Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Công tại Mỹ quốc
[MINH HUỆ 09-09-2020] Kính chào Sư phụ tôn kính. Xin chào các bạn đồng tu.
Tôi là một đệ tử trẻ tuổi, đã tu luyện được 16 năm. Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong việc học cách thực tu khi vượt qua khảo nghiệm của quan tình.
Một trong những chấp trước căn bản khiến tôi đang bế tắc trên con đường tu luyện là cái tình. Qua nhiều năm, nó đã biểu hiện ra nhiều hình thức khác nhau và trong vô số khảo nghiệm.
Tôi muốn chia sẻ về kinh nghiệm gần đây nhất, đã trở thành bài học rất quan trọng và vững chắc của tôi, về việc thực tu như thế nào.
Trước khi tham gia vào hạng mục truyền thông toàn thời gian, tôi vừa chia tay với người mà tôi từng nghĩ sẽ là bạn đời của mình. Mặc dù cố gắng tu luyện, tôi không thể vượt qua nỗi đau, tình cảm, và truy cầu hạnh phúc. Trải nghiệm này đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ cuộc sống của tôi, và tôi rơi vào trầm cảm nghiêm trọng.
Tôi cắt đứt liên hệ với hầu hết những người quen biết, trong khoảng một năm, tôi hiếm khi nói chuyện với ai. Hầu hết thời gian tôi đều khóa kín bản thân trong phòng mỗi khi không có việc gì làm hoặc không phải giải quyết công việc gia đình.
Sư phụ từ bi nhiều lần điểm hoá và cho tôi cơ hội để vượt ra khỏi trạng thái đó, nhưng tôi đã không toàn tâm buông bỏ những chấp trước căn bản, và cho phép những tư tưởng tiêu cực phát triển. Cuối cùng, tôi trở thành một người đầy uất hận, nhìn thế giới bằng con mắt tiêu cực.
Nhưng Sư phụ không từ bỏ tôi, Ngài lại cho tôi một cơ hội khác. Tôi được mời tham gia hạng mục truyền thông toàn thời gian. Mặc dù chưa tu tốt vấn đề này, tôi vẫn biết mình phải làm gì để cứu chúng sinh. Do đó, sau khi cân nhắc tầm quan trọng của nhiệm vụ như vậy, tôi đã quyết định tham gia.
Cùng thời gian đó, một bạn đồng tu mà tôi quen từ thời trung học cũng tham gia vào kênh truyền thông. Qua nhiều năm, người bạn này đã cùng tôi làm trong nhiều hạng mục giảng chân tướng, và tổ chức các buổi học Pháp thường xuyên vào buổi tối.
Tôi cũng rất kính nể cô ấy, bởi tôi coi cô ấy là hình mẫu của một người tinh tấn làm tốt ba việc.
Vì vậy, khi hai chúng tôi chuyển đến Mỹ, nơi tôi không có gia đình và không quen biết nhiều người, tôi tự nhiên dựa dẫm vào cô ấy, như thể cô ấy là gia đình, và tình cảm bạn bè dành cho cô ấy cũng phát triển.
Nhưng những tư tưởng ấy cuối cùng đã tạo thành rào cản cho tôi và trở thành nguồn gốc của một ma nạn rất lớn.
Mặc dù tôi đã bắt đầu làm việc trong ngành truyền thông, nhưng chứng trầm cảm và tiêu cực vẫn gây trở ngại lớn trong mọi việc tôi làm, bao gồm cả cách tôi đối xử với những người xung quanh. Tôi giận dữ và than phiền rất nhiều, và bất cứ khi nào đụng chạm vào chấp trước, tôi sẽ thu người lại và không nói gì. Tôi trở nên rất khó đoán.
Tôi cũng ôm giữ thái độ này trong cuộc sống cá nhân. Người bạn đồng tu này đã cùng tôi làm rất nhiều sự việc liên quan đến công việc, liên quan đến tu luyện, hoặc về mặt xã hội. Cuối cùng tôi dựa dẫm vào cô ấy trên những phương diện này, và bởi vì tôi nghĩ rằng cô ấy là bạn thân, tôi đã phát triển nhiều kỳ vọng về cách cô ấy đối xử với tôi.
Cuối cùng, mọi thứ giữa chúng tôi bắt đầu trở nên tồi tệ. Sự khó đoán của tôi bắt đầu bộc lộ trong quan hệ tình bạn. Bất chấp cô ấy có ý định tốt khích lệ tôi mỗi khi tôi bị tư tưởng tiêu cực tấn công, phản ứng đầu tiên của tôi là đẩy cô ấy ra. Tôi chìm đắm trong vết thương và nỗi đau của bản thân đến nỗi không quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh.
Trong khoảng thời gian này, cô ấy cũng trở nên thân thiết với một học viên khác và dành nhiều thời gian cho người đó. Qua năm sau, tôi nhận thấy cô ấy đã xa cách hơn đối với tôi. Tôi thấy điều đó trong thái độ của cô ấy với tôi, cô ấy loại trừ tôi ra khỏi những sự kiện xã hội, và che giấu mọi việc không để tôi biết.
