Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại Nhật Bản

[MINH HUỆ 13-06-2020] Gần đây khi nhìn lại bản thân và trong quá trình giao lưu với các đồng tu, tôi nhận thấy rằng có rất nhiều học viên, kể cả các học viên lâu năm, đều không làm triệt để việc hướng nội tìm tu bỏ chấp trước, dẫn đến việc chấp trước bị dung túng, không được trừ bỏ một cách thiết thực. Dưới đây tôi xin chia sẻ về một vài trường hợp nhìn bề ngoài giống như đang tu bản thân nhưng thực ra chưa hề hoặc chưa triệt để tu tâm và từ bỏ chấp trước.

Có một đồng tu gặp chuyện mâu thuẫn, cô ấy cảm thấy tổn thương và phàn nàn về điều này. Sau đó cô ấy nhận ra rằng mình cần phải xem lại bản thân. Cô ấy hướng nội và nhận ra điều đã khiến cô cảm thấy khó chịu và loại bỏ nó đi. Cô ấy cảm thấy dễ chịu hơn và nghĩ rằng đã loại bỏ được chấp trước ấy rồi. Nó có thể như vậy ở bề mặt, nhưng nếu chúng ta chưa đào sâu đến gốc rễ gây ra mâu thuẫn, thì sau đó nó có thể quay trở lại.

Một học viên khác có mâu thuẫn với người thân, anh ấy nói rằng đó là để giúp anh ấy bỏ được cái tình đối với gia đình. Theo tôi nghĩ, anh ấy có thể đã không nhận ra nhiều chấp trước khác.

Thậm chí một số học viên khi xảy ra mâu thuẫn còn cho rằng mình đang duy hộ Đại Pháp, còn đối phương là người đang can nhiễu Đại Pháp, do đó họ không đối diện với chấp trước của bản thân, không thực sự nhìn lại bản thân xem có chỗ làm làm chưa tốt mà khiến cho người khác đối xử với mình như vậy.

Sư phụ đã giảng:

“Thực ra, những quan mà chư vị vượt qua, chính là để trừ bỏ ma tính của chư vị! Nhưng chư vị hết lần này lần khác dùng các loại cớ hoặc dùng Đại Pháp để che đậy đi, tâm tính không đạt được đề cao, bỏ lỡ cơ hội hết lần này lần khác.“

“Chư vị biết chăng? Chừng nào chư vị là một người tu luyện, bất kể là ở hoàn cảnh hoặc bất kể tình huống nào, thì tất cả những việc rắc rối và không vui gặp phải, thậm chí cả công tác vì Đại Pháp nữa, dẫu chư vị nhận thức rằng đó là việc tốt đến mấy, việc thần thánh đến mấy, tôi thảy đều lợi dụng để trừ bỏ tâm chấp trước của chư vị, bộc lộ ma tính của chư vị, và trừ bỏ nó đi. Bởi vì sự đề cao của chư vị mới là chủ yếu bậc nhất” (Nhận thức tiếp nữa, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Sư phụ còn nói rõ hơn trong một bài giảng khác:

“Tất cả những sự tình gặp phải chính là để xem chư vị có thể coi mình là một người tu luyện hay không, để mà tìm xem bản thân chư vị sai chỗ nào, không đúng chỗ nào. Chư vị có thể coi bản thân là một người tu luyện mà đối đãi không, mọi người hãy nhớ kỹ câu này của tôi: Chư vị thực sự có thể coi bản thân là một người tu luyện, chư vị gặp phải sự tình gì – rắc rối gì, việc khiến chư vị trong lòng không vui nào, bất kể trên bề mặt chư vị đúng hay không, chư vị đều phải tìm xem nguyên nhân của bản thân; có phải về những vấn đề này mình có cái động cơ ấy mà rất không dễ nhận ra là sai hay không? Nếu như người tu luyện mà chỉ là buông bỏ được trên bề mặt, nhưng khi bên trong nội tâm vẫn còn bảo thủ – cố chấp một thứ gì, cố chấp vào cái lợi ích bản chất nhất kia của chính chư vị mà không để người gây tổn hại, tôi bảo cho mọi người, đó là tu luyện giả! Nội tâm của chính chư vị mà không động, thì một bước chư vị cũng không thể đề cao nổi, đó là đánh lừa chính mình. Chỉ có là chư vị thực sự đề cao từ nội tâm, chư vị mới là đề cao thực sự. Cho nên mọi người nhất thiết phải nhớ kỹ điểm này, gặp phải bất cứ sự tình gì, rắc rối gì, chuyện không vui, hay xảy ra xung đột với ai, nhất định phải xem xét chính mình, tìm chính mình, thì chư vị có thể tìm được nguyên nhân khiến vấn đề không thể giải quyết được”. (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu 1998)

Tôi đã phải mất một thời gian để học cách hướng nội và tìm ra những chấp trước căn bản của mình.

Hướng nội thực sự

Tôi nhận ra rằng tu luyện là việc tìm kiếm những động cơ đằng sau mỗi chấp trước, tự hỏi bản thân tại sao mình lại làm theo cách đó, tìm ra nguyên nhân gốc rễ và thực sự thay đổi bản thân để lần tới không mắc lại lỗi tương tự như vậy. Chỉ bằng cách đó tôi mới có thể dần dần cải biến để trở thành một người tốt hơn, cho đến khi tiến đến viên mãn.

