Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Đài Loan
[MINH HUỆ 20-03-2019] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ năm 2005, khi đang còn làm quản lý hành chính trong một công ty trò chơi điện tử.
Sư phụ đã giảng:
Những trò chơi điện tử quá hại người rồi, chúng không chỉ nhắm vào con của đệ tử Đại Pháp. Chúng rất hấp dẫn người ta, đối với người thường thì chúng gây tác hại hết sức tiêu cực, khiến chư vị không làm công tác được tốt, ngủ không ngon, nghỉ ngơi cũng không tốt, khiến chư vị mất đi tình người, khiến chư vị không quản gia đình, khiến học sinh các vị không quản việc học tập, hấp dẫn chư vị, làm chư vị đi vào trong đó, cũng tương đương với huỷ hoại nhân loại. Những người bán trò chơi điện tử vì để quảng bá chúng, vẫn không ngừng tán dương đổi mới đa dạng, chính là đưa ra, thúc đẩy rất mạnh như thế. Người ta tạo thành tội nghiệp rất lớn thì làm sao đây? Đó là làm bại hoại nhân loại. (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco 2014)
Vị trí của tôi trong công ty vừa ổn định, công việc lại tương đối nhàn, nên dù Sư phụ đã nói đến sự nguy hại của trò chơi điện tử, tôi vẫn không muốn rời đi. Trong thâm tâm tôi sợ khổ và muốn được thoải mái.
Sau khi tham dự Pháp hội New York 2016, tôi cảm thấy hổ thẹn với sự từ bi cứu độ của Sư phụ. Khi trở về nhà, tôi đã xin nghỉ việc.
Sau đó tôi quyết định tham gia kỳ thi viên chức hành chính sự nghiệp quốc doanh của Đài Loan. Chồng tôi cũng ủng hộ, bởi nếu thi đậu, tôi sẽ có thu nhập kinh tế ổn định. Bố mẹ chồng cũng rất vui vẻ, thậm chí nguyện ý hỗ trợ chi phí sinh hoạt để tôi chuyên tâm ôn luyện.
Cuối năm 2016, tôi tham gia thi lần thứ nhất và bị trượt. Bởi vì lúc đó tôi vừa mới học nên việc thi trượt là nằm trong dự liệu. Tuy nhiên, một năm sau, tôi lại trượt lần thứ hai. Tôi đã bị áp lực vô cùng lớn. Hàng tuần bố mẹ hai bên đều gọi điện hỏi thăm tiến độ học hành của tôi và qua lời nói của họ, tôi có thể cảm nhận được dường như họ nghi ngờ về khả năng tôi có thể vượt qua được kỳ thi: cảm thấy tuổi tác của tôi cũng đã lớn (lúc đó tôi 35 tuổi), có lẽ không thể học tập hiệu quả, trí nhớ không bằng người trẻ. Vào dịp Tết, chúng tôi đến thăm bố mẹ chồng, bố chồng tôi sắc mặt không vui, đôi lúc không nói chuyện với tôi và khi vừa thấy tôi có chút nhàn rỗi, ông liền bảo tôi đi đọc sách.
Lúc ấy nội tâm tôi rất nghi hoặc. Tôi đã đọc nhiều bài chia sẻ trên website Minh Huệ nói về các học viên làm tốt ba việc của đệ tử Đại Pháp thì cho dù không thể chuẩn bị nhiều vẫn có thể đạt được thứ hạng cao trong các kỳ thi. Mỗi tuần tôi đều dành rất nhiều thời gian hỗ trợ cho nền tảng gọi điện thoại giảng chân tướng, vậy tại sao không thấy kỳ tích xuất hiện đối với tôi? Hướng nội tìm, tôi phát hiện ra mình vẫn còn rất nhiều nhân tâm.
