[MINH HUỆ 22-06-2020] Kính chào Sư phụ tôn kính, xin chào các bạn đồng tu!

Thời gian trôi qua quá nhanh, và tôi nhận ra rằng tôi đã làm việc ở Đài phát thanh Hy vọng được năm năm rồi. Trong năm năm này tôi đã chứng kiến mọi người đến và đi. Một vài người đã rời đi vì lý do tài chính, trong khi một vài người khác thì không quen được với môi trường và các quy định. Thực tế thì bản thân tôi đều trải qua những điều này, và tôi cũng có niệm đầu muốn rời khỏi hạng mục. Nhưng mỗi lần đó tôi lại đặt việc tu luyện của mình dựa trên Pháp, tôi nhận ra rằng điều khiến tôi dao động hoặc là do những tâm chấp trước của bản thân, hoặc là do can nhiễu của Cựu thế lực, hoặc do an bài của Sư phụ dành cho tôi để tôi có cơ hội đề cao.

Chính lại những điều thiếu sót

Khi lần đầu tôi bắt đầu làm ở đài phát thanh vào năm 2015, tôi thực sự không quen với cách mà hệ thống vận hành. Tôi nhận ra rằng một số bộ phận nhất định đã không được quy định trách nhiệm một cách rõ ràng, và người có chuyên môn thì không hẳn là cần thiết. Khi quan sát hệ thống, có thể thấy rõ là có nhiều phần việc thì ai làm cũng được, vì năng lực chuyên ngành thì không phải là vấn đề. Tương tự như thế, bộ phận nào làm nhiệm vụ gì cũng không được định ra rõ ràng.

Khi được thuê, tôi đã từng làm cho một công ty niêm yết công khai, đã xây dựng được hệ thống quản lý. Vì có kinh nghiệm trong công việc và đã kinh qua làm quản lý nên tôi rất khó có thể chấp nhận được môi trường như vậy. Nhưng vì tôi vừa chuyển đến từ Trung Quốc Đại lục nên tôi nhận ra rằng đây là một thế giới truyền thông khác hẳn. Tôi không sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ của mình. Sau đó tôi đã đưa ra vài ý kiến nhưng chẳng có gì thực sự thay đổi cả. Dần dần tôi trở nên thụ động và tiêu cực, người quản lý của tôi đã nhận ra điều này. Do ít trao đổi thông tin qua lại nên tôi dần giữ khoảng cách với người quản lý của mình và việc đi làm trở nên khổ cực – tôi đã muốn rời đi.

Sư phụ giảng:

“Thực ra, làm đệ tử Đại Pháp, lúc ấy nếu niệm ngay chính, điều nghĩ đến là tu luyện, là có trách nhiệm, là nên làm thật tốt, thì chư vị nên âm thầm khiến cho chỗ mà chư vị cảm thấy chưa hoàn thiện làm nó thực thi cho tốt, đó mới là điều đệ tử Đại Pháp nên làm. Nếu các đệ tử Đại Pháp đều có thể thực hiện như thế, thì việc gì cũng nhất định sẽ làm được hết sức tốt đẹp.” (“Tinh tấn hơn nữa”, Giảng Pháp tại các nơi X)

Pháp của Sư phụ đã quá rõ ràng và nhắm thẳng. Đoạn Pháp đó đã giúp tôi nhận ra rằng tôi phải đối diện với những vấn đề của mình, và làm những điều mà tôi nên làm. Tôi nghĩ rằng ở một công ty bình thường, nếu trách nhiệm không được phân công rõ ra thì không ai đảm trách cả. Nếu trách nhiệm của các bộ phận khác nhau mà không được quy định cụ thể thì những bộ phận liên quan sẽ tranh cãi lớn. Tuy nhiên, trong một hạng mục Đại Pháp thì ngay cả khi bộ phận quản lý không nêu rõ trách nhiệm thì các học viên khác sẽ chỉ âm thầm đi thực hiện những thay đổi cần thiết. Tại sao tôi lại càu nhàu về việc đó chứ? Phải chăng tôi sợ phải làm quá nhiều và vì thế cảm thấy bất bình? Có phải chính tâm tự tư của tôi đã làm cho những ý kiến của tôi thường xuyên không được chấp nhận?

