Bài viết của các phóng viên báo Minh Huệ tại Sydney
[MINH HUỆ 21-07-2019] Ngày 19 tháng 7 năm 2019, các học viên Pháp Luân Đại Pháp và những người ủng hộ đã tụ họp tại Tòa nhà Hải quan ở quận thương mại trung tâm thành phố Sydney, để tổ chức lễ mít-tinh lên án cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Pháp Luân Đại Pháp và kêu gọi chấm dứt tội ác tàn bạo này.
Pháp Luân Đại Pháp là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. 20 năm trước, vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, lãnh đạo đương thời của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch bức hại tàn bạo chống lại các học viên Pháp Luân Công, cuộc bức hại này vẫn kéo dài tới tận ngày nay.
Các học viên thắp nến thỉnh nguyện bên ngoài Tòa nhà Hải quan ở Sydney vào ngày 19 tháng 7 năm 2019, để đánh dấu 20 năm bức hại ở Trung Quốc.
Chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Úc: Cuộc bức hại kéo dài 20 năm này phải chấm dứt ngay bây giờ
Tiến sỹ Lucy Triệu, chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Úc, phát biểu tại lễ mít-tinh vào ngày 19 tháng 7 năm 2019.
Tiến sỹ Lucy Triệu, chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Úc, là người phát biểu đầu tiên tại lễ mít-tinh.
Bà nói: “Ngày này 20 năm trước, ĐCSTQ đã bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công. Hàng chục nghìn học viên đã bị giam giữ, bị tra tấn và giết hại phi pháp, vô số gia đình trở nên ly tán. Một điều còn khiến chúng ta sửng sốt hơn nữa là các bộ phận tạng của các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm đã bị lấy đi và bán để kiếm lời. 20 năm tàn bạo này phải chấm dứt ngay bây giờ.”
Tiến sỹ Triệu cũng lưu ý rằng các học viên Pháp Luân Công không phải là những nạn nhân duy nhất của sự vi phạm nhân quyền chưa từng có này, vài tỷ công dân Trung Quốc đã bị lừa dối bởi những lời tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc, và những người có lương tri ở khắp nơi cũng như các chính phủ trên thế giới đang phải đối diện với hai lựa chọn: bước ra và lên tiếng, hoặc tiếp tục im lặng.
Bà kết thúc bài phát biểu của mình bằng lời kêu gọi mọi người dừng lại và tìm hiểu sự thật, rồi truyền rộng nó cho gia đình và bạn bè mình, đồng thời trợ giúp những người vô tội đã bị tước mất nhân quyền cơ bản ở Trung Quốc. Bà nói rằng làm như vậy sẽ giúp tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai.
Quan chức liên bang: Ủng hộ Pháp Luân Công sẽ khiến Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn và tốt đẹp hơn
Ông Craig Kelly, Hạ nghị sỹ Úc, phát biểu tại lễ mít-tinh.
Ông Craig Kelly, Hạ nghị sỹ Úc, mở đầu bài phát biểu của mình bằng lời chia sẻ với khán giả rằng ông rất vui khi tham dự lễ mít-tinh với tư cách là một quan chức đắc cử của chính phủ liên bang Úc. Ông lưu ý: “Nói những lời từ đáy lòng mà không bị ngăn cản, đó là điều mà đất nước chúng ta phải luôn ghi nhớ.”
Ông hồi tưởng lại một chuyến công tác tới Trung Quốc trước khi ông đắc cử, nơi ông ở là một khách sạn có những cuốn sách mỏng trong đó ghi “Pháp Luân Công là xấu.” Song, lúc đó ông lại nghĩ: “Nếu chế độ cộng sản in tài liệu để phổ biến cho các bạn điều gì đó, thông thường các bạn có thể chắc chắn rằng điều ngược lại mới là đúng. Và đó là điều tôi đã khám phá ra với Pháp Luân Công.”
Ông Kelly kết thúc bài phát biểu của mình với một thông điệp gửi tới chính quyền Trung Quốc: “Nếu Trung Quốc cho phép Pháp Luân Công có quyền tự do ngôn luận, và quyền được hội họp mà không bị bức hại, thì đất nước Trung Quốc sẽ chỉ có thể trở nên hùng mạnh hơn và tốt đẹp hơn, và các quốc gia còn lại cũng vậy.”
