Bài viết của Kim Thành, một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 05-01-2018] Từ tháng 1 năm 2001 đến tháng 5 năm 2002, tôi bị giam giữ tại trại lao động cưỡng bức Núi Sư Tử ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vì đã từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Vào thời gian đó, cuộc bức hại diễn ra vô cùng ác liệt. Tất cả các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ ở đó đều bị tra tấn thường xuyên.
Mặc dù bị tra tấn, nhưng nhiều học viên vẫn giữ vững đức tin vào Đại Pháp và chống lại bức hại bằng sức mạnh và lòng dũng cảm.
Bây giờ – 17 năm sau – ký ức về thời gian đó vẫn còn sống động trong tâm trí tôi. Tôi hy vọng rằng những câu chuyện tôi kể dưới đây không chỉ phơi bày sự tàn ác của cuộc bức hại mà còn giúp tôi chứng thực Pháp và thể hiện lòng biết ơn của tôi đối với Sư phụ.
Cuộc bức hại tàn ác
Các nhu cầu cơ bản của cơ thể trở thành hình thức tra tấn
Ngoài đánh đập và các hình thức tra tấn về thể xác khác, các lính canh còn tra tấn chúng tôi bằng hình thức không cho phép chúng tôi sử dụng nhà vệ sinh và ép chúng tôi đại tiểu tiện trong quần. Một học viên nói rằng anh không được phép sử dụng nhà vệ sinh ít nhất 10 tháng một năm. Do hậu quả của tra tấn nên nhiều học viên, trong đó có tôi, đã trở nên không kiểm soát được. Thậm chí 16 năm sau khi được thả, tôi vẫn chưa hồi phục.
Bị các tù nhân đánh đập và lăng mạ
Ở trại lao động có một quy định đặc biệt: các tù nhân phải ngồi xổm và phải ngẩng đầu nhìn lính canh khi nói chuyện với họ.
Tháng 8 năm 2001, dựa vào quy định đó, một lính canh đã kiếm cớ đánh tôi. Lúc ấy, tôi đã cố gắng ngồi xổm nhưng hai chân của tôi bắt đầu rung lên không kiểm soát được. Tôi giải thích với anh ta rằng bệnh tim của tôi tái phát bởi vì hai tù nhân giám sát tôi ngày nào cũng đánh đập và chửi rủa tôi.
Lính canh đã phạt hai tù nhân đó ngồi xổm suốt hai tiếng đồng hồ. Sau lần đó, họ không còn đối xử tệ với tôi nữa.
Tiểu đệ tử Đại Pháp bị tra tấn
Tháng 4 năm 2001, một đệ tử Đại Pháp 14 tuổi đã bị đưa vào trại cưỡng bức lao động. Một nhân viên của trại lao động thường bắt cháu đứng chống đầu vào tường hàng tiếng đồng hồ. Cháu chỉ cần nhúc nhích một chút cũng bị lính canh đánh đập. Thông thường, những người chịu hình thức tra tấn này có thể sẽ bị chóng mặt trong nhiều ngày.
Khi tôi nhìn thấy người nhân viên này tra tấn cháu lần nữa, tôi đã bước về phía anh ta và nói: “Cháu bé không làm gì sai và vẫn còn quá nhỏ. Anh hãy tưởng tượng xem, nếu ai đó làm như vậy với con của anh, anh sẽ cảm thấy như thế nào?”
Nghe vậy, anh ta liền tỏ vẻ bối rối và bỏ đi. Sau đó, anh ta không bao giờ sử dụng hình thức tra tấn này với tiểu đệ tử đó nữa.
Một giáo viên trung học
Ông Âu Dương Minh là giáo viên của trường trung học phổ thông Hoàng Cương – một trường học nổi tiếng trên toàn quốc. Ông bị đưa đến trại lao động cưỡng bức vì đã thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công ở Bắc Kinh.
Vì chịu áp lực của chính quyền, vợ ông đã ly hôn với ông. Sau đó, con gái ông đã viết cho ông một bức thư bằng tiếng Anh để hỏi thăm tình hình của ông ở trại lao động cưỡng bức. Ông trả lời con gái, cũng bằng tiếng Anh, rằng mặc dù điều kiện sống ở đó rất tồi tệ, nhưng đức tin của ông đã giúp ông trở nên mạnh mẽ. Ông nói: “Bố vẫn hạnh phúc miễn là con được bình an vô sự. Đừng lo lắng cho bố”
Vào mùa thu, gia đình ông đã gửi quần áo ấm cho ông, nhưng các tù nhân khác đã lấy chúng. Vì vậy, tôi đã đưa cho ông chiếc quần bông của tôi để giúp ông chống chọi với cái rét vào mùa đông.
Năm 2003, ngay sau khi ông được thả khỏi trại lao động cưỡng bức, chính quyền đã đưa ông trở lại nhà tù. Vì bị tra tấn nên ông đã qua đời vài tháng sau đó, cả hai lá phổi của ông đều bị tổn thương.
