[MINH HUỆ 27-7-2003] Tôi luôn nghĩ rằng mình đã vượt qua được những khảo nghiệm về tình, cho đến khi yêu một lần nữa, tôi mới nhận thấy rằng mình tu luyện chưa tốt. Trước đây, tôi đã trải qua nhiều khảo nghiệm khác nhau về tình cảm. Lúc đó, tôi nghĩ mình đã thực hiện rất tốt và nếu một lần nữa phải đối mặt với tình huống tương tự như vậy thì cũng không vấn đề gì. Nhưng nay thực tế không như những gì mình nghĩ. (Tất nhiên, Đại Pháp không nói rằng các học viên không thể có tình cảm nam nữ kết hôn. Đại Pháp yêu cầu trong quá trình tu luyện, chúng ta làm sao phải phù hợp tối đa với xã hội người thường. Tuy nhiên, là một người học viên, chúng ta tự biết trong tâm liệu có còn chấp trước nào hay không.)

Mỗi lần trải qua những khảo nghiệm về tình, tôi luôn nhìn lại và tìm căn nguyên của vấn đề. Nhưng tôi cũng chỉ tìm thấy một phần của vấn đề và chưa bao giờ tìm thấy gốc rễ của sự việc. Vì vậy, bất cứ khi nào khảo nghiệm về tình xuất hiện, tôi lại tự hỏi tại sao vấn đề đó cứ xuất hiện lặp lại như vậy. Trong vở kịch ấy, chỉ có diễn viên nam chính là thay đổi. Tôi biết chắc chắn mình đã tu luyện chưa tốt và một lần nữa tôi lại sống trong thế giới tưởng tượng của mình. Thật vậy, tôi nhận thấy mình đang sống trong thế giới tưởng tượng và nghĩ rằng đã tìm thấy căn nguyên của vấn đề.

Một ngày nọ, người bạn của tôi nói rằng một học viên ở gần nhà cô ấy đã đối mặt với khảo nghiệm về tình và học viên đó nhận thấy cái tình ấy còn liên quan đến việc truy cầu danh vọng. Tôi bối rối và không hiểu tại sao tình cảm và danh vọng lại liên quan với nhau. Và sau đó, chúng tôi bắt đầu thảo luận…

Mối liên hệ giữa tình cảm và danh vọng là gì? Người học viên đó nói rằng lý do của cô ấy về việc có tình cảm với người khác là bởi vì những suy nghĩ của cô ấy đã được người kia chấp thuận. Vì vậy sau khi được chấp thuận cô ấy bắt đầu cầu danh. Khi tâm cầu danh nổi lên, cô ấy cảm thấy rằng mình được người đó coi trọng và bắt đầu có tình cảm với họ.

Sau khi nghe câu chuyện, tôi phát hiện rằng mình có một vài điểm tương đồng. Thực tế, tâm cầu danh của tôi cũng khá mạnh mẽ. Tôi thường có cảm giác tự hào về kỹ năng giao tiếp của mình. Một số ý tưởng tôi đưa ra đã gây ấn tượng và nhận được sự tán thưởng của mọi người. Lời khen đó là khảo nghiệm đối với người tu luyện, từ đó đã bộc lộ tâm hiển thị của tôi.

Tôi bình tĩnh và cố gắng hướng nội tìm. Tôi phát hiện rằng, có nhiều điều tôi từng cho là những ý tưởng tốt nhất, thực sự chỉ là quan niệm của người thường. Những điều đó có đáng để tôi hài lòng không? Khi được người khác khen ngợi, tâm lý hiển thị của tôi đã bị kích động. Khi tôi gặp người nào đó mà mình thích và họ ca tụng tôi, tôi đều cảm thấy rất hài lòng và vậy là tôi lại sống trong thế giới tưởng tượng của mình. Nhưng khi nhìn kỹ hơn, rõ ràng đó chỉ là những quan niệm người thường. Cho dù những ý tưởng có tốt hay những lời nói của tôi có thuyết phục thế nào đi chăng nữa, chúng chỉ nằm trong tầng người thường.

Nếu không vượt qua được cái lý của tầng bề mặt người thường, chúng ta sẽ không thể tìm thấy nguyên nhân của vấn đề. Đây là điều mà tôi đã không vượt qua được khảo nghiệm. Kể từ khi thay đổi cách nhìn, tôi đã có suy nghĩ mới về tình. Tôi nhận thấy rằng không dễ để từ bỏ quan niệm của người thường, ngay cả đối với người tu luyện. Thật khó cho chúng ta nhận ra tư tưởng của mình cũng là một loại quan niệm của người thường. Những người tu luyện chúng ta nên không ngừng đột phá hết thảy quan niệm này. Tình cũng là một loại quan niệm. Chúng ta vẫn đang trong quá trình tu luyện, và nếu không nhận thấy vấn đề của mình, chúng ta sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi những quan niệm ấy. Một quan niệm cũng có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ, suy nghĩ lại ảnh hưởng đến hành vi. Và những gì chúng ta nên từ bỏ là tầng tầng các quan niệm khác nhau và căn nguyên của những chấp trước.

Sư phụ coi chúng ta như những bậc Giác giả tương lai. Vì vậy, chúng ta phải không ngừng nâng cao tiêu chuẩn hành xử và tâm tính của mình. Cho dù chúng ta dùng những tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của con người để đo lường bản thân, nó vẫn chỉ phù hợp với cái lý của người thường, là những yêu cầu dành cho người thường. Còn đối với một Giác giả thì sao? Hành vi và tư tưởng của bậc Giác giả phải cao hơn người thường. Vì vậy, tôi nhận thấy rằng trong việc đối mặt với tình cảm, tôi nên nghĩ một cách rõ ràng hơn: Tại sao mình bước chân lên con đường tu luyện Pháp Luân Đại Pháp? Mình có thường xuyên xem bản thân là người tu luyện, có nghiêm túc đối chiếu bản thân và từ bỏ chấp trước hay không? Mình có chân chính tu luyện và thực hiện sứ mệnh cứu độ chúng sinh không?


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2003/7/27/54700.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/emh/articles/2003/8/15/39133.html

Đăng ngày: 3-3-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share