Bài viết của Kim Phong

[MINH HUỆ 19-6-2017] Trong Đạo Thiền, có một cụm từ là “Khẩu đầu thiện” hay “Khẩu Thiền”, mà ngày nay thường được gọi là “câu cửa miệng.”

Trong Đạo Thiền, từ này ý chỉ những hòa thượng vốn chỉ nói thuyết mà không thực tu. Ở đây, tôi muốn chia sẻ việc mình đã từ quan điểm tu luyện Đại Pháp để nhận ra những chấp trước ẩn sau các “câu cửa miệng” trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Con người thì đa dạng về tính cách, kinh nghiệm, môi trường, quan niệm, nền tảng giáo dục, v.v.., nên mỗi người có thể có những câu cửa miệng đặc trưng của bản thân.

“Tôi thật đáng thương”

Hãy lấy một học viên lớn tuổi nào đó làm ví dụ. Học viên này thường kể lể về quá khứ của bà, từ khi mới sinh cho tới nay: Bà đã trải qua khó khăn gian khổ thế nào khi còn thơ ấu; bố mẹ đã đối xử tệ với bà ra sao; hôn nhân bất hạnh cùng một người chồng tồi tệ; mẹ chồng và chồng đã lợi dụng bà thế nào; con dâu đối xử tệ bạc với bà thế nào; tình trạng thất nghiệp hiện tại; và rồi những người khác thì đang sống sung sướng ra sao. Câu cửa miệng của bà là: “Tôi thật đáng thương.”

Sư phụ giảng:

“Họ dùng tiêu chuẩn người thường mà xét sự việc trên cao tầng; làm sao có thể thế được? Do đó thường hay xuất hiện vấn đề như vậy: coi những khổ [nạn] trong cuộc đời là bất công đối với mình; có nhiều người suy sụp mà rớt xuống.” (Bài giảng thứ tưChuyển Pháp Luân)

Các bạn đồng tu, xin hãy đối chiếu mình trong đoạn Pháp này! Nhìn nhận bản thân là đáng thương để hy vọng giành được sự cảm thông của người khác ư? Nó là [chấp trước] dựa trên cầu mong hạnh phúc trong thế gian này. Đó là biểu hiện của Tình.

Là học viên Đại Pháp, chúng ta nên nhìn nhận mọi thứ từ quan điểm của chính Pháp lý: Sư phụ đã tuyển trạch chúng ta từ hàng tỉ người, chúng ta thật may mắn và vinh hạnh làm sao! Chúng ta là những học viên Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp, được sống cùng thời cùng tại thế gian với Sư phụ, được trợ Sư Chính Pháp. Đây là vinh diệu vĩ đại nhất. Vậy sao chúng ta còn coi hoàn cảnh của mình là “đáng thương”?

Thay vì đó, chúng ta nên nói: “Tôi thật vinh dự là một học viên Đại Pháp!”

“Nghe tôi nói này!”

Trong các buổi gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm, một vài học viên thường nói: “Nghe tôi nói này!”

Câu cửa miệng này là biểu hiện của văn hóa Đảng, nó phơi bày chấp trước vào tự ngã, và đôi khi, là tâm bất nhẫn và tranh đấu của người nói.

Chúng ta nên bảo trì tâm thái bình hòa, thành tâm, và tôn trọng trong khi chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của bản thân với những học viên khác. Chúng ta nên thể hiện ra phong thái của đệ tử Đại Pháp và không nên ngắt lời hay áp đặt ý kiến bản thân lên người khác khi họ đang nói. Điều này cũng trợ giúp trong việc chúng ta cứu người. Hơn nữa, hành xử của chúng ta sẽ ảnh hưởng tới những thế hệ tương lai, vì thế chúng ta nên đối đãi với vấn đề này bằng thái độ nghiêm túc.

Dùng lời lẽ thô tục

Tôi chú ý thấy rằng nhiều học viên ở địa phương mình dùng những lời lẽ thô tục, đặc biệt là một số học viên nam. Những từ ngữ thô lỗ buột khỏi miệng khi họ gặp rắc rối và can nhiễu, hoặc khi họ tức giận. Một số từ ngữ trộn lẫn với những lời phàn nàn hay oán hận. Một số học viên nói rằng họ đã quen việc sử dụng những từ ngữ thô tục đến mức thậm chí họ không nhận thức được nó.

Đây là một thói quen xấu. Nó cũng là một kiểu văn hóa Đảng. Nó hủy hoại hình ảnh của các học viên Đại Pháp và gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc cứu người. Là học viên Đại Pháp, chúng ta nên nghiêm khắc với bản thân trong vấn đề tu khẩu và không nên dùng những lời lẽ thô lỗ.

Tôi đã nghe các bạn đồng tu sử dụng nhiều câu cửa miệng khác, như: “Không có gì”, “Ổn thôi”, “Thật nhàm chán”, “Vô vị quá”, v.v..

Nếu hướng nội một chút, chúng ta có thể nhận ra nhiều chấp trước ẩn sâu sau những câu này. Tất cả chúng đều là những chấp trước mà chúng ta nên tu bỏ.

Chúng ta hãy cùng tu luyện tinh tấn và xứng đáng với ơn cứu độ của Sư phụ.

Hợp thập!


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2017/6/19/349554.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/7/7/164556.html

Đăng ngày 1-8-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share