Tôi bị tổn thương sâu sắc bởi những hành động ấy, vì cái tình của tôi đối với cô ấy rất mạnh mẽ. Cô ấy đã không đáp ứng được những kỳ vọng và quan niệm người thường của tôi về một người bạn, và tôi cảm thấy bất công khi cô ấy đối xử với tôi như vậy, đặc biệt khi tôi luôn cố gắng ưu tiên cô ấy như một người bạn. Tôi cũng ghen tị với quan hệ của cô ấy và người bạn khác, tức giận khi phải liên tục chịu đựng nỗi đau và sự tổn thương. Khi cô ấy đối xử với tôi theo cách đó, tôi sẽ cảm thấy buồn, co mình lại và tỏ ra lạnh lùng với cô ấy.
Vòng luẩn quẩn này tiếp diễn trong khoảng một năm. Tuy nhiên tôi đã không làm gì để ngăn việc đó lại. Nhiều lần khi cô ấy chia sẻ, nói rằng cô ấy bị tổn thương bởi thái độ đột nhiên lạnh lùng của tôi, và chỉ ra những vấn đề của tôi, nhưng tôi quá xấu hổ và sợ hãi không dám mở lòng với những cảm xúc thực, không dám thừa nhận những chấp trước cũng như hành xử không tốt của bản thân.
Cuối cùng, tôi trở nên giống với “kẻ ác” mà Sư phụ nói đến. Sư phụ giảng:
“Kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận, mà tự thấy bất công.” (Cảnh giới – Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Vì vấn đề không được giải quyết, cuối cùng cô ấy nói với tôi rằng cô ấy muốn giảm thiểu liên lạc với tôi. Sau đó cô ấy nói muốn chấm dứt tình bạn của chúng tôi.
Trong suốt năm đó, tôi đã hướng nội và nỗ lực buông bỏ chấp trước vào tình bạn, cảm xúc, những quan niệm, sự ghen tị, và oán hận. Tôi đã nghĩ rằng nếu tôi có thể buông bỏ những thứ đó, hoàn cảnh sẽ thay đổi và mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Nhưng tôi không đủ dũng khí để thực sự đối mặt với vấn đề, mở nó ra, đào sâu và phơi bày những chấp trước. Về cơ bản tôi đã không thực tu.
Trong giai đoạn đó, tôi tập trung vào nỗi đau và những cảm xúc của bản thân. Tôi đã dưỡng thành rất nhiều tâm sợ hãi và không muốn bị tổn thương. Tôi đã ích kỷ, bảo vệ bản thân một cách quá mức, hẹp hòi và thiếu suy xét. Tôi đã không muốn chịu khổ, và tôi không đo lường hành vi của bản thân theo những gì Sư phụ dạy.
Sư phụ dạy chúng ta nghĩ đến người khác trước trong mỗi việc làm, nhưng tôi đã hoàn toàn không nghe theo.
Tôi cũng không thể phân biệt được chân ngã của mình với phần người thường, cũng như không phân biệt được đâu là những tư tưởng thực sự của bản thân, đâu là can nhiễu từ bên ngoài. Phần người thường của tôi muốn bảo vệ bản thân và cái tôi. Nó sợ bị tổn thương hay bị chỉ trích. Nó cũng rất mẫn cảm và truy cầu sự thoải mái, sự công nhận và những dục vọng.
Mặt khác, chân ngã của tôi có chính niệm, lý trí, không để cho những tư tưởng tiêu cực chi phối, và đặt người khác lên trước.
Khi tôi cảm thấy buồn hay chán nản, tôi đang liên tục để phần người thường và những chấp trước kiểm soát tôi, và tôi đã không nỗ lực lấy lại quyền kiểm soát thân thể cũng như tư tưởng của bản thân.
Về những chấp trước liên quan đến tình cảm bạn bè, tôi thấy rằng bản thân luôn không ngừng tìm kiếm sự công nhận từ người khác. Tôi sợ bị từ chối, và không mở lòng để chia sẻ những suy nghĩ, không biết trân trọng, và quá dựa dẫm vào người khác. Tôi cũng coi người bạn đồng tu của mình là hình mẫu tu luyện. Tôi đã không đủ nỗ lực để có được thể ngộ của tự thân.
Mỗi lần bị từ chối, tôi cảm thấy cái danh và cái tôi của mình bị đụng chạm, và tôi đã dưỡng thành tâm phàn nàn.
Bởi vì quá hẹp hòi, khi phải chịu tổn thương và mất mát, tôi không thể lập tức tha thứ cho người khác. Tôi không có lòng khoan dung và tâm đại nhẫn.
Sư phụ đã giảng trong “Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003:”
“Đệ tử: Sư phụ bảo chúng con cần có [lòng] khoan dung rộng lớn, nhưng thỉnh thoảng ngẫu nhiên [chúng con] vẫn dùi vào sừng bò.
