Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 12-5-2017] Tôi là một sinh viên đại học ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc Đại lục. Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ năm 2015. Trong hai năm qua, Pháp Luân Đại Pháp đã chuyển biến tôi từ một người có tư tưởng xấu xa, tham lam thành một sinh viên đại học chăm chỉ, có chí hướng.

Nhân Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới năm nay, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của mình để bày tỏ lòng biết ơn tới Sư phụ Lý, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp. Tôi cũng muốn giúp mọi người trên thế giới, đặc biệt là các bạn của tôi, có thể thấy được sự vĩ đại của Pháp Luân Đại Pháp.

Tu xuất tâm từ bi

Không nói lời thô tục

Ngày nay, mọi người thường nói những từ ngữ thô tục một cách tùy tiện, kể cả sinh viên đại học, những người tưởng chừng đang được giáo dục tử tế. Một số từ ngữ thô tục còn được lan truyền rộng và sử dụng như tiếng lóng phổ biến.

Sống trong thùng thuốc nhuộm lớn xã hội người thường, tôi cũng không phải là ngoại lệ. Tôi đã hình thành một thói quen xấu hay nói các từ ngữ tục tĩu. Lúc đầu tôi thấy như thế là hay ho. Dần dần thói quen xấu đó trở thành “phản xạ có điều kiện”. Khi muốn mắng chửi người khác, tôi nói lời thô tục, khi nói chuyện đùa, tôi cũng nói lời thô tục, khi chào hỏi người khác, tôi cũng nói lời thô tục. Sau này, ngay cả khi hắt hơi, xe đạp bị tuột xích, hay rảnh rỗi không có việc gì làm, tôi cũng nói lời thô tục.

Khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi biết đây là hành vi sai trái và quyết định sẽ từ bỏ nó. Tuy nhiên nó đã trở thành thói quen. Làm thế nào để trừ bỏ? Tôi ép bản thân phải tu Nhẫn. Vì là một học viên mới, ý chí của tôi không mạnh mẽ, do đó nhiều lần tôi vẫn thốt ra những từ ngữ dơ bẩn. Thỉnh thoảng khi tôi không tuân theo Pháp và trong tâm đầy những toan tính của người thường, những lời thô tục lại tuột ra khỏi miệng.

Sư phụ đã giảng:

“Có người cũng biết rằng nó không tốt, nhưng không cai hẳn được. Thực ra tôi nói với mọi người rằng [vì] họ chưa có một tư tưởng thích đáng chỉ đạo [cho việc này]; nên họ muốn bỏ nó như vậy không dễ.” (Bài giảng thứ bảy – Chuyển Pháp Luân)

Pháp của Sư phụ đã nói đúng vào vấn đề của tôi. Một lần, khi tôi đang nghe nhạc Phổ Độ, tôi cảm thấy một luồng năng lượng ấm áp chạy thông thấu trong thân thể và hai chữ “Từ bi” hiện lên trong đầu tôi. Đúng vậy. Là một học viên Đại Pháp tu luyện theo Chân – Thiện – Nhẫn, chẳng phải chúng ta cần tu xuất tâm từ bi sao? Chẳng phải cần mở rộng tấm lòng khoan dung với với tất cả chúng sinh sao? Khi tôi nói những lời bất hảo, tâm từ bi của tôi ở đâu? Chính niệm của người tu luyện ở đâu?

Khi minh bạch được Pháp lý này, tôi bắt đầu kiểm soát từng niệm của mình. Tôi nghĩ đến người khác trước và trong thâm tâm mong muốn những điều tốt cho họ. Tôi khoan dung trước những khuyết điểm của người khác.

Kết quả là trạng thái tu luyện của tôi cũng thay đổi đáng kể. Trước kia tôi phải ép bản thân ngậm miệng lại mỗi khi muốn nói những lời tục tĩu. Giờ thì khác hẳn. Khi những từ ngữ dơ bẩn xuất hiện trong đầu, tôi cảm thấy không thoải mái và biết chúng là xấu.

