Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 23-11-2019] Chú thích của biên tập viên: Do sự kiểm duyệt ở Trung Quốc nên cho đến nay, trang web Minh Huệ chưa thể thu thập được thông tin về những bức hại mà ông Lôi Trung Trường phải trải qua.
Ông Lôi Trung Trường, sinh năm 1957, là một nông dân tại thành phố Hoài Dương, tỉnh Hà Nam. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp) vào mùa xuân năm 1997. Bệnh tật của ông đều biến mất và ông bắt đầu hành xử theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công. Tâm tính của ông được đề cao và điều này đều được người dân ở khu vực địa phương biết đến.
Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, ông Lôi đã bốn lần bị bắt, ba lần bị giam giữ trong trại tạm giam, hai lần bị đưa đến trại lao động cưỡng bức và bị giam giữ trong hơn bốn năm. Ông bị thương khắp toàn thân. Gia đình ông cũng bị ảnh hưởng.
Bị bắt vì thỉnh nguyện cho công lý ở Bắc Kinh
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, ông Lôi đã quyết tâm đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Ông đến Bắc Kinh vào tháng 12 năm 2000 và bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn.
Nhậm Vỹ ở Sở Cảnh sát Hoài Dương và Lý Xương Phong ở phòng chính trị và an ninh đã khám xét ông phi pháp và tịch thu 700 Nhân dân tệ tiền mặt. Họ thẩm vấn ông Lôi trong nhiều ngày liên tiếp. Họ bắt ông phải quỳ trên mặt đất, tát vào mặt ông, đá ông và dùng giày da của họ đánh vào mặt ông.
Cảnh sát đã giam giữ ông Lôi tại trại tạm giam Hoài Dương và tra tấn ông. Phó giám đốc trại tạm giam, Trình Tư Quý, đã ra lệnh cho hai tù nhân đặt vật nặng lên hai vai ông và bắt ông phải đứng thẳng mà không được di chuyển đến tận tối hôm đó.
Phòng 610 của huyện đã chuyển ông Lôi đến một trung tâm tẩy não và tại đó ông bị bắt phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công. Các quan chức đã bắt gia đình phải ép ông từ bỏ đức tin của mình và yêu cầu ông viết “tuyên bố bảo đảm”. Sau một tháng bị tra tấn, các quan chức đã tống tiền ông Lôi 2.000 Nhân dân tệ và thêm 1.000 Nhân dân tệ cho “chi phí sinh hoạt” ở trại tạm giam. Sau đó ông Lôi được thả.
Tra tấn bằng xiềng xích
Vào một đêm tháng 7 năm 2001, Lý Kiến Hoa và một vài cảnh sát khác từ Đồn Công an Thị trấn Tân Trạm đã đột nhập vào nhà ông Lôi, bắt ông vào một xe cảnh sát và đưa ông đến trại tạm giam Hoài Dương.
Cai ngục Vương Bồi Đống được biết đến với việc tra tấn các học viên và chủ yếu sử dụng phương pháp “đi bộ với xiềng xích nặng”. Một buổi chiều, Vương gọi ông Lôi và một tá học viên nữ. Vương hỏi họ liệu còn tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công hay không. Nếu câu trả lời là có, người học viên ấy sẽ phải đeo xích nặng gần 9 kg và phải chạy trong sân. Người nào chạy chậm hơn sẽ bị kéo đi. Nếu một học viên không chịu chạy, cai ngục sẽ đẩy học viên đó xuống đất và lôi người đó đi, khiến lưng họ bị chảy máu.
Khi đến lượt ông Lôi, ông từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Vương Bồi Đống và một vài tù nhân đã cố gắng đeo xiềng xích nặng lên người ông. Ông Lôi đã chống cự. Họ bèn đẩy ông xuống đất và bắt ông phải chạy với xiềng xích trong một giờ đồng hồ cho đến khi xương mắt cá chân bị lộ hẳn ra. Hai tù nhân kéo ông về phía trước, đẩy ông sấp mặt xuống đất và lại tiếp tục kéo ông về phía trước. Lưng ông Lôi bị chảy máu không ngừng.
