Bài viết của một học viên tại New York
[MINH HUỆ 15-11-2018] Kính chào Sư phụ! Xin chào các đồng tu!
Tôi là một phóng viên chuyên mục phong cách sống của Thời báo Đại Kỷ Nguyên, phiên bản tiếng Trung của tờ Epoch Times. Tháng 6 năm 2015, tôi đến New York để làm phóng viên toàn thời gian. Một trong những nhiệm vụ chính của tôi là phỏng vấn khách hàng và viết bài để quảng bá cho hoạt động kinh doanh của họ. Tôi làm việc này đến nay đã ba năm. Nhìn lại những năm này, tôi rất tự hào khi có cơ hội được làm việc cho kênh truyền thông ở New York. Trên suốt chặng đường, có nhiều va vấp trong việc phối hợp với những học viên khác. Nhưng nhìn lại, tôi rất trân quý từng bước đi trong suốt quãng đường đó.
Trước khi tới New York năm 2015, tôi đã để lại cha mẹ ở Trung Quốc và sang Mỹ làm việc năm năm. Năm 2012, tôi bắt đầu làm việc bán thời gian cho Epoch Times ở Philadelphia. Thời gian trôi đi, cảm giác về trách nhiệm đối với các hạng mục Đại Pháp của tôi tăng lên. Tôi cũng nhận ra rằng có nhiều cách khác nhau để trợ Sư Chính Pháp bên ngoài Trung Quốc. Truyền thông là một trong những hạng mục quan trọng này.
Tới New York
Ở Philadelphia không có nhiều học viên trẻ. Số ít những người trẻ ở đó trước sau gì rồi cũng chuyển tới những nơi như New York hoặc Los Angeles. Tôi cũng muốn tới New York. Năm 2015, một phóng viên của NTD đã tới Philadelphia để đưa tin về Shen Yun. Cô ấy thúc giục tôi tới New York và tham gia đào tạo một tháng. Sau đó, giai đoạn thử việc trôi qua suôn sẻ và tôi đã ở lại New York. Tôi nói chuyện với mẹ tôi và bà đã ngạc nhiên khi tôi có thể tìm được một công việc ở New York thật dễ dàng. Thực tế, con đường của đệ tử đều do Sư phụ an bài.
Ở New York tôi nhanh chóng được sắp xếp làm mảng tin tức về kinh doanh. Ngành học chính của tôi ở trường đại học là về lĩnh vực y tế, và không ai trong gia đình tôi làm về kinh doanh. Trong xã hội Trung Quốc, người ta thường có cái nhìn tiêu cực về thương nhân, như là những người luôn đấu đá nhau để trục lợi. Một số đồng tu cao tuổi có quan niệm bảo thủ cũng không có ấn tượng tốt về công việc bán hàng tại Đại Kỷ Nguyên. Với thiên hướng thích đọc sách, có nằm mơ tôi cũng chưa từng nghĩ rằng mình sẽ làm việc trong lĩnh vực liên quan đến kinh doanh.
Con đường mà Sư phụ an bài cho tôi xem ra ban đầu có vẻ là ngẫu nhiên. Trước khi tới New York, tôi đã gặp hai học viên có kiến thức về bán hàng và kinh doanh. Tôi đã có cơ hội nói chuyện sâu với một trong số họ. Sau khi học được những kiến thức sâu hơn về kinh doanh, tôi thấy rằng đó là một công việc chính đáng, như bất kỳ một nghề nào khác. Một người bán hàng giỏi thực sự là người có ý chí vững vàng, có thể chịu đựng được gian khó, cân nhắc đến lợi ích của khách hàng và của các thành viên trong nhóm mình, và không chấp trước vào lợi ích cá nhân, nhưng đồng thời cũng có thể kiếm được doanh thu.
