[MINH HUỆ 17-06-2020] Kính chào Sư phụ tôn kính! Xin chào các bạn đồng tu!
Tôi tham gia hạng mục Đài phát thanh Hy vọng từ tháng 3 năm 2014. Tháng 6 năm 2016, tôi chuyển nhà từ miền Trung Mỹ quốc tới thành phố New York để tham gia mục tin tức “Bắc Kinh cổ trà quán.”
Theo yêu cầu của đài, chương trình này có hai người nói giọng cổ Bắc Kinh cùng bàn luận về tin tức, mục đích là bằng phương thức nói chuyện thoải mái, giúp mọi người nhận ra Trung Cộng không phải là Trung Quốc, chỉnh lại những quan niệm sai lệch của người dân do bị Trung Cộng bóp méo.
Tôi không phải người Bắc Kinh, bình thường mặc dù là người nói nhiều, nhưng tôi không nói giọng Bắc Kinh. Người cộng sự của tôi là người Bắc Kinh nhưng là người ít nói. Hai người chúng tôi làm việc cùng nhau tạo nên không ít cơ hội đề cao tâm tính cho đối phương. Đến hiện tại, chương trình đã có chút khởi sắc, đều nhờ có Sư phụ gia trì và các đồng tu hỗ trợ. Trong quá trình này, hai chúng tôi là người được thụ ích, dần dần cải biến bản thân và học cách phối hợp với nhau.
Dưới đây là thể hội tu luyện của tôi trong quá trình phối hợp tham gia làm chương trình.
Lúc chương trình mới khởi động, khảo nghiệm đầu tiên của tôi là làm sao đối mặt với những lời chê của người khác. Đầu tiên, có người nói tôi học nói giọng Bắc Kinh không chuẩn. Đối với tôi đây là đả kích lớn nhất. Trước đây tôi ưa thích văn nghệ dân gian, thích bắt chước các loại khẩu âm và điệu hát cổ. Kỳ thực chính vì tôi cảm thấy mình có khả năng bắt chước giọng nên mới tham gia chương trình này, nếu nỗ lực một hồi mà vẫn không giống thì tôi cảm thấy không còn lý do để ở lại chương trình này nữa. Nhưng có một sự thật mà tôi không thể cải biến là: không giống chính là không giống, đối với người Bắc Kinh hoặc người quen thuộc với giọng Bắc Kinh, chỉ cần nghe một hai câu là nhận ra sự khác biệt. Sau đó mọi người thường khuyên tôi: “Anh vẫn nên nói tiếng phổ thông đi, cố tình học theo giọng Bắc Kinh nghe không tự nhiên, chính anh cũng sẽ mệt mỏi và bối rối.“ Những lời khuyên kiểu này khiến tôi thấy khó xử, vì nếu làm vậy thì không phù hợp với yêu cầu của chương trình, kỳ thực trong tâm tôi vẫn có chút chưa chịu bỏ cuộc, tôi không tin rằng mình không thể học được giọng Bắc Kinh.
Rốt cuộc sự kiên trì của tôi là để chứng thực năng lực của bản thân hay chứng thực Pháp, đảm bảo phong cách của chương trình? Tôi cảm thấy rất bối rối. Dù sao đây cũng là yêu cầu của chương trình, nên tôi vẫn theo phương thức giọng Bắc Kinh mà làm. Tuy nhiên trong quá trình “chứng thực Pháp”, tôi không ngừng tìm ra những tâm “chứng thực bản thân” và từng bước trừ bỏ chúng. Đây cũng là một trải nghiệm tu luyện đặc biệt trong quá trình làm hạng mục này.
Năm đầu tiên, tôi rất sợ mỗi khi người điều phối trực tiếp nghe chương trình. Cô ấy vừa nghe vừa bình luận. Cô ấy có thể nói những điều khó nghe, ví dụ như: “Mấy tập đầu còn ổn, tại sao càng ngày càng kém?”, “nếu trong khi làm việc mà nghe chương trình này chắc chắn tôi sẽ mất tập trung. Nó chẳng hấp dẫn gì cả”, hoặc “quá cố tình truyền đạt”, “nghe anh nói chuyện như thầy giáo vậy”, v.v.