Thứ nhất tôi có tâm truy cầu rất mạnh. Tôi cảm thấy mình đang làm công tác giảng chân tướng, Sư phụ sẽ gia trì cho tôi, sẽ cho tôi thi đậu, do đó tôi đã không chăm chỉ học. Kỳ thực tôi đã đi sang cực đoan, như Sư phụ đã giảng:
Có người trong tay cầm cuốn sách của tôi, trên đường phố lớn vừa đi vừa hét to lên rằng: ‘Có Lý Sư phụ bảo hộ thì không sợ xe hơi đâm’. Đó là phá hoại Đại Pháp, sẽ không bảo hộ loại người này; thực ra các đệ tử chân tu sẽ không làm như vậy. (Sư phụ cấp gì cho học viên – Bài giảng thứ ba – Chuyển Pháp Luân)
Thứ hai, tôi không cân bằng tốt thời gian làm việc giảng chân tướng và thời gian học thi. Trong đầu luôn có tư tưởng, cần gì tốn nhiều thời gian chuẩn bị cho cuộc thi của người thường, không chừng năm nay là Pháp Chính Nhân gian? Về sau tôi mới ý thức được rằng đây cũng là một cách suy nghĩ cực đoan.
Thứ ba, mặc dù tôi nói với người nhà (không tu luyện) rằng tôi sẽ tham dự kỳ thi, nhưng tôi đã không nghiêm túc với nó. Tôi không điều phối được thời gian, nhận quá nhiều công việc giảng chân tướng. Tất cả đã tăng thêm áp lực về thời gian và kinh tế, cuối cùng khiến việc nào cũng làm không tốt.
Sư phụ đã giảng:
Đệ tử Đại Pháp trong quá trình giảng thanh chân tướng đều là lấy tiền tích luỹ của bản thân, tiền lương để làm những việc này, nhưng chư vị phải cân nhắc, suy nghĩ đến cuộc sống của riêng mình, không chỉ cân nhắc đến cuộc sống riêng của mình, mà còn phải cân nhắc tới gia đình, đến những người khác nữa. Nếu như cuộc sống gia đình không xử lý tốt, cuộc sống riêng không xử lý tốt, như thế sẽ tạo ra rất nhiều rắc rối trong quá trình giảng thanh chân tướng. Mặt khác mà nói, nếu như cuộc sống chư vị gặp khó khăn, miếng ăn cũng là vấn đề, vậy thì chư vị phải để tâm tư lo lắng vào vấn đề đó, giảng thanh chân tướng ngược lại gặp phải can nhiễu không phải sao? Vì vậy nhất định phải suy nghĩ tới vấn đề điều kiện, tâm ý của chư vị Sư phụ đã thấy rồi, hãy tuỳ theo khả năng mà làm. (Giảng Pháp trong buổi họp mặt học viên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương)
Pháp của Sư phụ đã giúp tôi nhận ra, nếu tôi sớm thi đậu, gia đình tôi sẽ có thu nhập ổn định, không còn lo lắng về vấn đề tiền bạc, tôi có thể tĩnh tâm tham gia vào các hạng mục giảng chân tướng.
Học Pháp mang lại nguồn năng lượng to lớn
Do đó, năm 2018, tôi tập trung vào việc học thi. Nhưng đối mặt với tương lai không chắc chắn, lòng tôi bất an lo lắng, tối ngủ không ngon. Mỗi khi nhìn vào sách là lại muốn ngủ, dường như rất khó đột phá. Một học viên đã hỏi thăm tình trạng của tôi. Cô ấy nói về những trải nghiệm gần đây sau khi nhẩm thuộc Pháp với các học viên khác, cảm thấy tu luyện đề cao lên rất nhanh và mời tôi tham gia cùng họ.
Sáng hôm sau tôi bắt đầu học Pháp cùng các học viên trên nền tảng gọi điện thoại. Mấy ngày đầu tôi vẫn cảm thấy buồn ngủ, đến lúc nhẩm thuộc Pháp mới dần dần tỉnh táo. Sau hai tuần, tôi bắt đầu cảm nhận được sự tĩnh tại và tường hòa, như cảm giác khi mới bắt đầu tu luyện. Các đoạn Pháp trong Chuyển Pháp Luân hiển hiện trong đầu, chỉ đạo tôi trong lời nói hành động. Chỉ sau đó tôi mới nhận ra đã lâu rồi tôi không đọc trọn vẹn một bài giảng trong Chuyển Pháp Luân mỗi ngày, vì thế tôi đã buông lơi trong tu luyện.
