Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 29-06-2020] Bà Tôn Trì Quý, một giáo viên về hưu đã có được cuộc đời mới sau khi tu luyện Pháp Luân Công đã phải trải qua một thách thức lớn vì kiên định đức tin của mình. Chồng bà Tôn đã ly hôn bà và đá bà ra khỏi nhà sau khi bà bị bắt giữ lần đầu vào năm 2000. Người phụ nữ 71 tuổi này bị bắt giữ thêm một vài lần nữa vào những năm sau đó khiến bà hai lần bị cưỡng bức lao động và một lần bị cầm tù.
Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là một pháp môn tu luyện cổ xưa đã bị Chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Bà Tôn là một giáo viên nghỉ hưu của Trường Đào tạo huyện Di Lương ở thành phố Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam. Bị mắc hơn 10 căn bệnh khiến bà phải nghỉ việc dài hạn từ năm 1997. Đến đầu năm 1998, bà đã dùng hết số tiền tiết kiệm của gia đình cho chi phí thuốc men, nhưng lại bị liệt phía bên phải người. Không thể chịu đựng được khó khăn về tài chính và rắc rối về sức khỏe, bà nhiều lần đã nghĩ tới việc tự tử để kết thúc cuộc đời.
Cuộc đời của bà đã thay đổi khi bà biết đến Pháp Luân Công vào tháng 5 năm 1998. Trong vòng ba tháng tu luyện, bà trở nên khỏe mạnh. Đến tháng 3 năm 1999, bà hồi phục hoàn toàn và quay trở lại với công việc.
Tháng 7 năm 1999, cuộc bức hại bắt đầu và vẫn còn tiếp diễn cho tới ngày hôm nay. Bà Tôn chưa từng dao động niềm tin của mình mặc dù phải trải qua vô số khổ nạn do cuộc bức hại gây ra.
Gia đình tan vỡ
Tháng 11 năm 2000, bà Tôn bị bắt giữ và bà từ chối từ bỏ đức tin của mình theo yêu cầu của cảnh sát.
Chồng bà là một viên chức cảnh sát, ông đã trình đơn ly hôn bà để tránh bị liên lụy trong cuộc bức hại. Tòa án đã phê chuẩn đơn ly hôn mà không được sự đồng ý của bà Tôn và trao con trai của họ cùng toàn bộ tài sản bao gồm cả nơi ở cho chồng bà.
Bà Tôn phải thuê một căn hộ để sinh sống. Cảnh sát theo dõi bà và thường xuyên đến nhà sách nhiễu và đe dọa bà.
Một buổi sáng vào tháng 11 năm 2001, sau khi phát hiện một người thân tới thăm bà, cảnh sát đã đập cửa nhà của bà Tôn. Bà từ chối mở cửa, nhưng cảnh sát liên tục quay lại sau mỗi giờ. Thậm chí họ còn đưa cả chồng cũ của bà tới. Sau 6 giờ tối họ mới để bà được yên một mình. Cả ngày hôm đó, bà rất kinh hãi, bệnh tim của bà được trị khỏi nhờ tu luyện Pháp Luân Công lại tái phát. Bà khụy xuống và nằm liệt giường trong vài tháng.
Ba năm lao động cưỡng bức
Ngày 3 tháng 3 năm 2003, hơn 10 cảnh sát của Đội An ninh Nội địa huyện Di Lương xông vào nhà của bà Tôn. Họ đẩy bà xuống ghế sofa và lục soát nhà bà. Sau khi tịch thu tất cả tài liệu Pháp Luân Công gồm có áp phích, sách, audio, video và các tài sản cá nhân trị giá hơn 5.000 nhân dân tệ, họ đưa bà tới sở cảnh sát địa phương.
Cảnh sát thẩm vấn bà hơn một tuần và bà từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào của họ. Họ triệu tập và thẩm vấn con trai bà, họ cáo buộc rằng con trai bà học chuyên ngành máy tính ở trường đại học nên anh ấy có thể giúp bà Tôn in tài liệu Pháp Luân Công.
Để miệt thị và làm nhục bà, cảnh sát diễu hành bà trên đường phố. Đài truyền hình địa phương ghi hình và phát sóng.
Sau hai tháng giam giữ, bà Tôn bị kết án ba năm lao động cưỡng bức và bị đưa tới Trại lao động Cưỡng bức Nữ Thành phố Côn Minh.
Bà Tôn bị tẩy não hơn 10 tiếng mỗi ngày và thường bị buộc phải viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Sau chưa đầy sáu tháng trong trại lao động, nhiều bệnh cũ của bà lại tái phát và bà trở nên vô cùng yếu. Bệnh rò hậu môn của bà nhanh chóng xấu đi và cần phải phẫu thuật. Nên bà được tại ngoại để điều trị y tế.
Trước khi bà hồi phục hoàn toàn, bà bị buộc phải quay lại trại lao động vào tháng 4 năm 2004. Bà được trả tự do vào ngày 16 tháng 12 năm 2005.
