Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Bắc Kinh , Trung Quốc
[MINH HUỆ 6-11-2017] Ngày 2 tháng 11 năm 2017, bà Vương Ngọc Hồng, một học viên Pháp Luân Công đã bị Tòa án Bắc Kinh đưa ra xét xử với cáo buộc đã sở hữu những bản phô tô và bản lưu trên máy tính các tài liệu Pháp Luân Công và các bài báo của các phương tiện truyền thông nước ngoài.
“Việc tu luyện Pháp Luân Công của thân chủ tôi là quyền tự do tín ngưỡng đã được Hiến Pháp bảo vệ, và pháp luật cũng không có điều khoản nào nói rằng tu luyện Pháp Luân Công là phạm pháp .” Luật sư của bà Vương lập luận trong phiên tòa.
Luật sư cũng nói thêm rằng những tin tức báo chí mà bà Vương tải về máy tính từ các trang web truyền thông của nước ngoài hoàn toàn được mọi người khắp nơi trên thế giới tự do truy cập, và chỉ có ở Trung Quốc, người dân mới phải vượt qua kiểm duyệt internet để đọc nó. Luật sư cũng yêu cầu công tố viên giải thích tin tức báo chí như thế nào thì được coi là “bằng chứng” để chống lại thân chủ ông, khi quyền tự do ngôn luận là một quyền công dân cơ bản đã được Hiến pháp công nhận.
Công tố viên đã trích dẫn hai lần trước đây, bà Vương bị quản chế trong các trại lao động cưỡng bức vì tu luyện Pháp Luân Công làm “hồ sơ hình sự” để củng cố cho cáo buộc của mình.
“Việc cải tạo thông qua hệ thống lao động cưỡng bức đã bị chấm dứt vì tính bất hợp pháp của nó. Điều đó cho thấy rằng việc bị giam giữ trước đây của thân chủ tôi là bất hợp pháp và nó không thể được sử dụng để buộc tội bà được.”
Khi luật sư đi sâu vào chi tiết bà Vương đã bị tra tấn trong khi bị giam giữ, thẩm phán Trương Quân đã ngắt lời ông và nói rằng những điều đó không liên quan gì tới vụ án.
Ngoài việc đặt câu hỏi về tính hợp lệ của bằng chứng, luật sư của bà Vương cũng trích dẫn việc cảnh sát đã vi phạm các thủ tục pháp lý khi bắt giữ và lục soát nhà bà Vương. “không ai (cảnh sát) xuất trình thẻ hiệu hay các giấy tờ hợp lệ. Khi cảnh sát xuất trình lệnh khám xét sau đó, thì hiển nhiên là ngày khám xét đã bị sửa đổi.”
Ông kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho bà Vương và yêu cầu thẩm phán ra quyết định đúng đắn dựa trên lương tâm của mình.
Thẩm phán đã hoãn phiên tòa mà không đưa ra được phán quyết.
Bắt giữ
Bà Vương Ngọc Hồng, 54 tuổi là một công nhân Nhà máy Điện lực Bắc Kinh đã nghỉ hưu. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1996 và đã liên tục bị bắt, bị giam giữ và bị kết án kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999.
Bà Vương Ngọc Hồng
Lần bị bắt giữ gần đây nhất của bà là vào ngày 13 tháng 5 năm 2017. Cảnh sát đã đứng đợi bên ngoài cửa căn nhà chung cư của bà từ sáng sớm.
Bà đã bị bắt giữ ngay khi vừa bước chân ra ngoài. Cảnh sát đã lấy chìa khóa và lục soát nhà bà. Họ đã tịch thu máy tính, máy in và các tài liệu Pháp Luân Công của bà.
Cảnh sát cũng bắt và đưa con trai bà về đồn cảnh sát để thẩm vấn. Con trai bà đã được thả vào khoảng nửa đêm hôm đó.
Kể từ đó, bà Vương đã bị giam giữ tại trại tạm giam khu Triều Dương.
Phòng xử án nhỏ
Tòa án khu Triều Dương ở Bắc Kinh lúc đầu đã lên kế hoạch xét xử bà tại trại tạm giam. Theo yêu cầu của bà Vương, thẩm phán đã đổi địa điểm xét xử nhưng địa điểm xét xử mới là một phòng xử án rất nhỏ chỉ có năm chỗ ngồi, và chỉ có chồng và con dâu bà là đươc phép vào phòng xét xử.
Theo lời người nhà bà kể lại, bà Vương bị đưa vào phòng xử án với hai tay và chân bị còng, dáng vẻ hốc hác với mái tóc bạc trắng. Khi luật sư chỉ ra rằng việc còng tay và cùm chân bị cáo trong khi xét xử là vi phạm pháp luật, thẩm phán đã đồng ý tháo còng tay nhưng vẫn cùm chân bà.
Gia đình bà Vương không được phép nói chuyên với bà trước, trong, và sau khi phiên tòa kết thúc.
Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2017/11/6/356387.html
Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2017/11/17/166433.html
Đăng ngày 12-12-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.