Sáng học Pháp xong lại bắt đầu ôn bài. Đột nhiên những lý thuyết mà tôi đang học thi trở nên rõ ràng và dễ hiểu! Sư phụ đã an bài cho tôi có được bộ tài liệu tốt hơn, thậm chỉ còn an bài một đồng tu đã vượt qua kỳ thi đến đến chia sẻ kinh nghiệm phương pháp học với tôi. Mọi thứ bắt đầu có tiến triển, và tôi sớm có lại cảm giác thuần tịnh và thần thánh như khi mới bước vào tu luyện.
Buông bỏ chấp trước vào được mất và lợi ích
Gần đến thời điểm thi, tôi muốn có thêm thời gian để học. Tôi đã nói chuyện với người điều phối hạng mục xin phép nghỉ một thời gian. Người phụ trách cuộc gọi giảng chân tướng ngày thứ bảy và phụ trách phát chính niệm tại điểm du lịch ngày chủ nhật hy vọng tôi có thể kiên trì. Họ cũng nhắc nhở tôi không nên quá chấp trước vào được mất. Tôi không đồng ý và nói: “Làm sao tôi có thể thi đậu nếu tôi không học bài?”
Nhân lực tham gia các cuộc gọi đã rất mỏng. Tôi không có lựa chọn nào khác nên đành phải làm tiếp, nhưng trong tư tưởng luôn đấu tranh mãnh liệt, nghĩ rằng tôi gọi điện không tốt, cho nên bảo tôi làm công việc này thật mất thời gian.
Bởi ôm giữ tư tưởng bất hảo, các cuộc gọi của tôi không được tốt. Trong vài tuần, tôi gọi điện cho ai thì họ đều gác máy ngay lập tức hoặc cuộc gọi được chuyển trực tiếp sang hộp thư thoại. Tôi cảm thấy chán nản nhưng vẫn gắng gượng đến hết ca trực. Tôi chợt nhận ra mình không thể tiếp tục như vậy. Sau đó, tôi lấy lại chính niệm. Tôi thật sự hy vọng chúng sinh nghe điện thoại sẽ được cứu độ, và tôi xin Sư phụ gia trì.
Cuộc gọi tiếp theo đã có người nhấc máy và đồng ý thoái đảng. Lúc đó tôi ngộ ra điểm mấu chốt là tôi có thực tâm mong muốn cứu người hay không. Một cảm giác tường hòa từ bi bao bọc lấy tôi, và tôi tràn đầy năng lượng. Lòng tôi vô cùng biết ơn Sư phụ đã giao cấp cho tôi sứ mệnh cứu người thần thánh, và cảm ơn tới các đồng tu đã động viên tôi kiên trì.
Tôi đã suy ngẫm về cái gì là “chấp trước vào được và mất,” “được” là chỉ những lợi ích mà tôi mong muốn, gồm có sự ổn định tài chính, sự nhìn nhận của người nhà, v.v. “Mất” là chỉ cái công danh mà tôi không muốn mất, ví như, những khó khăn về tài chính, phải học thêm một năm nữa, và chịu đựng những áp lực từ gia đình và bạn bè.
Tham gia vào nền tảng gọi điện thoại và các hạng mục khác cũng cần có thời gian. Có thể tham gia hay không là khảo nghiệm để xem tôi có thể buông bỏ danh và lợi hay không. Buông bỏ tất cả những lợi ích thiết thực này dường như rất khó. Khi tôi nhớ về những học viên ở Trung Quốc đã lựa chọn thế nào giữa việc giữ an toàn và chấp nhận mạo hiểm để cứu người, cái mất của tôi không là gì cả.
Một ngày trước ngày thi, tôi vẫn tiếp tục gọi điện thoại giảng chân tướng trên nền tảng. Sau khi thi xong, tôi ăn chút gì rồi lại đi đến điểm du lịch để phát chính niệm và luyện công.
