Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Canada

[MINH HUỆ 29-07-2020] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính! Chào các bạn đồng tu!

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 9 năm 1998. Con gái tôi hiện 18 tuổi. Trong hơn 10 năm qua, chúng tôi đã trải qua những thăng trầm cùng nhau. Chính nhờ có Sư phụ bảo hộ, chúng tôi mới có thể vững bước trên con đường tu luyện của mình. Tôi muốn chia sẻ với các đồng tu về một số trải nghiệm tu luyện của chúng tôi.

Tiểu đệ tử

Khi con gái tôi 4 tuổi, tôi bắt đầu đưa cháu đi học Pháp và luyện công. Khi cháu 6 tuổi, gia đình ba người chúng tôi chuyển đến Hàn Quốc sinh sống. Lúc đó, tôi rất nghiêm khắc với cháu. Tôi đưa cháu đi luyện công và học Pháp tập thể mỗi ngày. Cháu luyện công giống như người lớn, hai giờ đồng hồ mỗi ngày. Chúng tôi học một bài giảng trong cuốn Chuyển Pháp Luân lúc học Pháp chung, và sau đó tôi đọc các kinh văn mới của Sư phụ cùng cháu. Khi chúng tôi ra ngoài, tôi niệm Pháp, và cháu lặng lẽ lắng nghe. Tôi nói chuyện với cháu dựa trên Pháp khi có bất kỳ chuyện gì xảy ra. Ví dụ, khi mua đồ uống lạnh, tôi nói với cháu rằng tôi phát hiện ra chấp trước của mình vào đồ ăn; khi giảng chân tướng cho một nhân viên bán hàng, tôi thấy mình có chấp trước giữ thể diện, v.v..

Lúc đầu cháu chỉ lắng nghe, nhưng sau đó cháu dần dần bắt đầu chia sẻ một số kinh nghiệm của cháu với tôi. Ví dụ, cháu bảo tôi rằng một cậu bé ở trường mẫu giáo đã đá cháu, nhưng cháu không tức giận, vì cậu ấy đã cấp đức cho cháu.

Một lần khác, cháu bị sốt mấy ngày. Trán cháu nóng bừng khi chạm vào. Tôi đã phát chính niệm cho cháu và để cháu nghe các bài giảng và nhạc của Sư phụ, nhưng không hiệu quả. Sau đó, cháu khóc và nói: “Mẹ ơi, con không thể chịu đựng được nữa.” Tôi cảm thấy có chút bất ổn và nghĩ rằng rốt cuộc thì cháu vẫn còn là một đứa trẻ. Tôi không biết cháu hiểu Pháp được bao nhiêu. Tôi hỏi cháu: “Con có nghĩ con bị ốm không? Hay là con đang tiêu nghiệp?” Cháu lập tức nói: “Con đang tiêu nghiệp.” Trong vòng 24 giờ, cơn sốt của cháu đã biến mất.

Một ngày nọ, tôi đột nhiên có biểu hiện nghiệp bệnh dữ dội. Cựu thế lực muốn kéo tôi đi. Tôi đã tăng cường học Pháp và chủ ý thức của mình. Nó vô cùng khó khăn, tôi cảm thấy nản lòng và tuyệt vọng. Thời điểm đó, thiên mục của con gái tôi đã được khai mở, và cháu thường thấy những cảnh tượng ở không gian khác. Đôi lúc cháu kể cho tôi những gì cháu nhìn thấy để khích lệ tôi. Ví dụ, cháu nói rằng có một đóa sen trên đầu tôi và trên đầu cháu cũng có; cháu miêu tả với tôi chúng có màu gì. Một ngày nọ, khi cháu thấy tôi có tâm trạng buồn bã, cháu đã động viên tôi: “Mẹ à, đừng nản lòng. Bây giờ mẹ thấy nó khó, giống như đang đẩy một cánh cửa rất nặng. Nhưng sau đó, có một cánh cửa khác. Và khi mẹ đẩy cánh cửa đó, sẽ có một cánh cửa khác nữa. Nhưng khi mẹ mở cánh cửa cuối cùng và bước ra, mẹ sẽ nhìn lại và thấy mình đã đi rất xa.” Những lời của cháu đã khích lệ tôi. Sau đó, tôi thường dùng câu chuyện này để khích lệ các đồng tu đang bị nghiệp bệnh.

