Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 25-04-2019] Ông Khâu An, một chủ cửa hàng điện tử ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, không biết nhiều về Pháp Luân Công cho đến năm 2006.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân tập trung vào tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn, đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc vu khống và đàn áp từ tháng 7 năm 1999.
Ông Khâu biết đến pháp môn này qua bạn bè của mình và, sau khi đọc sách Chuyển Pháp Luân cùng các bài giảng khác, ông thấy rằng Pháp Luân Công không hề giống như những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mô tả. Thay vào đó, pháp môn này còn làm tăng thêm sức khỏe thể chất và giúp mọi người trở thành những công dân tốt. Do đó, ông Khâu cũng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công.
Nhưng ông không ngờ rằng đức tin của ông và việc ông nói với người khác về pháp môn này lại khiến ông bị giam giữ, đánh đập, làm nhục, như những gì ông đã trải qua vào tháng 12 năm 2018.
Ông Khâu bị bắt vào ngày 11 tháng 12 năm 2018, và bị giữ hơn một ngày, trong thời gian đó ông bị đánh đập tàn bạo. Kiểm tra y tế kết luận rằng việc bị ngược đãi thể chất khi ông ở trong tay cảnh sát đã khiến xương của ông bị gãy.
Đánh đập và xịt hơi cay
Dưới đây là lời kể của ông Khâu An, 46 tuổi, trong lá thư gửi tới ông Chu Kiến Trung, cục trưởng Cục Công an Thành phố Côn Minh.
“Khoảng 4 giờ chiều ngày 11 tháng 12 năm 2018, một khách hàng tên Chu Du đã đến của hàng của tôi để mua dây sạc. Tôi đã nói chuyện với anh ta về Pháp Luân Công và tặng anh ta một chiếc thẻ nhớ có chứa thông tin về việc vượt phong tỏa internet để xem tin tức ở nước ngoài. Khi anh ta rời đi, tôi cũng tặng anh ta một cuốn sách nhỏ có nội dung về Pháp Luân Công.
“Khoảng hơn nửa giờ sau đó, hai cảnh sát đã xông vào cửa hàng của tôi. Một cảnh sát khí thế hung hăng, tay cầm chiếc thẻ nhớ và cuốn sách xòe ra cho tôi xem và hỏi rằng có phải là do tôi phát hay không. Lúc đó Chu Du cũng đến để làm chứng chống lại tôi. Thêm hai cảnh sát nữa đến và họ đưa tôi tới Đồn Công an Tiểu Bản Kiều.
“Tại đồn công an, họ bắt tôi đứng một mạch đến tối. Sau đó ba công an để xác minh danh tính của tôi. Họ không nói lời nào và còng tay tôi ra sau lưng. Chiếc còng quá chặt khiến cổ tay tôi bị đau. Họ đưa tôi trở lại cửa hàng. Trên đường tới đó họ sỉ nhục tôi và nói rằng họ sẽ lục soát cửa hàng ngay khi đến nơi. Bởi họ không có lệnh lục soát, nên tôi từ chối mở cửa. Họ gọi điện cho chủ nhà và sau đó gọi điện cho vợ tôi yêu cầu mở cửa. Mặc dù họ không tìm thấy bất kỳ thứ gì họ muốn, nhưng họ vẫn đưa tôi trở lại đồn công an để thẩm vấn.
“Khoảng 2 giờ sáng, họ bắt tôi đi chụp ảnh, lấy dấu vân tay và mẫu máu. Vì tôi không làm gì sai, nên tôi không phối hợp. Một cảnh sát đã tháo kính của tôi và xịt hơi cay vào mắt tôi. Hai cảnh sát khác quật tôi ngã xuống đất, trong khi một cảnh sát dùng dùi cui đánh đập tôi.
“Tôi bị đánh đập khắp lưng, bao gồm cả cột sống, cánh tay phải, cũng như mông và đùi. Đau đớn khôn tả. Ban đầu, một viên cảnh sát đạp mạnh lên đầu tôi và tiếp tục xịt hơi cay vào tôi. Sau khi anh ta xịt hết một bình, anh ta lấy bình khác và tiếp tục xịt, vừa xịt anh ta vừa nhục mạ tôi.
“Cuối cùng, viên cảnh sát đó cố gắng chụp hình, lấy dấu vân tay, và mẫu máu của tôi. Khi tôi chất vấn tại sao lại cần lấy thông tin sinh trắc của tôi, một trong số cảnh sát trả lời rằng để ‘thu hoạch nội tạng!’
“Sau khi đưa tôi trở lại phòng thẩm vấn, cảnh sát bắt tôi ngồi yên tại chỗ cho đến tận sáng hôm sau. Một cảnh sát uy hiếp tôi không được thuê luật sư. Vì họ đã lên kế hoạch tống giam tôi, tôi yêu cầu được gặp gia đình mình. Sau một thời gian, vợ tôi và chị gái tôi đến, hai người họ rất sửng sốt khi thấy tôi đau đớn đến như vậy và tôi không mở nổi mắt ra. Sau khi tôi bảo họ rằng cảnh sát đã đánh đập và xịt hơi cay tôi, chị gái tôi đã quỳ xuống cầu xin họ đừng làm như vậy với tôi nữa.
“Khi một cảnh sát đưa tôi tới Bệnh viện Tinh Diệu để kiểm tra thân thể, chụp X-quang cho thấy một phần xương chậu của tôi đã bị vỡ rời ra và mấy chiếc xương sườn bị gãy. Tôi cũng cần được gây mê để rửa sạch mắt. Cảnh sát đưa tôi tới một bệnh viện khác để xác nhận lại kết quả trước khi đưa tôi đến Trại tạm giam Côn Minh.”
“Một bác sỹ trong trại tạm giam từ chối nhận tôi bởi những thương tích của tôi. Sau khi bị đưa trở lại đồn công an, tôi đã được thả vào khoảng 10 giờ đêm.”
Cảnh sát phạm pháp
Ông Khâu nói rằng ông từng là người hay ẩu đả với người khác và Pháp Luân Công đã cải biến ông trở thành người tốt hơn. Ông nói rằng mình thật may mắn khi biết câu chuyện thực sự về pháp môn này và trở thành một học viên, và ông tin chắc rằng mỗi cá nhân nói riêng, cũng như xã hội nói chung, đều có thể thụ ích từ Pháp Luân Công.
Ông cũng nói thêm rằng tự do tín ngưỡng được khẳng định trong Điều 36 của Hiến pháp Trung Quốc và rằng hành vi của các cảnh sát đó đã vi phạm Điều 22 của Luật Cảnh sát Trung Quốc, trong đó quy định rằng cảnh sát không được “phi pháp tước đoạt, hạn chế tự do thân thể của người khác, hoặc phi pháp lục soát thân thể, vật phẩm, trụ sở hoặc trường sở của người khác”; không được phép “đánh đập hay xúi giục người khác đánh người”.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/4/25/385527.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/4/29/176666.html
Đăng ngày 03-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.