An bài của Sư phụ là tốt nhất
Tôi biết tôi có chấp trước vào được mất rất nặng, rất khó để buông bỏ, đôi khi áp lực là quá lớn. Người học viên trước kia đã tham gia kỳ thi thấu hiểu hoàn cảnh của tôi, cô ấy nói: “Bạn cần có sự tin tưởng và mọi sự an bài của Sư phụ là tốt nhất.”
Khi chờ kết quả thi, tôi đã suy ngẫm về những gì cô ấy nói và thật sự là nó rất có đạo lý. Năm 2017, tôi thi trượt, đến 2018 mới có cơ hội học và nhẩm thuộc Pháp với các đồng tu. Đã lâu tôi không đọc một cách hệ thống các bài giảng, nhờ cơ duyên này mà tôi lần nữa cảm nhận được uy lực thần thánh của Pháp.
Nghĩ sâu xa hơn nữa, tại sao Sư phụ lại an bài cho tôi tham gia kỳ thi này? Những chấp trước nào mà tôi cần vứt bỏ? Tôi phát hiện ra bản thân có chấp trước ỷ lại vào người khác rất lớn. Bình thường, khi đối mặt với những câu hỏi hay nhiệm vụ khó, tôi lại tìm kiếm sự giúp đỡ của các đồng tu. Tuy nhiên, trong cuộc thi này, tôi không thể dựa vào chồng hay ai khác mà phải tự mình vượt qua.
Tôi cũng phát hiện ra rằng, từ khi còn nhỏ, tôi chỉ học vì muốn được thứ hạng tốt và để làm hài lòng những kỳ vọng của cha mẹ. Tôi chỉ chú trọng kết quả, không coi trọng quá trình. Dần dần, tôi đã dưỡng thành tâm lý truy cầu danh lợi và lợi dụng cơ hội. Bởi vậy khi ngày thi tới gần, tôi trở nên lo lắng. Sau đó tôi đọc được đoạn Pháp của Sư phụ:
Chư vị cứ nghĩ tới lên đại học, lên đại học mãi, chư vị học tập không tốt liệu chư vị có thể lên đại học không? Chư vị không cần cứ mãi nghĩ lên đại học, đại học, chư vị không thể lên nổi chẳng phải vô ích hay sao? Chư vị không nghĩ tới chuyện đại học, chư vị cứ nỗ lực học tập tốt là được rồi. Chư vị học tập cho tốt chẳng phải sẽ có đại học sao? Sẽ có nghiên cứu sinh sao? Chính là đạo lý như vậy. (Giải đáp thắc mắc tại giảng Pháp ở Quảng Châu – Chuyển Pháp Luân Pháp giải)
Cuối cùng tôi nghĩ lại bản thân, điều gì đã tạo ra áp lực lớn nhất? Không phải là tôi lo lắng thiếu tiền hay về việc phải học thêm một năm nữa nếu thi trượt. Kỳ thực là tôi muốn chứng minh cho bố mẹ chồng tôi thấy, tôi muốn được họ công nhận.
Vào ngày thi, tôi cảm nhận được sự từ bi gia trì của Sư phụ. Khi kết quả công bố, tôi dự thi đề mục có nhiều người ghi danh nhất. Trong gần 9000 người dự thi, tôi nằm trong top 20 trên 169 người trúng tuyển.
Trong thâm tâm tôi biết rõ, nhờ có Sư phụ từ bi gia trì, các đồng tu động viên chia sẻ, tôi mới có thể làm được tốt như vậy. Những chia sẻ và nhắc nhở của họ giúp tôi không lạc mất phương hướng trong cái được mất, giúp tôi kiên tâm hoàn thành sứ mệnh của một đệ tử Đại Pháp, hướng nội tu tâm tính trong khổ nạn, đối mặt với những thất bại một cách tích cực từ đó đề cao trong tu luyện bản thân.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/20/384125.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/1/177864.html
Đăng ngày 10-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.