Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm,Trung Quốc
[MINH HUỆ 16-7-2017] Kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, ông Dương Phong đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc cầm tù và tra tấn nhiều lần vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công. Ông đã phải chịu tổng cộng 13 năm tù giam.
Ông Dương là người ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ tháng 8 năm 1996. Trước khi tu luyện, ông đã bị nhiều các bệnh tật, bao gồm các bệnh xơ gan, viêm túi mật, thoát vị đĩa đệm và hen suyễn. Tuy nhiên, ông đã hồi phục mọi bệnh tật của mình trong vòng một tháng sau khi tập Pháp Luân Công.
Bị cầm tù và tra tấn trong 13 năm
Ngày 6 tháng 2 năm 2001, ông Dương đã bị cảnh sát bắt giữ vì in các tài liệu Pháp Luân Công. Vài cảnh sát, bao gồm Lý Thế Trường, Trưởng phòng số 1 thuộc Sở cảnh sát Trường Xuân, đội trưởng Lý Hưng Đào, Lưu Hội Bân đã thẩm vấn và tra tấn ông.
Họ đã dùng thắt lưng đánh vào đầu ông và trói ông vào ghế cọp, còng tay và chân ông. Vào mùa đông lạnh, họ cởi hết quần áo của ông ra, mở rộng cửa sổ và dội nước lạnh vào người ông. Họ cũng sốc điện vào cổ ông.
Ông đã bị giam 1,4 năm tại trại giam Thiết Bắc trước khi bị Tòa án khu Nam Quan kết án 13 năm tù giam.
Tháng 3 năm 2002, ông Dương bị đưa tới nhà tù Cát Lâm.
Lý Vĩnh Sinh ở “bộ phận giáo dục” đã cử bốn tù nhân thay phiên nhau liên tục giám sát ông Dương.
Ông Dương bị tra tấn ở giường chết một tuần. Ông cũng bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong thời gian dài, và không được phép tiếp xúc với bất kỳ ai.
Tình trạng thể chất của ông xấu đi nhanh chóng do bị tra tấn. Ông không thể ăn được và trở nên hốc hác. Cơ bắp chân của ông bi teo lại và bị ghẻ lở khắp người.
Một lần, ông Dương bị các phạm nhân Lưu Kim Bưu và Uông Thành đánh đập vì đã cùng với một học viên khác nhẩm học Pháp.
Tháng 3 năm 2005, ông bị chuyển tới nhà tù Thiết Bắc và bị giam giữ ở đó một năm. Tháng 3 năm 2006, ông bị chuyển tới nhà tù Công Chủ Lĩnh.
Ngày 16 tháng 4 năm 2006, ông bị các lính canh bắt gặp khi đang dùng sách điện tử để học Pháp và ông đã bị giam vào một xà lim biệt lập trong nhà tù Công Chủ Lĩnh. Ông đã bị tra tấn trong 14 ngày khi ở trong xà lim đó. Ông bị trói vào giường với cả chân và tay bị giang rộng. Lữ Cương, trưởng buồng giam Số 5 đã sốc điện và liên tục tát vào mặt ông.
Ngày 16 tháng 5 năm 2009, Âm Ngọc Huy, giám đốc mới được bổ nhiệm đã gọi ông Dương lên phòng làm việc riêng của ông ta, bởi ông Dương không đeo bảng tên và từ chối lao động nặng nhọc.
Âm đã chỉ định ba tù nhân để đánh đập ông Dương. Ông Dương bị trói chặt xuống sàn nhà với hai tay bị buộc chặt sau lưng. Họ đã giẫm lên người ông và sốc điện ông, cổ ông đã bị dùi cui điện đốt cháy.
Ông Dương đã buộc phải tham gia các phiên tẩy não từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2010, nơi ông bị buộc phải ngồi trên một cái ghế nhỏ suốt ngày và nghe các chương trình đã được ghi âm sẵn có nội dung phỉ báng Pháp Luân Công. Ông cũng bị buộc phải viết các báo cáo “tự kiểm điểm”, một nỗ lực của nhà tù để buộc ông Dương phải từ bỏ đức tin của mình.
Ngày 7 tháng 2 năm 2014, ông Dương được trả tự do.
Những khó khăn to lớn sau khi đươc trả tự do
Năm 2004, vợ ông Dương đã ly dị ông khi ông đang ở trong nhà tù Cát Lâm vì không chịu nổi những áp lực to lớn và sự sách nhiễu của chính quyền. Mẹ ông vì đau buồn và nhớ thương ông nên đã qua đời vào gần dịp Têt Nguyên Đán năm 2013.
Cuộc bức hại cũng khiến cho kinh tế gia đình ông bị thiệt hại nghiêm trọng. Nhà ông đã bị cảnh sát lục soát nhiều lần. Vài máy tính, máy in, và 5400 tệ tiền mặt đã bị cảnh sát tịch thu và không bao giờ được trả lại.
Ông Dương từng làm việc trong một công ty năng lượng với mức lương hơn 100.000 tệ một năm, nhưng đã bị sa thải khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu.
Sau đó, ông làm việc cho một công ty taxi, nhưng vài tháng sau khi ông bị bắt, xe của ông đã bị cảnh sát tịch thu. Sau đó, ông phải trả cho công ty taxi hơn 10.000 tệ tiền bồi thường.
Những lần bị bắt giữ trước
Không lâu sau khi cuộc bức hại bắt đầu, ông Dương đã bị các nhân viên ở đồn cảnh sát Cát Lâm và Sở cảnh sát Nhị Đạo bắt giữ vì từ chối từ bỏ đức tin của mình. Ông đã bị giam giữ tại Nhà tạm giam Daguang 15 ngày. Đó là vào khoảng thời gian tháng 8, đầu tháng 9 năm 1999.
Trong một nỗ lực nhằm ngăn cản ông Dương tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, các cảnh sát ở Cát Lâm và Nhị Đạo đã giam giữ ông Dương ở Nhà tạm giam Bát Lý Bảo từ ngày 29 tháng 9 đến ngày 8 tháng 10 năm 1999.
Tuy nhiên, ông Dương đã không tới được Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Ông đã bị bắt và áp giải về Trường Xuân và bị giam 15 ngày, từ ngày 14 đến ngày 26 tháng 10. Một nhân viên ở Nhà tạm giam Đại Quảng đã đấm vào mặt, ngực và vào dạ dày ông Dương.
Tháng 3 năm 2000, ông Dương lại bị các cảnh sát ở đồn cảnh sát Cát Lâm bắt giữ và tuyên bố việc bắt giữ này nhằm mục đích để “ổn định trật tự xã hội.”. Ông bị đưa tới Sở cảnh sát Nhị Đạo và bị các nhân viên cảnh sát tát vào mặt hàng chục lần.
Sau đó, ông bị đưa vào Trại tạm giam Thiết Bắc số 1 trong 30 ngày và bị bốn nhân viên cảnh sát vừa thẩm vấn vừa tra tấn trong hơn hai giờ đồng hồ. Phương pháp tra tấn đó bao gồm kéo căng cánh tay và buộc ông phải ngồi vào ghế hổ.
Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2017/7/16/351059.html
Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2017/8/10/164976p.html
Đăng ngày 20-8-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.