Sư phụ giảng:

“Như mọi người đã biết, [khi đã] đạt đến tầng La Hán, [thì] gặp sự việc gì cũng không để trong tâm, hết thảy những sự việc nơi người thường đều hoàn toàn không để tâm, đều là vui vẻ thoải mái; chịu thiệt thòi lớn đến mấy, vẫn cứ vui vẻ thoải mái.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Các học viên Pháp Luân Đại Pháp đang trợ Sư chính Pháp, và sẽ đạt được quả vị cao hơn. Sao tôi lại có thể bị ảnh hưởng bởi những việc kiểu như thế này được chứ? Thậm chí nếu có vấn đề thì tôi vẫn nên tìm kiếm thiếu sót của bản thân, và đề cao trong tu luyện. Kể từ đó, tôi luôn đưa ra những kiến nghị. Khi những kiến nghị của tôi không được chấp nhận thì tôi cũng không để tâm, mà sẽ tận lực làm cho tốt những gì mình có thể làm. Dĩ nhiên, vẫn có những mâu thuẫn, và những quan niệm người thường của tôi nổi lên, nhưng nhờ có Pháp của Sư phụ mà tôi có thể nhanh chóng vượt qua những khổ nạn đó.

Vài năm trước tôi cũng thường xuyên muốn nghỉ việc, vì tôi vẫn bị dẫn động bởi cách mà một vài học viên hành xử. Tôi cảm thấy như thể vài học viên không thể buông bỏ được những văn hóa đảng vốn bị Đảng Cộng sản Trung Quốc nhồi nhét. Dường như vài học viên không thể phân biệt được đúng sai. Cũng có vẻ như vài học viên đã không nói chuyện với tôi. Càng nghĩ về điều đó tôi càng tức giận. Nó đã lên đến mức mà tôi thậm chí còn không thể làm việc với họ được nữa. Khi tôi chia sẻ điều này với một đồng tu thân thiết với tôi thì cô ấy nói rằng: “Chúng ta đã tu luyện rất nhiều năm và con đường tu luyện sắp kết thúc rồi. Hầu hết những điều bình thường không thể làm chúng ta dẫn động được nữa. Nếu không có những mâu thuẫn từ các học viên khác thì bạn tu luyện thế nào đây?” Thực ra tại sao tôi không nhận ra rằng chính tôi mới là người cần phải tu chứ? Cụm từ “đồng tu” có nghĩa là chúng ta cùng tu luyện Đại Pháp, và tu luyện cùng với nhau. Chẳng phải hành xử của họ giúp tôi tu luyện và đề cao sao? Tại sao tôi luôn tập trung vào những thiếu sót của người khác mà không dùng chúng như chiếc gương phản chiếu để tìm ra vấn đề của bản thân mình chứ? Bên cạnh đó, có phải tôi vẫn bám giữ lấy những thứ của văn hóa Đảng không?

Khi những người khác đối xử tệ với tôi, chẳng phải đó là do tôi đã vô thức mà làm tổn thương họ sao? Tại sao tôi không thể chân thành chỉ ra những thiếu sót của họ, và chia sẻ với họ được chứ? Kể cả nếu họ từ chối thay đổi, tại sao tôi không thể từ bi hơn và bình tĩnh làm việc với họ? Là học viên Đại Pháp, chúng ta sẽ trở thành Thần ở cao tầng và ở cảnh giới cao hơn, dung nhẫn hơn nữa là cần thiết. Hơn thế nữa, ở các không gian khác và các tầng thứ khác thì đều có những sinh mệnh với các đặc tính khác nhau. Tôi không nên dùng tiêu chuẩn của mình, cái mà không nhất định là đúng, để đo lường người khác.

Các học viên là một chỉnh thể

Sư phụ đã tiết lộ cấu trúc của vũ trụ. Từ đó tôi nhận ra rằng tất cả các học viên là một chỉnh thể. Đây không chỉ là một khái niệm mà thực sự là một kết cấu vật chất. Chúng ta là một chỉnh thể bao dung lẫn nhau. Vì thế chúng ta tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu việc tu luyện của chúng ta không đạt chuẩn thì điều này sẽ khiến vũ trụ và chúng sinh ở trong vũ trụ đó tàn khuyết bất toàn.

Khi ngộ ra điều này, tôi cảm thấy thanh thản. Sau đó tôi nói chuyện với một học viên khác, người mà trước đây tôi có một chút mâu thuẫn. Chúng tôi có thể hóa giải được rất nhiều hiểu lầm. Một vài vấn đề chỉ là do những yếu tố tu luyện, và do những niệm đầu không chính của tôi. Khi tôi có thể hướng nội dựa trên Pháp, và buông bỏ định kiến của mình, những mâu thuẫn và gián cách này đã biến mất, và chúng tôi hòa hợp với nhau rất tốt.

