[MINH HUỆ 26-2-2007] Tôi có một vài suy nghĩ về bài viết Tôi giải vấn đề hôn nhân gia đình của mình như thế nào và xin được thảo luận với các đồng tu trong bài viết này. Trước hết, xin được bắt đầu bằng một chủ đề khác. Trong những phụ nữ phải chịu đựng cuộc hôn nhân đầy đau khổ, một số là do duyên nợ hay do thiếu kinh nghiệm xử lý những tình huống này; cũng có những phụ nữ bị lừa gạt và rơi vào hoàn cảnh bất lợi. Ngày nay, trong thế giới ngập tràn sắc dục, nếu một học viên không xử lý tốt tình huống thì có thể gặp vấn đề.

Như tôi thấy, những đồng tu có hoàn cảnh như thế này sẽ phải chịu đựng đau khổ và những tình huống khó xử không đáng có. Ở đây, tôi muốn chia sẻ suy nghĩ của mình về cách ứng xử với loại tình huống này để mọi người tham khảo.

Giả sử tôi là nữ học viên đó, nếu gặp tình huống đó, tôi cần phải cân nhắc chấp nhận hay từ chối lời cầu hôn của anh ấy trên cơ sở nào? Theo tôi, trong giai đoạn đặc biệt này (giai đoạn trước khi kết thúc Chính Pháp), tốt nhất là người tu luyện Đại Pháp nên là người có tâm tính tốt. Một người muốn bước vào tu luyện không nên vì chấp trước nào hết. Khi ai đó nói chỉ tu luyện sau khi được chữa khỏi bệnh, phải thấy thần thì mới tin, hay nếu tôi đồng ý kết hôn với anh ta, v.v.; thì đều là vì chấp trước mà đến chứ không thực tâm tu luyện. Nói nghiêm trọng hơn, đó là xúc phạm Đại Pháp. Đáp ứng những truy cầu này chính là dung túng tư tưởng bất chính của những người có khả năng trở thành học viên.

Vì thế, khi có người khác giới cầu hôn: “Nếu em bằng lòng lấy anh, thì anh sẽ theo ngay” thì cần phải giải thích rõ là không nên có suy nghĩ đó, chứ không nên nhượng bộ mãi. Tu luyện là phải vô điều kiện. Nhưng một số học viên có tâm tốt có thể đã kết hôn với những kiểu người nói trên. Trong những tình huống đó, học viên chỉ có thể dùng lời lẽ thích hợp mà chia sẻ với đối phương, đồng thời xin Sư phụ giúp tiêu trừ bớt khó khăn do ngộ tính kém của học viên gây nên. Tôi hy vọng mọi người hiểu vấn đề này và không mắc lỗi tương tự.

Khi một đồng tu kết hôn với một người không phải là học viên vì những lý do không chính đáng thì không chỉ khiến tu luyện của bản thân và việc cứu độ chúng sinh của Sư phụ thêm khó khăn. Khi tĩnh tâm học Pháp và đề cao trong tu luyện, chúng ta sẽ dần có thể nhận định vấn đề minh bạch hơn. Hôn nhân là chuyện cả đời. Không nên vội vàng xử lý vấn đề chỉ vì áp lực hoặc vì những gì người khác nói. Cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc lý do người đó muốn kết hôn là gì.

Hơn nữa, người trong cuộc cần phải minh bạch Pháp lý. Cô ấy không nên mù quáng làm theo ý kiến ​​của đồng tu khác, trong khi lúc thì có chấp trước này, lúc có chấp trước kia. Vấn đề này khá phổ biến trong các học viên nên chúng ta cần phải lưu ý hơn. Chẳng hạn, người học viên trong bài viết đó có phần tự phụ và chưa tu khẩu tốt. Càng đọc bài viết đó, tôi càng thấy tiếc cho cô ấy. Chẳng hạn như:

(1) “Vì tin tưởng nên tôi đã chia sẻ chuyện này với đồng tu A. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi cô ấy tức giận và chỉ trích tôi rằng nếu tôi không có những suy nghĩ này thì đã không xảy ra chuyện như thế. Nhưng tôi cũng biết một số người đã ngỏ lời cầu hôn với cô ấy, có người là sỹ quan quân đội cao cấp, có người là Giám đốc Sở Giáo dục…” Điều này cho thấy học viên A đã phán xét người khác một cách vô lý trong khi bản thân cũng không giữ được tiêu chuẩn đó. Về điểm này, tôi cũng nghĩ về bản thân mình. Đôi khi thấy những thiếu sót của đồng tu, tôi cũng dễ nổi giận. Tôi cũng cần chú ý đến điểm này.