Giảng chân tướng giúp cảnh sát thay đổi
Mặc dù bị tra tấn và bức hại tàn bạo, nhưng tôi rất vui khi thấy một số cảnh sát vẫn lắng nghe lương tâm của mình và bí mật bảo vệ các học viên Pháp Luân Công.
Ngày đầu tiên sau khi tôi bị đưa đến trại lao động cưỡng bức, cảnh sát đã lột quần áo và lục soát người tôi. Người cảnh sát làm nhiệm vụ hỏi tôi: “Ông có mang theo thứ gì trên người không?”
Tôi nói rằng tôi có mang theo một bài kinh văn của Sư phụ Lý. Trước sự ngạc nhiên của tôi, thay vì hủy đi bài kinh văn đó, ông đã đọc nó hai lần và bảo tôi nếu còn bài nào khác thì hãy đưa cho ông. Ông nói với tôi rằng ông có một người họ hàng cũng tu luyện Pháp Luân Công, ông biết Pháp Luân Công là tốt và rất thích đọc kinh văn của Sư phụ.
“Nếu gặp chuyện gì thì cứ tìm tôi. Tôi sẽ bảo vệ ông”, ông nói với tôi.
Ở trại lao động cưỡng bức còn có một cảnh sát chuyên làm nhiệm vụ tẩy não chúng tôi. Mỗi tuần anh ta tổ chức một cuộc tẩy não và thường nói về những tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công. Trong một lần tẩy não vào tháng 7 năm 2001, anh ta bỗng nhiên hỏi chúng tôi: “Hãy nói cho tôi biết, các ông được lợi ích gì từ việc tu luyện Pháp Luân Công?”
Tôi tự nhủ: “Cuối cùng thì cơ hội của mình đã đến.” Tôi đã giơ tay và đứng lên nói: “Trước đây, tôi bị bệnh thấp khớp cấp. Xương của tôi bị viêm, tôi thậm chí không cầm được bát trong khi ăn cơm. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã hoàn toàn hồi phục và có thể làm được nhiều việc mà trước đây tôi không làm được.”
Người cảnh sát bỗng thốt lên: “Khí công!” Mọi người trong căn phòng liền cười vang. Sau đó, anh ta không bao giờ tổ chức tẩy não nữa.
Đức tin tỏa sáng
Sư phụ giảng:
“Đệ tử chính niệm túc
Sư hữu hồi thiên lực” (Sư đồ ân, Hồng Ngâm II)
Tạm dịch:
“Đệ tử chính niệm đủ
Thầy có lực hồi thiên”
Sự bảo hộ của Sư phụ thực sự đã giúp chúng tôi vượt qua những tháng ngày đen tối đó. Đồng thời, việc các học viên chúng ta có thể động viên và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc bức hại cũng là một điều trọng yếu.
Ở trại lao động cưỡng bức, một học viên đã thỏa hiệp và ký vào giấy tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công vì bị tra tấn. Sau khi các tù nhân theo dõi chúng tôi để chúng tôi một mình, tôi đã có cơ hội nói chuyện với anh.
“Chúng ta tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và cố gắng trở thành người tốt hơn. Anh sẽ đi về đâu nếu bị Đảng Cộng sản Trung Quốc chuyển hóa?”, tôi nói với anh.
Anh thừa nhận là mình đã phạm sai lầm và cảm thấy rất hối hận. Tôi đã khuyên anh lấy lại bản tuyên bố đó và phủ nhận nó.
Nghe theo lời khuyên của tôi, anh đã lấy lại bản tuyên bố từ cảnh sát và đã hủy nó đi. Việc này khiến cho cảnh sát vô cùng giận giữ, vì vậy họ đã cấm anh ngủ trong vòng nhiều tháng. Anh đã bị mất đi một nửa trọng lượng cơ thể và trở nên hốc hác sau khi được thả khỏi trại lao động cưỡng bức, nhưng đức tin của anh đối với Đại Pháp không bao giờ dao động.
Một học viên khác bị ép phải đứng từ 8 giờ sáng đến nửa đêm mỗi ngày trong ba tháng liên tiếp khiến chân anh bị sưng tấy. Các tù nhân đã trêu chọc anh và tôi đã thấy anh khóc.
“Đừng khóc”, tôi nói. “Chúng ta là đệ tử Đại Pháp, bất kỳ chuyện gì xảy ra với chúng ta đều là hảo sự.”
Anh đã ngừng khóc và trở nên vững vàng hơn. Không lâu sau, chân của anh đã trở lại trạng thái bình thường, lính canh cũng không còn bắt anh đứng nhiều giờ đồng hồ nữa.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/1/5/359293.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/1/9/167526.html
Đăng ngày 31-1-2018; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.