Quan chức New South Wales: Nguyên lý của Pháp Luân Công là truyền thống văn hóa cổ đại Trung Quốc
Ông Reverend Fred Nile, một thành viên của hội đồng lập pháp bang New South Wales và lãnh đạo của Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo, phát biểu tại lễ mít-tinh.
Ông Reverend Fred Nile, thành viên của Hội đồng Lập pháp bang New South Wales, đã nói trong bài phát biểu của mình: “Các học viên Pháp Luân Công không hề phạm luật và họ không đáng bị cầm tù như vậy. Pháp Luân Công cần được tự do cử hành các hoạt động văn hóa của họ. Họ là những người rất khỏe mạnh và thực hành thiền định chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn. Những đạo lý đó luôn là truyền thống của Trung Hoa cổ đại. Trung Quốc hiện đại cần phải khôi phục những đạo lý này.”
Ông kết thúc bài phát biểu của mình bằng lời kêu gọi lãnh đạo và các quan chức chính quyền Trung Quốc trả lại quyền tự do cho tất cả các nhóm ở Trung Quốc, đặc biệt là Pháp Luân Công.
Thị trưởng Thành phố Parramatta: Bằng chứng về việc thu hoạch nội tạng là quá rõ ràng
Ông Andrew Wilson, Thị trưởng Thành phố Parramatta, có bài phát biểu tại lễ mít-tinh.
Trong bài phát biểu, ông Andrew Wilson, Thị trưởng Thành phố Parramatta, đã nhắc đến những phát hiện gần đây của Tòa án Trung Quốc tổ chức tại London về hành vi buôn bán nội tạng, và nhấn mạnh rằng bằng chứng đó là quá rõ ràng. Ông kết thúc bài diễn thuyết của mình bằng câu nói: “Tôi rất tự hào khi được có mặt tại đây hôm nay, và tôi luôn sẵn sàng trợ giúp các bạn, bằng bất cứ cách nào.“
Giáo sư Y Khoa: Chúng ta cần chung tay hành động và ngăn chặn những tội ác khủng khiếp này
Giáo sư Wendy Rogers phát biểu tại lễ mít-tinh.
Trong bài phát biểu, bà Wendy Roger, giáo sư Khoa Y Đức Lâm sàng, Đại học Macquarie ở Sydney kiêm chủ tịch Ủy ban Cố vấn của Liên minh Quốc tế về Chấm dứt nạn Lạm dụng Cấy ghép Nội tạng tại Trung Quốc (ETAC), lưu ý rằng chiến dịch chống Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã chuyển từ hình thức cầm tù, tra tấn và tẩy não sang sử dụng các học viên bị cầm tù làm nguồn cung cấp nội tạng quan trọng để thúc đẩy [ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng] đang tăng trưởng rất nhanh kể từ năm 2000.
Bà đã giải thích vào năm 2006, thế giới lần đầu tiên phát hiện ra việc các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù đang bị giết hại vì nội tạng của họ như thế nào. Bà thất vọng với việc Trung Quốc không ngừng phủ nhận hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng trong nhiều năm qua, ETAC đã đề nghị tham vấn từ một luật sư nhân quyền quốc tế, Ngài Geoffrey Nice QC.
Giáo sư Rogers cho biết Ngài Geoffrey đã khuyến nghị tổ chức một Tòa án Trung Quốc để thẩm tra tất cả các bằng chứng đang có và hình thành ý kiến pháp lý về việc liệu có hành vi phạm tội nào không, và nếu có thì phạm tội gì, nó có thể liên quan tới nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc.
Bà cũng lưu ý rằng dù Tòa án Trung Quốc có thể không có cương vị pháp lý, nhưng họ có thể điều tra những sự việc mà các chính phủ không hoặc sẽ không điều tra; họ có thể dùng chứng cớ đó để lên tiếng cho các nạn nhân, và họ có thể đưa ra các phán quyết giúp các bên liên quan hành pháp hoặc tiến hành các hoạt động khác.
Tòa án Trung Quốc được thành lập vào đầu năm 2018, và trong bài diễn văn của mình, giáo sư Rogers đã nêu bật những phát hiện trong bản phán quyết cuối cùng vào tháng 6 năm 2019:
-“Vấn nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã được tiến hành ở khắp Trung Quốc trên một diện rộng trong nhiều năm nay, và các học viên Pháp Luân Công có thể là nguồn cung cấp nội tạng chủ yếu.