Tôi đã có thể xác định được những tâm chấp trước của mình, bao gồm tâm ngạo mạn, thích thể hiện bản thân, và các suy nghĩ xấu khác. Khi tôi buông bỏ được chấp trước, tôi không còn nói những lời xấu và chúng cũng không còn xuất hiện trong tâm trí tôi. Đã lâu rồi tôi không còn nói những từ ngữ đó nữa.

Sau khi tu xuất được tâm từ bi, tôi nhìn thế giới với một con mắt hoàn toàn khác.

Sư phụ đã giảng:

“Khi tâm từ bi của chúng ta xuất hiện, có thể thấy rằng chúng sinh đều khổ, thấy ai cũng khổ; sẽ xuất hiện vấn đề này.” (Bài giảng thứ bảy – Chuyển Pháp Luân)

Giúp đỡ người khác và mong muốn điều tốt cho họ

Từ khi bước vào tu luyện, tôi đã dần dần thay đổi. Khi giao tiếp với người khác, tôi không còn nhìn vào những thiếu sót của họ. Tôi muốn giúp đỡ họ, mong muốn điều tốt cho họ và đó đã trở thành phản xạ có điều kiện của tôi.

Một lần có một bạn cùng phòng của tôi uống say và nôn mửa trong phòng ký túc xá. Cậu ấy ngồi trên ghế và không đứng dậy được. Lúc đó đã nửa đêm và tôi sắp đi ngủ. Những người khác trong phòng mặc kệ cậu ấy và chơi trò chơi trên điện thoại. Còn tôi thì bắt đầu lau dọn sàn nhà.

Trước khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi sẽ không bao giờ làm điều này. Tôi là người cực kỳ sạch sẽ, đến mức uống nước cũng phải đứng xa nhà vệ sinh. Chỉ cần nhìn thấy một chút bẩn, tôi đã thấy buồn nôn và không ăn nổi.

Tuy nhiên, tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và buông bỏ các tâm chấp trước đã khiến tôi mạnh mẽ hơn, linh hoạt hơn và biết nghĩ cho người khác. Dọn dẹp nhà vệ sinh trong phòng ký túc xá đã thành công việc của tôi. Đó là điều không tưởng trước khi tôi tu luyện. Chính tâm từ bi và thiện tâm xuất ra trong tu luyện đã khiến tôi thay đổi trở thành con người hôm nay.

Đối diện với cám dỗ vẫn kiên trì tuân theo Chân – Thiện – Nhẫn

Tại trường, chúng tôi được dạy rằng phát triển kinh tế mới là đạo lý đúng đắn, và tiền là tiêu chuẩn để đánh giá mọi thứ. Do đó, ai cũng tranh đấu vì lợi ích cá nhân bằng mọi giá, thậm chí sẵn sàng dùng những mánh khóe hoặc làm tổn thương người khác.

Trước khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi cũng đi theo con đường đó và chấp trước vào lợi ích cá nhân rất nặng nề. Giờ tôi đã hiểu các tiêu chuẩn của Đại Pháp. Tôi hiểu được hoạ hay phúc trong cuộc đời đều có nhân duyên; trọng đức hành thiện, thuận thiên thừa mệnh mới là con đường chính đạo để có được hạnh phúc. Dần dần tôi cũng coi nhẹ những lợi ích cá nhân.

Trong tu luyện không thể tránh khỏi những cám dỗ hoặc khảo nghiệm, nhưng tôi luôn giữ tâm thanh tỉnh.

Một lần có chương trình giải thưởng tại trường đại học, và tôi là một ứng viên cho giải thưởng đó. Tôi là một người tổ chức sự kiện xuất sắc, các giáo viên và bạn học đều thừa nhận khả năng của tôi. Các sinh viên đàn anh và chủ tịch hội sinh viên lúc đó cũng muốn trao cho tôi giải thưởng này.