Sư phụ: Vậy hãy sửa đi thôi. Từ bi khoan dung, nghĩ nhiều cho người khác, ở con người nơi đây [làm như thế rồi] sẽ thành thói quen. Tôi không thích khi thấy chư vị tự trách, không có tác dụng gì. Tôi vẫn là nói câu ấy: trượt ngã rồi đừng nằm ở đó, mau đứng lên đi thôi!”
Trong quá trình buông bỏ những chấp trước này, tôi thật sự cảm nhận được sự từ bi của Sư phụ, sự khoan dung của các đồng tu – những người đã chia sẻ và khích lệ tôi nỗ lực tiến về phía trước.
Tất nhiên, tôi cũng phải tự kéo mình dậy. Tôi tăng cường phát chính niệm để thanh trừ các chấp trước, đối chiếu lại những sự việc trong quá khứ xem bản thân đã sai ở đâu, và xin lỗi những người đã bị tôi làm tổn thương. Tôi cũng cần nghiêm khắc hơn với những tư tưởng của mình, dùng Pháp để kiểm soát những tư tưởng tiêu cực hay phiền não, và phát triển thói quen thể hiện sự từ bi và khoan dung.
Tôi đã nhận ra tình bạn có thể nuôi dưỡng cái tình, do đó nó không phải là thứ quá quan trọng. Chúng cũng có thể sản sinh và thao túng các chấp trước khác.
Sư phụ đã giảng:
“Tình là gốc rễ sinh ra tâm chấp trước.” (Giải đáp thắc mắc tại giảng Pháp ở Quảng Châu – Chuyển Pháp Luân Pháp Giải)
Tình là thứ cực kỳ không đáng tin cậy và là gốc rễ của những hành vi bất thường của con người. Những cảm giác diệu kỳ, những hình ảnh đẹp đẽ bắt nguồn từ chấp trước này đều là ảo giác.
Giờ đây tôi thật sự nhận thức được nhiều việc tôi làm, gồm cả những quyết định của tôi, đều bắt nguồn từ cái tình, như thích làm điều gì đó, thích ăn gì đó, hay có thể thức dậy mỗi sáng hay không, hoặc thích nói chuyện với ai đó hay không.
Sư phụ giảng:
“Nếu ‘tình’ kia chẳng đoạn, thì chư vị không thể tu luyện được. Người ta nếu nhảy ra khỏi cái ‘tình’ này, thì không ai động đến chư vị được, tâm người thường không động đến chư vị được; thay vào đó là ‘từ bi’, vốn là điều cao thượng hơn.” (Bài giảng thứ tư – Chuyển Pháp Luân)
Tình là thứ mà người thường coi trọng, nhưng là người tu luyện, tôi phải mau chóng trừ bỏ nó. Tôi cần phải đưa ra quyết định một cách lý trí, và luôn luôn cân nhắc xem hành động của bản thân là gây hại hay có lợi cho người khác, đồng thời bỏ qua những cảm xúc và các yếu tố của bản thân. Thay vì sử dụng tình cảm, tôi cần đối xử với mọi người – gồm cả người thường và đồng tu – với tâm từ bi vô điều kiện.
Đồng thời, cái tình cũng có thể dễ dàng bị cựu thế lực bám cứng vào, từ đó reo rắc bất hòa và gây can nhiễu cho Chính Pháp.
Ở giai đoạn cuối cùng của tiến trình Chính Pháp, tôi không thể để cái tình và những chấp trước liên quan đến tình can nhiễu việc cứu độ chúng sinh.
Sư phụ rất từ bi. Trong những ngày trước khi bạn đồng tu nói muốn chấm dứt tình bạn với tôi, tôi đã rất đau đớn bởi tình và các chấp trước khác, và hầu như đêm nào tôi cũng khóc. Đến một thời điểm, tôi đã lấy lại chính niệm và nguyện sẽ không khóc nữa. Trong thâm tâm, tôi có một suy nghĩ rằng tôi sẽ chịu bất cứ khó khăn nào để bỏ cái tình này, và nhanh chóng buông bỏ các chấp trước khác. Bất kể khi gặp khảo nghiệm nào, các chấp trước và cựu thế lực không thể can nhiễu thệ nguyện cứu chúng sinh của tôi. Tại thời điểm đó, toàn bộ đau đớn và cái tình đã biến mất hoàn toàn. Con xin thành tâm cảm tạ Sư phụ đã giúp con trừ bỏ đi một tầng chấp trước căn bản này!
Qua trải nghiệm này, tôi đã học được cách tu luyện để trở thành “người Thiện,” và tôi sẽ tinh tấn tu luyện để đạt tới cảnh giới của một “Bậc Giác Giả.”
Sư phụ đã giảng:
“Người Thiện thường trong tâm từ bi, không oán, không hận, lấy khổ làm vui. Bậc Giác Giả không có tâm chấp trước, tĩnh nhìn thế nhân đang lấy điều huyễn hoặc làm cõi mê.” (Cảnh Giới – Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Các đồng tu, chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực để cứu chúng sinh!
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/9/9/186699.html
Đăng ngày 28-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.