Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh
[MINH HUỆ 24-07-2019] Đáp lại thông báo kêu gọi thu thập thông tin của những kẻ vi phạm nhân quyền trong cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, báo cáo này sẽ đăng tải thông tin về ba thủ phạm chịu trách nhiệm chính cho cái chết của cô Cao Dung Dung, một học viên ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, cô đã bị biến dạng do bị tra tấn và đã qua đời ở tuổi 37 vào năm 2005.
Những thủ phạm này là: Lý Phượng Thạch, nguyên giám đốc Trại Lao động Long Sơn; Trương Hiến Sinh, Phó cục trưởng Cục Tư pháp Thẩm Dương; Vương Nguy, nguyên phó giám đốc Trại Lao động Mã Tam Gia.
Lý Phượng Thạch (李凤石)
Lý nguyên là giám đốc của Trại Lao động Long Sơn ở thành phố Thẩm Dương. Sau khi trại lao động bị giải thể vào ngày 11 tháng 10 năm 2004, Lý đã làm việc tại Cục Tư pháp Thẩm Dương. Địa chỉ nơi cư trú hiện tại của ông ta là: Khu phố Cảnh An, số 2 đường Khải Tường, khu Đại Đông, thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh.
Lý Phượng Thạch, nguyên giám đốc Trại Lao động Long Sơn
Lý là kẻ chủ mưu trong cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công tại Trại Lao động Long Sơn trước khi nó ngừng hoạt động. Ông ta đã tiến hành nhiều hình thức tra tấn khác nhau nhằm buộc các học viên phải từ bỏ đức tin của họ.
Ông ta cũng nghĩ ra nhiều phương thức ngược đãi các học viên bao gồm nhốt các học viên nữ thuộc Trại Lao động Long Sơn vào Trại Lao động Trương Sỹ, một nơi giam giữ tù nhân nam. Ông ta công khai tuyên bố rằng chính mình đã thành lập Trại Lao động Long Sơn và Trại Lao động Trương Sỹ.
Sau khi Lý nhậm chức, ông ta đã tuyển dụng lại Đường Ngọc Bảo, một lính canh từng bị sa thải vì ngược đãi tù nhân, và bố trí Đường vào Đội 2 để đặc biệt tra tấn các học viên Pháp Luân Công trong đội này.
Lý từng hét lên với các học viên rằng: “Lời tôi nói là luật pháp!”
Cô Cao Dung Dung (高蓉蓉)
Cô Cao bị biến dạng sau khi bị sốc điện trong 7 tiếng đồng hồ tại Trại Lao động Long Sơn.
Từ tháng 7 năm 2003 đến tháng 10 năm 2004, khi cô Cao bị giam tại Trại Lao động Long Sơn, Lý đã triệu tập Đường và các tù nhân khác dùng dùi cui điện để sốc điện cô Cao. Lý từng chế giễu: “Chế độ độc tài nghĩa là gì? Còng tay và dùi cui điện dùng để làm gì? Tôi không tin là tôi không trị được cô!” Đường đã sốc điện cô Cao trong 7 tiếng, khiến mặt cô biến dạng.
Khi cô Cao nhập viện vào tháng 8 năm 2004, Lý đã dự mưu cho cái chết của cô và bí mật nói với người lính canh trông chừng cô: “Nếu cô ta chết, hãy thông báo ngay cho Long Sơn, và sau đó nói bệnh viện cấp giấy chứng tử ngay lập tức.”
Trong nhiệm kỳ của Lý, những học viên sau đã chết trong Trại Lao động Long Sơn: Bà Vương Hồng và bà Tôn Hồng Diễm ở huyện Liêu Trung; bà Vương Tú Viện, cô Cao Dung Dung, bà Nhậm Thục Kiệt và bà Ôn Anh Hân ở thành phố Thẩm Dương.
Trương Hiến Sinh (张宪生)
Trương sinh vào tháng 9 năm 1954 và là phó giám đốc Cục Tư pháp Thẩm Dương. Địa chỉ của Cục Tư pháp Thẩm Dương là: Đường Bắc Hoà Bình, Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh 110014, Trung Quốc.
Không lâu sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, Trương đã được chỉ định làm phó giám đốc của Cục Tư pháp Thẩm Dương, giám sát các cơ quan thực thi pháp luật và chịu trách nhiệm đàn áp các học viên ở khu đô thị Thẩm Dương. Dưới chỉ đạo của ông ta, Trại Lao động Long Sơn, Trại Lao động Trương Sỹ, và Trại Lao động Đông Lĩnh đều tiến hành tẩy não các học viên nhằm ép họ từ bỏ đức tin của mình. Trương là một trong những thủ phạm chính đằng sau cái chết của cô Cao.