Tuy nhiên, ứng cử viên phải là một thành viên của Đoàn thanh niên còn tôi thì không phải, vì vậy tôi đã từ chối. Vị chủ tịch vẫn tiếp tục động viên tôi nộp bản ứng cử, và nói rằng các giám khảo có thể bỏ qua việc tôi không phải là thành viên của Đoàn thanh niên và chấp thuận. Nhưng tôi đã không đổi ý.

Hầu hết các bạn học ở vị trí của tôi đều sẽ đi lấy giải thưởng đó, bởi nó có thể giúp tôi có được sự công nhận, học bổng, và nhiều cơ hội việc làm tốt.

Nhưng tôi nhìn sự việc này theo cách khác. Sư phụ đã dạy chúng ta:

“Con người trong xã hội người thường, kẻ tranh người đoạt, kẻ lừa người dối, chỉ vì chút đỉnh lợi ích cá nhân mà làm hại người khác; các tâm ấy đều phải vứt bỏ. Nhất là với những người học công tại đây hôm nay, những tâm ấy lại càng phải vứt bỏ hơn nữa.” (Bài giảng thứ nhất – Chuyển Pháp Luân)

Bởi vì giải thưởng này không phải dành cho tôi, vậy sao tôi có thể tranh đấu vì nó? Tôi rất bình tĩnh và không hối tiếc gì cả. Điều thú vị là không lâu sau đó, tôi đã đạt giải nhất trong một cuộc thi học thuật, đây là vinh dự lớn hơn trong mắt phần lớn các sinh viên.

Chuyên ngành của tôi đòi hỏi phải vượt qua nhiều kỳ thi chuyên môn như hành nghề kế toán, chứng khoán, hợp đồng tương lai và CPA. Những khoá học ôn thi như thế này không được tổ chức ở trường đại học. Chúng tôi phải tham gia các khoá học trực tuyến trên mạng. Một số sinh viên không muốn chi trả cho những khoá học trực tuyến. Trong suốt thời gian ôn thi, có những sinh viên đã tải các khoá học trực tuyến xuống và chia sẻ cho những người khác thông qua WeChat hoặc một số ứng dụng nhóm trực tuyến khác.

Là một đệ tử Đại Pháp, tôi hiểu được pháp lý:

“Trong vũ trụ này có một [Pháp] lý, gọi là ‘bất thất giả bất đắc, đắc tựu đắc thất’, chư vị chẳng mất, [nó] cưỡng chế chư vị phải mất.” (Bài giảng thứ nhất – Chuyển Pháp Luân)

Những khoá học trực tuyến là thành quả lao động vất vả của các giáo viên. Mọi người ai muốn học thì chắc chắn cần phải trả tiền. Học từ các khoá học lậu thì cũng tương đương như ăn cắp vậy.

Người nào làm vậy chính là đang phá vỡ phúc phận của mình. Người ấy càng được nhiều thì càng mất nhiều. Là một học viên, làm như thế chính là đang tạo thêm nghiệp trên con đường tu luyện của mình.

Tôi không xuất thân từ gia đình giàu có, nhưng tôi thà tiết kiệm tiền để trả cho các khoá học trực tuyến còn hơn là đi ngược lại với tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn, để mất đi đức quý giá và đổi lấy nghiệp lực cũng như làm tổn thương người khác.

Những việc như vậy, mặc dù nhiều người thường chính trực cũng có thể làm được, nhưng tôi biết rằng, Pháp Luân Đại Pháp giúp người ta hiểu thấu được mối quan hệ nhân duyên và được mất bên trong, thực sự minh bạch được lý do tại sao mình nên làm như vậy. Khi đối diện với cám dỗ có thể giữ vững không bị mê hoặc, không phải tôi ép buộc mình làm vậy, mà từ nội tâm tôi muốn làm một người tốt. Pháp Luân Đại Pháp thật sự có thể cải biến nhân tâm.