Sư phụ đã giảng trong Chuyển Pháp Luân:
Có câu thuyết trong quá khứ, kiểu như: “mười người buôn chín kẻ gian”; ấy là người thường nói thế; tôi nói rằng đây là vấn đề ‘nhân tâm’. Nếu nhân tâm được giữ cho chính, giao dịch công bằng, [thì] chư vị phó xuất nhiều đến đâu sẽ nên kiếm được tiền nhiều đến đó; ấy là vì ở nơi người thường chư vị phải phó xuất rồi mới được, ‘bất thất bất đắc’, [đây là] cái được nhờ lao động.“
Là đệ tử Đại Pháp, chúng ta nên áp dụng những Pháp lý chân chính vào công việc của mình. Nghề bán hàng là một phần quan trọng trong mảng truyền thông của chúng ta, và nhiều đệ tử Đại Pháp đang làm việc đó. Nếu có nhiều học viên ôm giữ quan điểm tiêu cực về nghề này, thì tôi nghĩ đây có thể là một sơ hở lớn cả trong tu luyện cá nhân và tu luyện chính Pháp. Sau khi ngộ ra điều này, tôi bắt đầu nghĩ: “Nếu mình có cơ hội, mình hy vọng sẽ giúp ích được cho nhóm bán hàng của mình.”
Vượt qua khảo nghiệm trong công việc
Khi tôi được yêu cầu phỏng vấn các bác sỹ để viết quảng cáo cho cơ sở của họ, tôi đã chuẩn bị về mặt tinh thần và cảm kích rằng kiến thức về y khoa của tôi sẽ được dùng đến. Khả năng viết lách của tôi cũng đã thúc đẩy tôi viết những bài báo đáp ứng yêu cầu của kênh truyền thông chúng ta. Tôi sẽ cần đưa ra những thông tin khách quan và trung thực, bởi vì những thông tin này liên quan tới sức khỏe của mọi người.
Nhưng sau đó một thời gian, khảo nghiệm mà tôi gặp phải trong công việc bắt đầu đến tới tấp.
Chẳng hạn như tôi muốn tận dụng được tốt nhất các cuộc phỏng vấn. Nhưng trên thực tế, mọi thứ không đơn giản như vậy. Một số bác sỹ mà tôi phỏng vấn không có sự chuẩn bị tốt và thái độ của họ rất hời hợt. Đối với tôi, thái độ này cho thấy họ coi những người bán hàng và phóng viên chỉ như là những người cung ứng dịch vụ. Tôi cũng nghĩ rằng điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với kênh truyền thông của chúng ta. Mặc dù không phải tất cả các bác sỹ đều như vậy, trong tâm tôi cảm thấy bất công. Tôi nghĩ: “Tôi đã phải nỗ lực hết sức để chuẩn bị câu hỏi phỏng vấn cho các vị; một bài báo đăng trên báo chúng tôi sẽ được cả cộng đồng người Hoa đọc. Thế mà các vị lại không nghiêm túc với việc đó được sao?” Đồng thời, tôi cũng có quan niệm về người bán hàng của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng họ quá nhu nhước, cho nên mới gây ra tình huống này. Tôi đã liên tục bị xáo động bởi cảm giác bất bình này.
Một vấn đề khác là, sau thời gian dài viết các bài báo cho khách hàng, có nhiều nội dung bị lặp đi lặp lại. Chẳng hạn, nhiều khách hàng là nha sỹ. Và nhiều người trong số họ làm dịch vụ trồng răng, và họ muốn quảng bá việc đó. Có lẽ tôi đã viết ít nhất sáu bài viết về chủ đề trồng răng. Có giai đoạn, nếu ai đó hỏi tôi đang viết gì, tôi sẽ luôn luôn trả lời là “trồng răng”. Điều đó khiến tôi tăng thêm quan niệm về nghề bán hàng. Lý do mà nha sỹ trồng răng sẵn sàng đặt mua quảng cáo là vì việc trồng răng kiếm ra tiền. Vì thế chúng tôi có nên cứ chạy theo họ mà quảng cáo hay không? Những nha sỹ này chỉ nói về những mặt tích cực của việc trồng răng, và chúng tôi liên tục viết những bài báo cho họ. Đây có thực sự là cách làm có trách nhiệm hay không?
Một vấn đề khác nữa là, trước hay sau cuộc phỏng vấn, nhiều người bán hàng sẽ bảo tôi nên viết bài báo như thế nào. Điều này khiến tôi khó chịu. Tôi nghĩ: “Tôi có hướng dẫn viết bài của riêng mình. Đáp ứng được những tiêu chuẩn của riêng tôi đã là đủ nặng nề rồi, thế mà các bạn vẫn muốn làm mọi thứ phức tạp lên.” Tôi không nói trực tiếp điều này với những người bán hàng, nhưng tôi lại than phiền với đồng nghiệp và quản lý của mình.
