Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-3-2018] Bốn phụ nữ đã bị Toà án Ngô Giang, thành phố Tô Châu cáo buộc “vi phạm Điều 300 Luật Hình sự”, rằng những người này đã sử dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật nên bị truy tố ở mức cao nhất.

Bà Triệu Tú Trân, 74 tuổi, và bà Lưu Hỷ Mai, 66 tuổi, đã bị bắt giữ vào ngày 11 tháng 5 năm 2017. Bà Tào Trị Anh, 60 tuổi, và bà Hoàng Chinh, 76 tuổi, đã bị bắt giam vào ngày hôm sau. Bốn người này đã bị chính quyền nhắm đến sau khi họ bị tố giác là nói chuyện với mọi người trong một công viên địa phương về Pháp Luân Công, một môn tu luyện đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại.

Bà Triệu, bà Tào và bà Hoàng là công dân địa phương, bà Lưu sống ở tỉnh Chiết Giang và đang thăm em gái ở Tô Châu vào thời điểm đó. Họ đã thuê tổng cộng 8 luật sư đại diện tại phiên toà vào ngày 6 tháng 3 năm 2018. Các luật sư đã bác bỏ các cáo buộc và đưa ra nghi vấn về những bằng chứng truy tố thân chủ của họ. Bốn phụ nữ cũng tự bào chữa và yêu cầu được trả tự do vô điều kiện.

Chánh án Chu Bỉnh Hồng đã hoãn phiên họp kéo dài từ 10 giờ sáng đến 8 giờ 40 phút tối mà không đưa ra phán quyết. Bốn học viên vẫn bị giam tại trại tạm giam Hoàng Đại.

Các cáo buộc vô căn cứ

Các luật sư đã yêu cầu công tố viên Lý Côn chỉ ra điều luật nào gán nhãn Pháp Luân Công là tà giáo và căn cứ nào cho phép bà trích dẫn Điều 300 làm cơ sở để cáo buộc các thân chủ của họ. Bà ấy đã không trả lời.

Các luật sư giải thích rằng việc truy tố thân chủ của họ là vô căn cứ.

Vì Quốc Hội (cơ quan lập pháp của Trung Quốc) chưa từng ban hành điều luật nào quy định rằng Pháp Luân Công là tà giáo, ông Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ đã chỉ đạo Toà án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã diễn giải luật định Điều 300 vào tháng 11 năm 1999, rằng bất kỳ ai tập luyện hay quảng bá Pháp Luân Công sẽ bị truy tố ở mức cao nhất có thể.

Một bản giải thích pháp luật mới để thay thế phiên bản 1999 đã có hiệu lực vào ngày 1 tháng 2 năm 2017. Bản giải thích này không đề cập đến Pháp Luân Công và nhấn mạnh rằng mọi cáo trạng cáo buộc bất kỳ ai liên quan đến tà giáo phải có cơ sở luật pháp vững chắc. Vì không có luật nào ở Trung Quốc quy định rằng Pháp Luân Công là tà giáo, nên cáo trạng chống lại bốn học viên là thiếu cơ sở pháp lý.

Chánh án Chu đã cảnh báo các luật sư không được đề cập đến Pháp Luân Công và liên tục ngắt lời bào chữa của họ. Ông ta cũng yêu cầu bốn học viên nhận tội nhưng họ đã kiên quyết từ chối. Thay vào đó họ tự bào chữa cho mình.

Bằng chứng không thể chấp nhận

Các luật sư cũng lập luận rằng bằng chứng truy tố là không thể chấp nhận được.

Công tố viên Lý đã cáo buộc bốn học viên vi phạm pháp luật khi sở hữu các sách và tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Bà ta đã trích dẫn hai thông báo dựa trên cơ sở pháp lý của Cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc quy định cấm phát hành các sách Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999.

Các luật sư phản bác rằng chính quyền đã ban hành bãi bỏ lệnh cấm vào năm 2011 và các học viên có toàn quyền hợp pháp khi sở hữu các sách Pháp Luân Công.

Công tố viên Lý đưa ra một tấm ảnh mờ của một số người đang đứng bên lề đường vào buổi tối. Bà ta tuyên bố họ là bốn học viên. Các luật sư lập luận rằng tấm ảnh chỉ cho thấy một bên mặt hoặc lưng của mọi người và không có bằng chứng cho thấy đó là các thân chủ của họ. Hơn thế nữa, tấm ảnh cho thấy không diễn ra bất kỳ hành động phi pháp nào.

Bà Lý tiếp tục đưa ra một tài liệu do Đội An ninh của Sở Công an thành phố Tô Châu ban hành tuyên bố rằng đồ vật thu được từ bốn học viên có liên quan đến tà giáo. Bà ta không đưa ra được bất kỳ vật chứng nào để chứng minh cho cáo buộc của mình. Không một viên chức nào có mặt để thảo luận về các đồ vật bị tịch thu.