(2) “Mấy hôm sau, chị ấy bảo tôi rằng: ‘Em có thể nói chuyện và giúp anh ấy đắc Pháp.’ Tôi thấy không thoải mái lắm với lời khuyên đó, và cũng không biết mình làm thế thì có phù hợp không; nhưng tôi tôn trọng chị ấy nên đã làm theo. Chị ấy là một trong những điều phối viên ở thành phố chúng tôi ở.” Hẹn hò với anh ta theo lời khuyên của học viên A chính là đã có ý muốn kết hôn với anh ta. Như thế, làm sao học viên ấy có thể giải quyết tình huống này? Cô ấy có thể hỏi học viên A, nếu ở cương vị của cô ấy thì cô ấy sẽ ứng xử thế nào. Có lẽ nhờ đó mà cô ấy có thể tĩnh tâm lại mà suy nghĩ vấn đề khách quan hơn.

(3) “Mấy hôm sau, anh ấy tìm gặp tôi và bảo: ‘Nếu em bằng lòng lấy anh, thì anh sẽ theo ngay.’ Ý là anh ấy sẽ học Pháp Luân Đại Pháp. Tôi bèn nói: ‘Anh học thì học thôi, chứ em không thể hứa hẹn anh gì cả.’ Quá thất vọng, anh ấy rời đi. Sau đó, một đồng tu khác biết chuyện bèn trách tôi: ‘Rất có thể cậu đã đánh rớt một người mà theo an bài là lẽ ra có thể đắc Pháp. Nếu anh bạn cậu đi cưới một cô vợ người thường, thì có lẽ anh ta vĩnh viễn sẽ không tu luyện nữa. Anh ta đã nói rõ là sẽ tu luyện với cậu, vậy mà cậu lại xua đuổi anh ấy.’” Ở đây, “học viên B” nói có vẻ hợp lý, nhưng không dựa trên Pháp.

Tu luyện Đại Pháp là việc hết sức nghiêm túc và thần thánh, không thể đối đãi bằng tư tưởng của người thường được. Một người có thể bước vào tu Đại Pháp hay không tùy thuộc vào nhân duyên tiền định với Đại Pháp trong lịch sử, chứ không phải vì được dẫn dắt vào tu luyện bằng lời hứa hôn. Một người có thể đã từng có ân oán với những sinh mệnh khác trong nhiều kiếp sống, đều có thể tác thành hôn nhân trong kiếp này. Nếu có cả chục người như thế lấy cớ bước vào tu luyện Đại Pháp bằng hôn nhân, làm sao cô ấy có thể nhận lời hết cho được? Nếu tình huống này xảy ra với học viên B, cô ấy có khiến họ bước vào tu luyện Đại Pháp bằng lời hứa hôn không?!

Hơn nữa, nữ đồng tu trong cuộc nên dành nhiều thời gian hơn mà tĩnh tâm học Pháp và chân chính suy xét vấn đề dựa trên Pháp, chứ không phải thụ động tiếp nhận lời của người khác. Chẳng hạn: “Nghe vậy tôi chịu luôn, không thốt lên lời, và chẳng biết giải quyết sao nữa. Đúng lúc bấy giờ tôi nghe tiếng thút thít của anh bạn ngoài hành lang, và tôi hình dung rằng có lẽ chủ nguyên thần của anh ta đang khóc vì cảm thấy đang mất đi cơ duyên tu luyện. Thế là tôi đồng ý tiếp tục gặp anh ấy.” Người học viên này đã coi hành động đó là “chủ ý thức của anh bạn kia”, nhưng tôi không nghĩ vậy. Đó có thể là do ma quỷ can nhiễu để khiến cô ấy động tâm. Nếu chủ ý thức của cô ấy mạnh thì sẽ không dễ bị tà ác can nhiễu. Thường thì khi không biết phải xử trí thế nào thì sẽ dễ bị can nhiễu hơn, như Sư phụ giảng:

“…can nhiễu gặp thân nhân đã qua đời; khóc lóc nỉ non, bảo chư vị làm điều này, điều khác; chuyện gì cũng xuất hiện.”(“Bài giảng thứ Sáu” trong Chuyển Pháp Luân)

Vì thế, tôi nghĩ có lẽ còn có nguyên nhân khác khiến anh bạn kia khóc nên học viên này không nên coi nhẹ nó.

