Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-04-2019] Một cư dân ở thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam hiện đang trong hoàn cảnh khó khăn sau khi phòng an sinh xã hội địa phương bắt đầu giữ lại lương hưu của bà từ tháng 6 năm 2018.

Phòng an sinh xã hội yêu cầu bà Lãnh Tuyết Phi nộp lại khoản tiền hưu bà nhận được trong thời gian ba năm rưỡi giam cầm chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công, từ năm 2013 đến năm 2016. Trong suốt quãng thời gian đó, bà suýt mất mạng vì tra tấn tàn bạo với mục đích ép bà từ bỏ đức tin của mình.

Vì bà từ chối hợp tác, phòng an sinh xã hội đã cắt lương hưu của bà và dùng số tiền bị giữ lại đó bù vào khoản tiền họ yêu cầu bà Lãnh hoàn trả lại.

Phòng an sinh xã hội đã dẫn chứng một thông báo mới đây từ cấp cao hơn có nội dung không trả tiền lương hưu cho người dân trong thời gian họ thi hành án trong tù. Với những người đã nhận được khoản tiền này trong quá khứ thì hiện giờ phải trả lại đầy đủ cho phòng an sinh xã hội.

Bà Lãnh không phải là học viên Pháp Luân Công đầu tiên phải đối mặt với bức hại tài chính của chính quyền cộng sản Trung Quốc, với tuyên bố “vắt kiệt tài chính, huỷ hoại thân thể và bôi nhọ danh tiếng của các học viên Pháp Luân Công”.

Có thông tin rằng bà Trương Tú Trân ở tỉnh Tứ Xuyên và bà Nguỵ Tú Anh ở tỉnh Liêu Ninh đều bị chính quyền địa phương giữ lại tiền lương hưu để thu hồi khoản tiền trong thời gian hai học viên bị giam cầm chỉ vì không chịu từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.

Bà Lãnh, 56 tuổi, đã không có chỗ ở cố định sau khi chồng bà ly dị bà vào đầu những năm 2000 vì cuộc bức hại.

Con trai bà hiện đang sống ở một nước phương Tây, nhưng bà Lãnh đang gặp khó khăn trong việc có hộ chiếu để nộp đơn xin visa vì hiện tại bà đang nằm trong danh sách đen của cảnh sát. Việc giữ lại tiền lương hưu khiến cuộc sống của bà còn khó khăn hơn.

Cuộc sống hồi sinh nhờ tu luyện Pháp Luân Công

Bà Lãnh từng là nhân viên tại một kho thực phẩm ở thành phố Nhạc Dương. Bà đã bị đau buốt ở chân do thoát vị đĩa đệm cột sống. Tình trạng của bà tiếp tục xấu đi dù bà đã dùng nhiều loại thuốc.

Vào mùa xuân năm 1996, một người bạn đã giới thiệu Pháp Luân Công cho bà và nói rằng nhiều người đã chữa khỏi bệnh sau khi tập môn này. Bà Lãnh đã tìm được một điểm luyện công ở công viên và học các bài công pháp. Sau đó, căn bệnh đau chân đã biến mất và không còn xuất hiện trong suốt 20 năm qua. Cuộc sống của bà lúc đó tràn ngập niềm vui và yên bình.

Ly hôn sau khi ở trại lao động trong hai năm

Tháng 7 năm 1999, khi phát hiện có gần 100 triệu người Trung Quốc đã tu luyện Pháp Luân Công, Giang Trạch Dân, lãnh đạo đương thời của chính quyền cộng sản, cảm thấy bất an trước sự phổ biến cũng như sự phục hồi các giá trị truyền thống của môn tu luyện này mà chính quyền cộng sản Trung Quốc đang tìm cách phá huỷ để mở đường cho học thuyết cộng sản.

Giang đã ra lệnh thi hành cuộc bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc, tuyên bố sẽ xoá bỏ Pháp Luân Công ở Trung Quốc trong vòng ba tháng. Hàng triệu học viên đã bị bắt giam, kết án tù và tra tấn.

Vì không chịu từ bỏ đức tin của mình, bà Lãnh đã bị bắt bốn lần. Bà bị giam hai năm ở trại lao động cưỡng bức và chịu hai bản án tù, với tổng thời gian là bảy năm rưỡi giam cầm.

Khi bà bị giam tại Trại Lao động Cưỡng bức Bạch Mã Lũng vào năm 2000, lính canh đã trói hai tay bà vào hai chiếc giường đặt ở xa nhau. Bà bị ngất xỉu ngay lập tức, nhưng lính canh vẫn không tháo còng tay cho bà.