Thùng thuốc nhuộm lớn xã hội người thường

Sư phụ giảng:

“Một số đệ tử Đại Pháp có con nhỏ, khi còn bé chúng chưa có quan niệm gì, luyện công theo người lớn, biểu hiện cũng khá lắm. Trẻ nhỏ mà, thiên mục cũng có thể nhìn thấy một số cảnh tượng, còn có trợ giúp đối với chư vị. Nhưng hễ một khi lớn lên, đã có quan niệm tự ngã của mình, mạnh dần lên vì xã hội dẫn động; chư vị mà buông lơi chúng, thì chúng sẽ thuận trôi theo dòng.” (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco 2014)

Chúng tôi chuyển đến Canada khi con gái tôi chín tuổi. Ban đầu, cháu vẫn tinh tấn. Nhưng sau khi tiếp xúc với xã hội, đặc biệt là tiếp xúc với những đứa trẻ người thường ở trường cả ngày, cháu dần dần bắt đầu hùa theo đám đông. Bị quan niệm người thường ảnh hưởng, cháu bắt đầu bài bác lời khuyên của tôi và phản đối tôi.

Ví dụ, trường học của cháu ở ngay bên kia đường so với căn hộ của chúng tôi. Tôi bảo cháu đừng đi ẩu mà hãy sang đường chỗ đèn giao thông. Lúc đầu, cháu làm như tôi nói. Tuy nhiên, vào một ngày cháu lại nói với tôi một cách không vui: “Mẹ ơi, con thấy mình thật ngu ngốc. Con đi bộ cùng các bạn cùng lớp, và khi mọi người khác đi ẩu, con phải đi cả quãng đường dài. Và con không biết gì về chủ đề mà các bạn đang nói. Con thậm chí không thể nói chuyện với các bạn.” Đôi lúc cháu phàn nàn rằng từ bé đến lớn cháu không có được ngày nào tốt đẹp. Bố mẹ không dẫn cháu đi chơi, cháu không được ăn đồ ăn ngon, và không có quần áo mới. Các bạn học người Trung Quốc của cháu liên tục khoe về việc chúng giàu như thế nào, mua hàng hiệu gì, đi du lịch ở đâu, tất cả đều khiến cháu cảm thấy rất khó chịu.

Sau đó, cháu nói rằng hai người bạn thân nhất của cháu đã bắt nạt cháu. Cháu cảm thấy đau khổ, không muốn đến trường nữa, và đôi lúc cháu không muốn sống nữa. Tôi nhận thấy cháu trông buồn bã mỗi ngày sau khi đi học về. Trong khoảng thời gian đó, cháu chỉ học Pháp một chút và hiếm khi luyện công. Cháu hiếm khi phát chính niệm. Cháu nói rằng tu luyện quá khó, và cháu không còn muốn tu luyện nữa.

Khi nhìn thấy trạng thái tinh thần của cháu, tôi rất lo lắng. Tôi tiếp tục động viên cháu và nói với cháu rằng các đệ tử Đại Pháp khác với những đứa trẻ bình thường, và là những người tu luyện có đạo đức cao thượng. Tuy nhiên, tôi cảm thấy lời của mình thật sáo rỗng và không thể giúp ích cho cháu chút nào. Sau đó, cháu bị cuốn vào Internet và bắt đầu xem các video trên mạng xã hội. Cháu xem các video từ 3 giờ chiều sau khi đi học về, cho đến khi tôi đi làm về. Đôi khi tôi nổi giận và rút cáp Internet để cháu không thể vào Internet sau giờ học. Cháu phàn nàn một cách giận dữ rằng cháu không thể làm bài tập hay bất cứ việc gì ở nhà.

Tôi rất buồn khi thấy những thay đổi ở tiểu đệ tử từng rất tinh tấn này. Khi ở trạng thái tốt hơn, cháu nói: “Mẹ ơi, con cảm thấy mình như một bông hoa. Mặc dù những cánh hoa đã khô héo, nhưng gốc rễ của con vẫn ở trong Đại Pháp. Đôi khi, con thực sự muốn chạy đến một tảng đá lớn trong công viên để tự học Pháp cả ngày. Nhưng con không thể làm điều đó. Con thực sự đang gặp khó khăn.” Nghe những lời đó, tôi cảm thấy như có dao cứa vào tim. Tôi đã giấu cháu khóc một mình. Sau khi bình tĩnh lại, tôi bắt đầu hướng nội.