Cùng lúc đó, mỗi ngày những bài viết mới được đăng trên trang web về sức khỏe. Khi thấy các học viên khác không phải trải qua khó khăn khi viết các bài báo về kinh doanh, tôi trở nên ghen tỵ.
Bạn có thể hình dung được công việc này nặng nhọc đối với tôi thế nào. Tôi cảm thấy công việc này đã đẩy tôi đến giới hạn chịu đựng. Mỗi ngày, chỉ có lúc học Pháp buổi sáng là đầu óc tôi nhẹ nhõm. Năng lượng phát ra khi các đồng tu học Pháp cùng nhau thật thuần khiết, và từng câu của Sư phụ có thể tiến nhập vào đầu tôi. Nhưng ngay khi trở lại công việc, tâm tôi lại náo loạn.
Trân quý chúng sinh và các đồng tu
Ở đây, tôi muốn cảm ơn các đồng tu trong nhóm của tôi. Họ thừa nhận rằng mỗi người đều có thói quen làm việc và văn phong khác nhau, nhưng họ cũng nhắc nhở tôi rằng tôi không nên nhấn mạnh vào bản thân quá nhiều. Dù các khách hàng không hoàn hảo, họ đã ký thệ ước tiền sử là sẽ ủng hộ kênh truyền thông giảng chân tướng của các học viên Đại Pháp. Thương vụ của chúng tôi đang giúp họ hoàn thành thệ ước của mình.
Thông qua công việc và việc tu luyện hàng ngày, tôi bắt đầu ngộ ra một điều. Tôi nhận ra rằng, dù những khách hàng này có thệ ước ủng hộ truyền thông trong Đại Pháp, họ không thể hoàn thành nó một cách trọn vẹn lúc này. Họ có thể còn trở nên cố chấp hoặc không chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn. Nhưng đó là lý do vì sao chúng tôi cần người bán hàng giảng chân tướng. Chúng tôi cần phối hợp tốt để viên dung tất cả những việc này.
Sau khi ngộ ra điều này, tôi đã trân quý những chúng sinh này và các đồng tu hơn. Tôi cũng nhận thấy rằng tôi cần phải chính lại một số vấn đề của mình trong công việc. Tôi cố gắng chuẩn bị trước câu hỏi phỏng vấn cho các bác sỹ để họ được chuẩn bị tốt. Trên đường đến cuộc phỏng vấn, tôi sẽ phát chính niệm, nhưng không phải theo cách như trước đây, khi mà tôi lo lắng rằng có điều gì đó không ổn có thể xảy ra trong cuộc phỏng vấn. Tại cuộc phỏng vấn, ngoài việc đặt câu hỏi, tôi sẽ quan sát xem có điều gì khác mà các bác sỹ muốn bổ sung hay không. Tôi sẽ thực hiện cuộc phỏng vấn mà không truy cầu và để nó diễn ra một cách tự nhiên. Tôi cũng tin rằng các bác sỹ đang làm điều tốt nhất có thể.
Cho dù nếu các bác sỹ đang nói về việc trồng răng để kiếm tiền, tôi sẽ nhìn nhận mọi thứ từ khía cạnh tích cực và nghĩ rằng họ đã học hành nhiều năm để theo nghề này. Tôi đã cố gắng hết sức để không thêm những niệm đầu tiêu cực về bác sỹ.
Một lần tôi có định kiến về một trong những người bán hàng của chúng tôi. Tôi cảm thấy cô ấy quá thận trọng trước khách hàng và chỉ cố làm họ hài lòng. Bất cứ khi nào nghĩ tới cô ấy, tôi sẽ rất giận dữ và nghĩ rằng cô ấy quá giống một người thường. Tôi nghĩ về việc tại sao hành động của cô ấy lại ảnh hưởng tới tôi nhiều như vậy. Hướng nội, tôi thấy rằng đó là vì tôi thiếu từ bi với các đồng tu. Tôi không nghĩ rằng cô ấy đã cố hết sức để làm tốt. Ở tầng sâu hơn, học viên này cũng phản ánh thiếu sót của chính tôi, vì tôi cũng muốn có vẻ ngoài tốt đẹp trước mặt khách hàng, điều đó đã che giấu chấp trước xu nịnh người khác.