Buộc phải rời khỏi nhà
Quan chức của Phòng 610 huyện Di Lương và cảnh sát của Đội An ninh Nội địa thường tới nhà bà Tôn hoặc nơi làm việc để sách nhiễu bà. Họ còn sách nhiễu con trai của bà và yêu cầu anh trình báo nơi ở của mẹ mình. Nó rất khó khăn cho anh để vượt qua được áp lực.
Để tránh bị sách nhiễu và giảm áp lực cho con trai, bà Tôn phải rời khỏi nhà vào tháng 10 năm 2006.
Tuy nhiên, cảnh sát đã tới nhà người thân của bà, thậm chí cả những người sống ở thành phố khác để tìm bà. Họ buộc con trai bà phải mở cửa nhà để lục soát trong khi bà đi vắng. Họ thậm chí yêu cầu trường học nơi bà làm việc trợ giúp để tìm nơi bà đang ở và ra lệnh cho họ ngừng cấp lương hưu cho bà.
Lao động cưỡng bức lần hai
Cuối cùng cảnh sát cũng tìm thấy bà Tôn ở Côn Minh, một thành phố cách Chiêu Thông hơn 100km. Ngày 9 tháng 9 năm 2007, cảnh sát ở Côn Minh xông vào nơi tạm chú của bà Tôn. Họ lục soát nơi ở và bắt giữ bà. Ba ngày sau, họ đưa bà quay lại huyện Di Lương và giam giữ bà ở Trại tạm giam.
Tháng 10 năm 2007, bà bị kết án hai năm lao động cưỡng bức và một lần nữa bị đưa tới Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Thành phố Côn Minh.
Khi bà tới trại lao động, bà bị quản chế tại phòng giam của mình. Một tù nhân được chỉ định ở trong phòng giam để giam sát bà. Tù nhân theo dõi bà Tôn cả khi bà sử dụng nhà vệ sinh. Bà không được phép tới nhà ăn để mua đồ ăn và chỉ được phép tắm hai lần một tháng và giặt đồ 30 phút mỗi lần.
Tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát bà Tôn nói với bà rằng: “Tôi biết bà, những học viên Pháp Luân Công là người tốt. Nhưng tôi không thể đối xử tốt với bà, nếu không thời hạn của tôi sẽ bị kéo dài. Con gái ba tuổi của tôi đang đợi tôi quay về nhà. Đó là lính canh yêu cầu tôi lăng mạ bà. Khi tôi phải lăng mạ bà, bà cứ coi như đó là những lời nói vô nghĩa nhé.”
Tại thời điểm đó, bà bị buộc phải xem và nghe tài liệu lăng mạ Pháp Luân Công hơn 10 giờ mỗi ngày. Khi bà từ chối hợp tác, bà bị phạt phải đứng cả ngày dài. Thậm chí cả khi bà đang ngủ, lính canh cũng không cho phép bà tắt đèn hay che mặt bằng một thứ gì đó. Họ sợ bà sẽ luyện bài thiền định của Pháp Luân Công trong bóng tối.
Sau đó sáu tháng, lính canh ra lệnh cho bà làm việc không lương hơn 12 giờ mỗi ngày. Bà phải mang công việc về phòng sau nhiều giờ nếu bà không hoàn thành sản lượng. Các ngón tay của bà bị biến dạng và đau nhức vào ban đêm, thị lực của bà suy giảm nghiêm trọng. Triệu chứng bệnh cũ của bà bắt đầu xuất hiện.
Ngày 20 tháng 5 năm 2009, bà được trả tự do.
Tra tấn và kết án bí mật
Sau khi bà Tôn quay trở về nhà, bà bị buộc phải mang điện thoại cả ngày lẫn đêm để cảnh sát có thể theo dõi bà. Cảnh sát sách nhiễu hàng xóm của bà và ra lệnh cho họ hỗ trợ theo dõi bà.
Ngày 13 tháng 3 năm 2012, bà Tôn tới nhà anh họ của mình. Ngày hôm sau, khi bà đang đi xe buýt về nhà thì cảnh sát chặn xe buýt và lôi bà xuống. Bà bị đưa tới Cục Công an Chiêu Dương và bị lục soát toàn thân cả trong giày lẫn tất. Khi bà từ chối hợp tác, một cảnh sát dẫm lên chân bà.
Sau khi lập biên bản thẩm vấn, cảnh sát đưa bà tới trại tạm giam khu Chiêu Dương vào khoảng 6 giờ tối cùng ngày. Sau khi trại tạm giam tiếp nhận bà, lính canh lục soát cơ thể bà một lần nữa.
Ngay sau khi bà tới, họ đã buộc bà phải lao động. Vì quá mệt mỏi để làm việc, bà bị bỏ lại trong một khu đất trống với đôi chân trần. Trời mưa và lạnh, quần áo bà bị rách và gần như không che được thân thể cho bà.
Bởi bà Tôn từ chối từ bỏ đức tin của mình và bà không thể hoàn thành sản lượng, nên tất cả các tù nhân trong phòng không cho bà ăn sáng và chỉ cho bà ăn ngô.