Ngay sau Tết Nguyên đán 2001, bà bị giam trong phòng biệt giam trong một tháng. Một lính canh vũ trang còn đánh vào thái dương của bà khiến bà choáng váng. Bà còn không được dùng nhà tắm hay thay quần áo vào thời gian đó.

Trại lao động sau đó còn gia hạn thời hạn giam của bà thêm một năm với lý do bà không chịu từ bỏ tín ngưỡng.

Chồng bà đã ly hôn bà ngay sau khi bà được tự do vào ngày 4 tháng 7 năm 2002. Ông được trao quyền nuôi con trai của hai người.

Đau thương vì gia đình tan vỡ đã không làm bà gục ngã. Với tài sản ít ỏi có được sau khi ly hôn, bà đã in và phát nhiều tờ rơi có thông tin về Pháp Luân Công. Sau khi công an phát hiện ra, họ đã cho bà vào danh sách truy nã và dán ảnh của bà trên phố.

Điều này khiến bà phải sống tha hương vài năm để tránh cảnh sát.

Suýt chết vì bị tra tấn trong tù

Bà Lãnh bị bắt lại vào tháng 5 năm 2006. Toà án Quận Quân Sơn đã kết án bà bốn năm tù giam vào tháng 11 năm 2006. Sau hơn một năm giam giữ ở trại tạm giam địa phương, bà bị chuyển tới Nhà tù Nữ Tỉnh Hồ Nam vào tháng 8 năm 2007.

Lính canh không cho bà ngủ khi bà từ chối học thuộc các quy định của nhà tù. Họ còn bắt bà bóc vỏ đậu tằm nhiều giờ mỗi ngày. Bà thường cắt phải tay trong lúc dùng dao để tách vỏ đậu.

Có lần lính canh còn còng tay bà ra sau lưng – với một tay vòng qua vai, trong khi tay kia luồn xuống theo hướng từ lưng đi lên. Sau đó, họ quấn dây vào hai cổ tay của bà rồi treo bà lên. Bà liên tục run rẩy khi được kéo xuống và không điều khiển được hai tay trong thời gian dài.

Sau ba năm trong tù, cuối cùng bà cũng được tự do, nhưng bà không còn nhà để về hay đoàn tụ cùng người thân.

Bà Lãnh bị bắt lần thứ tư vào ngày 5 tháng 5 năm 2013 và bị kết án bí mật ba năm rưỡi tù vào ngày 17 tháng 10 năm 2013. Dù bà đã nộp đơn kháng cáo, toà trung thẩm vẫn lặng lẽ giữ nguyên bản án mà không cần mở thêm phiên xử công khai.

Cuối năm 2014, bà Lãnh lại bị đưa đến Nhà tù Nữ Hồ Nam và sau đó bị chuyển tới một trung tâm tẩy não vào ngày 22 tháng 1 năm 2015.

Lính canh ở trung tâm tẩy não đã bắt bà đứng từ 6 giờ 15 sáng đến 3 giờ 30 sáng hàng ngày. Bà chỉ được phép ngủ một tiếng. Hai chân của bà bị sưng phù khiến việc đi lại hay dùng nhà vệ sinh rất khó khăn. Hai bàn chân của bà bị phồng rộp đến mức dính vào miếng lót giầy và những vết này sẽ bị tróc ra khi bà cởi giầy ra ngoài.

Các tù nhân canh chừng bà chặt chẽ. Nếu họ thấy bà nhắm mắt, họ sẽ dội nước lạnh lên người và véo hai tay của bà. Khiến hai tay của bà đầy những vết thương. Người bà trở nên hốc hác và rơi vào trạng thái nguy kịch do bị tra tấn thân thể và bị cấm ngủ trong thời gian dài.

Với chính niệm mạnh mẽ, bà đã trải qua ba năm tra tấn tàn bạo với mục đích huỷ hoại đức tin của bà. Bà Lãnh được trả tự do vào ngày 4 tháng 11 năm 2016.

Báo cáo liên quan:

Các học viên chờ quyết định phúc thẩm của tòa án để lật ngược bản án

Báo cáo liên quan bằng tiếng Anh:

Các học viên ở thành phố Nhạc Dương bị kết án phi pháp

Bà Lãnh Tuyết Phi ở thành phố Nhạc Dương trở thành vô gia cư để tránh bức hại


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/4/13/385065.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/4/24/176607.html

Đăng ngày 02-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share