Khi gặp phải những mâu thuẫn khác tưởng như không thể vượt qua, tôi sẽ tự nhủ rằng chắc hẳn có điều gì đó mà tôi đã làm không tốt. Tôi hiểu rằng sẽ luôn có những khổ nạn và thách thức mới, vì chúng ta phải tiếp tục ngộ, tiếp tục tu và tiếp tục đề cao.

Tu luyện vững chắc

Qua các trải nghiệm trong những năm vừa rồi, tôi phát hiện rằng tâm thái của chúng ta trong khi làm hạng mục Đại Pháp là rất quan trọng. Tôi tự hỏi: “Tại sao mình lại chọn làm cho một hạng mục Đại Pháp?” Tôi biết rằng đó là một kênh để giảng chân tướng Đại Pháp, và thức tỉnh lương tri của chúng sinh. Miễn là chúng ta có thể kiên trì ở điểm này thì chúng ta sẽ ít bị can nhiễu bởi quan niệm người thường và các chấp trước.

Cùng lúc đó, tôi nhận ra rằng chúng ta phải tìm chấp trước của bản thân. Trước đây, tôi cũng dựa dẫm vào hạng mục Đại Pháp, dùng hạng mục Đại Pháp như một chiếc ô bảo hộ. Nhưng trên thực tế, thậm chí nếu tôi đang làm rất nhiều việc mà không tu luyện vững chắc và đồng hóa với Pháp thì vô lượng chúng sinh do tôi đại biểu sẽ không được cứu và sẽ không trở thành một phần của vũ trụ mới. Làm việc cho hạng mục là một hình thức cứu độ chúng sinh, nhưng chúng ta vẫn phải tu luyện bản thân vững chắc, đồng hóa với Pháp, đây mới là căn bản của tu luyện.

Sau đó, cuối cùng tôi có thể đặt tâm thái của mình đúng vị trí trong khi tham gia hạng mục. Tôi thường dùng Pháp của Sư phụ để khích lệ bản thân.

Sư phụ giảng:

“Những việc chư vị làm ấy bản thân [chúng] không phải tu luyện. Chư vị mở công ty cũng vậy, hạng mục Đại Pháp của chư vị cũng vậy, chư vị làm gì đó cũng vậy, bản thân những cái đó không phải tu luyện; nhưng thái độ chư vị làm việc, đối đãi vấn đề này và giải quyết vấn đề kia như thế nào, dùng tiêu chuẩn đệ tử Đại Pháp người tu luyện mà đối đãi chúng và xử lý chúng cho tốt, thì đó là tu luyện!” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)

Đột phá quan nghiệp bệnh bằng chính niệm

Thật may mắn rằng tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp khi còn nhỏ với bố mẹ, và vì thế tôi không có quan niệm người thường về nghiệp bệnh. Trong 20 năm qua tôi gần như chưa bao giờ phải chịu nghiệp bệnh. Nhưng tôi đã trải qua hai khổ nạn rất lớn trong năm ngoái. Từ những trải nghiệm này, tôi phát hiện ra vài quan niệm và một vài vấn đề ẩn giấu rất sâu.

Trải nghiệm đầu tiên xảy ra 6 tháng trước. Tôi thức dậy vào buổi sáng và bị tiền đình – mọi thứ quay vòng vòng. Chân và bàn chân của tôi thì không bị sao nhưng tôi không thể đứng vững được. Tôi đã cố đứng lên vài lần và mỗi lần như thế thì tôi đều ngã xuống sàn nhà. Niệm đầu đầu tiên của tôi là những lời dạy của Sư phụ trong Chuyển Pháp Luân.

Sư phụ giảng:

“Lấy thí dụ, hồi tôi giảng bài ở Trường Xuân, có một cá nhân căn cơ rất tốt, quả là một khối nguyên liệu [tốt], tôi cũng để mắt đến anh này. Bèn để nạn của anh ta hơi lớn hơn một chút, để anh ta hoàn trả nhanh hơn, để anh ta khai công, tôi chuẩn bị làm như vậy.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Khi nghĩ đến đoạn Pháp này, tôi thậm chí còn hơi hưng phấn và nghĩ rằng Sư phụ đang giúp tôi loại bỏ một khối lớn nghiệp lực. Sau đó, tôi nghĩ đến việc xin nghỉ phép. Nhưng ngay khi tôi có niệm đầu đó, thì trạng thái chóng mặt của tôi càng tệ hơn. Tôi cảm thấy như mình sắp sửa bị bất tỉnh nhân sự và thở rất khó khăn. Tôi rất sốc. Tôi nhận ra rằng đây là thời kỳ Chính Pháp, và an bài của Sư phụ cho chúng ta tiêu nghiệp sẽ không ảnh hưởng đến chuyện chúng ta làm ba việc. Vì thế, đây chắc chắn là can nhiễu và bức hại của cựu thế lực và tà ác!