Ngày 18 tháng 3, sau khi bà tuyệt thực, lính canh quyết định tiêm tĩnh mạch cho bà. Vài tù nhân trói chặt bà vào một ghế kim loại và đeo cùm lên người bà. Sau 10 phút, cơ thể bà bắt đầu tê liệt và các đầu ngón tay bị xanh đen. Bốn giờ sau, bà bị ngất và bị kéo trở lại phòng giam khiến cho gân cơ và xương của bà bị thương. Ngày hôm sau, cơ của bà bắt đầu co giật và xương trên khắp cơ thể bị đau. Bà cảm thấy chóng mặt, hồi hộp, khó thở và không thể đi lại.
Bà Tôn yêu cầu tới bệnh viện vào ngày 10 tháng 4. Khi bà tới đó, bác sỹ trại giam đi cùng bà đưa cho bác sỹ bệnh viện báo cáo khám xét sai, báo cáo chỉ ra bà không có vấn đề sức khỏe. Bà bị đưa trở lại trại giam mà không được điều trị.
Ngày 30 tháng 8 năm 2012, bà bị xét xử bí mật trong trại giam và bị Tòa án khu Chiêu Dương kết án ba năm tù cùng với bốn năm quản chế.
Con trai bà đưa bà về nhà cùng ngày. Bà rất yếu và cần người dìu đi. Bà chỉ nặng có 31kg, sụt 22kg trong năm tháng giam giữ.
Trong thời gian giam giữ, cảnh sát, đặc vụ Phòng 610, quan chức của trường học và Cục Giáo dục huyện Di Lương tới gặp bà trong trại tạm giam và đe dọa sẽ kết án bà thật nặng và đình chỉ lương hưu của bà nếu bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Bà Tôn từ chối tất cả những yêu cầu của họ.
Sau khi được trả tự do, cảnh sát yêu cầu con trai bà trình báo nơi bà đang ở. Họ còn sách nhiễu bà tại nhà. Trong trận động đất vào tháng 9 năm 2012, khi bà ở bên ngoài, cảnh sát theo dõi bà mọi nơi, thậm chí cả trong nhà vệ sinh. Cảnh sát còn tra hỏi hàng xóm về hoạt động của bà và làm tổn hại danh tiếng của bà ở trong khu dân cư.
Đánh đập và bỏ lại trên núi
Ngày 7 tháng 4 năm 2015, bà Tôn bị tố cáo với chính quyền vì phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công và cuộc bức hại tại một thôn miền núi ở thị trấn Tiểu Thảo Bá.
Khoảng 9 giờ sáng, Tả Triêu Kiếm, trưởng đồn công an thị trấn và các cảnh sát khác bắt giữ bà và tịch thu ví của bà. Tả tát vào mặt bà nhiều lần khiến bà mất thính giác một thời gian. Cảnh sát vặn tay bà ra sau lưng và đánh cho tới khi bà bất tỉnh.
Khi bà Tôn cảm nhận được, bà nhận ra rằng họ đang kéo lê bà với đầu, thân thể và chân trên đường lầy lội và có đá trong trời mưa. Mặt của bà bị che bằng một chiếc áo khoác và có ai đó đá vào xương sườn của bà để làm bà tỉnh dậy. Họ yêu cầu bà đứng dậy và đi bởi vì đường đã quá hẹp để họ có thể kéo bà.
Nhưng bà quá yếu để có thể tự đi. Họ cố tình để bà ngã xuống đường nhiều lần. Tả đe dọa sẽ ném bà vào vách đá. Cuối cùng họ đã để bà mắc kẹt ở lại đó. Khi bà yêu cầu đồ đạc của mình trước khi họ rời đi. Họ yêu cầu bà tới đồn công an.
Bà Tôn dầm mình trong mưa. Gót giày bị rách, quần áo bị xé, chân chảy máu và toàn thân bê bết bùn. Trên đầu bà còn bị ba vết sưng to. Bà không thể đứng dậy và nằm trên mặt đất run rẩy. Một giờ sau, một cảnh sát quay lại kiểm tra bà. Nhìn thấy bà vẫn sống, anh ta rời đi.
Bà Tôn buộc mình từ từ leo lên ngọn núi. Sau đó vài giờ, bà tới một ngôi chùa ở trên đỉnh núi. Các sư cô đưa bà vào trong chùa và chăm sóc bà. Họ nói với bà rằng cảnh sát đã ngăn cản và yêu cầu họ không được giúp đỡ nếu họ nhìn thấy bà.
Sáng hôm sau, bà Tôn xuống núi bằng một chiếc gậy chống. Bà tới đồn công an để yêu cầu trả lại tài sản cá nhân của mình. Tuy nhiên, bốn cảnh sát bê bà ra ngoài và ném bà xuống đường.
Cuối cùng bà cũng lấy lại được ví của mình vào ngày hôm sau.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/29/408240.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/20/185950.html
Đăng ngày 14-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.