Tôi thường nghĩ mình thực sự trân trọng việc tu luyện cá nhân và luôn cố gắng hết sức trong tu luyện. Khi gặp vấn đề hoặc mâu thuẫn, tôi thường cố gắng bảo trì tâm thái hòa ái, nhưng không phải lúc nào tôi cũng làm được như vậy. Gần đây tôi nhận ra rằng chỉ khi tôi đào sâu vào chấp trước, thì việc tu luyện của tôi mới có cải biến và đề cao một cách thực chất.

Trước đây khi tôi tìm ra một tâm chấp trước nào đó, tôi sẽ phát chính niệm trong một thời gian dài để loại bỏ nó. Tôi nhận thấy điều này chỉ có tác dụng đối với các chấp trước bề mặt chứ không phải là các chấp trước ngoan cố, ẩn sâu bên trong.

Đối với những chấp trước ngoan cố, tôi sẽ tự đặt các câu hỏi cho bản thân: “Tại sao tôi lại động tâm đối với điều này như vậy?” Câu trả lời có thể là do lỗi của người khác. Rõ ràng đó không phải là câu trả lời mà tôi chờ đợi. Tôi lại tiếp tục tìm cho đến khi tôi tìm thấy điểm mà tôi cần đề cao hoặc tu bỏ.

Nếu tôi thực sự không thể tìm ra lỗi của bản thân, tôi lại tiếp tục hỏi: “Cứ cho là tôi không làm gì sai, tại sao nó lại ảnh hưởng đến tôi nhiều như vậy? Liệu một vị thần có thể phản ứng trước những việc của người thường như vậy hay không?”

Sau khi hỏi đi hỏi lại, tôi thường tìm ra được chấp trước của mình. Tâm ích kỷ muốn bảo vệ bản thân của tôi cuối cùng cũng lộ diện. Đó là lúc tôi nhận thấy một bước đột phá trong tu luyện của tôi.

Trước đây, tôi không bao giờ nghĩ mình có vấn đề gì với những công việc nhà nhỏ nhặt. Tôi thường phàn nàn trách móc chồng hoặc con khi họ làm việc gì đó không tốt. Giờ đây tôi đã có thể dễ dàng tìm ra chấp trước của mình. Tôi nghĩ rằng tôi đang làm điều quan trọng và họ phải làm phần việc của họ để hỗ trợ tôi. Tôi đòi hỏi và tự coi mình làm trung tâm. Giờ đây, nếu tôi bận và nhà cửa cần lau dọn, tôi sẽ không còn khó chịu, thiếu kiến nhẫn và bực mình nữa. Tôi cảm thấy tĩnh tại và an hòa. Tôi sẽ làm việc nhà sau khi xong việc của mình. Tôi biết rằng đây chính là trạng thái mà người tu luyện nên đạt được.

Tôi cũng thấy rằng một số chấp trước rất khó phát hiện. Chúng có thể bị che đậy bởi các chấp trước khác khiến tôi rất khó tìm ra. Chúng khiến tôi nghĩ rằng tôi đang tu luyện tinh tấn và rằng tôi đang làm tốt mọi việc. Là một học viên lâu năm, tôi không nên quá tự tin vào bản thân. Đôi khi tôi không thể tìm ra ngay chấp trước của bản thân hoặc chúng trở nên khó có thể phân biệt và tôi có thể nghĩ rằng chúng là suy nghĩ của bản thân tôi nhưng thực ra không phải.

Vì vậy khi xảy ra mâu thuẫn, chúng ta không nên trốn tránh khỏi nó, bởi vì đó là cơ hội tốt nhất để chúng ta đề cao và tinh tấn. Tôi thấy rằng việc đề cao tâm tính thường đạt được sau khi tôi tu luyện bản thân một cách vững chắc để đạt được tiêu chuẩn.

Sư phụ giảng rằng:

“[Lý] của người tu luyện và Lý của người thường là phản [đảo] lại; con người nhìn nhận rằng thoải mái là chuyện tốt, đệ tử Đại Pháp nhìn nhận rằng con người thoải mái là việc xấu đối với [việc] đề cao; không thoải mái đối với đề cao mà giảng là việc tốt. (vỗ tay) Quan niệm căn bản này chư vị đã chuyển biến chưa?” (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco năm 2005)

Tôi không còn trốn tránh các khảo nghiệm hay khổ nạn nữa. Tôi thấy chúng là cơ hội tốt nhất mà Sư phụ trao cho tôi, và tôi cần coi trọng và giải quyết một cách ổn thỏa. Tôi cảm thấy mình thành thục hơn khi thay đổi tâm thái trước khảo nghiệm và khổ nạn. Thay vì trốn tránh và sợ hãi chúng, chúng ta nên đón nhận chúng, nắm bắt cơ hội để đột phá, nếu không sẽ rất khó để chúng ta có thể cải biến một cách thực sự việc tu luyện của mình. Hãy trân trọng cơ hội tu luyện mà Sư phụ đã an bài cho chúng ta.

Đây là thể ngộ trong tầng thứ tu luyện hiện tại của tôi, xin chỉ ra bất kỳ điều gì còn thiếu sót.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/13/多少执着心被我们保护下来了–407639.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/1/185708.html

Đăng ngày 09-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share