Tôi ngồi trên giường và phát chính niệm khoảng 30 phút. Tôi cảm thấy tâm trí mình trở nên thanh tỉnh hơn và tôi có thể thở được. Sau đó tôi lại có một niệm là xin sếp nghỉ phép. Nhưng ngay khi tôi lấy điện thoại ra thì tôi nhớ đến bài chia sẻ của một đồng tu vài ngày trước đó. Cô ấy và chồng mình cùng lúc trải qua ma nạn. Họ bị các cục sưng và các nốt rộp khắp thân thể, chúng rất đau và ngứa. Nó tồi tệ đến mức khiến họ không thể ngủ được. Nhưng mỗi người đều có một cách khác nhau để xử lý tình huống này. Người vợ chính niệm phủ định các triệu chứng, mặc quần áo cao cổ và dài tay để che các cục sưng và nốt rộp, rồi đi làm, cho dù rất đau và ngứa. Các cục sưng và nốt rộp đã nhanh chóng biến mất. Ngược lại thì chồng cô đã xin nghỉ làm và nghỉ ngơi ở nhà. Các cục sưng và nốt rộp cứ ở đó trong thời gian dài và khá là đau. Học viên đó nói rằng nếu chúng ta muốn phủ định giả tướng nghiệp bệnh thì chúng ta không nên bị dẫn động bởi nó và chúng ta phải tiếp tục làm những gì mà bình thường chúng ta vẫn làm. Chúng ta cần phải phủ định nó bằng hành động của mình.

Ngay khi tôi nhớ đến câu chuyện của học viên đó thì tôi đứng dậy và sẵn sàng đi làm. Dù vẫn cảm thấy chóng mặt, nhưng tôi lại cảm thấy tốt hơn. Tôi làm việc như thường nhật, và bình phục trong hai ngày. Sau sự việc này, tôi cảm ơn chia sẻ của đồng tu đó. Nó thực sự đã giúp tôi tìm thấy chính niệm vào lúc then chốt.

Tôi cũng nghĩ về việc tại sao tôi lại gặp phải khổ nạn này. Trước kia không lâu, tôi nghe có một học viên ở khu vực khác đã qua đời vì nghiệp bệnh. Thay vì cảm thấy buồn hoặc đáng tiếc cho việc đó thì tôi lại có tư tưởng phụ diện ẩn sâu – có thể đồng tu đó đã không có đầy đủ chính niệm. Đó là một niệm đầu rất bảo thủ và đầy những cảm giác tự mãn cá nhân, như thể nếu là tôi thì tôi sẽ có thể vượt qua được quan đó. Điều này đã cho cựu thế lực cơ hội lợi dụng tôi, và chúng ngay lập tức cưỡng ép lên tôi một quan chí tử.

Khi các triệu chứng này lần đầu xuất hiện, mặc dù dường như tôi đối đãi với nó bằng chính niệm và coi nó như là tiêu nghiệp thay vì là bệnh tật, tôi không hề nghĩ đến phủ định nó hoàn toàn. Vì thế nó ngày càng tồi tệ. Sau khi bản thân trải nghiệm điều này thì tôi nhận ra rằng thực ra nghiệp bệnh có thể biểu hiện một cách mãnh liệt, và sinh tử sẽ chỉ phụ thuộc vào một niệm mà thôi. Chỉ bằng một niệm đầu sai mà có thể dẫn đến hậu quả tồi tệ nhất. Tôi cũng nhận ra rằng chúng ta không nên phán xét các đồng tu. Chúng ta chỉ nên giúp đỡ lẫn nhau bằng chính niệm.

Một quan nghiệp bệnh khác đã xảy ra vào cuối tháng 2 năm nay. Một buổi chiều khi tôi vẫn ở công sở, thì tôi bị sốt. Tôi vẫn làm việc và nó càng tồi tệ hơn khi tôi về đến nhà. Cơn sốt kéo dài trong vài ngày. Tôi bị ho khan liên tục và gần như bị mất giọng. Có những lúc tôi đã không thể làm việc được. Tôi nhận ra rằng đó là một khổ nạn khác mà cựu thế lực đã cưỡng ép lên tôi. Nhưng tôi biết rằng tôi phải học Pháp, luyện công và hướng nội.