Chấp trước thận trọng thái quá và xu nịnh người khác cũng phản ánh trong công việc của tôi. Tôi thường lăn tăn cân nhắc từ ý chính cho đến chi tiết đưa vào bài viết để xem liệu khách hàng hay người bán hàng sẽ thích hơn nếu tôi viết theo cách nào đó hay không. Đôi khi nó như thể là tôi đang kéo co giữa những gì khách hàng muốn thấy và những gì người đọc muốn đọc, khiến tôi lãng phí nhiều thời gian. Thực tế, nếu một bài viết chân chính tức là nó thực sự cân nhắc đến người đọc, thậm chí nếu nó không quá tâng bốc khách hàng, nó vẫn làm nổi bật khách hàng, và khách hàng sẽ chấp nhận nó. Tuy nhiên, nếu chúng ta hạn chế tư duy của mình trước khi làm bất kỳ việc gì, thì chúng ta sẽ không thể có được ảnh hưởng trọn vẹn của đệ tử Đại Pháp.
Tôi nhớ một học viên làm nghề bán hàng đã nói: “Tôi không quan tâm bạn viết như thế nào. Chúng ta phải có được nội dung mà người đọc thấy hữu ích.” Thái độ cởi mở của học viên này là nguồn khích lệ to lớn đối với tôi. Có thể đây là mối quan hệ tiền duyên của tôi với những đồng tu bán hàng này. Thái độ và sự đánh giá của họ khiến tôi suy nghĩ nhiều. Khi tôi có thể trân quý các đồng tu trong khi phối hợp với họ, những gợi ý của họ thường đúng là những gì tôi cần. Và nếu đó không phải là điều tôi cần, tôi cũng có thể giải thích với họ.
Tôi vừa nhắc đến cảm giác tật đố đối với các đồng tu không cần viết các bài báo kinh doanh. Thực tế, mỗi loại hình công việc đều có cái khó của nó. Tâm tật đố với những người khác gây ra cho người đó cảm giác bất mãn. Sư phụ giảng trong
“Giảng Pháp vào ngày kỷ niệm 20 năm truyền Pháp”:
Hết thảy những điều đó đối với một vị Thần mà nói, là không hề có loại dục vọng không biết thoả mãn của con người, không còn là trạng thái con người nữa. Một vị Thần dù ở trong hoàn cảnh nào, chư vị cấp cho họ cảnh giới cao hơn thì họ không thích, họ cảm thấy ‘ở đó không có quan hệ gì với tôi’, cũng sẽ không là tư tưởng con người.”
Dù tôi không chắc liệu mình có luôn viết bài báo về kinh doanh hay không, những gì tôi làm là giống như “ăn trong chén, nhìn trong nồi,” – một dạng tâm tật đố. Công việc của các đồng tu là những gì khiến cho nội dung trên trang web về sức khỏe của chúng tôi trở nên phong phú. Tôi nên mừng cho họ, chứ không phải là ghen tỵ. Dù tôi bắt đầu tu luyện từ khi còn trẻ, tôi vẫn không thể buông bỏ được tâm tật đố. Vì vậy, tôi vẫn phải rất chú ý đến cái tâm này.
Làm việc cho truyền thông ba năm, tôi đã đề cao trên nhiều phương diện tu luyện. Tôi từng rất khó để đạt nhập tĩnh trong khi đả tọa. Dần dần, tôi đã có thể nhập tĩnh. Sau đó, tôi có thể đạt được trạng thái tĩnh trong khi luyện động công.
Tôi thực sự cảm ơn môi trường làm việc ở trụ sở chính New York. Tôi đã thấy được từ các đồng nghiệp rằng nếu một người có tâm thuần tịnh, họ có thể viết các bài báo nhanh hơn và có thể nhanh chóng đề cao kỹ năng chuyên môn của họ.
Vì năng lực có hạn, tôi thường gửi bài viết của mình ở phút cuối. Tôi mong các đồng tu hãy tha thứ cho tôi. Xin vui lòng chỉ ra những vấn đề khác mà tôi có. Xin cảm ơn.
(Bài viết được đọc tại Pháp hội Tân Đường Nhân và Đại Kỷ Nguyên năm 2018).
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/15/-377033.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/18/173296.html
Đăng ngày 11-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.