus corona. Tối hôm đó, cô ấy nhận được cuộc gọi từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc ở địa phương, hỏi cô đã làm gì sau khi đi qua bệnh viện đó.

Khi học viên này chia sẻ câu chuyện này với tôi, tôi đã choáng váng. Tôi không biết theo dõi điện thoại di động đã phổ biến đến vậy – hệ thống theo dõi điện thoại di động có thể truy ra mọi nơi chúng ta đến.

2. Điện thoại “cục gạch” cũng bị theo dõi

Một số học viên thường không quan tâm đến vấn đề bảo mật này. Khi đi gặp những người khác, một số học viên cao tuổi mang theo điện thoại, giải thích rằng điện thoại của họ là “điện thoại cục gạch” (điện thoại đơn giản, ngoài gọi điện, nhắn tin chỉ có vài chức năng khác, còn được gọi là “điện thoại cục gạch” dành cho người già), không phải điện thoại thông minh. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, ngay cả điện thoại dành cho người cao tuổi cũng bị theo dõi.

Một học viên cao tuổi từng là đồng nghiệp của tôi và chúng tôi làm chung một văn phòng. Sau đó, bà nghỉ hưu, còn tôi bị cho nghỉ việc. Thỉnh thoảng, chúng tôi tình cờ gặp nhau trên phố và trò chuyện đủ thứ, hầu hết đều liên quan đến tu luyện, và cả một số thông tin nhạy cảm về các hạng mục giảng chân tướng cụ thể.

Khi chúng tôi trò chuyện như thường lệ, tôi đột nhiên nhớ ra vấn đề bảo mật điện thoại di động và hỏi bà ấy có mang theo điện thoại di động không. Bà nói không và chúng tôi tiếp tục cuộc trò chuyện. Sau đó, chúng tôi nghe thấy điện thoại từ trong túi của bà ấy báo ầm ĩ một số điện thoại, “136 …” Bà ấy xấu hổ và nói bà ấy chỉ dùng để liên lạc với những người nhà thôi. Tôi khó chịu và cũng thấy lạ.

Vài ngày sau, bà ấy đến gặp tôi một lần nữa. Tôi chạm vào túi của bà ấy và điện thoại vẫn ở đó. Tôi đề nghị, “Có lẽ chị nên để cái này ở nhà khi chúng ta gặp nhau lần sau. Được chứ?“ Sau lần đó, tôi không bao giờ gặp lại bà ấy nữa.

3. Để điện thoại di động ở phòng khác cũng không an toàn

Một số học viên mang theo điện thoại khi đến gặp các học viên khác. Khi đến nơi, họ có thể để điện thoại ở hành lang hoặc trong phòng khác. Một số học viên mang theo điện thoại của họ và không tháo pin cho đến khi họ đến nhà của một học viên khác. Họ nghĩ rằng như thế đã đủ an toàn. Trên thực tế là không, bởi vì như vậy vẫn có thể tìm thấy vị trí của người bị coi là mục tiêu. Ngay cả khi điện thoại ở một phòng khác vẫn có thể thu được các cuộc trò chuyện ở phòng bên cạnh thông qua nghe lén điện thoại.

4. Điện thoại bị theo dõi đến đâu cũng không an toàn

Một số học viên đã bị các chính quyền liên lạc và sách nhiễu qua điện thoại, nhưng họ lại không thay điện thoại bị quấy rối này hay đổi SIM. Có người thậm chí vẫn mang theo điện thoại đó khi đến gặp các học viên khác hoặc đến các điểm sản xuất tài liệu giảng chân tướng Đại Pháp. Cho dù họ không đi vào, và chỉ nói vài câu ở ngoài cửa thì vẫn rất rủi ro.

5. Yêu cầu bật điện thoại liên tục để giám sát

Một nữ học viên bị bắt, rồi được thả do đại dịch. Cảnh sát lệnh cho cô ấy luôn bật điện thoại để họ có thể liên lạc bất cứ khi nào họ muốn. Một lần, khi đến thăm một học viên khác, cô ấy đã mang theo điện thoại. Như vậy có thể rất nguy hiểm. Sau đó, học viên mà cô đến thăm đã bị bắt và bị kết án tù.

