Bài của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 03-02-2017] Hơn chục năm qua, cha mẹ của ông Triệu Hồng Lợi, hiện đã 83 và 76 tuổi, đã đi tìm công lý cho con trai bị kết án tù phi pháp.
Bất chấp tuổi tác và mạo hiểm với sự an toàn của mình, cặp vợ chồng già thường xuyên tới sở cảnh sát địa phương, viện kiểm sát, và các tòa án, song họ chỉ nhận được sự đe doạ, từ chối và thậm chí chính họ cũng bị bắt.
“Chừng nào con trai tôi còn bị giam, tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm công lý cho nó. Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc!” bà mẹ già Lục Phong Trân, 76 tuổi, phân trần.
Ông Triệu Hồng Lợi, 48 tuổi, đã mất gần nửa cuộc đời ngồi tù suốt hai thập niên qua. Ông bị kết án tù ba lần, với tổng thời gian lên tới 24 năm. Ông hiện đang thụ án bản án thứ ba với kỳ hạn 6 năm tại Nhà tù Tân Châu.
Bản án đầu tiên: Bị đối tác kinh doanh dựng chuyện
Vào đầu những năm 20 tuổi, ông Triệu làm ăn với một vài người bạn. Ông sớm phát hiện ra đối tác kinh doanh dính líu tới việc buôn bán di vật văn hoá. Ông đã quyết định ngừng làm ăn với họ, nhưng lại bị bạn của ông vu cho là ăn cắp tiền. Cuối cùng, ông Triệu lĩnh án 6 năm tù vào năm 1994. Khi cha mẹ ông kháng án, tòa án phúc thẩm đã tăng án thành 10 năm tù.
Ông Triệu bị bệnh tim bẩm sinh. Trong khi cha mẹ ông lo lắng vì thiếu điều kiện y tế trong tù, ông Triệu bắt đầu học Pháp Luân Công và bệnh tim của ông đã biến mất.
Nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công cũng thay đổi tính cách của ông. Ông từ bỏ ý định báo thù những người đã vu oan cho ông. Trong một tai nạn ở trong tù, ông đã mạo hiểm cứu một người khác. Kết quả là, ông được thả sớm vào năm 1999.
Bản án thứ hai: Bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công
Không lâu sau khi ông Triệu được ra tù, trước khi bắt đầu một cuộc sống mới, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) triển khai cuộc bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc vào năm 1999, khiến sinh mệnh của ông lại rơi vào vòng nguy hiểm.
Năm 2004, ông Triệu bị bắt lần thứ hai vì in tài liệu về Pháp Luân Công. Lần này ông lĩnh án tù 8 năm. Cảnh sát và toà án đã không thông báo cho gia đình của ông về việc bắt giữ và bản án của ông cho tới khi ông bị tống vào tù.
Bị tra tấn trong tù
Ông Triệu chuẩn bị các tài liệu để kháng án, nhưng một lính gác tù đã tịch thu giấy tờ của ông và tước quyền khiếu kiện. Để phản đối, ông Triệu đã tuyệt thực vài tháng. Bác sỹ nhà tù đã bức thực ông.
Ông bị suy nhược và không đứng được, thậm chí còn không nói được. Khi các bác sỹ dùng liệu pháp tiêm vào tĩnh mạch của ông, loay hoay mãi họ mới tìm được ven mà đâm kim vào.
Khi đang trong tình trạng thập tử nhất sinh, ông Triệu bị chuyển sang nhà tù Trầm Dương, rồi lại tiếp tục bị tra tấn; ông bị trói vào một chiếc giường trong tư thế đại bàng giương cánh.