Nhận ra rằng mình cần hướng nội

Trước hết, tôi cần buông bỏ cái tình đối với con mình. Mỗi sinh mệnh đều có số phận của riêng mình. Bị tình lôi kéo nhiều như vậy, phàn nàn, chỉ trích, hay buồn chán không giúp ích được gì cho con tôi cả.

Thứ hai, tôi nhận ra mình đã đi sang cực đoan khi không cung cấp cho con gái một môi trường bình thường. Tôi đã bao bọc cháu và bản thân trong một vòng tròn những người tu luyện. Chúng tôi không có hoạt động giải trí, và cháu đã không học được một số điều cần thiết cho cuộc sống người thường. Tôi đã không chỉ dẫn cho con tôi cách hòa đồng với các bạn cùng lớp. Cháu cảm thấy hoàn toàn lạc lõng trong một môi trường người thường.

Lại thêm hoàn cảnh sinh hoạt gian khổ và tâm lý sợ bức hại ở Hàn Quốc đã không giúp con gái tôi thấy được mặt chính diện của tu luyện, như tươi sáng, cao thượng, được tôn kính. Cháu thấy tu luyện chỉ là chịu khổ, bị kỳ thị, bị bức hại. Đằng sau cách tiếp cận cực đoan này, thực sự là sự ích kỷ của bản thân tôi. Tôi không muốn mất thời gian sắp xếp các hoạt động của con tôi trong cuộc sống người thường. Tôi muốn dành thời gian cho bản thân mình học Pháp hơn.

Thứ ba, và cũng là quan trọng nhất, tôi đã nhận ra văn hóa Đảng của bản thân. Tôi áp đặt ý kiến của mình lên người khác. Tôi buộc con tôi phải chấp nhận ý kiến của tôi, và thường phạt những việc làm sai của cháu theo cách cưỡng ép. Tôi không có lòng khoan dung hay thiện lương, điều này đã dẫn đến mâu thuẫn và nổi loạn của đứa trẻ.

Con gái tôi thích nói chuyện với một học viên đến từ Đài Loan. Mỗi lần tôi thấy họ nói chuyện, họ có vẻ rất vui vẻ. Sự khác biệt giữa tôi và đồng tu này là gì? Sau đó, tôi phát hiện ra rằng bất kể con gái tôi phàn nàn về điều gì, học viên Đài Loan này sẽ vui vẻ lắng nghe và chia sẻ nhận thức của mình. Cô không bảo con gái tôi hướng nội hay nói với cháu rằng cháu nên làm một học viên tốt hơn. Đầu tiên, cô khẳng định những điểm tốt của con tôi, sau đó cô dùng Pháp của Sư phụ để khích lệ cháu đề cao. Tôi thấy học viên Đài Loan này không chỉ nói những điều để an ủi con gái tôi. Cô thực sự nói từ tâm mình. Tôi cảm thấy cô luôn có thể hiểu những thiếu sót của người khác, và không bao giờ chỉ trích hay áp đặt một tiêu chuẩn nào cho đứa trẻ. Chỉ cần đứa trẻ tiến bộ một chút, cô đã thật lòng mừng cho cháu. Những gì con gái tôi nhận được từ cô là động lực tích cực cùng thấu hiểu và khích lệ. Nhưng những gì cháu nhận được từ tôi thường là một trận đòn hoặc những lời chỉ trích.

Những thay đổi tích cực

Sau khi so sánh sự khác biệt trong cách mà tôi đối xử với con gái mình, tôi quyết định thay đổi, và đối đãi trước những vấn đề của con mình bằng từ bi và khoan dung. Tôi thừa nhận những khó khăn trong quá trình tu luyện của một đệ tử trẻ tuổi và trân trọng sự kiên trì của cháu khi vẫn tiếp tục tu luyện trong thế gian hỗn loạn này. Tôi bắt đầu cẩn thận chọn quà sinh nhật cho con mình, và khiến cháu ngạc nhiên khi viết một vài lời khen và khích lệ trên thiệp sinh nhật cho cháu.