Trương Hiến Sinh, Cục phó Cục Tư pháp Thẩm Dương
Từ năm 2000, Trương đã liên tục đến Trại Lao động Long Sơn, Trại Lao động Trương Sỹ và các cơ sở khác để giám sát việc bức hại. Ông ta đã giới thiệu các thủ đoạn tra tấn cho Trại Lao động Mã Tam Gia khét tiếng, gồm có sốc điện học viên bằng dùi cui điện.
Trong một hội nghị của các cơ quan thực thi pháp luật thành phố Thẩm Dương bên ngoài Trung tâm Thể thao Ngũ Lý Hà, Trương đã đại diện cho Cục Tư pháp Thẩm Dương phát biểu: “Tôi thề rằng chúng tôi sẽ chiến đấu với Pháp Luân Công đến cùng.”
Sau khi mặt cô Cao bị biến dạng vào ngày 7 tháng 5 năm 2004, vài ngày sau, Trương đã mặc quần áo màu đen và đeo kính râm tối đen, đi đến bệnh viện và bí mật giám sát tình trạng của cô Cao. Sau đó, Trương nói dối với công chúng rằng ông ta không biết tình trạng của cô Cao.
Sau sự việc của cô Cao, Trương đã che dấu tội ác của Đường, Triệu Khương Hoa, Lý Phượng Thạch và Vương Tĩnh Huệ. Đồng thời, ông ta cũng chỉ đạo trại lao động tiếp tục tra tấn cô Cao. Tuy nhiên, trong một cuộc họp vào tháng 8 năm 2004, Trương đã nói với gia đình cô rằng: “Cho đến giờ, tôi vẫn chưa phát hiện ra Trại Lao động Long Sơn đã thực hiện bất kỳ hành vi sai trái nào đối với cô Cao Dung Dung.”
Trương đã đến trung tâm tẩy não bên trong Trại Lao động Trương Sỹ vào ngày 10 tháng 3 năm 2005 để kiểm tra việc bức hại học viên đã giúp giải cứu cô Cao. Ông ta đã sắp xếp nhân sự để tăng cường bức hại các học viên này.
Vương Nguy (王巍)
Vương Nguy từng là phó giám đốc của Trại Lao động Mã Tam Gia, số điện thoại di động của ông ta là: +86-13840098711.
Khi còn là phó giám đốc Trại Lao động Mã Tam Gia, ông ta phụ trách bức hại các học viên Pháp Luân Công. Vương từng là trưởng Ban Quản lý của trại và được thăng chức vì tích cực bức hại Pháp Luân Công. Ông ta đã chỉ đạo các lính canh nam của trại tra tấn các nữ học viên, và ông ta là một trong những thủ phạm trong cái chết của cô Cao.
Vương Nguy, phó giám đốc của Trại Lao động Mã Tam Gia
Năm 2005, Khu Số 2 dành cho nữ của Trại Lao động Mã Tam Gia thực hiện “bức hại tăng cường,” nhưng không đạt được chỉ tiêu. Sau đó Vương đã đích thân chỉ đạo các lính canh tra tấn các học viên.
Từ ngày 24 tháng 2 năm 2006, ông ta dẫn theo một nhóm lính canh nam ngược đãi các học viên nữ. Hàng chục học viên nữ đã bị treo lên trong thời gian dài, bị bức thực, đánh đập tàn bạo, và chịu hình thức tra tấn với tên gọi “treo chéo”, với một tay của nạn nhân bị còng vào lan can trên cùng một chiếc giường và tay còn lại bị còng vào lan can dưới cùng của chiếc giường khác. Hai chiếc giường bị đẩy ra xa nhau đến khi tay của nạn nhân duỗi thẳng. Sự tra tấn này khiến nạn nhân không thể đứng thẳng hay ngồi xuống, gây đau đớn vô cùng. Nhiều học viên đã bị tàn phế bởi hình thức tra tấn độc ác này.
Tái hiện tra tấn: Treo chéo
Sau khi mặt bị biến dạng vào tháng 3 năm 2005, cô Cao Dung Dung lại bị bắt và bị giam trong Trại Lao động Mã Tam Gia. Vương đã nói dối gia đình cô nhằm ngăn cha mẹ cô truy hỏi tung tích của cô. Trong khi phong toả thông tin của cô Cao ra bên ngoài, ông ta đã biệt giam cô, dẫn đến cái chết của cô vào ngày 16 tháng 6 năm 2005.
Sau khi cô Cao chết, Vương và các cơ quan thực thi pháp luật ở Thẩm Dương đã thông đồng nhằm ngăn cha mẹ cô đệ đơn kiện.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/24/390512.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/8/5/178743.html
Đăng ngày 10-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.