Minh họa hình thức tra tấn: Xiềng xích
Sau đó Vương Bồi Đống lại hỏi ông Lôi: “Ông vẫn sẽ tập Pháp Luân Công nữa chứ?”. Khi câu trả lời là có, Vương lại ra lệnh cho vài tù nhân khiêng ông Lôi lên cao quá đầu rồi ném ông xuống sàn. Ông bị tra tấn như thế trong hơn một giờ đồng hồ. Ông Lôi để lại một vệt máu dài đến tận phòng giam của ông.
Hàng ngày, ông Lôi bị bắt phải lao động không công, chủ yếu là làm pháo hoa. Nếu một người không hoàn thành chỉ tiêu vào một ngày nhất định, người đó sẽ không được phép ngủ. Các tù nhân bị bắt phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Trong một khoảng thời gian, ông Lôi không thể hoàn thành chỉ tiêu hàng ngày. Ông phải làm việc trong mấy ngày đêm mà không được ngủ. Ngay khi ông Lôi nhắm mắt lại, các tù nhân chịu trách nhiệm theo dõi ông sẽ dùng những chiếc kim lớn chọc vào đầu, xương chân, móng tay và móng chân ông. Điều này khiến ông bị mất một vài móng tay. Đôi khi, họ còn dùng ghế đẩu đánh vào hông và eo của ông, khiến toàn thân ông đầy vết bầm tím.
Ông Lôi trở thành chỉ còn da bọc xương trong 9 tháng bị giam giữ. Tuy nhiên, nỗi thống khổ mà ông phải chịu không chỉ dừng lại ở đó khi ông bị đưa đến Trại Lao động cưỡng bức Hứa Xương vào tháng 4 năm 2002 trong hai năm.
Bức thực
Một năm sau khi ông Lôi được thả, vào năm 2005, Lý Kiến Hoa và Từ Vĩ từ Đồn Công an thị trấn Tân Trạm đã đột nhập vào nhà ông và tiến hành lục soát phi pháp mà không có lệnh khám xét. Họ tịch thu đồ đạc cá nhân của ông và đưa ông đến một trại tạm giam.
Đứng trước cổng trại tạm giam, ông Lôi hô lên: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”. Lập tức cảnh sát Vương Hưng Khởi bắt ông mặc chiếc áo trói (một loại áo thường được sử dụng làm công cụ tra tấn trong các cơ sở giam giữ ở Trung Quốc).
Ông Lôi đã tuyệt thực để phản đối việc bức hại. Sau 27 ngày, Trịnh Hiện Quân, giám đốc trại tạm giam, đã ra lệnh cho vài tù nhân bức thực ông Lôi. Họ dùng bốn sợi dây thép để trói tay và chân ông. Sau đó, họ giữ đầu ông và dùng que thép để cậy miệng ông khiến răng ông bị lung lay và chảy máu. Hình thức bức thực này kéo dài trong một tháng. Trịnh cũng bỏ rất nhiều muối vào thức ăn. Sau khi bị bức thực, ông Lôi bị sốt cao.
Một lần, ông Lôi chống cự việc bức thực và hô lên: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Các anh đang phạm tội, tra tấn những người tốt!” Trịnh Hiện Quân đã tát vào mặt ông Lôi mấy lần.
Vào ngày 10 tháng 6 năm 2005, ông Lôi bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Số 3 Hà Nam trong hai năm.
Bị bắt và bị tra tấn trước dịp Thế vận hội 2008
Ông Lôi lại bị bắt một lần nữa vào tháng 7 năm 2008, ngay trước Thế vận hội ở Bắc Kinh. Trình Duy Phong từ Đội An ninh Nội địa đã thẩm vấn và tra tấn ông. Hắn còng chặt cánh tay của ông Lôi ra sau lưng và sau đó trùm đầu ông lại. Sau đó, hắn ra lệnh cho ba người giẫm lên người ông Lôi. Còng tay đã khứa vào cổ tay ông.
Trình cũng trói ông Lôi vào một “ghế sắt”, sau đó họ dùng kim sắt chọc vào đùi ông và làm bỏng đùi ông bằng thuốc lá.
Minh họa hình thức tra tấn: Ghế sắt
Trong khi ông Lôi bị giam giữ, các nhân viên của Phòng 610 đã tống tiền gia đình ông 4.700 Nhân dân tệ, hủy hoại tài chính của họ. Hai con của ông đã buộc phải nghỉ học. Gia đình ông Lôi cũng phải chịu sự kỳ thị do hậu quả của những tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công của chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/11/23/396099.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/12/25/181220.html
Đăng ngày 07-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.