6. Trên đường phố

Khi ra ngoài giảng chân tướng trực diện cho mọi người về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại, một số học viên cũng mang theo điện thoại. Họ cảm thấy như vậy sẽ thuận tiện hơn khi cần gọi cho người nhà để hỏi xem họ có cần mua thực phẩm hay có nhờ việc gì không. Sau đó, họ sẽ làm việc được nhờ sau khi giảng chân tướng xong.

Như vậy cũng có thể nguy hiểm. Tốt nhất là không nên mang theo điện thoại di động bên mình.

7. Những quan ngại về bảo mật với WeChat

Tôi sống ở một quận lỵ, đi từ đầu này đến đầu kia thành phố chỉ mất chưa đến 30 phút. Nhưng một số học viên địa phương vẫn liên lạc với nhau qua điện thoại di động thay vì đến gặp trực tiếp.

Một học viên là tài xế taxi. Vì đại dịch, anh buộc phải cài đặt các ứng dụng như WeChat và Mã sức khỏe trên điện thoại của mình. Sau đó, anh bị cảnh sát sách nhiễu qua điện thoại. Vậy mà một nữ học viên tại một điểm sản xuất tài liệu vẫn gọi điện thoại cho anh, nhờ anh vận chuyển vật tư để làm tài liệu.

Một lần, tôi đến điểm sản xuất tài liệu để cài đặt một hệ điều hành ảo. Đang làm dở, tôi nghe thấy nữ học viên này gọi ai đó ở một điểm sản xuất khác, “Lúc nào hết mực thì chuyển sang máy in laser nhé…” Muốn tìm vị trí của điểm tài liệu qua một cuộc trò chuyện như vậy không hề khó.

Một số học viên có WeChat trên điện thoại, nói rằng họ chỉ dùng để liên lạc với người nhà. Một số người nói rằng con cái của họ làm việc ở các thành phố khác nên cần liên lạc qua ứng dụng này. Có lần, tôi mời chị gái tôi, là người không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, đến chỗ tôi. Khi chúng tôi đang ăn cùng nhau, chồng chị gọi điện hỏi chị đang ở đâu. Anh ấy nói rằng theo thông tin của WeChat, lẽ ra chị đã về nhà sau khi đi hơn 4.000 bước từ nhà con gái (chị trông cháu vào ban ngày), vì bình thường chỉ mất 2.000 bước để đi bộ về nhà. Vì vậy, WeChat theo dõi hầu hết mọi thứ chúng ta làm và gây rủi ro rất lớn về bảo mật.

Một số học viên có con cái trưởng thành sống ở nước ngoài và họ liên lạc với con thông qua WeChat. Điều này cũng không an toàn. Như đã đề cập trong ví dụ trên, chúng ta có thể cho rằng đó chỉ là cuộc trò chuyện trong gia đình, nhưng chính quyền ĐCSTQ có thể coi đó là “thông đồng với các thế lực nước ngoài” và lấy đó làm cớ để bức hại các học viên.

8. Điện thoại ở nơi làm việc cũng bị nghe lén

Một lần trong một bữa tiệc, một người bạn của tôi (không phải là học viên) nói với tôi rằng cô ấy làm việc ở một công ty nước ngoài. Một hôm, khi trả lời một cuộc điện thoại ở nơi làm việc qua điện thoại cố định, cô nghe thấy tiếng ồn như thể các đường dây chập vào nhau. Sau đó, cô biết điện thoại ở nơi làm việc đã bị theo dõi.

9. Máy tính bảng cũng không an toàn

Bên cạnh điện thoại di động, máy tính bảng cũng có thể là mục tiêu để theo dõi. Một lần, tôi và một học viên khác đến gặp một học viên thứ ba. Không ai trong chúng tôi mang theo điện thoại di động, và chủ nhà đã để điện thoại của cô ấy ở một phòng khác. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng như thế là đã rất an toàn.

Trong phòng có một chiếc máy tính bảng, mà chủ nhà thường dùng để trò chuyện với con gái làm việc ở thành phố khác. Tôi không rành về máy tính bảng nên không chú ý đến nó.