“Nghe anh nói chuyện như thầy giáo vậy”, những lời này, người điều phối đã nói hơn hai năm nay. Trước kia tôi là giáo sư đại học, có thể thực sự đã hình thành giọng điệu chỉ dạy người khác, nó đã thành thói quen, tôi không thể phát hiện được, muốn thay đổi cũng không biết làm thế nào. Việc này khiến cho tôi vô cùng buồn phiền.
Sau khi người điều phối đưa ra các loại ý kiến, bề ngoài tôi điềm tĩnh đáp ứng, nhưng trong nội tâm thì sôi sục. Có đôi lúc giả bộ không nổi, tôi liền nói thẳng: “Vậy cô làm mẫu cho tôi xem phải nói thế nào.” Người điều phối trả lời: “Tôi cũng không biết, điều này anh phải nghĩ ra.” Cô ấy còn nói: “Anh hãy xem người nữ dẫn chương trình trong tiết mục của người thường kia, cô ấy cười thoải mái như thế nào? Còn hai người các anh tại sao lại không cười?” Tôi lập tức phản bác: “Hai người nam chúng tôi cười, chẳng phải là kỳ cục sao? Hơn nữa, mới bắt đầu làm không thể ngay lập tức hài hước như vậy được, chúng tôi sẽ từ từ làm được”
Trong tâm tôi biết rõ: Tôi không chỉ khổ não vì bản thân làm không tốt, mà buồn vì: Tôi không tệ như cô ấy nói! Nói trắng ra, tôi cho là mình làm rất tốt. Trong tâm tôi dường như cố chấp với suy nghĩ mình làm rất tốt, dường như lúc nào cũng bị chủng niệm đầu này khống chế, không muốn suy nghĩ nghiêm túc về những câu hỏi và phê bình của người khác.
Sư phụ đã giảng:
“đề cao chân chính ấy là ‘xả bỏ’, chứ không phải là ‘đắc được’.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Philadelphia ở Mỹ quốc năm 2002)
Thông qua học Pháp, hướng nội tìm, tôi đã tìm ra vấn đề của bản thân: Bề ngoài là thích nghe những lời khen, không muốn bị người khác chê, còn phía sau là cất giấu tâm tự cho là đúng, cảm thấy bản thân làm rất tốt. Loại tâm tự cho là tốt này khiến tôi không muốn cải biến bản thân.
Kịch bản của chúng tôi được viết trước. Người viết sẽ tưởng tượng và mô phỏng hai người nói chuyện với nhau, cho nên thời gian đầu giống như một người bán hàng một người giả làm người mua hàng nói chuyện với nhau, kẻ tung người hứng, cảm giác rất miễn cưỡng. Yêu cầu của tiết mục là chỉnh lại những quan niệm về đúng sai đã bị Trung Cộng bóp méo, nhưng bản thân tôi cũng có rất nhiều quan niệm đã bị Trung Cộng làm méo mó. Đối với việc lý giải Trung Cộng đã làm méo mó quan niệm về đúng sai, thiện ác của người dân Trung Quốc như thế nào, tôi vốn chưa nắm được điểm mấu chốt. Trong tình huống này, những thảo luận và phân tích của chúng tôi nghe càng giống như đang phê phán Trung Cộng một cách thô bạo, cho nên rất nhiều thính giả đã nói: “Chương trình này chính là đang mạ lỵ Trung Cộng.”
Để chỉnh lại những quan niệm méo mó về đúng sai của Trung Cộng, cần thiết lập quan niệm truyền thống chuẩn xác về đúng sai. Tuy nhiên tôi cùng bạn cộng sự đều lớn lên ở Đại Lục, không nắm rõ quan niệm truyền thống chính xác về đúng sai là như thế nào. Bởi vậy, trong những chương trình thời kỳ đầu, chúng tôi truyền thụ đạo đức truyền thống một cách cứng nhắc. Ví dụ, trong chương trình chúng tôi đưa thẳng “Đệ tử quy” cùng luân lý gia đình vào. Chúng tôi cũng kết hợp nói về những ngày lễ truyền thống, tiết khí và những truyền thuyết, điển cố, phong tục có liên quan, muốn dùng phương thức này để truyền tải những ý niệm về văn hóa truyền thống đến người dân ở Đại Lục. Trong một thời gian dài, mở đầu chương trình chúng tôi dùng tiết khí và các ngày lễ truyền thống phù hợp với thời điểm đó làm lời dẫn và nói về những điển cố. Tôi rất thích văn hoá truyền thống, mỗi lần làm phần này đều thấy rất vui thích, nên cho rằng thính giả cũng sẽ thích.