(4) “Thế rồi có đồng tu tới gặp tôi nói: ‘Người tu luyện Đại Pháp là vẫn có thể lập gia đình. Không phải như môn tu luyện khác, đã tu là không được kết hôn. Người tu luyện không có tâm chấp trước thì khảo nghiệm nào cũng qua. Kết hôn không ảnh hưởng đến tu luyện.’ Chúng tôi thấy vậy là hợp lý nên chúng tôi cưới nhau.” Câu nói đó không có gì sai. Tuy nhiên: “Người tu luyện Đại Pháp là vẫn có thể lập gia đình” không có nghĩa là học viên nào cũng phải lập gia đình hay tùy tiện kết hôn. Dựa vào đâu mà học viên C có thể bảo đảm rằng nữ học viên này gặp “khảo nghiệm nào cũng qua”? Tại sao học viên C không nghĩ đến tính phức tạp của vấn đề? Có thể nói điều học viên C làm là dùng Đại Pháp làm cớ như người mai mối chứ không phải là trên cương vị là đồng tu. Đây không phải là chuyện nhỏ. Hôm nay, tôi xin thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình, không chỉ vì để giúp học viên C nhận ra, mà còn để nhắn nhủ đồng tu nào còn chưa tĩnh tâm học Pháp và những ai vẫn chưa tu khẩu.

(5) Trước lời cầu hôn của một người đàn ông, một phụ nữ không cần phải quyết định ngay tức thì. Cô ấy có thể nói với anh ta rằng cô ấy cần thời gian suy nghĩ. Nếu không muốn chấp nhận lời cầu hôn đó nhưng vẫn muốn lưu lại cơ hội để anh ta đắc Pháp thì sau đó, cô ấy vẫn có thể lịch sự từ chối.

Đồng thời, khi nói chuyện với anh ấy, cô ấy cần phải nghiêm túc, nhã nhặn, khiến mọi người tôn trọng cô ấy mà không phát sinh tình cảm. Điều đó liên quan đến trạng thái tu luyện, và cô ấy phải nghiêm khắc với bản thân. Khi tâm cô ấy tĩnh và chính thì, trong trường năng lượng thuần tịnh của cô, anh ấy cũng không thể khởi niệm nào không phù hợp. Hơn nữa, cô ấy cũng cần nhớ phát chính niệm loại bỏ dục vọng trong tâm mình. Trong quá trình tu luyện, chúng ta gặp tình huống nào cũng đều không ngẫu nhiên. Không có gì xảy ra với chúng ta mà không liên quan đến tu luyện của chúng ta cả; có thể là để giúp chúng ta tu luyện, cũng có thể là can nhiễu. Nhưng khi trò chuyện để lịch sự khước từ anh ta, cô ấy cần phải nói về Đại Pháp. Cô ấy có thể giải thích thế nào đó để người thường có thể hiểu được. Nói cách khác, chúng ta không nên áp đặt Pháp lý mà các đệ tử Đại Pháp đã ngộ ra cho những người không phải là người tu luyện. Như thế cũng có thể khiến họ hiểu sai về tu luyện Đại Pháp.

Ngoài ra, khi từ chối lời cầu hôn của đối phương thì cũng cần cân nhắc ứng xử thế nào trước cảm xúc của họ. Nếu người từ chối không kiên định thì đối phương có thể cảm thấy bị từ chối và có thể tiếp tục theo đuổi. Người bị từ chối tiếp nhận lời khước từ ra sao vừa liên quan đến tính cách của anh ta, vừa liên quan đến việc người từ chối thể hiện quyết định của mình bằng sự tôn trọng, lịch sự như thế nào.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2007/2/26/149646.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/emh/articles/2007/3/21/83725.html
Đăng ngày: 28-2-2018; bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai để sát hơn với nguyên tác.

Share