-“[Học viên] Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ là các nạn nhân của các tội ác chống lại loài người”
-“Cưỡng bức thu hoạch nội tạng là tội ác không có gì so sánh được”
Tại cuối bài phát biểu, Giáo sư Rogers khẩn khoản kêu gọi mọi người cùng chung tay ngăn chặn những tội ác kinh hoàng này; các trường đại học và bệnh viện của Úc dừng ngay lập tức mọi hợp tác liên quan tới cấy ghép tạng với Trung Quốc; vận động hành lang chính phủ Úc đưa ra đạo luật ngăn cấm du lịch ghép tạng, đồng thời công khai lên án nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.
Sự ủng hộ từ những nhân vật trong ngành pháp lý
Ông David Flint phát biểu tại lễ mít-tinh
Giáo sư David Flint AM từng là chủ tịch của Cơ quan Phát thanh Truyền hình Úc (nhiệm kỳ 1997-2004). Ông là giáo sư luật danh dự của trường Đại học Công nghệ Sydney và được nhận giải thưởng Học giả Pháp lý Kiệt xuất Thế giới do Hiệp hội Luật sư Thế giới trao tặng năm 1991.
Trong bài phát biểu, Giáo sư Flint nhắc lại nhiều lần rằng: “Điều duy nhất tạo nên chiến thắng của tà ác là sự thờ ơ của những người tốt.”
Ông liên hệ tới những phát hiện gần đây của Tòa án Trung Quốc về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Ông nói tòa án “xác minh không chút nghi ngờ rằng chính quyền Trung Quốc đã tham gia vào tội ác này”, và “bất kỳ công ty hay chính phủ nào đang có quan hệ với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa đều cần ghi nhớ sự thật rằng họ đang bắt tay với một nhà nước tội phạm.”
Ông cũng viện dẫn một tiền lệ lịch sử, rằng trong Chiến tranh Thế giới II, phần lớn các kênh truyền thông của Hoa Kỳ đã im lặng trước những điều tồi tệ đang xảy ra đối với người Do Thái.
Ông cho biết thêm: “Ngày nay, nhiều chính phủ phương Tây trên thế giới đang im lặng trước hành vi buôn bán tạng đáng sợ này. Nhưng nó phải chấm dứt bằng mọi giá! Quả thật, chúng ta có thể mất đi giao thương thương mại, mất các sinh viên nước ngoài, nhưng có sao đâu. Điều quan trọng là Chính phủ Úc tham gia vào sự việc này, giống như chính quyền Trump tại Mỹ đang thực thi mọi biện pháp để ngăn chặn sự độc ác tột cùng này.”
Luật sư người Úc gốc Hoa, Vương Lê, phát biểu tại lễ mít-tinh.
Trong bài phát biểu, Luật sư người Úc gốc Hoa Vương Lê đã bày tỏ sự thán phục đối với các học viên Pháp Luân Công khi bà tìm hiểu về phán quyết cuối cùng của Tòa án Trung Quốc hồi tháng 6 tại London. Bà cho đây là chiến thắng của công lý và cảm ơn các học viên vì những nỗ lực bền bỉ của họ nhằm phơi bày tội ác thu hoạch nội tạng.
Bà đã nêu ra nhiều tội ác mà ĐCSTQ đã thực hiện đối với chính công dân của mình cũng như của các quốc gia khác nhằm mục đích đoạt quyền của nó. Bà cũng kêu gọi mọi người cùng nhau đứng dậy và lên tiếng phản đối những bất công đó. Bà kháng nghị tới chính phủ Úc đưa ra một đạo luật tương tự như Đạo luật Magnitsky Toàn cầu và trừng phạt những cá nhân cũng như doanh nghiệp tham gia vào các hành động vi phạm nhân quyền. Bà cũng đề nghị chính phủ Úc thông qua luật cấm các công dân Úc du lịch tới Trung Quốc để ghép tạng.
Luật sư người Úc, bà Sophie York, phát biểu tại lễ mít-tinh.
Bà Sophie York, luật sư người Úc, giảng viên đại học kiêm nhà văn, ca ngợi các học viên Pháp Luân Công vì đã đấu tranh cho tự do tín ngưỡng và lương tâm, cũng như truyền rộng các giá trị truyền thống. Bà bày tỏ sự khâm phục đối với lòng can đảm của các học viên trong việc phơi bày nạn buôn bán tạng và nhấn mạnh rằng con người sinh ra đều có quyền cơ bản. Không một chính phủ hay tổ chức nào có quyền tước bỏ điều đó.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/21/390359.html
Bản tiếng Anh : https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/27/178604.html
Đăng ngày 01-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.