Các luật sư lập luận rằng đội an ninh không phải là cơ quan có thẩm quyền xác minh bằng chứng truy tố và tài liệu không có chữ ký hay con dấu chính thức. Họ vặn hỏi rằng tại sao không có nhân chứng nào được đề cập trong bản cáo trạng xuất hiện để đối chất. Hơn nữa, bản cáo trạng không có số chứng minh thư của nhân chứng theo quy định của luật pháp.

Các luật sư kết luận rằng bằng chứng truy tố là không thể chấp nhận. Họ cũng nhấn mạnh rằng các thân chủ của họ không gây hại cho ai chứ chưa nói đến việc phá hoại việc thực thi pháp luật khi tu luyện và nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công.

Công an vi phạm quy trình pháp lý

Các luật sư và học viên cũng làm chứng chống lại cơ quan thực thi vụ bắt giữ là Đồn Công an Tùng Lăng địa phương.

Cảnh sát không hề xuất trình thẻ căn cước hoặc lệnh bắt khi họ bắt giữ bốn học viên này. Họ cũng không đưa ra danh sách liệt kê đồ đạc tịch thu theo quy định của pháp luật.

Công an phụ trách vụ án của các học viên đã từ chối gặp gia đình họ hay tiết lộ họ tên đầy đủ của anh ta cho họ. Các gia đình chỉ biết rằng anh ta họ Trần và số điện thoại văn phòng là +86-512-63093110.

Bà Tào bị chẩn đoán huyết áp cao, đau tim, và liệt mặt trong kỳ kiểm tra sức khoẻ bắt buộc, nhưng công an vẫn gây áp lực để trại tạm giam nhận bà.

Bà Lưu kể lại rằng bà đã bị rơi vào bẫy khi tự đưa ra bằng chứng buộc tội mình. Nhiều công an đã đến thẩm vấn bà tại trại tạm giam. Họ hứa thả bà nếu bà ký vào biên bản xác nhận rằng bà bị bắt giữ vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Vì mong muốn trở về với gia đình ở Chiết Giang, bà đã ký vào biên bản được trao thông qua cửa sổ của phòng họp. Bà không được đọc nó. Bà nhận ra mình đã bị lừa khi nghe tin phải ra toà.

Một phiên toà “công khai” đáng xấu hổ

Phiên toà công khai được nhưng lại đóng kín với công chúng, công an ghi hình những ai cố gắng vào toà án để tham dự phiên xử.

Hôm đó có nhiều phòng xử trống, nhưng chánh án Chu đã dùng phòng xét xử có 36 chỗ ngồi. Ông ta không thông báo số phòng cho luật sư và gia đình, chỉ 20 phút trước khi phiên xử bắt đầu họ mới hay tin. Tám luật sư phải dồn vào một không gian chỉ dành cho 2 người.

Chỉ có một chục thành viên trong các gia đình được tham dự phiên xử. Họ được lệnh phải đi qua 3 vòng kiểm tra an ninh. Những ai phải đi vệ sinh khi phiên toà diễn ra phải đi qua các vòng an ninh lần nữa khi quay trở lại.

Các gia đình nhận ra phân nửa phòng xử là những người mà họ không biết. Một số người lạ mặt bỏ đi sau giờ nghỉ thứ hai vào khoảng 6 giờ chiều. Những thành viên gia đình không được phép ngồi kế nhau. Thay vào đó, mỗi người phải ngồi giữa hai người đàn ông và bị cấm giao tiếp với người khác.

Người thân trở thành “nhân chứng” mà không biết

Con trai và con dâu của bà Triệu bị cấm vào phòng xét xử. Chánh án Chu tuyên bố rằng họ là nhân chứng của bà Triệu và vì thế bị chặn bên ngoài. Cặp vợ chồng trẻ này sống cùng bà Triệu và bị bắt giữ trong cùng thời điểm, chưa bao giờ nhận được yêu cầu làm nhân chứng cho bà. Họ nhận ra rằng mình đã trở thành nhân chứng sau khi bị ép ký vào biên bản thẩm vấn của công an trước khi được thả ra.

Con gái bà Tào cũng phát hiện bản thân bị rơi vào tình huống tương tự, khi chánh án Chu nói rằng cô là nhân chứng cho mẹ cô. Cô nhớ rằng công an đã đến nhà cô để tra hỏi sau khi mẹ cô bị bắt giữ. Cô đã ký vào biên bản mà không biết rằng công an đã làm gì với biên bản sau đó.

Theo luật, nhân chứng của nguyên đơn được phép tham dự phiên toà. Con gái bà Tào cho rằng thậm chí nếu cô là nhân chứng, thì cô nên được vào phiên toà. Chánh án Chu đã phớt lờ cô. Cô thấy dòng chữ khắc trên tường có nội dung “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.” Cô đã chụp hình dòng chữ này nhưng bị ép phải xoá khỏi điện thoại của cô.

Cô từ chối rời đi và đã đứng bên ngoài giá lạnh gần 12 tiếng. Cô hy vọng thấy mẹ mình sau phiên xử, nhưng mong muốn của cô đã không trở thành hiện thực.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/3/25/363314.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/3/29/169199.html

Đăng ngày 11-4-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share