Chú ý từng tư từng niệm là rất quan trọng

Việc này xảy ra khi vi-rut Trung cộng lan ra toàn Trung Quốc, và nước Mỹ từ chối cho những người quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh. Hàng ngày tôi đưa tin này và một cách vô thức, tôi dần hình thành một số quan niệm người thường. Thấy nhiều người Trung Quốc mua khẩu trang và gửi về Trung Quốc, tôi cũng làm như vậy. Một vài học viên khác cũng làm thế nhưng họ gửi cho người thân là người thường trong gia đình, còn tôi lại gửi cho một đồng tu là mẹ của tôi. Mẹ tôi rất tinh tấn, và tôi biết bà vẫn sẽ đi ra ngoài giảng chân tướng, vì thế tôi liên tục nhắc bà đeo khẩu trang. Trên bề mặt thì tôi khuyên bà phù hợp với xã hội người thường, nhưng thực tế thì tôi lo bà vị nhiễm vi-rut. Mặc dù tôi biết bà có chính niệm mạnh mẽ, tôi cứ nghĩ “đề phòng trường hợp”. Hồi đó có rất ít ca nhiễm vi-rut ở Mỹ, nhưng tôi cũng bảo chồng tôi đeo khẩu trang. Tôi nghĩ rằng vì anh mới bắt đầu tu luyện Đại Pháp, và thỉnh thoảng anh không có chính niệm mạnh mẽ, thế thì “đề phòng trường hợp.”

Sau đó tôi thấy rằng đằng sau suy nghĩ “để phòng trường hợp” này là có tâm sợ hãi gia đình mình bị nhiễm Vi-rut Trung Cộng. Sâu thẳm trong tâm tôi không tin rằng các thành viên gia đình mình miễn nhiễm với vi-rut, mặc dù họ là học viên Đại Pháp. Đó chẳng phải là không tín Sư tín Pháp hay sao? Cựu thế lực chắc chắn sẽ lợi dụng điều này. Khi nghĩ lại, tôi nhớ bất cứ khi nào tôi nhìn thấy tin tức về việc vi-rut lây lan ở những nơi khác thì tôi luôn cảm thấy phấn khích vì tôi sẽ có gì đó để viết. Tôi quên rằng tôi đang viết tin để cứu độ chúng sinh, và không đơn thuần chỉ vì việc viết tin tức mà thôi.

Cả hai khổ nạn này đều là do những niệm đầu ẩn dấu của tôi không phù hợp với Pháp. Từ những việc này tôi nhận ra rằng chú ý từng tư từng niệm đang diễn ra trong tâm trí mình là rất quan trọng. Tôi cũng thấy việc hướng nội thậm chí còn quan trọng hơn.

Sư phụ giảng:

“Chính Pháp mười năm, tái tạo càn khôn, cứu độ vô lượng chúng sinh khỏi bị hoại diệt, khai sáng vô lượng đại khung, vô lượng trí huệ của Pháp lý viên dung bất diệt. Đây là Phúc cho chúng sinh, là uy đức của đồ đệ Đại Pháp.” (“Phúc của Đại Pháp”, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

Khi lần đầu học đoạn Pháp này, tôi chỉ thể ngộ được trên bề mặt là: Đại Pháp đã khai sáng vô lượng đại khung, vô lượng trí huệ của Pháp lý viên dung bất diệt. Nhưng tại sao nó lại bất diệt? Thể ngộ gần đây của tôi rằng đó là do phương thức “hướng nội.”

Vũ trụ của chúng ta nguyên đã đi vào giai đoạn hoại diệt, nhưng Sư phụ từ bi của chúng ta đã Chính Pháp, và tiết lộ cho chúng ta Pháp căn bản của vũ trụ. Sau đó, chúng ta có thể đo lường bản thân mình dựa trên Pháp và hướng nội, tiếp tục quy chính bản thân và đồng hóa với Pháp. Chúng ta có thể cứu độ chúng sinh trong phần vũ trụ mà chúng ta đại biểu. Đây là uy đức của đệ tử Đại Pháp.

Sau khi Chính Pháp, mỗi tầng vũ trụ sẽ dùng các pháp lý của Đại Pháp do Sư phụ đặt định để làm tiêu chuẩn. Tất cả các chúng sinh có thể dùng Pháp đo lường bản thân họ để tìm ra thiếu sót của mình, và tiếp tục quy chính bản thân họ. Bằng cách này, vũ trụ mới sẽ không còn bị hoại nữa và sẽ trường tồn vĩnh cửu.

Tạ ơn Sư phụ, và cảm ơn các bạn đồng tu!

(Bài chia sẻ được trình bày tại Buổi chia sẻ giao lưu tâm đắc thể hội Đài phát thanh Hy vọng 2020)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/22/407955.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/5/185754.html

Đăng ngày 17-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share