Bản án thứ ba: Tiếp tục bức hại
Sau khi sống sót sau khi bị tra tấn kinh hoàng cả về thể chất và tinh thần ở trong tù, ông Triệu trở về nhà vào năm 2012. Chỉ một năm sau đó, ông lại bị bắt lại vào ngày 7 tháng 9 năm 2013 vì phổ biến các thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công bằng điện thoại di động cá nhân. Chỉ huy Phòng An ninh Nội địa đã đe dọa gia đình ông rằng ông sẽ phải lĩnh án nặng và sẽ phải sống khổ sở nếu họ nộp đơn kiện cảnh sát.
Ông Triệu bị cảnh sát tại đồn cảnh sát tra tấn tàn bạo. Khi ông bị chuyển tới nhà giam, ngay cả cán bộ ở đó cũng bị sốc trước những vết thương trên thân thể ông.
Trong phiên xử, thẩm phán trưởng đã đe doạ luật sư của ông rằng ông ấy sẽ treo quyền biện hộ của luật sư nếu luật sư đề cập tới việc cảnh sát đánh đập ông Triệu.
Trong bản án, số lượng tin nhắn mà ông Triệu đã gửi về Pháp Luân Công bị thay đổi từ 10 thành 77, và số lượng các tài liệu khác được tìm thấy ở nhà ông cũng bị phóng đại lên. Với cảnh sát, viện kiểm sát và tòa án thao túng để ngụy tạo tội trạng cho ông, ông Triệu đã bị tuyên án lần thứ ba với 6 năm tù giam.
Ông bị từ chối thăm thân trong một thời gian dài. Khi gia đình ông gặp được ông sau nhiều chuyến tới nhà tù, họ hầu như không nhận ra ông nữa. Mặt của ông sưng to và biến dạng ghê gớm. Khi mẹ ông hỏi điều gì đã xảy ra với ông, ông Triệu chỉ nói với bà: “Mẹ à, đừng hỏi. Nơi này không dành cho con người.” Mẹ ông ngã xuống sàn và khóc.
Nỗ lực tìm kiếm công lý của cha mẹ
Sau khi bị kết án, tòa án và nhà tù đã từ chối đưa bản cáo trạng cho gia đình ông Triệu, khiến họ không thể kháng án cho ông. Mẹ ông Triệu đã bốn lần tới Văn phòng Kháng cáo Bắc Kinh, nhưng đều bị cảnh sát địa phương chặn lại và trả về địa phương. Bà đã viết hàng trăm là thứ tới các phòng ban liên quan, nhưng đều không nhận được hồi âm.
Cuối cùng, khi bà nhận được một bản cáo trạng vào năm 2015, bà đã sốc khi thấy tòa đã cáo buộc ông Triệu tội ăn cắp, hiển nhiên là sai.
Hai ông bà lão kháng cáo lên Tòa án Phúc thẩm ở tỉnh Liêu Ninh. Tòa đã tiếp nhận đơn, nhưng liền bác bỏ đơn kiện của hai ông bà và giữ nguyên tội ăn cắp ban đầu.
“Điều họ làm đơn thuần là không thể chấp nhận nổi! Rõ ràng vụ này là sai và bị ngụy tạo, nhưng tòa án phúc thẩm còn che đậy cho họ và bác bỏ đơn kháng án của chúng tôi”, một người trong gia đình nói.
Giữ vững hy vọng
Bất chấp tất cả những gì ông Triệu và gia đình ông đã phải chịu đựng, ông Triệu vẫn lạc quan và hy vọng một tương lại tươi sáng.
Trong một lá thư viết cho các học viên Pháp Luân Công bị giam cầm khác, ông nói, “Tôi có thể cảm thấy sức mạch từ tu luyện mỗi ngày. Bất kể họ tra tấn tôi thế nào, tôi sẽ không từ bỏ tu luyện. Tôi chỉ có một niệm trong tâm: ‘Kiên định’. Các đồng tu của tôi, tôi tin chúng ta sẽ chứng kiến ngày tất cả bóng tối sẽ tan biến.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/2/3/342621.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/2/20/162247.html
Đăng ngày 9-3-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.