Tu Đại Pháp không cầu danh lợi mà vẫn hạnh phúc

Tuy mới tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được hai năm, nhưng tôi đã có những chuyển biến đáng kể. Tôi đã thay đổi chỉ trong vài ngày. Bề ngoài tôi vẫn là tôi hai năm trước đây, nhưng bên trong đã là con người hoàn toàn khác. Ba chữ Chân – Thiện – Nhẫn đã khắc sâu trong sinh mệnh của tôi. Tôi là một sinh mệnh do Pháp Luân Đại Pháp tạo thành

Những trải nghiệm tu luyện của tôi dường như rất bình thường, bởi tôi tu luyện trong người thường, làm những sự việc người thường, nói ngôn ngữ người thường và vẫn gặp những vấn đề khúc mắc trong xã hội người thường. Nhưng là một học viên, cảnh giới tu luyện của tôi không ngừng thăng hoa.

Những ma nạn mà tôi gặp phải, đúng là nhọc cái gân cốt khổ cái tâm chí, đối với người thường sẽ gây cho họ tổn thương nếu họ không thể buông bỏ nó đi. Là một học viên, mọi việc sẽ khác. Tôi hướng nội để tìm ra chỗ thiếu sót và đề cao tâm tính bản thân. Sau ma nạn tôi sẽ ngộ ra được Pháp lý, điều đó thật kỳ diệu và thần thánh không từ ngữ nào diễn tả được. Cảnh giới thù thắng đó, chỉ người tu luyện mới hiểu được.

Tôi thường xuyên nhắc nhở bản thân lời Sư phụ giảng:

“Thời thời tu tâm tính,
Viên mãn diệu vô cùng.” (Chân tuHồng Ngâm)

Tôi biết rằng mình còn rất nhiều tâm chấp trước và thiếu sót, do đó tôi cần tiếp tục đề cao. Tôi rất hạnh phúc khi được tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Tôi sinh ra vào thập niên 90. Khi còn là một đứa trẻ, tôi không biết Đại Pháp đã truyền rộng tại Trung Quốc. Lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Đại Pháp thì tôi còn rất nhỏ. Thế hệ chúng tôi không được chứng kiến thời kỳ Đại Cách mạng Văn hoá và cuộc thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989. Chúng tôi sống trong một môi trường bị cô lập và bị tẩy não bởi ĐCSTQ. Nhiều người đã đánh mất bản thân trong thế giới vật chất này, đánh mất tư duy độc lập và lương tâm của họ.

Vẫn còn có rất nhiều người đang hiểu lầm về Pháp Luân Đại Pháp. Trong môi trường thế này cũng rất khó để biết được chân tướng Pháp Luân Đại Pháp. Tôi rất vui khi nhìn thấy rất nhiều học viên Đại Pháp cùng lứa tuổi của tôi đang tu luyện một cách âm thầm, không ngừng đề cao phần tiêu chuẩn đạo đức, cự tuyệt những cám dỗ và trở thành người tốt trong thế giới hỗn loạn này, giống như hoa sen mọc lên trong bùn vậy.

Tôi chân thành hy vọng rằng những người Trung Quốc trân quý có thể hiểu được chân tướng của Pháp Luân Đại Pháp. Các bạn sẽ được phúc báo khi biết được chân tướng. Thậm chí khi các bạn không muốn tu luyện, các bạn có thể tuân theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, tin vào thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, trọng đức hành thiện.

Nếu người dân Trung Quốc chúng ta muốn có được tương lai tốt đẹp, chúng ta không thể dựa vào những chính trị gia hay lãnh đạo doanh nghiệp, mà chỉ có thể dựa vào bản thân chúng ta với chính niệm và chính nghĩa.

Tôi mong muốn bình an cho tất cả mọi người trên thế giới. Con xin cảm tạ Sư tôn vì sự cứu độ từ bi của Ngài!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/5/12/【庆祝513】在校大学生-修炼大法-品行端正-346891.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/5/29/164040.html

Đăng ngày 7-8-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share