Tôi đưa cháu đến một công viên gia đình nổi tiếng và vui đùa cùng cháu. Trước đây, tôi để cháu chơi một mình trong khi tôi đứng một bên và học thuộc Pháp. Tôi cũng đưa cháu đi xem những bộ phim mà cháu thích. Sau đó, chúng tôi đã thảo luận rất sôi nổi về bộ phim. Tôi đã chỉ dẫn cháu suy nghĩ về các khía cạnh tốt xấu của bộ phim theo tiêu chuẩn của Đại Pháp. Con gái tôi đã trò chuyện rất vui vẻ.

Tôi không còn xem những thứ này là chấp trước của người thường và lãng phí thời gian. Tôi hy vọng rằng nỗ lực chân thành của mình sẽ giúp con tôi cảm nhận được tình yêu thương và trợ giúp vô điều kiện từ cha mẹ/đồng tu. Khi tôi gặp khó khăn, cháu không hề trách móc hay yêu cầu tôi điều gì. Thay vào đó, cháu đã giúp đỡ và động viên tôi rất nhiều. Nhìn lại hành xử của mình, những gì tôi đã làm thật sự rất kém cỏi.

Tình huống của con gái tôi đã được cải thiện, nhưng vẫn lúc tốt lúc xấu. Tôi cố gắng nhắc nhở bản thân không được dao động, không được chấp trước vào kết quả. Chỉ cần tôi cho nó là đúng, thì hãy kiên trì đi làm, không bỏ cuộc.

Khổ nạn không mong đợi

Năm 2016, khi con gái tôi đang trong kỳ nghỉ mùa xuân, thì chồng tôi bị nghiệp bệnh và đột ngột qua đời. Con gái tôi lúc đó đang ở Mỹ tham dự trại xuân một tuần. Khi trở về nhà và biết tin bố mình đã qua đời, cháu không thể tin được. Cháu nổi loạn và khóc suốt nhiều ngày.

Trong thời gian đó, các giáo viên từ trường Minh Huệ và một số đồng tu đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Họ thường đưa các con của họ đến chơi với con gái tôi. Họ thông cảm và động viên chúng tôi. Tôi đã bị áp lực rất lớn. Tôi phải lo cho tang lễ của chồng và giải quyết những hiểu lầm của gia đình anh ấy. Tôi cũng đồng thời phải tham gia làm hạng mục Đại Pháp và chăm sóc cho con gái tôi. Tôi luôn ở trong trạng thái thấp thỏm mỗi ngày sau khi làm việc xong.

Để không cho những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến con mình, tôi đã đến một nơi trên tầng cao nhất của khu chung cư sau giờ làm việc, lặng lẽ phát chính niệm hoặc học Pháp một lúc. Khi tâm trạng ổn định lại, tôi xuống nhà với một nụ cười trên môi và nói chuyện với con gái. Vào lúc đó, tôi có cảm giác mạnh mẽ rằng Sư phụ của chúng ta đang ở bên cạnh tôi, chăm sóc cho tôi và con tôi. Tôi đã thấy được sự thần kỳ của Đại Pháp qua nhiều sự việc, và trái tim tôi tràn đầy cảm giác ấm áp và dễ chịu.

Tâm trạng của con gái tôi cũng dần ổn định. Sự việc này là một cú sốc lớn đối với cháu. Nhưng đồng thời, cháu cũng nhận ra tính nghiêm túc của tu luyện và cuộc sống vô thường như thế nào. Tôi cảm thấy rằng trạng thái tu luyện của con tôi tiến bộ từng chút một sau sự việc này. Cháu bắt đầu nghiêm túc học Pháp, học nhiều hơn trước.

Đệ tử trẻ tự mình tu luyện

Khi tôi thấy thông báo ứng tuyển vào trường Phi Thiên ở Mỹ, tôi đã khích lệ con gái mình đăng ký, nhưng cháu do dự. Tôi hy vọng cháu có thể đưa ra quyết định, để cháu có thể từ từ học cách tự bước đi và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Tôi nói: “Mẹ mong con có thể vào trường Phi Thiên, nhưng mẹ không muốn ép con. Con được quyết định con có muốn đến đó hay không. Nhưng mẹ hy vọng rằng một khi con quyết định, con sẽ không thay đổi, và tiếp tục hành trình bất kể khó khăn như thế nào.” Cháu suy nghĩ về điều đó một lúc và nói: “Mẹ à, con quyết định vào trường Phi Thiên, vì con không thể từ bỏ vũ múa được.” Sau đó, cháu nói: “Mẹ à, con đã chọn con đường khó nhất.” Tôi đã động viên cháu và nói: “Con đã làm rất tốt. Con nên tự hào về bản thân mình. Mẹ tự hào về con. Mẹ sẽ là người ủng hộ con mạnh mẽ nhất.”