Nói chuyện được một lúc, chúng tôi bắt đầu phát chính niệm. Sau đó, chúng tôi nghe thấy một tiếng bíp trên máy tính bảng. Khi kiểm tra lại sau đó, chúng tôi thấy một thông báo xuất hiện trên máy tính bảng: “Hệ thống đã phát hiện giọng nói của hai người khác trong phòng.” Tôi sửng sốt – chúng tôi đã thảo luận về các chủ đề nhạy cảm và các tệp âm thanh có thể đã được gửi đi nơi khác để phân tích.

10. Học Pháp nhóm

Trước đây, tôi đã không chú ý đến bảo mật điện thoại di động. Tôi nhớ vài năm trước, khi chúng tôi học Pháp và thảo luận nhóm, một số điện thoại di động được để ở một góc phòng để sạc. Tôi không nghĩ như thế có gì sai với điều đó. Năm 2016, khi tôi đến thăm một học viên ở thủ phủ của tỉnh, tôi đã ở nhà của một học viên khác. Cô ấy nói với tôi rằng họ không được mang theo điện thoại di động đi học nhóm và thảo luận nhóm. Lúc đó, tôi không hiểu nên nghĩ rằng quy định không mang theo điện thoại di động là quá đáng. Sau này, tôi mới nhận ra là cần thiết.

Một người hàng xóm của tôi đã bị bắt vào năm 2017 vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Trước đó, chúng tôi đã liên lạc với nhau qua điện thoại. Nhưng tôi vẫn không thay điện thoại di động hay thẻ SIM, vì nghĩ rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi. Hai tháng sau, cảnh sát gọi cho tôi và quấy nhiễu, khiến tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đổi điện thoại di động và thẻ SIM. Nhưng tôi vẫn mang theo điện thoại khi đi gặp các học viên khác, mặc dù tôi đã để điện thoại sang một phòng khác trong khi chúng tôi thảo luận.

Năm 2019, tôi được biết hai học viên địa phương đã bị bắt tại thủ phủ của tỉnh. Ngoài họ ra, còn có hơn 30 học viên cũng bị bắt vào ngày hôm đó. Họ có thể đã bị theo dõi trong một thời gian dài trước khi bị bắt. Tôi không chắc về các học viên khác, nhưng cả hai học viên địa phương bị bắt đều không chú ý đến bảo mật điện thoại di động và chưa gỡ WeChat. Chỉ sau đó, tôi mới bắt đầu nghiêm túc chú ý đến bảo mật điện thoại di động.

Các thiết bị điện tử khác

Hiện giờ, tôi thường không gọi điện cho các học viên khác, thay vào đó chúng tôi gặp nhau để bàn bạc mọi việc. Mà không chỉ điện thoại di động – tôi cũng không mang theo bất kỳ thiết bị điện tử nào khác.

Bên thứ ba có thể sử dụng loa thông minh có kết nối Internet làm thiết bị nghe lén.

Bạn tôi cũng đã cảnh báo tôi về các hệ thống tương tự. Cô nói rằng Hệ thống Vệ tinh Định vị Bắc Đẩu (một đối tác GPS ở Trung Quốc) có thể xác định vị trí một đối tượng với độ chính xác đến nửa mét.

Tóm lại

Nhiều học viên cho rằng cần có điện thoại di động để liên lạc với mọi người hoặc tìm kiếm thông tin cần thiết. Thực tế không phải vậy.

Một học viên mà tôi biết muốn nộp đơn xin trợ cấp An sinh Xã hội nhưng không biết làm thế nào. Cô hỏi hàng xóm, người này cũng không biết làm thế nào. Một hôm, khi cô đi xe buýt, người phụ nữ ngồi bên cạnh bắt đầu trò chuyện với cô. “Tôi chuẩn bị nộp đơn xin trợ cấp An sinh xã hội cho em gái tôi. Tôi nghe nói quy trình là như thế này… ” Người học viên này lập tức nhận ra rằng Sư phụ Lý (nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) đã an bài để hành khách kia cung cấp thông tin cho cô.

Miễn là tâm của chúng ta ở trong Pháp, chúng ta sẽ ổn nếu không có điện thoại di động. Chúng ta vẫn có thể gặp những người chúng ta muốn gặp và tìm hiểu những điều chúng ta cần biết.

Ghi chú của Ban biên tập: Bài viết này chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả và tác giả phải chịu trách nhiệm cá nhân về tính đúng sai. Mong độc giả tự mình cân nhắc.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/19/423502.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/21/191964.html

Đăng ngày 28-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share