Một lần, đồng tu vợ của tôi nhận xét: “Anh nói về tiết khí làm gì vậy? Những thứ đó đều có trên mạng, đâu cần anh nói? Nói trong một thời gian dài như vậy, có vẻ vô nghĩa.” Phản hồi của cô ấy khiến tôi ngạc nhiên, nhưng tôi vẫn không đồng ý, cho rằng cô ấy không thích văn hóa truyền thống. Sau đó, đồng tu phụ trách chương trình của Đài phát thanh Hy vọng đã nghe chương trình của chúng tôi, cũng nói: “Đây không phải chương trình trò chuyện tin tức sao? Tại sao vừa bắt đầu đã nói về tiết khí vậy?” Anh ấy cũng nói với chúng tôi: “Nếu tiết tấu chương trình ngay từ đầu quá chậm, thính giả sẽ không kiên nhẫn lắng nghe phần sau nữa, dù phần sau có hay đến đâu cũng không nghe.” Mặc dù cảm thấy có lý, nhưng trong tâm tôi vẫn nghĩ, có thể thính giả lớn tuổi sẽ thích nghe!
Kỳ thực tôi cũng biết là do tôi đã không buông bỏ được sở thích của bản thân. Cuối cùng tôi đã cắn răng bỏ qua thứ mình yêu thích, cắt đi phần nói về điển cố truyền thống ở đầu chương trình. Kết quả phát hiện cũng không có thính giả nào nói nhớ về nội dung kia. Tôi hiểu ra là do tự mình không ngộ, không muốn cải biến bản thân.
Trước đây tôi vắt óc nghĩ ra tiêu đề của từng chương trình sao cho có tính sáng tạo và có tính văn nghệ. Một lần người biên tập đề nghị tôi thay đổi tiêu đề, còn nói tôi nên sửa thế nào, nhưng tôi không chấp nhận. Lúc ấy tôi thực sự cảm thấy: Sửa như vậy giống như tiêu đề các mục tin tức bình thường vậy, chương trình này nên giữ lấy đặc điểm riêng. Rất lâu về sau, khi xem tài liệu đào tạo về kỹ thuật Youtube, tôi mới biết rằng loại tiêu đề mang văn phong thế này thường không có trong các từ khóa tìm kiếm về các sự kiện tin tức, cho nên cơ bản mọi người không tìm được. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến lượng truy cập không tăng. Làm ra chương trình là để cứu người, không có ai nghe thì vô ích.
Kỳ thực vấn đề ôm giữ cái tâm tự cho là đúng của tôi còn thể hiện ở việc làm thiết kế trang tiêu đề. Tôi học về thiết kế và dường như rất nghiện việc thiết kế. Khi làm tuy rằng mệt, nhưng cũng trở thành một loại hưởng thụ, đôi lúc chấp trước đến mức muốn ngừng cũng không được: Thay đổi cái này, thử làm cái kia, làm trễ nải rất nhiều thời gian. Về sau người điều phối đã tìm một đồng tu giúp tôi làm, để tôi có thời gian học Pháp luyện công. Lúc mới đầu tôi vẫn can thiệp vào, đưa ra một loạt các ý kiến sửa đổi, đôi khi còn tự sửa thiết kế. Làm như vậy khiến đồng tu rất khó chịu, bản thân tôi cũng thấy mệt mỏi. Mãi đến khi cả nhóm ép buộc tôi mới buông tay.
Khi học Pháp tôi cũng ý thức được: cái tâm tự cho là đúng, không muốn cải biến bản thân của tôi, không phải chính là tâm thái của cựu thế lực sao? Tự cho là mình giỏi, tự cho là mình đúng, chỉ muốn thay đổi người khác, không muốn cải biến bản thân. Tôi chật vật từng chút một, dường như miễn cưỡng để xoá bỏ lớp vỏ kia. Tôi cảm thấy quá trình đề cao tâm tính thật sự là quá trình thoát khỏi ràng buộc của cựu thế lực. Nhưng vì tự mình không ngộ và không tinh tấn nên đột phá rất chậm.