Con gái tôi cảm thấy rất khó để thích nghi với cuộc sống ở đó khi mới đến trường Phi Thiên. Hầu như lần nào cháu cũng phàn nàn khi gọi cho tôi. Tôi luôn im lặng lắng nghe. Tôi biết cháu cần ai đó để nói chuyện, nhưng tôi không bị dao động bởi cảm xúc của cháu. Khi cháu phàn nàn xong, tôi luôn động viên cháu bằng cách nói rằng tôi hiểu cháu rất rõ, và là một đồng tu, tôi rất ngưỡng mộ cháu. Cháu có thể hoàn thành tất cả mọi thứ trong một môi trường khó khăn như vậy. Cháu có thể chịu đựng gian khổ. Là nhóm sinh viên đầu tiên ở Phi Thiên, cháu và các bạn sẽ được ghi vào lịch sử, đó là điều vô cùng vinh quang và may mắn. Vì vậy, cháu nên tiếp tục cố gắng.

Trong khi đó, tôi cố gắng học Pháp thường xuyên hơn với cháu. Tuy nhiên, cháu không thể truy cập Internet khi cần và điều này khiến việc học Pháp online trở nên khó khăn. Thêm vào đó, cháu trở về ký túc xá vào đêm muộn. Nếu cháu đọc to sẽ ảnh hưởng đến các sinh viên khác trong ký túc xá. Sau đó, tôi nảy ra một ý tưởng. Tôi gọi cho cháu vào buổi tối, và cháu nghe tôi đọc Pháp bằng tai nghe. Tôi thường ngủ gật khi đọc Pháp vì quá muộn. Vì vậy, tôi đi ra ngoài, vừa đọc sách vừa đi bộ trên vỉa hè, và thấy mình khá tập trung. Con gái tôi cũng nói rằng cháu có thể học tốt hơn theo cách này.

Chúng tôi có một cuộc nói chuyện dài qua điện thoại vào mỗi cuối tuần. Chúng tôi đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong tu luyện tâm tính. Cháu thích lắng nghe tôi và cũng muốn chia sẻ một số câu chuyện của cháu trong việc đề cao tâm tính. Con gái tôi dần thích nghi với cuộc sống ở Phi Thiên. Tu luyện của cháu cũng có những tiến bộ đáng kể. Cháu có thể tập trung khi học Pháp, luyện công và phát chính niệm.

Sau đó, cháu nói với tôi: “Mẹ à, cảm ơn mẹ đã không bỏ cuộc khi con rơi vào trạng thái tồi tệ như vậy. Mẹ đã thử nhiều cách khác nhau để giúp con không gục ngã và mẹ không bao giờ ép buộc con. Mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất trên thế giới.” Tôi vô cùng cảm động.

Con gái tôi đã tham gia chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của Shen Yun. Sau khi trải qua một số khó khăn, cháu đã phát tâm trợ Sư Chính Pháp và cứu độ chúng sinh. Nhìn lại con đường tu luyện của con gái, thực sự tôi đã làm không được tốt. Chính sự từ bi của Sư phụ đã cấp cho tiểu đệ tử Đại Pháp một hoàn cảnh tu luyện tốt phi thường, giúp tôi giải quyết vấn đề này.

Kể về trải nghiệm của mình, tôi hy vọng sẽ khích lệ và nhắc nhở các đồng tu mà có tình huống tương tự để tránh đi đường vòng. Tôi hy vọng rằng mọi người sẽ cùng nhau cố gắng nuôi dạy các đệ tử trẻ và cùng nhau đề cao, không phụ lòng Sư phụ.

Tầng thứ của tôi hữu hạn. Xin vui lòng chỉ ra bất kỳ điều gì không phù hợp.

Con xin cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/29/409762.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/6/186222.html

Đăng ngày 24-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share