Sư phụ đã giảng:
“nếu muốn vứt bỏ những thứ không tốt ấy, thì đầu tiên chư vị cần thay đổi cái tâm kia mới được.” (Bài giảng thứ tư – Chuyển Pháp Luân)
Thỉnh thoảng khi trạng thái tốt, tôi có thể cải biến tâm tính tốt hơn một chút. Muốn làm được điểm này, trước hết cần buông bỏ tự kỷ. Phải thừa nhận bản thân không có hoàn hảo như vậy, thậm chí còn kém rất xa, còn phải học hỏi rất nhiều thứ.
Sau khi thay đổi tâm tính, hạng mục cũng dần có tiến triển. Ví dụ: Người điều phối vì để giải quyết vấn đề quảng cáo, đã bảo chúng tôi đổi tần số phát sóng. Khi đó tôi ý thức được tầm quan trọng của việc phối hợp vô điều kiện, đã lập tức cùng bạn đồng sự thương lượng để phối hợp đổi tần số mà không lo mất đi số lượng đăng ký và số lượng truy cập. Những chướng ngại đã dần dần bị tiêu trừ, trà quán đã bán được quảng cáo. Chương trình cũng nhận được ngày càng nhiều tin nhắn phản hồi tích cực, rất nhiều người hâm mộ đã trở thành bạn tốt của chúng tôi. Giáng sinh năm ngoái và dịp năm mới, chúng tôi nhận được thư của người hâm mộ nhờ chúng tôi hỗ trợ thoái đảng.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, theo sắp xếp của người điều phối, chúng tôi bắt đầu sản xuất video. Trước đó không lâu, có một đồng tu quay phim đã gia nhập nhóm, anh ấy không chỉ có kinh nghiệm về quay phim và xử lý hậu kỳ, mà còn rất có trách nhiệm. Đến nay chúng tôi đã lên hình hơn bốn tháng. Tuy có vài lần gặp khó khăn, nhưng vẫn kiên trì tới hiện nay. Sư phụ đã an bài hết thảy tốt đẹp, còn lại đều tùy thuộc vào chúng tôi làm thế nào cho tốt.
Sự lây lan của đại dịch viêm phổi Trung Cộng đã làm đảo lộn trật tự bình thường. Sau khi New York thực hiện chính sách cách ly, vì để đảm bảo chương trình không bị ảnh hưởng, tôi chuyển đến nhà đồng tu điều phối, cùng một nhà với đồng tu quay phim. Khoảng thời gian này, tu luyện của tôi đã có đột phá, tôi bắt đầu ý thức được văn hoá đảng của mình, từng chút một xoá bỏ nó đi.
Thời gian gần đây, đồng tu điều phối đích thân giúp tôi chỉnh sửa kịch bản gốc. Trước đây anh ấy là người làm chuyên nghiệp về truyền thông, tu luyện rất vững chắc, nội tâm thanh tịnh, trong việc chọn chủ đề, cấu trúc và lời dẫn bản tin đều rất có kinh nghiệm. Đặc biệt anh ấy rất nhạy bén và tự nhiên trong việc phát hiện và chỉ ra các phương diện của văn hoá đảng.
Đã nhiều lần trong khi nhìn kịch bản, anh ấy đã chỉ ra nội dung có mang văn hoá đảng, nói cho tôi vấn đề ở đâu, để tôi có thể tự ngộ ra. Kỳ lạ là lúc tôi viết ra, không có cảm giác bất hợp lý, dường như rất tự nhiên; nhưng trong mắt đồng tu thì phương thức biểu đạt và nội dung lại không ổn chút nào, có thể dễ dàng nhận ra.
Anh ấy sẽ nói: “Anh không thấy nói như vậy rất khoa trương, rất gay gắt, có tính tranh đấu sao? Tại sao khi nói về chuyện này, miêu tả mặt phụ diện nhiều quá vậy? Tại sao trực tiếp dùng lời của bộ ngoại giao Trung Cộng và phát ngôn của họ? Tại sao cái này nói tuyệt đối vậy? Vì sao không đưa ra bằng chứng đầy đủ trước khi kết luận, tại sao lại cảm tính như vậy? Vì sao sử dụng những từ ngữ như ‘chiến lang’, ‘tiêm máu gà’, ‘nhổ nước miếng’? Đây chẳng giống như đang cùng Trung Cộng mắng chửi nhau hay sao? Có phải bạn có tâm oán hận với Trung Cộng và cảnh sát? Thính giả có thể cảm giác rằng hai người dẫn chương trình là người cay nghiệt và độc ác. Cái Thiện của đệ tử Đại Pháp ở đâu?”
Nghe đồng tu nói như vậy, tôi có chút kinh ngạc và bối rối. Tôi chưa từng ý thức rằng người nghe sẽ có loại cảm thụ này. Tôi ngạc nhiên vì sao mình lại nói về tin tức và làm chương trình như vậy. Tôi bối rối vì những điều này đã thành thói quen. Dường như tôi đang cho rằng nói chuyện với giọng tiêu cực chính là hài hước. Cuối cùng tôi đã hiểu ra rằng phản đối và vạch trần những trò hề của Trung Cộng không nhất thiết phải dùng giọng châm chọc, hài hước.
Trừ bỏ văn hoá đảng của bản thân thật không dễ dàng. Đôi khi tự bản thân tôi không phát hiện ra văn hoá đảng là như thế nào, có lúc là không nguyện ý buông bỏ. Mất một thời gian dài tôi mới dần hiểu được: Nghệ thuật tấu nói, trào phúng không nhất thiết phải tạo ra cảm giác kích động, sắc bén, mà vẫn có thể ôn hoà, mềm mỏng. Tôi dần hiểu ra, diễn viên tấu nói nên để người nghe có cảm giác họ là một nghệ sĩ có hàm dưỡng, chứ không phải là người cay nghiệt.
Đồng tu nhắc nhở tôi: Bất kể viết lời kịch gì, phải suy nghĩ rằng những người nghe hoàn toàn không biết chân tướng, thậm chí còn có hảo cảm với Đảng Cộng sản Trung Quốc, họ sẽ cảm thụ thế nào? Họ sẽ tiếp thu hay có phản cảm? Nếu người ta không xem, hoặc xem một chút rồi rời đi, vậy mình nói cho ai nghe? Như vậy sao có thể cứu người?
Tôi dần dần cảm nhận được, làm tiết mục phải là trạng thái như thế nào. Tâm thái cần xoay chuyển, bỏ đi những thứ ác, tư, phụ diện, sự hài hước sẽ tự nhiên bộc lộ ra theo cách chính diện.
Tôi phát hiện: Những thứ mà bản thân tôi ôm giữ, sau khi buông bỏ mới thấy được, không những ở phương diện tu luyện chúng chẳng có ý nghĩa gì, mà ở góc độ nghiệp vụ và đạo đức của người thường chúng cũng chỉ là những thứ thấp kém. Trong nghiệp vụ người thường cũng cần nhờ vào sự phủ định bản thân mà đề cao. Không phủ định bản thân, sẽ không thể đề cao tầng thứ.
Sư phụ giảng:
“Lấy ‘tôn giáo’ mà nói, những người thật sự hiểu rõ là [người] vận dụng hình thức tôn giáo để tu luyện bản thân mình, còn [ai] không minh bạch thì lại đang duy hộ cho hình thức của tôn giáo.” (Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles [2006])
Tôi thường xuyên nhớ tới đoạn Pháp này. Mỗi lần đều nghĩ rằng, tôi rất bận rộn, nhưng không được để cho biểu hiện bận rộn che mắt. Chỉ có thực tu mới có ý nghĩa, nếu không bận rộn làm hạng mục cũng tựa như duy hộ hình thức tôn giáo!
Con xin cảm tạ Sư tôn đã cho con cơ hội tham gia hạng mục này. Cảm ơn các đồng tu đã phối hợp, ủng hộ, cổ vũ, giúp đỡ tôi. Có chỗ nào không ở trong Pháp, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.
Con xin cảm tạ Sư tôn! Cảm ơn các bạn đồng tu!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/17/在“老北京茶馆”项目修炼中不断归正-407811.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/29/185688.html
Đăng ngày 12-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.